VII) LƯƠNG NGỌC QUYẾN VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA THÁI NGUYÊN
(tiếp theo và hết)
Sau lần gặp lại cụ Phan Bội Châu ở Hoành Tân, Lương Ngọc Quyến đến Đông Kinh học Nhật ngữ và gửi thư về nước kêu gọi thanh niên hưởng ứng phong trào Đông Du. Nhờ đó mà có nhiều đợt thanh niên xuất dương du học, trong đó có Phan Đình Cừ là con trai nhà cách mạng Phan Đình Phùng ở miền Bắc và hai người con của Gilbert Trần Chánh Chiếu, một nhân sĩ nổi tiếng trong Nam.
Đầu năm 1906, Lương Ngọc Quyến cùng Trần Hữu Công (Nguyễn Thức Canh) và Nguyễn Điển vào học Chấn Võ Lục quân Học hiệu tại Ushigome (Ngưu nhập) do Đại tướng Fukudima (Phúc Đảo) thành lập. Một năm sau (1907), người lãnh đạo phong trào Đông Du là Kỳ Ngoại hầu Cường Để cũng đã đến trường Chấn Võ, gặp Lương Ngọc Quyến cùng hai người kia và cũng ghi danh học tại trường này (Tùng Lâm – Phỏng vấn ký [Cuộc đời cách mạng Cường Để] - Nhà in Tôn Thất Lễ - Sài Gòn 1957 – tr. 24).
Năm 1911, Lương Ngọc Quyến đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp trường Chấn Võ, được nhà trường khen ngợi. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Trung Quốc, ông sang Tàu, được Đại Đô đốc Quảng Đông là Hồ Hán Dân tiếp đãi nồng hậu và cử ông giữ chức Đại úy, chỉ huy hơn một ngàn binh sĩ chuyên tiễu trừ thổ phỉ. Sau gần một năm xông pha trận mạc, họ Lương có cơ hội học hỏi được nhiều điều nên dủ được đề nghị thăng chức, ông cũng không màng. Khi Hồ Hán Dân từ chức Đại Đô đốc Quảng Đông, ông rời bỏ tỉnh này, song đi đến đâu cũng tự xưng là người Trung Quốc. Không lâu sau, ông lại có dịp cộng tác với Lê Nguyên Hồng, đang giữ chức vụ Phó Tổng thống Trung Hoa dân quốc, và được bổ nhiệm Thiếu tá (Đào Trinh Nhất – Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 – NXB Tân Việt – Sài Gòn 1957, tr. 30-31).
Chí sĩ Lương Ngọc Quyến
Năm 1914, nhận thấy tình hình Trung Quốc không có gì sáng sủa, không mong gì được họ hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam, Lương Ngọc Quyến lẻn về nước, định áp dụng những gì đã học được để tổ chức một cuộc khởi nghĩa. Trong thời gian này, nhiều vụ ám sát, bạo động diễn ra liên tục, nhiều nhân sĩ yêu nước bị Pháp bắt giam hoặc đưa đi an trí. Cử nhân Nguyễn Quyền bị an trí tại Bến Tre, Dương Bá Trạc ở Long Xuyên, Võ Hoành ở Sa Đéc, còn cụ Cử Lương Văn Can thì bị an trí ở Nam Vang (Phnom Penh).
Về tới Sài Gòn, việc đầu tiên của Lương Ngọc Quyến là đi xuống Long Xuyên thăm Dương Bá Trạc, mặc dù lúc ấy họ Dương bị mật thám canh giữ rất gắt. Trong những cuộc họp mật tại tỉnh này, họ Lương cùng một số nhân sĩ yêu nước nhất trí thực hiện kế hoạch “khẩn điền, luyện quân” tại Thái Lan. Sở dĩ họ chọn Thái Lan vì ở đất nước này, số con cháu những người tòng vong theo chúa Nguyễn Ánh vào thập niên 1780 còn nhiều, lại thêm những thuộc hạ của cụ Phan Đình Phùng cũng lánh sang đây sau khi cụ Phan qua đời, lực lượng nghĩa quân bị tan rả. Do từng tốt nghiệp thủ khoa Chấn Võ Học Hiệu, Lương Ngọc Quyến được mọi người giao trọng trách huấn luyện nghĩa quân.
Trong hành trình sang Thái Lan, tiện đường ông ghé lại Nam Vang thăm cụ Cử Lương Văn Can đang bị an trí ở đó. Cha con gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết. Nhưng vui chưa được bao lâu, Lương Ngọc Quyến được tin mật Pháp đang truy lùng ông ráo riết, kể cả ở Thái Lan, những nơi có nhiều người Việt cư ngụ. Ông vội hoãn chương trình sang Thái Lan, quay lại Sài Gòn và ít lâu sau xuống tàu sang Hong Kong, lãnh thổ do chính quyền Anh quản lý. Tuy nhiên, chỉ mới ở Hong Kong có mấy ngày, ông đã bị cảnh sát Anh bắt và giải sang Quảng Châu cho cảnh sát Pháp. Tháng 3.1915, Pháp đưa ông về Việt Nam, giam trong nhiều nhà tù khác nhau, từ Hỏa Lò, đến Nam Định, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Những khổ hình trong nhà tù làm cho cơ thể Lương Ngọc Quyến suy kiệt dần.
Chân dung Đội Cấn
Trong thời gian bị giam ở nhà tù Thái Nguyên, ông để ý đến một viên đội lính khố xanh của Pháp tên Trịnh Văn Đạt, sinh tại phủ Vĩnh Tường, lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo. Năm 20 tuổi, Đạt gia nhập vào đội lính khố xanh, đổi tên là Cấn, được thăng dần lên cấp Đội nên tên Đội Cấn trở nên phổ bến trong sinh hoạt hàng ngày. Trong những năm 1910-1913, qua nhiều lần được điều động đi tuần tiễu chống lại nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn sinh lòng cảm phục người anh hùng Yên Thế. Bên cạnh đó, khi viên công sứ Darles đến trấn nhậm tỉnh Thái Nguyên, hành xử tàn bạo theo đúng lời truyền tụng thời đó về bốn hung thần: nhất Đạc (Darles), nhì Ke (Ekert), tam Ma (de Lamarre), tứ Bích (Bride), Đội Cấn nung nấu trong lòng nỗi căm phẫn trước cảnh tra tấn, đánh đập tù nhân hay thường dân vô tội, từ ấy, mầm mống kháng Pháp bắt đầu nhen nhúm trong đầu ông.
Khoảng năm 1917, tại nhà tù Thái Nguyên, ngoài Lương Ngọc Quyến, còn có nhiều thanh niên yêu nước khác cũng sống trong cảnh giam cầm. Đội Cấn luôn tìm dịp giúp đỡ họ bằng cách chuyển tin tức ra ngoài hay giao cho họ những công việc nhẹ nhàng. Đặc biệt với Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn luôn biểu lộ lòng ngưỡng mộ trước ý chí sắt đá, hoài bão to lớn của người thanh niên giàu lòng yêu nước này. Ngoài những giao tiếp thông thường, qua trung gian cô con gái một bạn tù của họ Lương, hai người bàn bạc với nhau kế hoạch khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp tại Thái Nguyên, từ đó tấn công sang các tỉnh lân cận.
Tháng 6.1917, họ chuẩn bị cuộc khởi nghĩa vào ngày 14.7, là ngày kỷ niệm cuộc phá ngục Bastille trong Cách mạng Pháp năm 1789. Nhân dịp này, binh lính Việt Nam trong hàng ngũ quân Pháp sẽ giấu súng được phát để tham gia diễn hành và chuyển cho quân khởi nghĩa. Tuy nhiên, do một số trở ngại, kế hoạch này không thực hiện được. Cuối cùng Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn quyết định tiến hành cuộc khởi nghĩa vào đêm 30.8.1917. Một giờ sáng ngày 31.8.1917, một đơn vị khởi nghĩa đánh chiếm đại bản doanh của quân đội Pháp tại Thái Nguyên, bắn chết tên giám binh Pháp Noel cùng viên phụ tá của tên này là quản Lập, rồi bêu đầu họ lên để làm gương cho các lính khố xanh khác. Trong số 175 binh sĩ đồn trú tại Thái Nguyên, có đến 131 người ôm súng đi theo lực lượng khởi nghĩa, số còn lại hoặc trốn đi hoặc bị quân khởi nghĩa sát hại.
Sau khi chiếm xong bản doanh của quân đội Pháp, quân khởi nghĩa tràn vào nhà tù Thái Nguyên, giải thoát tù nhân tại đây. Nỗi mừng vui khiến họ hát vang cả một góc trời. Đội Cấn triệu tập một hội đồng quân sự và được suy cử làm Quang phục quân Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư, để cùng bàn bạc các chiến lược, chiến thuật sắp tới. Họ đặt quốc hiệu là Đại Hùng Đế Quốc, lần lượt công bố hai bản tuyên ngôn dài, nhân danh Việt Nam Quang phục quân lên án thực dân Pháp và kêu gọi mọi người đoàn kết chống ngoại xâm.
Đến sáng ngày 31.8.1917, phần lớn tỉnh lỵ Thái Nguyên đã lọt vào tay nghĩa quân của Đội Cấn. Đáng tiếc là họ chiếm Nhà dây thép (Bưu điện) khá trễ nên quân Pháp còn kịp điện báo cho Bộ chỉ huy tối cao tại Hà Nội sự biến tại Thái Nguyên. Một lực lượng quân Pháp được điều từ Đồ Sơn lên Thái Nguyên, mang theo cả vũ khí nặng. Cuộc đụng độ bắt đầu từ ngày 2.9.1917 với thương vong nặng nề của cả hai phía. Nghĩa quân đào hào, đắp lũy, ngăn chặn các cuộc tấn công của quân Pháp, đồng thời mai phục ở những đoạn đường giao thông hiểm yếu.
Chiến thuật này gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề, nhưng giặc hạ quyết tâm chiếm lại Thái Nguyên với bất cứ giá nào. Ưu thế chiến trường ngày càng nghiêng về phía giặc. Đến ngày 5.9.1917, sau hơn 5 ngày chiếm giữ Thái Nguyên, Đội Cấn đành ra lệnh cho nghĩa quân rút khỏi những vị trí đã chiếm giữ. Lương Ngọc Quyến bị liệt hai chân sau những năm tháng khổ hình trong nhà tù của Pháp nên Đội Cấn sắp xếp võng cáng cho ông đi. Ông thấy làm như vậy chỉ thêm vướng bận cho nghĩa quân đang cần tập trung nỗ lực chiến đấu, nên nhờ Đội Cấn bắn một phát đạn vào ngực, hi sinh một đời tranh đấu vì nước (Đào Trinh Nhất – sđd – tr. 93).
Ngày 5.1.1918, sau 4 tháng cầm cự, Đội Cấn bị thương trong một trận đánh, bên mình chỉ còn 4 thuộc hạ, và ông cũng bắn vào bụng tự sát. Đó là hai trong những cái chết anh hùng vào những năm kháng Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX.
HẾT
Lê Nguyễn
26.6.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét