Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Phạm Trần - Đạo đức xuống cấp-lý tưởng lung lay

https://i0.wp.com/baotgm.net/wp-content/uploads/2022/06/0000000000_dao-duc.jpg?resize=667%2C375&ssl=1

Tình trạng  “một số không nhỏ” cán bộ, đảng viên CSVN suy thoái tư tưởng chính trị và xuống cấp đạo đức lối sống đã được đặt ra từ Khóa đảng VII năm 1994, nhưng nay sau 35 năm, nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ vẫn tồn tại là tại sao?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng hàng đầu là đảng viên không còn muốn duy trì chế độ Cộng sản nên đã tự do “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để lột xác đảng. Đảng chống lại, nhưng càng ngăn chặn càng thấy khó nên nên đã tự an ủi rằng việc ngăn chặn và đầy lùi “là nhiệm vụ vừa căn bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong công tác xây dựng đảng” (Tuyên giáo, ngày 02/05/2018)

 

Ba năm sau bài viết này, Khóa đảng XIII họp Trung ương 4 (04 -07/10/2021), không chỉ thảo luận “xây dựng chỉnh đốn Đảng” như hai khóa XI và XII mà còn mở rộng sang cả “hê thống chinh trị”. Việc này chứng minh “những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”  đã lan rộng trong guồng máy cai trị khiến đảng dao động.

Nghiêm trọng đến nỗi đảng phải cấm đảng viên, trước hết không được làm 3 Điều:

Thứ nhất:”Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.”

Thứ hai:”Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.”

Thứ ba:”Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.”

THẤT BẠI CHỒNG CHẤT

Nhưng chỉ một năm sau, vào ngày 08/06/2022, Tuyên Giáo, cơ quan phụ trách bảo vệ Tư tưởng đảng lại thừa nhận thất bại, vì “vẫn còn một số hạn chế, yếu kém”, đó là:

Thứ nhất: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu vững vàng về tư tưởng chính trị, giảm sút niềm tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, làm suy yếu bộ máy Đảng và Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.”

Khi nói tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều nơi thì đây là thất bại của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đấu chiến dịch được gọi là “đốt lò” từ Khóa đảng XI năm 2011. Đã có một thời gian ông Trọng được bề tôi và báo đảng tâng bốc đến tận mây xanh về thành tích này, nhưng rồi chuyện đâu vẫn hoàn đó nên tên tuổi ông cũng mờ dần.

Thứ hai: “Vẫn còn những cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ chưa nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Một số tỏ rõ sự hoài nghi, hoang mang, dao động, lo lắng và băn khoăn vào thành công của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thiếu niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.”

Không phải vì họ chưa nhận thức sâu sắc về Chủ nghĩa Cộng sản mà mọi người đã chán và bài bác công khai từ hơn 10 năm qua. Họ đã hoài nghi chủ trương và chính sách xây dựng đất nước dựa trên “nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” vì thấy đảng đã lạc hậu và chậm tiến trước những thay đổi của các quốc gia một thời theo Cộng sản, kể cả Nga, từ năm 1991.

Thứ ba: ”Một số cán bộ, đảng viên giác ngộ chính trị chưa cao, còn mơ hồ mất cảnh giác, chưa thấy được âm mưu, thủ đoạn chống phá tinh vi, thâm độc của kẻ thù. Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Còn không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, chưa xác định đúng động cơ phấn đấu, thiếu tự giác trong học tập, rèn luyện; chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.”

Nhưng “kẻ thù” của đảng CSVN là ai, nếu không phải chúng đang nằm trong mỗi đảng viên. Họ hoang mang, mơ hồ vì thấy đảng mỗi ngày một hoang tưởng khi tiếp tục cổ võ toàn dân tiếp tục “qúa độ lên Chú nghĩa xã hội”, trong khi lãnh đạo đảng không sao giải thích được “xã hợi” này ở đâu, và phải mất bao nhiêu năm nữa mới đi tới đích?

Thứ bốn: ”Còn không ít cán bộ, đảng viên chưa ý thức đầy đủ về vị trí, trách nhiệm của mình, lơ là trong tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực công tác, nhất là những kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; chưa nỗ lực, sáng tạo trong nắm bắt, tìm hiểu, vận dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ vào công tác; khi gặp khó khăn thì dao động, chùn bước, thoái thác nhiệm vụ; làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu…”

Chuyện đảng viên và cán bộ chán học tập lý luận chính trị và nghị quyết đảng là chuyện cũ như trái đất. Ngoài tài liệu học tập vẫn xơ cứng và lý thuyết viển vông như sỏi đá; đội ngũ cán bộ giảng viên cũng mơ hồ và chệch hướng như học viên nên việc học tập và thực hành đã rơi vào bế tắc triền miên.

Thứ năm, cuối củng, Tuyên Giáo còn liệt kê nhiều chứng hư tật xấu khác như: ”Một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Có những vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi thiếu thực chất dẫn đến những biểu hiện của lối sống thiếu trung thực, cơ hội, kèn cựa địa vị, gây mất đoàn kết nội bộ; ngại đấu tranh – cái đúng không dám làm, không dám bảo vệ, cái sai không dám lên án, không dám từ bỏ; không dám chịu trách nhiệm; không gần gũi quần chúng, xa rời thực tiễn.”

Xấu xa như thế thì còn xứng đáng là “đầy tớ của nhân dân” không?

Vậy mà đảng vẫn ngoan cố đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” khi nói rằng: ”Trong bối cảnh thời sự hiện nay, việc các lực lượng thù địch trong nước và ngoài nước luôn tìm cách ngăn cản, phá hoại cuộc cách mạng của nhân dân ta bằng âm mưu “diễn biến hoà bình” đang tìm mọi cơ hội khoét sâu và lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biễn”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay.”

(Trường Chính trị Tỉnh Bình Phước, ngày 15/11/ 2020)

Nhưng tại sao không dám nêu tên “các lực lượng thù địch trong nước và ngoài nước”  chống phá đảng, hay đảng chỉ bịa ra để che giấu những yếu kém của bản thân và chạy tội trước nhân dân?

NGUYÊN NHÂN

Vậy nguyên nhân suy thoái đến từ đâu? Đảng trả lời: “Những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tuyên Giáo khai chúng bắt nguồn từ: “Việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ … Trong thực tế, do chưa có cơ chế phù hợp trong việc phát hiện, tạo nguồn, tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, đãi ngộ…; do sơ hở, thiếu trách nhiệm, chuyên quyền, lũng đoạn, lợi ích nhóm, “gia đình trị”… trong công tác cán bộ nên mới có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy tuổi… diễn ra không chỉ ở cơ sở mà còn cả ở cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy mới có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kém đức, kém tài, không đáp ứng đủ những điều kiện, tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý… nhưng vẫn được quy hoạch vào những vị trí quan trọng, vẫn được gửi đi đào tạo ở các trường uy tín, ở trong và ngoài nước nhằm hợp thức hóa sự thăng tiến. Có nơi, cán bộ vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Đảng lại được bao che, không bị xử lý, thậm chí còn được trọng dụng, bất chấp dư luận xã hội.” (Tuyên Giáo, ngày 02/05/2018)

4 năm sau, tuy Đảng không nhìn nhận, nhưng chủ trương “quy hoạch” (chọn trước) đã bị chỉ trích thiếu công bằng vì không công khai và phản bội lý tưởng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiều trường hợp đã “quy hoạch cả những phần tử xấu, gia đình và bè phái”.

Do đó quyết định “đảng chọn” đã dẫn đến những hạn chế trong công tác cán bộ, để xẩy ra: ”Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng. (Ban Nội Chính Trung ương, ngày 24/02/2022)

Vẫn theo Ban Nội Chính thì việc: ”Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt được mục đích đề ra. Đảng ta chỉ rõ: “Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất”. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.”

(Ban Nội chính Trung ương, ngày 24/02/2022)

Như vậy, coi như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã “tay trắng” sau nhiều lần nói quy hoạch cán bộ là “nhiệm vụ “then chốt” của vấn đề “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng”. Ông cũng từng hô hào: ”Chúng ta phải có dũng khí, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.”

Nên biết, ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng CSVN cũng từng bảo:”Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” hay :“ Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” , nhưng sau 53 năm ngày ông Hồ qua đời (1969), tệ nạn cán bộ yếu kém và biến chất của đảng CSVN vẫn tồn tại thì lỗi tại ai?

Đảng CSVN có tập quán gọi là “tập trung dân chủ” để “tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách” cho nên làm tốt thì “cả họ” được tiếng, nhưng khi thất bại thì không ai chịu trách nhiệm để nhân dân phải lãnh hậu quả.

Do đó, tính đến đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đảng CSVN đã có 7 đời Tổng Bí thư nối nghiệp ông Hồ, qua các thời Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh, nhưng không ai chịu trách nhiệm trước nhân dân về những thất bại do đảng gây ra.

Vì vậy cán bộ và đảng viên đã không sợ để tiếp tục suy thoái và tham nhũng. -/-

Phạm Trần

(06/022)

https://baotgm.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét