Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Ngô Khôn Trí – Cuộc chiến lá cờ và rượu giữa Canada và Đan Mạch

canada-danmach

Từ năm 1971, Canada và Đan Mạch tranh chấp chủ quyền đối với Đảo Hans, một đảo hoang nhỏ với diện tích 1,2 km2 , dài 1.290 m và rộng 1.199 m, nằm tại đường tiếp giáp giữa lãnh hải của Canada và Đan Mạch.

Năm 1984, Canada đã đưa quân lên đảo, cắm lá cờ lá phong của mình và chôn một chai rượu whisky Canada, trước khi rời đi.

Vài tuần sau, Đan Mạch đến Đảo Hans, gỡ lá cờ của Canada, thay thế bằng một lá cờ Đan Mạch và một chai rượu schnapps tốt nhất của Copenhagen. Nhưng Đan Mạch đã đi xa hơn một bước là họ để lại lời nhắn có nội dung: “Chào mừng đến với Đảo Đan Mạch.”

Và thế là “Cuộc chiến lá cờ và rượu” bắt đầu.

 

Hôm 15/6/2022 vừa qua, cuộc chiến lá cờ và rượu này chấm dứt bằng một thỏa thuận giữa 2 chính phủ Canada và Đan Mạch, 2 bên đồng ý chia đôi đảo Hans ở vùng Bắc Cực, không người ở, để chấm dứt 50 năm tranh chấp. Sau khi ký kết, Canada và Đan Mạch sẽ thiết lập đường biên giới trên biển dài nhất thế giới với 3.882km.

Điều này được đánh giá là  một động thái mang tính biểu tượng, giải quyết tranh chấp bằng một thỏa thuận hòa bình, trong bối cảnh thế giới căng thẳng vì xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay .

Mặc dù mang tính hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, nhưng một vị phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Calgary, ông Rob Huebert cảnh báo rằng : Ngoại giao pháo hạm của Đan Mạch trên đảo Hans là lời cảnh báo cho các cuộc xung đột ở Bắc Cực trong tương lai. Nó không phải đơn thuần là cuộc tranh chấp chỉ là rượu và cờ.

Ông nói :  Câu chuyện tranh chấp này nổi bật tính thiện chí vì cho rằng đó là một cuộc trao đổi cờ và rượu. Nó tạo nên những câu chuyện lý thú, nhưng nó lại để lại một phần lịch sử rất quan trọng và đáng lo ngại.

Vào năm 2002, vụ trao đổi rượu và cờ có tính chất đặc trưng cho cuộc tranh chấp đã hoàn toàn không có hồi kết khi người Đan Mạch sử dụng tàu khu trục có khả năng phá băng, HDMS Vaedderen, để đổ bộ quân lên đảo. Bất chấp những yêu cầu của Canada là không lặp lại những hành động leo thang này, họ đã tái phạm vào năm 2003 với con tàu khác có tên là Triton.

Năm 2005, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Bill Graham đã đến đảo cùng với các binh sĩ của Lực lượng Canada. Như ông đã nói rõ trong hồi ký của mình, rất khó để đến được đó vì Hải quân Canada thiếu các tàu có khả năng đi qua băng. Nhưng nỗ lực này rất đáng giá, vì chỉ đến thời điểm này, người Đan Mạch mới ngừng triển khai lực lượng quân sự tới hòn đảo tranh chấp.

Ông nói thêm: Việc giải quyết tranh chấp Đảo Hans Đan Mạch-Canada đang được công nhận là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết một trong những tranh chấp chủ quyền lâu dài ở Bắc Cực của chúng ta. Nhưng giới truyền thông khi nói về cuộc tranh chấp đã bỏ qua một phần quan trọng của câu chuyện.

Điều quan trọng là việc Đan Mạch chuyển từ việc sử dụng các quan chức dân sự để lại cờ và rượu, sang việc sử dụng tàu chiến với quân đội. Nếu như điều này xảy ra ở Biển Đông, thì đã có giao tranh và đã có binh sĩ thiệt mạng.

Mặc dù, mối quan hệ giữa Canada và Đan Mạch không giống đã như mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác mà họ đã can dự ở Biển Đông. Nhưng chính phủ Đan Mạch đã làm điều đó hai năm liên tiếp và chỉ dừng lại khi chính phủ Canada cùng quân đội của mình nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của các hành động của Đan Mạch. Họ giả vờ rằng điều này đã không xảy ra là giả vờ rằng Đan Mạch không sử dụng ngoại giao pháo hạm chống lại Canada.

Có một câu chuyện chính trị công khai thứ hai cũng đang được nói đến, đó là Stephen Harper là thủ tướng duy nhất cản trở việc dàn xếp. Có vẻ hơi kỳ lạ khi đổ lỗi cho một thủ tướng. Một thiếu sót quan trọng hơn hết là Đan Mạch có khả năng hàng hải để đến Đảo Hans, nhưng Canada thì không.

Không giống như Đan Mạch, các nhà lãnh đạo Canada chưa bao giờ nghĩ rằng cần trang bị cho Hải quân Hoàng gia Canada các tàu phá băng hoặc tàu vượt băng. Sự thiếu hụt năng lực này đã được chú ý và giải quyết bằng quyết định của chính phủ Harper về việc đóng một lớp và xa bờ, hiện giúp Canada có khả năng đến Đảo Hans và ứng phó với bất kỳ trường hợp ngoại giao pháo hạm nào trong tương lai ở Bắc Cực. (Ngày 10/11/2019, Hải quân Canada hạ thủy tàu tuần tra xa bờ HMCS Margaret Brook, đây là tàu thứ hai trong sáu tàu tuần tra xa bờ của chính phủ với Công ty Halifax thuộc Tập đoàn đóng tàu Irving).

Theo ông: Tại sao vấn đề này lại cho rằng vấn đề của Đảo Hans đã được giải quyết?

Thứ nhất, Canada sẽ cần để Đan Mạch tham gia đàm phán về ranh giới phân chia thềm lục địa mở rộng. Việc sử dụng ngoại giao pháo hạm trên đảo Hans chứng tỏ rằng người Đan Mạch rất coi trọng lập trường đàm phán của họ và Canada cần phải cẩn thận để không đánh giá thấp chính sách ngoại giao của Đan Mạch.

Họ sẽ không sử dụng tàu khu trục nhỏ của mình trong một cuộc tranh chấp như vậy, nhưng Canada cần nhận ra rằng họ sẽ tìm cách tối đa hóa vị thế của mình và việc chúng ta là bạn sẽ không có nghĩa là họ sẽ cắt đứt chúng ta. Họ nhỏ, nhưng họ hiểu quyền lực chính trị.

Thứ hai, và quan trọng hơn hết là việc Nga tăng cường xâm lược Ukraine vào năm 2014 đã khiến tất cả các quốc gia phía bắc nhận thấy nhu cầu cải thiện khả năng phòng thủ phía bắc của họ. Khi chính phủ Tự do của Canada miễn cưỡng chuyển sang hiện đại hóa NORAD (Hiệp ước quốc phòng của Hoa Kỳ và Canada nhằm cảnh báo và bảo vệ không phận của hai quốc gia Bắc Mỹ), nhiều nhà quan sát thấy rõ rằng cần phải bao gồm Greenland, và do đó là Đan Mạch, trong bất kỳ nỗ lực nào để phòng thủ hợp lý trước các hệ thống vũ khí mới của Nga, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh.

đảo Hans

Ông kết luận :  Hy vọng rằng, việc giải quyết vấn đề Đảo Hans, cùng với sự hiểu biết về toàn bộ lịch sử của cuộc tranh chấp, sẽ nhắc nhở giới tinh hoa chính trị Canada rằng Đan Mạch có thể nhỏ bé, nhưng nó rất khó và cần được đưa vào các cuộc thảo luận về việc bảo vệ vùng Viễn Bắc, khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài.

Đảo này đã là một phần của vùng săn bắt của người Inuit từ thể kỷ 14. Trước đó, không ai kỳ vọng vào việc khai thác các vùng biển băng đá xung quanh. Thế nhưng những năm gần đây do hiện tượng ấm lên toàn cầu, băng ở eo biển này tan ra trở thành một điểm trọng yếu của “tuyến đường tây bắc” nối Bắc Mỹ với Châu Á và Châu Âu. Việc bảo vệ chủ quyền hòn đảo tuy nhó bé này sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia trong tương lai. 

Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực, sử dụng các tàu ngầm hạt nhân và tàu phá băng chạy bằng hạt nhân. Tình báo Mỹ cho biết Nga cất giữ vũ khí công nghệ cao mới và đặc biệt là ngư lôi tự hành Poseidon 2M39 tại Bắc Cực. Năm ngoái, lần đầu trong lịch sử Hải quân Nga, 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đã đồng thời phá băng trồi lên trong cuộc diễn tập ở Bắc Cực.

Căng thẳng ngoại giao xung quanh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang ảnh hưởng đến Bắc Cực. Bảy quốc gia tẩy chay gồm Mỹ, Canada, Ðan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Ðiển, đã ra tuyên bố chung là hành động của Nga tại Ukraine là “sự vi phạm trắng trợn” các nguyên tắc cốt lõi của Hội đồng Bắc cực về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi Nga hiện là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bắc Cực. Theo đó, các cuộc thảo luận về những vấn đề  biến đổi khí hậu, khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực bị tạm ngừng vô thời hạn.

Liên Hợp Quốc hiện nay không thể đứng ra giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa các quốc gia trên thế giới. Cách hay nhất là 2 nước tự tìm ra giải phát hòa bình chung, có lợi cho đôi bên. Chính vì vậy, Canada và Đan Mạch đã bỏ qua những tranh chấp nhỏ trong quá khứ mà thỏa thuận chia xẻ lợi ích và hợp tác phòng thủ chống lại mối đe dọa từ Nga?

Không biết các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, có đồng lòng chia xẻ lợi ích và hợp tác phòng thủ chung để làm đối trọng với sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, giống như Canada và Đan Mạch đã làm hay không?

Montreal, ngày 16/6/2022

Ngô Khôn Trí

https://khoahocnet.com/2022/06/19


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét