Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Việt Nam chống lụt lội: Lu, bể hay... đất?

* Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của KTS Bùi Uyên, hiện làm việc tại Paris, Pháp.

14/6/2022

Chỉ sau một trận mưa, đường phố Hà Nội đã thành 'sông'

Chụp lại hình ảnh, Chỉ sau một trận mưa, đường phố Hà Nội đã thành 'sông'

Mỗi năm nên mùa mưa, lại chuyện ngập úng nói mãi cũng nhàm. Mỗi tội năm nay một bộ trưởng Việt Nam (ông Trần Hồng Hà) phát biểu về việc xây bể trữ nước tại các khu sân vận động, trường học, làm nổ lên tranh cãi. Giờ thấy có người nói về đô thị "mút thấm", tôi nghe hơi buồn cười, nhưng cùng quan điểm nên mình viết thêm.

Trước ý kiến về bể trữ nước này, mà từ lâu rồi, khi có vụ "lu trữ nước" bị dân tình chê, mình cho rằng , theo một cách nào đó, những ý kiến này đi theo hướng đúng. Tuy vậy, nó chỉ là biện pháp kỹ thuật, cần phải xuất phát từ những quy hoạch và tầm nhìn tổng quan đô thị.


Hãy xem quy hoạch "Quản lý nước mưa tại khu đất " tại Pháp ra sao.

Pháp quy định việc này qua bốn bộ luật khác nhau.

Việc "trữ nước tại lô đất" nói riêng và "quản lý nước mưa" là một yêu cầu bắt buộc trong các dự án xây dựng từ 1 ha trở lên và quy hoạch đô thị tại Pháp. Dung tích bể chứa được tính bằng lượng mưa mà toàn bộ các bề mặt không thấm nước trong dự án nhận được trong 1h với lưu lượng nước mưa kỷ lục trong vòng 100 năm nay.

Luật này bất buộc trong các khu vực có nguy cơ ngập cao. Hơn nữa, còn có các luật về môi trường, luật về nước, luật dân sự, là các bộ luật quy định về giới hạn ảnh hưởng của xây dựng lên môi trường và tài nguyên nước. Từ nhiều năm trở lại đây , trong các yêu cầu thiết kế của các khu đô thị mới, hay xin phép xây dựng những dự án có yêu cầu tác động môi trường thấp , yêu cầu này cũng trở nên tất yếu.

Các địa phương có toàn quyền quy định lưu lượng nước mưa mà một khu đất được phép xả ra hệ thống công cộng. Thường từ 3l/s/ha đến thấp nhất là 1l/s/ha. Những dự án sinh thái đôi khi còn đặt yêu cầu "zero rejet"- Không thải nước mưa ra hệ thống- bằng một quy trình trữ nước mưa và tái sử dụng nước mưa trong nội khu đất.

Hai là chuyện chứa nước.

Bể chứa nước mưa chỉ là biện pháp kỹ thuật cuối cùng ở Pháp.

Hà Nội thành sông sau mưa

Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh, 

Hà Nội thành sông sau mưa

Biện pháp cơ bản nhất tất nhiên là xây bể chứa nước. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng sau khi các giải pháp tạo bề mặt thẩm thấu nước và các hồ nước/ kênh chứa nước cảnh quan đã đạt mức tối đa..

Trong công việc thực tế, mình chứng kiến các yêu cầu của quy hoạch ngày càng khắt khe trong vấn đề tăng diện tích thấm nước. Thường thì thiết kế chọn làm các hồ chứa hay kênh cảnh quan là tối ưu nhất. Phần lớn các dự án mạnh về cảnh quan đều đưa chủ đề xử lý nước mưa - được gọi là "mạng lưới xanh lam" song hành với "mạng lưới xanh lá- cây xanh" vào tâm điểm chính của đồ án.

Ví dụ, trước mình làm việc ở một dự án đô thị sinh thái tầm 30-40ha mà tiêu chí 100% không có đường ống thải nước mưa ngầm. Tất cả là qua thiết kế cảnh quan trên bề mặt.

Hai công nhân của công ty thoát nước thành phố Hà Nội mở cống thoát nước trên một tuyến đường bị ngập năm 2017

Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh, 

Hai công nhân của công ty thoát nước thành phố Hà Nội mở cống thoát nước trên một tuyến đường bị ngập năm 2017

Một dự án thứ hai mình tham gia, đặc biệt thiết kế trong vùng có nguy cơ ngập úng cao. Sau này dự án được giải Vàng quy hoạch thường niên của Pháp trong thể loại "dự án chống chọi tốt" - projet de résilience ». Dự án không "tránh vùng ngập" mà là "sống chung với ngập úng".

Chủ đạo là thiết kế "trame bleue" như xương sống của dự án, với việc mở lại mọi hệ thống dẫn nước bị ngầm hoá. Nguy cơ lụt lội của dự án là khả năng tràn bờ của các nhánh sông lớn. Tuy vậy toàn bộ thiết kế phải tính toán bố trí hồ điều hòa, giữ và thoát nước tại chỗ cho từng mảnh đất. Các chi tiết, cách bố trí bãi đỗ xe, tường rào, hướng các vách tường đặc,. ứng phó với ngập 1-2m, tránh rào cản cho nước thoát nhanh nhất có thể. Các yêu cầu thiết kế rất chi tiết cho vấn đề này, mục tiêu là thoát nước ngập 1-2m sau 1h.

Dự án còn có thực hiện kiểm tra thiết kế mặt bằng tổng thể bằng sơ đồ giả lập các khả năng ngập úng đến từ các phía khác nhau. Mục tiêu để dù đê vỡ hay lũ từ núi xuống, dự án chấp nhận bị ngập trong vài giờ, thì các thiết kế đảm bảo nước ngập sẽ có đường thoát nhanh không bị cản trở và trở lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn.

Thứ ba là giữ đất tự nhiên.

Giữ bề mặt đất tự nhiên: Biện pháp bền vững nhất

Nhưng như vậy, giảm bề mặt không thấm nước mới là tiêu chí đầu tiên của quy hoạch. Nó vừa đảm bảo ổn định tầng nước ngầm, lại là biện pháp thoát nước mưa "sơ khai" và tự nhiên nhất. Nên tiêu chí về giữ tỉ lệ đất tự nhiên thấm nước cao là yêu cầu quan trọng trong quy hoạch.

Ngay lúc này, công ty mình đang tham dự một cuộc thi thiết kế đô thị. Ngoài phải tiện nghi nhiệt cao hơn mức hiện hành, vật liệu phải kết cấu gỗ và vật liệu nguồn gốc tự nhiên, thì còn thêm điều kiện tương quan giữa yêu cầu diện tích sàn với tỉ lệ đất cây xanh như không tưởng. Chỉ 3 khu đất nhỏ mà thời gian thiết kế bỏ ra mấy ngày để "xoay" sao cho ra được 70% đất cây xanh. Vì bất khả thi với đề bài về diện tích sàn xây dựng, phải tìm tòi đủ mọi thủ pháp để tiết kiệm nhất lối xe đi lại đổ bê tông, chọn chất liệu thẩm thấu cho bãi đỗ xe, trồng cây leo trên tường, trên mái, làm các sân terrasse trồng cây,.. Trao đổi liên tục với bên cảnh quan, vật liệu để "giành giật" tiết kiệm từng mét vuông đất thẩm thấu.

Việc chống beton hoá bề mặt đang diễn ra không chỉ tại các quy hoạch sắp tới, mà là cả quá trình "dỡ beton" trong các đô thị hiện có. Tiêu biểu nhất có thể kể đến đại dự án "xanh hoá Paris" mà mình có dịp kể trong một số bài viết cho RFI năm ngoái, xin dẫn link lại dưới đây:

Kết luận thế nào đây?

Thế nên, quay lại đề xuất của ngài bộ trưởng ở VN, mình ủng hộ. Nhưng nó chưa đúng tầm quy hoạch, không đúng vai trò của bộ trưởng.

Giải quyết tình trạng ngập úng chắc chắn không trong vài năm, mà là cả một tư duy quy hoạch mạng lưới hạ tầng chung, chuẩn bị đô thị mới, cải tạo đô thị cũ. Đáp án không thể chỉ là xây bể chứa một số chỗ, mà cần quy chế quản lý nước mưa nói riêng và quy hoạch hạ tầng đặt ra cho từng đô thị. Xa hơn là những quy hoạch thuỷ điện, trồng rừng đầu nguồn, khai thác các dòng sông, mặt nước,..

Từ lâu nay, các dự án đô thị mới, kiến trúc mới đã tăng tải và đẩy áp lực lên hạ tầng hiện có vốn đã èo uột. Không chỉ vấn đề nước mưa, mà cả tăng áp lực giao thông, giảm tỉ lệ cây xanh, hạ tầng y tế trường học,..

Sau trận mưa lịch sử ở Paris tháng 6/2016

Nguồn hình ảnh, Bui Uyen Chụp lại hình ảnh, 

Sau trận mưa lịch sử ở Paris tháng 6/2016

Việc cần làm là quy định quy hoạch cụ thể cho các dự án xây dựng mới để giảm tác động lên hạ tầng, chứ chưa nói đến giúp cải thiện và tạo thêm hạ tầng đô thị.

Hình minh hoạ trong bài là trận lụt lịch sử ở Paris tháng 6 năm 2016. Mưa tầm tã dữ dội cả tuần, nhưng chỉ các sông hồ mặt nước và khu ven hồ bị ngập. Hết mưa, dân tình ra phố dạo ngắm sông Seine dâng cao chưa từng có từ hơn 30 năm. Từ trẻ con đến hoạ sỹ tranh thủ vẽ cảnh tượng hiếm có.

Ở VN ta ngày ngập, ai được đứng chỗ khô ráo để có lòng dạ vẽ tranh?

https://www.bbc.com/vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét