Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tưởng Năng Tiến - – Sáu Mù


Đôi lúc, tôi vẫn nghe các bạn đồng hương (và đồng thời) than thở: “Bọn trẻ ở Hoa Kỳ không mấy đứa biết tôn kính người già.” Có vị còn chua chát thêm: “ Bây giờ thì đâu mà chả thế, chứ nào có riêng chi Mỹ.”

Những câu càm ràm (thượng dẫn) hay khiến tôi nhớ đến ông Sáu Mù, một ngư dân sống hồi cuối thế kỷ trước tại xóm chài Lâm Quang Ky – Rạch Giá. Ông Sáu, thực ra, cũng chưa hẳn đã đui nhưng vì đôi mắt kèm nhèm và có cái tật hay nhíu mày nên bị chết cái tên (“mù”) cũng hơi oan chút xíu.

Sau bữa trưa khề khà chừng hơn xị rượu, rồi đánh một giấc thật đẫy đà, chiều vừa nhạt nắng là Sáu Mù lần dò ra đứng hồi lâu trước nhà sàn. Đây là giây phút nghiêm trang nhất trong ngày nên cả xóm đều lặng im, chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của ông. Sáu Mù nghiêng tai nghe ngóng, trầm ngâm hít hà gió biển (chập lâu) rồi mới cùng đám con lục tục xuống ghe, sau khi ông đã định được hướng xuất hành. Mọi người chỉ chờ có thế là cùng loạt nổ máy, hớn hở theo sau. 


Dân xóm chài Lâm Quang Ky làm nghề tùy theo thời vụ: lưới kến, lưới năm, câu bờ, câu khơi … nhưng thường thì họ hay đi ủi xịp (hoặc còn gọi là ủi xệp) vì biển Rạch Giá cạn và lắm bùn nên tôm tép vô số. Rọi đèn xuống nước, giữa đêm đen, sẽ thấy mắt tôm đỏ lừ và dầy đặc. Không mặc quần đùi hay quần sịp mà nhẩy đại xuống nước là dám bị chúng búng tới … xước da cu luôn!

Đi xịp một đêm, xúc vài cần xé đầy vun (tôm chì, tôm thẻ, tôm nghệ …) không khó. Tuy thế, biển cả bốn phương/tám hướng, phải biết chỗ mà ủi thì mới có ăn. Chớ chạy lạng quạng trật hướng thì kể như là trớt quớt, chỉ kiếm được đôi ba chục ký là cùng. Lỗ tiền dầu là cái chắc.  

Không biết nhờ vào thính giác hay khứu giác (hoặc cả hai) mà ông Sáu “cảm” được hướng đi và nơi quần tụ của tôm cá. Kinh nghiệm quí giá này giúp cho cả xóm ăn nên làm ra nên ông rất được vị nể và kính trọng, dù là người khuyết tật. 

Sáu Mù là hình ảnh rơi rớt, hiếm hoi của một già làng thuộc Thời Trung Cổ. Cái thời mà kiến thức của nhân loại chỉ có thể lưu lại cho hậu thế qua truyền khẩu, hoặc bằng kinh nghiệm sống thực thôi. 

Đêm trường Trung Cổ đã qua. Người như Sáu Mù nay chả còn vai trò gì nữa. Với cái smartphone, ai cũng có thể tiếp cận tin tức khí tượng và dự báo thời tiết từ bất cứ nơi đâu, vào bất kể lúc nào. Tất cả ngành nghề cũng đều có thể học hỏi online, và gần như mọi câu hỏi đều có lời giải đáp qua google hết trọi.

Ở Thời Đại Thông Tin, phần lớn, những công dân lão hạng đều vô dụng và trở thành gánh nặng cho xã hội nên họ mất đi sự tôn kính là lẽ thường tình – nếu chưa muốn nói

là chuyện tất nhiên. Tôi rất biết thân biết phận của mình (một anh già nát rượu & hoàn toàn vô tích sự) nên chưa bao giờ dám lớn tiếng than thân, hay than van gì ráo. 

Lẩm bẩm hoặc lầu bầu (nho nhỏ, lí nhí) cũng không luôn. Chả những thế tôi còn cảm thấy là mình biết ơn rất nhiều người, nhất là lớp hậu sinh vì nhờ họ nên mới có dịp được học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ. 

Xin đan cử đôi ba trường hợp … 

Ngày 4 tháng 6 vừa qua, FB Teresa Trần Kiều Ngọc đã nhắc đến một hiện tượng tâm lý khá lạ (Imposter Syndrome – Hội Chứng Giả Mạo) không thường thấy trong những cộng đồng người Việt: “Tự vấn, hoài nghi chính mình, không phải là điều hoàn toàn xấu hay tiêu cực. Nó giúp cho chúng ta khiêm tốn, biết được giới hạn để không trở nên tự mê, tự kiêu, tự đại. Ngoài kia còn nhiều người tài giỏi hơn mình rất nhiều. Thế giới là một biển học vô bờ. Bằng sự chính trực và khiêm cung, dù nhỏ nhoi đến đâu thì mỗi người trong chúng ta vẫn đều có thể là người hữu ích cho việc chung.”

Bên dưới status thượng dẫn là phản hồi của FB Viet Beat, đề cập đến một hiện tượng tâm lý khác, cũng rất đáng quan tâm: “Imposter syndrome dành cho người khiêm cung, hiểu được giới hạn của mình nhưng rất tiếc bây giờ một số người Việt lại bị hội chứng nghịch, hiệu ứng Dunning-Kruger, quá tự tin và cao ngạo về điều (không) biết của mình...”

Tôi cũng có đọc qua loa về hiệu ứng Dunning-Kruger (Unskilled and unaware of it: how difficulties in recognizing one's own incompetence lead to inflated self-assessments) của hai nhà tâm ý học J. Kruger và D. David nhưng lười tìm hiểu thêm vì không quan tâm mấy. 

Cứ tưởng rằng giữ thể diện (sợ mất mặt – save face) là tâm lý chung của đám đông. Trong giao tiếp hằng ngày, thiên hạ có khuynh hướng tự nâng (trình độ học vấn, lương bổng, gia cảnh, gia thế, tài sản …) mình cao hơn lên chút xíu là chuyện khá bình thường, và cũng chả gây thiệt hại hay phiền phức gì cho bất cứ ai cả. Nổ chơi (cho đã miệng) chút xíu thôi mà.

Tuy nhiên, sau khi xem lại cách đặt vấn đề của Trần Kiều Ngọc và Viet Beat về hai hiện tượng tâm lý tương phản (thượng dẫn) thì nhận thức của tôi có hơi đổi khác. Một cá nhân hợm mình, tự cao, tự đại, ba hoa, khoác lác, nói thánh, nói tướng …  thường  chỉ có thể làm cho một số ít người sống gần khó chịu và tìm cách tránh xa thôi. 

Còn một tập thể mắc chứng hợm hĩnh, huyênh hoang, ngạo mạn (như thiên hạ hay nói đến bệnh kiêu ngạo cộng sản, chả hạn) mà lại đang nắm vai trò điều hành cả một quốc gia thì e là đại họa.

Hãy thử nghe dăm bẩy câu nói của giới lãnh đạo Việt Nam để thấy sự ngông cuồng và điên loạn của đám người này : 

Vũ Đức Đam: “Tất cả cuộc sống người Việt Nam ta hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước.”

Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0.

 Lê Minh Hưng: “Toàn cầu bất ổn nhưng Việt Nam rất ổn.”

Nguyễn Xuân Phúc: “Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.”

Nguyễn Phú Trọng: “Không có một lực lượng nào khác ngoài ĐCSVN có đủ bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn.”

Võ Văn Thưởng: “Nhiều nước coi Việt Nam là mô hình phát triển để học tập.”

Nguyễn Chí Vịnh: “Bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục.”

Phan Quốc Việt: “Có 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm kít xét nghiệm virus corona chủng mới của Việt Nam.”

Mức độ tự huyễn của những lời phát ngôn dẫn thượng khiến tôi nhớ đến lời than phiền, nghe được từ hồi cuối thế kỷ trước, của ông Hà Sỹ Phu: “Đảng cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ. Thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Lóp ngóp bò lên được thì hô vang thắng lợi. Cứ thế, Ðảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

Với thời gian thì cái tần suất “sa xuống hố” mỗi lúc một thêm đều đặn (và toàn là hố thẳm: Vinashin, Vinalines, Bauxit, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Formosa, rồi đến những Khu Tự Trị …) cứ như thể là cả Đảng đã bị đui hết trơn rồi vậy. 

Sự tăm tối của giới cầm quyền ở Việt Nam hiện nay cũng khiến tôi nhớ đến ông Sáu Mù, ở xóm chài Lâm Quang Ky, với hơi nhiều nuối tiếc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét