Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 6 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Chiếm thế thượng phong về quân sự tại Châu Á : Trung Quốc đã gần đến đích

17/6/2022

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc : Phúc Kiến trước giờ hạ thủy tại cảng Thượng Hải. Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp ngày 17/06/2022. AP - Li Gang 

Dằn mặt Hoa Kỳ, cảnh cáo Đài Loan, thị uy với Nhật, uy hiếp Đông Nam Á : phải chăng đó là những thông điệp Bắc Kinh muốn nhắn gửi qua việc cho hạ thủy tàu sân bay tối tân Phúc Kiến hôm 17/06/2022 ? Dù vậy đây chỉ là một sự nối tiếp trong chiến lược tăng ngân sách quốc phòng để Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ, khẳng định thế thượng phong về quân sự trong khu vực và thực hiện tham vọng chiếm đoạt Đài Loan bằng sức mạnh. 


Chiếc tàu sân bay thứ ba của Hải Quân Trung Quốc mang tên Phúc Kiến, một tỉnh đối diện với Đài Loan, đã được hạ thủy vào lúc Bắc Kinh tuyên bố sẽ « đánh đến cùng » nếu Đài Loan, một « tỉnh » thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tuyên bố độc lập. Còn về phía Hoa Kỳ, chính quyền Biden duy trì nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất », nhưng « sẵn sàng can thiệp » trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.

Hàng không mẫu hạm mới của Hải Quân Trung Quốc chẳng những nhằm nhắc nhở cả Mỹ lẫn Đài Loan chớ vượt lằn ranh đỏ, mà còn là một tín hiệu Bắc Kinh gửi tới nhiều nước châu Á, trong đó có một số quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông như Việt Nam, Philippines hay Nhật Bản, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Collin Koh, đại học công nghệ Nayang –Singapore, được AFP trích dẫn.

Trên thực tế những quyền lợi kinh tế của Trung Quốc ngoài Hoa Lục càng lúc càng lớn, nhu cầu bảo đảm an ninh qua đó cũng lớn theo. Đó là lý do vì sao mà từ lâu nay Bắc Kinh đã liên tục tăng chi phí quốc phòng và hàng không mẫu hạm thứ ba chỉ là một bằng chứng mới thể hiện tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Báo Washington Post số ra ngày 16/06/2022 báo động sự « Bành trướng quân sự của Trung Quốc gần đạt tới mức nguy hiểm ». Từ nhiều năm nay, ông Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu đạt đến một sức mạnh quân sự « ngang ngửa với Mỹ vào ngưỡng 2027 ». Gần đây nhất, tuần trước trong khuôn khổ hội nghị an ninh châu Á Shangri - La, Singapore, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không còn che giấu mục tiêu « đánh chiếm» Đài Loan và sẽ « đánh đến cùng » trong trường hợp đảo này tuyên bố độc lập. Trung Quốc công khai đe dọa « bất kỳ một ai » can thiệp vào hồ sơ Đài Loan.

Một số nhà phân tích lo ngại nguy cơ Bắc Kinh chiếm đoạt Đài Loan bằng sức mạnh quân sự càng rõ nét sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin mở đường, đem quân xâm chiếm Ukraina, một quốc gia có chủ quyền.

Lo ngại này càng được củng cố thêm với phân tích của tư lệnh lực lượng Mỹ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đô đốc John C. Aquilino, được Washington Post trích dẫn. Theo ông, Trung Quốc đã tích lũy vũ khí quy ước và hạt nhân ở mức độ cao chưa từng thấy và nuôi tham vọng « làm thay đổi tương quan lực lượng tại châu Á », « làm bá chủ » khu vực này.

Trung Quốc càng lúc càng mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Á, từ căn cứ hải quân Ream ở Cam Bốt đến thỏa thuận về an ninh với quần đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương. Trước đó nữa là những công trình bồi đắp căn cứ quân sự ở Biển Đông. Thế rồi gần đây nhất, hôm 13/06/2022, Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố eo Đài Loan « không thuộc vùng biển quốc tế ». 

Trung Quốc thực sự tỏ ra tự tin vào tiềm lực quân sự. Đô đốc Aquilino không thể xác định về thời điểm Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ tại châu Á và thậm chí là đủ tự tin để tính đến chuyện xâm chiếm Đài Loan, nhưng theo tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, « rõ ràng thập niên 2020 này là thời điểm mang tính quyết định » đối với Mỹ. Bắc Kinh đang thực sự thách thức Washington.

John C. Aquilino nhìn nhận « không dễ mà duy trì thế thượng phong của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Đành rằng Washington đã nỗ lực đầu tư thêm, nhưng các chương trình đó đang bị chậm trễ về nhiều mặt. Có lẽ Mỹ không còn nhiều thời gian trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để tiếp tục giữ ưu thế về quân sự tại châu Á.

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba, tên Phúc Kiến 

17/6/2022 

Reuters 

Buổi lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải hôm 17/6

Buổi lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải hôm 17/6 

Trung Quốc hôm 17/6 đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba có tên là Phúc Kiến, được đặt theo tên của tỉnh nằm đối diện hòn đảo tự trị Đài Loan ở bên kia eo biển, động thái thông báo ý định đến các đối thủ trong khi Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi việc đại tu lực lượng quân đội lớn nhất thế giới là nội dung trung tâm trong chương trình nghị sự của ông và tìm cách thể hiện sức mạnh vượt khỏi bờ biển Trung Quốc, mặc dù chính phủ nước này nói rằng họ không có ý định thù địch.

Rượu sâm banh, ruy băng sặc sỡ, vòi rồng và khói đã được sử dụng để chào mừng tàu sân bay hạ thủy và được đặt tên chính thức tại một buổi lễ tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, truyền thông nhà nước đưa tin.

Hàng chục thuỷ thủ xếp hàng trước con tàu và hát quốc ca tại buổi lễ, với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong đó có ông Hứa Kỳ Lượng, phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Tàu sân bay này có sàn đáp dài với hệ thống phóng máy bay, theo truyền thông nhà nước.

Tàu Phúc Kiến sẽ hội quân với tàu Sơn Đông được biên chế vào cuối năm 2019 và tàu Liêu Ninh, chiếc tàu cũ mà Trung Quốc đã mua lại của Ukraine vào năm 1998 và tân trang lại ở trong nước.

Trung Quốc vẫn đang hoàn thiện khả năng vận hành đội tàu sân bay và tổ chức thành nhóm tàu tác chiến, điều mà Mỹ đã làm nhiều thập kỷ qua.

Chỉ có nước Mỹ với 11 chiếc là có số lượng tàu sân bay nhiều hơn Trung Quốc.

Việc hạ thủy tàu Phúc Kiến cho thấy năng lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc vào lúc căng thẳng gia tăng với Mỹ về vấn đề Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ và đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tỉnh ven biển Phúc Kiến nằm ngay phía bên kia eo biển Đài Loan và là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Đông của Giải phóng Quân nhân dân.

Đài Loan là một nền dân chủ thịnh vượng nhưng Trung Quốc coi hòn đảo này là lãnh thổ của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo.

Một quan chức cấp cao của Đài Loan thông thạo với kế hoạch an ninh của hòn đảo này nói với Reuters rằng với tàu sân bay mới, Trung Quốc đang báo hiệu cho khu vực ý định của họ về việc triển khai sức mạnh vươn xa ra Thái Bình Dương.

“Trong tương lai, họ muốn xâm nhập trực tiếp vào phía đông chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi phía đông Đài Loan,” quan chức giấu tên này nói.

“Bất kỳ sự hợp tác khu vực nào cũng được Bắc Kinh coi là sự can thiệp vào vấn đề Đài Loan hay là thách thức đối với Trung Quốc. Việc hạ thủy tàu sân bay mới là một cách thách thức lại.”

Đài Loan đã hiện đại hóa quân đội của họ, bao gồm đưa vào hoạt động một lớp tàu chiến tàng hình rất nhanh nhẹn mới, mà họ gọi là ‘sát thủ tàu sân bay’ do được bổ sung tên lửa.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nói trong một tuyên bố gửi cho Reuters về tàu sân bay mới rằng họ ‘rất coi trọng’ sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ‘đưa điều này vào nghiên cứu tình huống kẻ thù theo cách hướng tới tương lai’.

Macron: ‘Chỉ Ukraine có quyền quyết định về việc có nhượng lãnh thổ hay không’ 

17/6/2022 

Reuters 

Ông Macron đang có chuyến thăm đến thủ Kyiv của Ukraine cùng với lãnh đạo Đức, Ý và Rumani

Ông Macron đang có chuyến thăm đến thủ Kyiv của Ukraine cùng với lãnh đạo Đức, Ý và Rumani 

Chỉ Ukraine có quyền quyết định có chấp nhận có nhượng bộ lãnh thổ nào đó cho Nga để chấm dứt chiến tranh hay không, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với đài truyền hình TF1 trong một cuộc phỏng vấn khi ông đến thăm Kyiv.

“Điều này tùy vào Quyết định của Ukraine,” ông Macron nói khi được hỏi về những nhượng bộ nào, bao gồm lãnh thổ, mà Ukraine nên chấp nhận, và nói thêm: “Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng tôi là đứng về phía các giá trị của chúng tôi, về phía luật pháp quốc tế và do đó về phía Ukraine”.

Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ý, tất cả trước đây đều bị Kyiv chỉ trích vì sự ủng hộ được xem là quá thận trọng, đã đến thăm Ukraine hôm 16/6 và đem đến hy vọng trở thành thành viên EU cho một nước xin được cấp vũ khí để chống lại cuộc xâm lược của quân Nga.

Tổng thống Ukraine đã nhiều lần nói rằng nước ông sẽ không chấp nhận từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào mà quân xâm lược Nga chiếm

Đài Loan nắm trong tay hỏa tiễn có thể tấn công Bắc Kinh và Đập Tam Hiệp

Andrew Thornebrooke

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/06/images-700x420-1.jpg

Hỏa tiễn do Hoa Kỳ chế tạo tạo thành vệt ngang trên bầu trời Đài Loan trong cuộc tập trận. (Ảnh: Getty Images) 

Một chính trị gia hàng đầu ở Đài Loan đã cảnh báo rằng chính phủ của hòn đảo này nắm trong tay các hỏa tiễn có khả năng tấn công Bắc Kinh, và rằng hòn đảo này sẽ tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.

Ông Du Tích Khôn (You Si-kun), chủ tịch Lập Pháp Viện Đài Loan, nói rằng Đài Loan có hỏa tiễn hành trình siêu thanh có khả năng tấn công Bắc Kinh nếu chế độ cộng sản Trung Quốc xâm lược.

“Hỏa tiễn đạn đạo Vân Phong đã có khả năng tấn công Bắc Kinh,” ông Du cho biết. “Đài Loan có năng lực để tấn công Bắc Kinh.”

Dòng hỏa tiễn đạn đạo Vân Phong này được Đài Loan chế tạo trong nước. Thông tin về loại vũ khí này lần đầu tiên được công bố vào năm 2012 và được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2019.

Ông Du, từng là thủ tướng Đài Loan vào đầu những năm 2000, nói rằng trước đây ông không được phép tiết lộ toàn bộ khả năng của loại hỏa tiễn này cho công chúng. Tuy nhiên, giờ đây nó đã được sản xuất hàng loạt, ông nói rằng phạm vi hoạt động của nó đủ để vươn tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, cũng như Đập Tam Hiệp, nhà máy điện lớn nhất thế giới.

Trình bày với Mạng lưới Hải ngoại Đài Loan, ông Du cho biết nghiên cứu về cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga đối với Ukraine đã khiến ông tin rằng người dân Đài Loan cần phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược của cộng sản.

Ngoài ra, ông cho biết, Đài Loan không được đặt cược sự sống còn vào các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, hòn đảo này phải chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Ông nói: “Tự lực cánh sinh” là yếu tố quan trọng để cho thế giới thấy rằng Đài Loan đáng được cứu, như đã được thể hiện qua cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Nga ở Ukraine.

Sau đó, ông nói, các nước dân chủ trên thế giới sẽ buộc phải viện trợ cho Đài Loan, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ trở thành kẻ thù của Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.

Ông Du nói rằng, ngoài việc tấn công đại lục bằng các hỏa tiễn siêu thanh, Đài Loan sẽ sử dụng eo biển dài 100 dặm giữa hai bên để bố trí một lực lượng phòng thủ toàn diện và đánh chìm các chiến hạm của ĐCSTQ trước khi lực lượng này tiếp cận được hòn đảo.

“[Đảng Cộng sản Trung Quốc] phải vượt qua Eo biển Đài Loan để tấn công Đài Loan, điều này khác với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine,” ông Du cho biết.

Ông Du gọi Trung Quốc cộng sản một cách mỉa mai là “Thiên Triều,” liên quan đến chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa xét lại của nước này, và nói rằng ĐCSTQ sẽ không bao giờ thôn tính được đảo Đài Loan.

“Nếu các vị muốn đổ bộ, các vị trước hết phải chiến đấu ở đầu bãi biển. Nếu cuộc đổ bộ ấy thành công, thì mọi người dân ở Đài Loan phải quyết tâm hy sinh như [họ đang ở] Ukraine,” ông Du nói. “Hãy bước ra và đừng bao giờ để Trung Quốc thôn tính Đài Loan.”

ĐCSTQ hiện đang cai trị Trung Quốc là một nhà nước độc đảng, và coi Đài Loan là một tỉnh ly khai. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ hợp nhất Đài Loan với Đại lục, và có thể sử dụng vũ lực để thực hiện điều đó nếu cần.

Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản hoàn toàn kể từ năm 1949, và chưa bao giờ nằm ​​dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Hoa Kỳ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập kể từ năm 1979. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì một cam kết với Đài Bắc, được nêu trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó nước này bảo đảm rằng họ sẽ cung cấp cho Đài Loan các khả năng quân sự cần thiết để tự vệ và duy trì nền độc lập trên thực tế của hòn đảo.

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Cẩm An biên dịch


Triển vọng đơn xin gia nhập EU của Ukraine 

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đẩy Thụy Điển và Phần Lan về phía NATO. Nó cũng có thể đã mở ra cánh cửa cho Ukraine gia nhập EU. Trong ngày thứ Năm, các lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đã tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành ứng cử viên chính thức của Liên minh Châu Âu, bước đầu tiên để tiến tới thành viên đầy đủ. Ủy ban Châu Âu có thể sẽ làm theo vào thứ Sáu. Tuần tới, 27 người đứng đầu chính phủ của Liên minh Châu Âu sẽ gặp nhau để thảo luận trường hợp của Ukraine (cũng như Moldova, Georgia và các nước khác). Điều kiện cần là không nước nào phản đối.

Tuy nhiên, đàm phán về tư cách thành viên đầy đủ có thể mất tới mười năm hoặc hơn. Các đồng minh của Ukraine cho rằng họ nên được xem xét đặc biệt, nhưng số khác không muốn nới lỏng các quy định thông thường. Hơn nữa các nước đã nộp đơn từ lâu như Serbia hay Montenegro sẽ tức giận nếu có thiên vị. Người Ukraine nên chuẩn bị cho một quá trình lâu dài và khó khăn.

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu đang có triển vọng tốt

Suốt nhiều năm qua, các chính phủ đã tìm nhiều cách để buộc các công ty đa quốc gia phải đóng thuế ở nơi họ kinh doanh. Các công ty ngày càng tạo ra giá trị với các hoạt động khó đo lường như nghiên cứu phát triển hay phần mềm, giúp họ dễ dàng cắt giảm hóa đơn thuế bằng cách ghi nhận lợi nhuận ở các thiên đường thuế. Nhưng sắp có thay đổi.

Vào thứ Sáu, bộ trưởng tài chính của 27 chính phủ EU sẽ họp bàn cách hệ thống hóa một thỏa thuận quy định mọi tập đoàn đa quốc gia phải trả thuế cao hơn hoặc bằng 15% ở mọi nơi trên thế giới. Vào năm ngoái G20 cũng đã đồng ý với các quy tắc tương tự. Trên lý thuyết, nó kéo giảm lợi nhuận của các công ty trốn thuế và tăng thu thế cho các chính phủ, vốn thường thiếu tiền. Nhưng một thỏa thuận như vậy cũng làm tổn hại đến các quốc gia hưởng lợi từ thuế thấp, chẳng hạn như Ireland.

Tình hình chính trị cực hữu ở Hy Lạp 

Khi nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ trong những năm 2010, các thế lực cực hữu đã bùng lên. Biểu tượng giống như chữ thập ngoặc của đảng cực đoan Golden Dawn, cũng như các cuộc diễu hành và tấn công người nhập cư, dường như đã thuyết phục được một bộ phận cử tri. Kết quả là Golden Dawn trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội tại thời điểm năm 2015. Nhưng đến năm 2020, các nhà lãnh đạo đảng đã bị kết tội điều hành một tổ chức tội phạm dưới vỏ bọc đảng phái chính trị. Phiên tòa xem xét đơn kháng cáo của họ bắt đầu từ thứ Tư, nhưng ngay lập tức phải dời lại khi các thẩm phán xem xét yêu cầu hoãn của Nikos Michaloliakos, nhà sáng lập Golden Dawn và là một người phản đối vắc-xin, với lý do đang hồi phục sau covid-19. Phiên tòa sẽ nối lại từ ngày 6 tháng 7.

Dù vậy, phe cực hữu của Hy Lạp vẫn còn đó. Ilias Kasidiaris, cấp phó cũ của Golden Dawn và là một trong những người bị kết án vào năm 2020, đang điều hành một đảng dân tộc cực đoan mới từ trong nhà tù và có thể đang tìm cách tham gia cuộc tổng tuyển cử năm sau. Trong khi đó Greek Solution, đảng cực hữu duy nhất còn trong quốc hội, tiếp tục được cử tri thu nhập thấp ủng hộ vì nền kinh tế Hy Lạp lại khó khăn.

Ấn Độ muốn có thỏa thuận thương mại với EU

Xuất khẩu của Ấn Độ đang bùng nổ. Trong tháng 5, 62 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ đã được họ bán ra nước ngoài, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ kỳ vọng xuất khẩu năm sẽ đạt 1 nghìn tỉ đô la vào năm 2030, tăng 250% so với năm 2021. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc liệu họ có thể giành được các hiệp định thương mại tự do song phương hay không. Ấn Độ đang đàm phán với Anh. Nhưng có một giải thưởng lớn hơn: Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn thứ ba của họ. Thứ Sáu này một phái đoàn Ấn Độ sẽ đến Brussels với hy vọng mở màn đàm phán.

Triển vọng tương đối sáng sủa. Cả hai bên đều muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc. EU thậm chí đã tích cực tán tỉnh Ấn Độ kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, với mục tiêu tách New Delhi khỏi Nga. Hai bên muốn có thỏa thuận vào năm 2024, nhưng đàm phán sẽ căng thẳng xoay quanh các vấn đề như nông nghiệp hay sở hữu trí tuệ. Lần cuối cùng Ấn Độ và EU ngồi lại với nhau vào năm 2007, họ đàm phán tận sáu năm – trước khi đổ vỡ.

Công lý cho Myanmar: Viettel giúp chính quyền quân sự theo dõi binh lính đào ngũ

RFA 

clip_image002

Hình minh họa: Một cửa hàng của Viettel ở Hà Nội. AFP 

Tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) cáo buộc một công ty nhà nước của Bộ Quốc phòng Việt Nam trợ giúp chính quyền quân sự Miến Điện theo dõi dân chúng và binh lính đào ngũ.

Điều tra mới công bố hôm 14/6 từ các tài liệu rò rỉ cho thấy, Mytel – công ty do quân đội của thống tướng Min Aung Hlaing điều hành, tích cực khuyến khích binh lính sử dụng dịch vụ mạng viễn thông này.

Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có 49% cổ phần trong Mytel.

Theo Công lý cho Myanmar, trong nhiều năm gần đây nhân viên của Mytel tỏa đi các đơn vị quân đội để mua chuộc cấp chỉ huy nhằm buộc lính của các đơn vị này phải mua sim.

Các nhân viên Mytel sẽ thu thập dữ liệu về quân nhân, bao gồm tên, cấp bậc và mã số quân đội, với sự hỗ trợ của các chỉ huy và những lãnh đạo này được nhận các ưu đãi về tài chính để đảm bảo binh lính và sỹ quan của họ thường xuyên nạp tiền vào tài khoản Mytel.

Bên cạnh việc phát triển khách hàng trong quân đội, Mytel cũng lập ra chiến dịch tiếp thị để phát triển khách hàng trong khối dân sự như ngân hàng, doanh nghiệp, nhân viên chính phủ ở các cấp, từ cấp bộ cho tới cấp xã phường.

Theo một phân tích về đề xuất của Ủy ban Đầu tư Myanmar, quân đội Myanmar dự kiến sẽ thu lợi được hơn 700 triệu đô la Mỹ trong 10 năm từ Mytel, để tài trợ cho các tội ác chiến tranh tiếp diễn và tội ác chống lại loài người, báo cáo cho biết.

Trong email trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, Yadanar Maung – phát ngôn nhân của Công lý cho Myanmar cho rằng, công ty Mytel là sản phẩm của hành vi tham nhũng có hệ thống của quân đội bao gồm thống tướng Min Aung Hlaing và giới quân phiệt.

“Để tìm kiếm lợi nhuận, các tướng lĩnh quân đội đã giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quyền truy cập vào các bí mật quân sự, bao gồm dữ liệu nhân sự và quyền truy cập vào các căn cứ quân sự.

Đây là dữ liệu thậm chí không có sẵn cho chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo trước đây hoặc quốc hội mà quân đội đã cố gắng hạ bệ.

Dữ liệu bao gồm tên tuổi, cấp bậc và mã số quân nhân ở cấp quốc gia, được tổ chức theo căn cứ quân sự và dữ liệu cá nhân của đa số quân nhân Myanmar.”

Ngoài ra, tổ chức của nhóm các nhà hoạt động vận động cho công lý và trách nhiệm giải trình cho người dân Myanmar nói thêm rằng, Viettel tiếp tục có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các căn cứ cho tháp điện thoại di động và mạng cáp quang của quân đội Miến Điện.

“Trong khi Việt Nam là đồng minh của chế độ quân phiệt Myanmar, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể sử dụng và lạm dụng dữ liệu này nếu muốn, kể cả vì lợi ích quốc gia của riêng mình.

Các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của quân đội Myanmar được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh của Viettel với tập đoàn quân sự Myanmar Economic Corporation.

Chúng tôi kêu gọi các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu ngay lập tức đối với Telecom International Myanmar, công ty sở hữu Mytel, cũng như Viettel Global Investment.” – email trả lời phỏng vấn của Công lý cho Myanmar nói.

Chúng tôi cũng gửi email tới công ty Viettel để đề nghị họ bình luận về báo cáo này nhưng chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Sau cuộc đảo chính quân sự và bắt giam nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm ngoái, nhiều binh lính và cảnh sát đào ngũ cùng tham gia chiến dịch bất tuân dân sự.

Tuy nhiên, do sử dụng sim điện thoại của Mytel, họ vẫn bị theo dõi bởi chính quyền quân sự. Do vậy tổ chức này kêu gọi dân chúng và những người lính phá huỷ sim Mytel trước khi đào nhiệm.

Đồng thời nói rằng, số tiền kiếm lời của công ty viễn thông này không nên chảy vào túi của phe quân sự để họ sử dụng mua vũ khí hay trang thiết bị chống lại người dân, mà cần được sử dụng để phục vụ cho lợi ích của dân chúng.

Dẫn nguồn từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar, Công lý cho Myanmar nói kể từ khi đảo chính vào tháng hai năm ngoái, hơn 1.900 người kể cả trẻ em đã bị quân đội sát hại, và hơn 11.000 người đang bị giam giữ và thường xuyên bị tra tấn.

Công lý cho Myanmar cho rằng tội ác của quân đội được kích hoạt bởi lợi ích kinh doanh và do vậy, dân chúng cần tẩy chay Mytel ngay lập tức để ngăn chặn dòng tiền cho tập đoàn quân sự.

Hồi tháng 12 năm 2020, tổ chức này cũng công bố tài liệu điều tra cho rằng, Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội.

Và chính vì vậy, “Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.

Nguồn: RFA 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét