Một phiên bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên ASPI The Strategist (15/6/2022) và trên Asialink Insights (16/6/2022).
Cuộc khủng hoảng Ukraine buộc Việt Nam phải đánh giá lại quan hệ với Nga và tiếp tục giảm phụ thuộc vào người bạn cũ là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu.
Cuộc chiến Ukraine làm lung lay quan niệm cơ bản về tư thế quốc phòng của Việt Nam – vốn coi Nga là nguồn cung cấp tin cậy các loại vũ khí chủ yếu để răn đe Trung Quốc.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã đẩy Việt Nam vào một vị thế khó xử về chính trị và ngoại giao, bị mắc kẹt giữa yêu cầu phải tránh lên án Nga và yêu cầu phải xoa dịu tình cảm của người dân Việt Nam muốn ủng hộ Ukraine.
Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược, trước khi bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (đầu tháng 4) loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Nhưng Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu và là một đối tác chiến lược chính của Việt Nam nhằm đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc ở khu vực.
Có mấy nhân tố ràng buộc Việt Nam với Nga và đặt Hà Nội vào một vị thế khó xử khi phải đối phó với vấn đề Nga xâm lược. Thứ nhất, trong lịch sử Nga là một nước chủ chốt đã ủng hộ Việt Nam. Thứ hai, Nga là nguồn nhập khẩu vũ khí chủ yếu cho Việt Nam. Thứ ba, Nga là một đối tác chính trong các dự án về dầu khí tại Biển Đông. Việt Nam không thể liều đánh đổi tư thế sẵn sàng chiến đấu bằng cách công khai lên án Nga.
Trong tương lai trước mắt, Hà Nội sẽ vẫn duy trì chính sách “Bốn không”, trong đó không tham gia liên minh quân sự, không theo nước này để chống nước khác, không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Việt Nam, và không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách quốc phòng này liên quan đến Biển Đông – hiện tình hình chưa đủ cấp bách để từ bỏ chính sách chiến lược truyền thống đó.
Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine là một cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại quan hệ với Nga, xử lý các rủi ro tiềm ẩn, và cố gắng đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí để giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Trong số các khách hàng mua vũ khí Nga, Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Sức ép buộc Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí đang tăng lên, nhất là do chiến tranh Ukraine.
Thứ nhất, Mỹ có thể trừng phạt Việt Nam vì tiếp tục mua vũ khí của Nga, theo luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act). Thứ hai, chiến tranh Ukraine đã khiến Nga gắn bó hơn với Trung Quốc. Thứ ba, nhiều phụ tùng vũ khí Nga, như đầu máy chiến hạm Gepard (vốn được sản xuất tại Ukraine) nay không còn nữa.
Bình luận về kế hoạch tập trận giữa Nga và Việt Nam, Derek Chollet, cố vấn cấp cao về chính sách cho Ngoại trưởng Mỹ, đã nhận xét vào cuối tháng tư rằng Nga “nay không còn là đối tác hấp dẫn như cách đây bốn tháng”. Ông nói Việt Nam cần đánh giá lại quan hệ với Nga, và Mỹ “sẵn sàng làm đối tác” khi Việt Nam xem lại về an ninh trong tương lai.
Nhưng có giới hạn liệu Việt Nam có thể tách khỏi Nga bao nhiêu mà không làm tổn thương an ninh của mình. Tuy kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã chững lại từ năm 2016, và Việt Nam đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí để giảm thiểu rủi ro, nhưng vẫn không dễ thay thế vũ khí của Nga. So sánh với các nguồn cung cấp khác, vũ khí của Nga rẻ hơn. Quân đội Việt Nam còn đứng trước thử thách phải tích hợp hệ thống vũ khí mới nếu thay thế vũ khí của Nga đã được triển khai mấy chục năm nay.
Theo SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), vũ khí mua của Nga trong những năm gần đây bao gồm 6 tàu ngầm Kilo-class, 4 tàu hộ tống Gepard-class, 36 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, hai khẩu đội tên lửa tự hành phòng thủ bờ biển K-300P Bastion. Vũ khí của Nga chiếm US$7,4 tỷ trong tổng kinh phí US$9,07 tỷ (giai đoạn 1995-2021). Trong giai đoạn 1995-2014, vũ khí Nga chiếm 90% nhập khẩu, nhưng trong giai đoạn 2015-2021 đã giảm còn 68,4%. Số còn lại, Việt Nam nhập của Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%), Mỹ (3%), Hà Lan (2,4%).
Chắc chắn sự phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí của Nga và tác động lan tỏa đến toàn bộ cấu trúc quân sự từ huấn luyện đến bảo dưỡng, tác chiến và cung ứng, sẽ tạo ra các sơ hở chiến lược tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh Nga và Trung Quốc liên kết chặt chẽ hơn và cạnh tranh chiến lược gia tăng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Derek Grossmanm (chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND) lập luận rằng khả năng chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam lớn hơn với Đài Loan. Có nhiều rủi ro đáng kể nếu “sự cố” xảy ra ở Biển Đông sẽ lan tới biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kịch bản này có khả năng xảy ra hơn là Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Theo một nghĩa nào đó, Việt Nam và Đài Loan đều đứng trước mối đe dọa của Trung Quốc. Những gì đang diễn ra tại Ukraine hiện nay tiềm ẩn ý nghĩa đối với tương lai của Việt Nam và Đài Loan, cũng như thất bại của Pháp ở Điện Biên phủ năm 1954 đã tác động tới tương lai của Algeria. Tương lai vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào việc khu vực này đối phó thế nào với mối đe dọa của Trung Quốc thông qua hiệu quả của sự răn đe.
Với Việt Nam – một trong các nước “bản lề” trong khu vực – điều đó có nghĩa là cần chuyển trục tế nghị về ngoại giao khỏi người bạn lâu năm và là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu, vì lợi ích xây dựng một quân đội hiện đại hơn, với nguồn cung cấp an toàn hơn.
https://nghiencuuquocte.org/2022/06/17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét