Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 20 tháng 6 năm 2022

Võ thái Hà tổng hợp

Nhập khẩu dầu từ Nga của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/china-import-oil-from-russia.jpg

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5. Nga đã thay thế Ả Rập Xê-út trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Bắc Kinh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga, bao gồm nguồn cung được bơm qua đường ống Thái Bình Dương ở Đông Siberia và các chuyến hàng bằng đường biển từ các cảng Châu Âu và Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn trong tháng 5.

Con số này tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng 4. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Các công ty Trung Quốc, bao gồm tập đoàn lọc dầu khổng lồ Sinopec và Zhenhua Oil do nhà nước điều hành, đã tăng cường mua dầu của Nga sau khi Nga giảm giá mạnh trong bối cảnh các nhà kinh doanh dầu mỏ phương Tây rút lui do các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út đã mất vị trí dẫn đầu và hiện trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc, với khối lượng tháng 5 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 7,82 triệu tấn, tương đương 1,84 triệu thùng/ngày. Con số này đã giảm so với mức 2,17 triệu thùng/ngày của tháng 4.

 

Dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Hai (20/6) cũng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn dầu thô của Iran vào tháng trước.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu của Iran, thường được mua qua nguồn cung cấp từ các nước khác. Mức nhập khẩu gần tương đương với 7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô tổng thể của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5 từ mức cơ bản một năm trước đó lên 10,8 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.

Hải quan báo cáo không nhập khẩu từ Venezuela. Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đã tránh mua kể từ cuối năm 2019 vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Nhập khẩu từ Malaysia, thường được sử dụng làm điểm trung chuyển trong hai năm qua đối với dầu có nguồn gốc từ Iran và Venezuela, lên tới 2,2 triệu tấn, ổn định so với tháng 4 nhưng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu từ Brazil giảm 19% so với một năm trước xuống 2,2 triệu tấn, do nguồn cung từ nhà xuất khẩu Mỹ Latinh phải đối mặt với sự cạnh tranh rẻ hơn từ các dầu của Iran và Nga.

Lê Vy (theo Reuters)


Kỳ vọng lạm phát lên cao 

Dù các nhà kinh tế dự đoán gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ sớm kết thúc, công chúng lại nghĩ khác. Một thước đo toàn cầu về kỳ vọng lạm phát của mọi người trong năm tới hiện đạt mức 4% cho tháng 5, tăng từ 2,3% của một năm trước. Các thước đo kỳ vọng lạm phát khác dường như cũng đang tăng lên. Vấn đề là những kỳ vọng này sẽ chuyển hóa thành hành vi kinh tế thực tế – chẳng hạn như yêu cầu tăng lương hoặc các quyết định về giá cả – từ đó khiến lạm phát tăng.

Thật vậy, các ngân hàng trung ương có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Sau nhiều thập niên lạm phát thấp và ổn định, rất ít người chú ý đến những gì Jerome Powell, Christine Lagarde, hay Andrew Bailey, nói, hoặc thậm chí không biết họ là ai. Còn nhớ vào những năm 1980, chủ tịch Fed Paul Volcker đã nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình như một nhân vật chống lạm phát. Ronald Reagan và Margaret Thatcher cũng được biết đến với lòng nhiệt thành chống lạm phát. Có lẽ đã đến lúc biến lạm phát thành kẻ thù của công chúng.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang vùng Sừng châu Phi

Trung Quốc dường như đang sửa lại chính sách “không can thiệp” bấy lâu nay của họ. Vào thứ Hai, một “hội nghị hòa bình” do Trung Quốc tổ chức sẽ khai mại tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, sau khi nước này bổ nhiệm một đặc phái viên cho khu vực, nơi thường căng thẳng với các cuộc xung đột sắc tộc, lãnh thổ và tài nguyên, bao gồm cả cuộc nội chiến giữa chính phủ liên bang Ethiopia và vùng Tigray.

Trung Quốc không nói nhiều về mục đích của mình, ngoài việc giải quyết các thách thức về “an ninh, phát triển và quản trị.” Bảo vệ các khoản đầu tư kinh tế đáng kể trong khu vực có lẽ là mối quan tâm chính của họ. Nhưng Trung Quốc cũng không có khả năng sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải trực tiếp cho cuộc nội chiến của Ethiopia. Các nhóm nổi loạn đều không được mời. Eritrea – nước thường gây ra bất ổn trong khu vực – cũng sẽ không tham dự. Nhìn chung, hội nghị khó có thể giải quyết tận gốc tình trạng bất ổn của vùng Sừng châu Phi.

Sri Lanka cầu cứu IMF

Những ngày này Sri Lanka thường khá vắng vẻ. Có lẽ chỉ có các quan chức hối hả đến họp khẩn cấp. Giao thông công cộng đã phải dừng. Từ thứ Hai, các trường học và văn phòng nhà nước cũng sẽ đóng cửa hai tuần. Thứ Sáu bắt đầu được tính là ngày nghỉ, trong nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu. Với tình trạng mất điện kéo dài và thiếu thuốc men, Sri Lanka đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Còn giá lương thực tăng vọt vì thiếu phân bón trầm trọng.

Một phái đoàn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đến thăm thủ đô Colombo vào thứ Hai để thảo luận về một gói giải cứu. Trước đó vào ngày 22 tháng 5, Sri Lanka lần đầu tiên vỡ nợ. Giá năng lượng cao và đại dịch covid-19 góp phần gây ra khủng hoảng, nhưng chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ cũng không vô can. Vào tuần trước, thống đốc ngân hàng trung ương thừa nhận chính phủ đã có thể cầu cứu IMF sớm hơn. Nhưng muộn vẫn còn hơn không.

Quá trình thay đổi bản đổi ranh giới đơn vị bầu cử năm nay của Mỹ sắp khép lại

Thứ Hai là hạn chót cho Louisiana nộp bản đồ đơn vị bầu cử Quốc hội mới. Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ đề xuất trước đó — vốn được cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa nắm thông qua dù bị thống đốc Dân chủ phủ quyết — vì vi phạm quyền bỏ phiếu do không có đủ số đơn vị có đa số là người da đen. Louisiana là tiểu bang duy nhất còn lại chưa có bản đồ cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Nếu phiên bản này được thông qua, chu kỳ tái phân chia khu vực đầy tranh cãi của Mỹ sẽ kết thúc.

Sau cuộc điều tra dân số mười năm một lần vào năm 2020, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã cạnh tranh nhau để vẽ lại bản đồ đơn vị bầu cử Quốc hội theo hướng có lợi cho họ, một quá trình được gọi là gerrymandering. Các tòa án thỉnh thoảng chặn những nỗ lực quá trớn — như ở Louisiana, để không gây ra bất bình đẳng cho các nhóm chủng tộc thiểu số. Ở một số bang, như Ohio, đảng Cộng hòa đơn giản là phớt lờ tòa án. Nhìn chung trên toàn quốc, cán cân đảng phái vẫn ổn định, nhưng số lượng các khu vực cạnh tranh đã giảm dần. Tòa án Tối cao thậm chí có thể sẽ phán quyết vào năm tới để mở rộng hơn nữa quyền gerrymandering của các bang. Các cử tri nhiều khả năng sẽ bị mắc kẹt với thêm nhiều ứng cử viên cực đoan hơn nữa.

Sự chia rẽ, chậm chạp của EU trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đang giúp Nga chiếm lợi thế ở Donbas

Trường Phi

Sự chia rẽ, chậm chạp của EU trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đang giúp Nga chiếm lợi thế ở Donbas

Một ngôi trường bị phá hủy ở thành phố Bakhmut, thuộc vùng Donbas, miền đông Ukraine hôm 28/5/2022, cũng là ngày thứ 94 của cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Ảnh: Aris Messinis/Getty Images) 

Trang Fox News hôm nay (20/6) nhận định rằng sự chần chừ của EU trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang gây bất lợi cho nước này trên chiến trường. Đây là giai đoạn sinh tử của cuộc chiến. Nhưng Nga dường như đang tận dụng rất triệt để sự chậm chạp của đồng minh Ukraine để chiếm lợi thế trên chiến trường Donbas, nơi Nga tuyên bố là mục tiêu chính của cuộc chiến.

Trang tin Fox News trích nhận định của tướng Jack Keane, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nhấn mạnh rằng Ukraine đang ở “điểm tới hạn” và cần thêm vũ khí để đẩy lùi lợi thế của Nga.

Nga đang có quá nhiều lợi thế

“[Người Nga] có lợi thế vì số lượng súng [vũ khí] trong tầm tay”, ông Keane nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox & Friends. “Người Ukraine có kỹ năng, họ có ý chí, họ có số lượng người để làm điều đó. Điều họ cần là vũ khí để làm điều đó”.

Dĩ nhiên, ngoài vũ khí, người Ukraine cũng cần hỗ trợ kỹ thuật để làm chủ công nghệ về vũ khí công nghệ cao được gửi tới Mỹ và EU. Ví dụ, trường hợp Ukraine đang không thể sử dụng 5.000 tên lửa vác vai hiện đại nhất thế giới Javelin của Mỹ, sản xuất bởi Lockheed Martin (hợp đồng trị giá 309 triệu USD). Nhưng đáng tiếc, hàng trăm triệu USD vũ khí đang không phát huy tác dụng vì phía Mỹ và nhà sản xuất chưa có hỗ trợ kịp thời đề chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng. Bản thân quân đội Ukraine cần thời gian huấn luyện để làm chủ loại vũ khí này.

Tổng thống Biden trong tháng qua đã công bố hai đợt vũ khí và viện trợ cho Ukraine: Gói 1,2 tỷ USD mới nhất bao gồm pháo binh, vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn dược và các hệ thống tên lửa tiên tiến. Một phần lớn số vũ khí đó đến từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng, có nghĩa là bộ này sẽ công bố các gói hàng trước khi họ định vị, kiểm tra và vận chuyển vũ khí.

Các nhà phân tích nhìn chung cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đánh chiếm vùng Donbas; nơi quân đội đòi ly khai khỏi Ukraine nhiều năm. Nhưng thực tế chiến tranh cho thấy Nga đã có gắng chiếm Kyiv và các thành phố khác trong các đòn tấn công chớp nhoáng, mang tính quyết định, sử dụng chiến tranh công nghệ cao, kết hợp với chiến thuật “nồi hầm” khét tiếng để nuốt gọn Mariupol chỉ trong hơn một tháng sau khi đưa quân vào Ukraine.

Sau khi nuốt gọn Mariupol, xoá sổ hoàn tiểu đoàn khét tiếng Azov, chiếm được vùng đất chiến lược quan trọng nhất của Ukraine, có ý nghĩa phân định thắng bại tại Donbas, Nga đã thu quân tập trung về “giải phóng hai tỉnh ly khai” ở miền đông Ukraine, theo cách nói của Nga. Bằng cách tập trung vào mục tiêu này, Nga đang cải thiện khả năng tiến hành chiến tranh vì: Mariupol kiểm soát bởi Nga cắt đứt Ukraine với hai tỉnh miền Đông đang đòi ly khai; Mariupol tiếp giáp Biển Đen và Biển Azov, nơi Nga có thể triển khai hoả lực từ bờ biển. Ngoài ra, bằng việc có Mariupol, Nga có thể thuận tiện tái thiết lại cầu đường bộ nối Crimea với hai tỉnh ly khai và với Mariupol, thuận tiện đưa quân đội, tiếp tế đạn dược, vũ khí và hậu cần cho cuộc chiến. 

Trước sức mạnh trấn áp của Nga, đối thủ quá lớn, chênh lệch thực lực, tất cả hy vọng của Ukraine chính là nguồn cung vũ khí nhanh, đủ và kịp thời từ Mỹ và Châu Âu như cách mà họ đã hứa.

Tuy nhiên, các nước đồng minh của Ukraine ở Châu Âu đang chậm chạp trong việc cung cấp nguồn vũ khí tối quan trọng này.

Một quan chức bộ quốc phòng của EU bình luận: “Có vẻ như các loại vũ khí phù hợp [cho Ukraine] đã và sẽ không để đến kịp thời”. Đây là lý do “chiến thắng rõ ràng đáng lẽ dành cho Ukraine đã trở thành lợi thế của Nga”.

Các quan chức quốc phòng của EU lưu ý rằng họ sẽ phải mất “vài tháng” để những vũ khí đó đến được các lực lượng vũ trang của Ukraine. Ví dụ, hệ thống tên lửa Harpoon sẽ cần nhiều tuần để chuyển giao vũ khí, huấn luyện Ukraine sử dụng thành thạo chúng.

“Harpoon gắn trên xe tải, trong điều kiện này, trong cấu hình này, là mới, phải không?” một quan chức quốc phòng nói với các phóng viên vào ngày 15 /6. “Và đó là lý do tại sao phải mất một chút thời gian để kết hợp các hệ thống lại với nhau nhằm đảm bảo vũ khí này có thể hoạt động với đầy đủ chức năng”.

Phía Ukraine nói rằng họ cần nhiều vũ khí hơn những gì đồng minh của họ đang gửi đến. Mỹ đã cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác Ukraine để đảm bảo viện trợ tiếp tục đến được tiền tuyến, nhưng không thể bình luận về thời gian cụ thể.

Tận dụng triệt để sự do dự, chia rẽ của Châu Âu

Ukraine cũng phải đối mặt với sự do dự của các đồng minh châu Âu về việc cung cấp viện trợ vũ khí cho cuộc chiến. Một số nhà lãnh đạo châu Âu – chủ yếu là Thủ tướng Olaf Scholz của Đức và Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp – đã thúc đẩy Nga và Ukraine kết thúc chiến tranh thông qua các cuộc đàm phán hòa bình hơn là leo thang xung đột.

Suốt hai tháng đầu trong cuộc chiến, Đức đã trì hoãn việc cung cấp viện trợ vũ khí cho Ukraine. So với các đồng minh, Đức tụt hậu đáng kể. Cho tới nay, theo Fox News, Ukraine mới nhận được 35% tổng số lượng viện trợ đã cam kết.

Sự do dự và chia rẽ trong mục tiêu và cam kết là điều mà Nga đã, đang và sẽ tiếp tục tìm cách khai thác khi họ tạo ra lợi thế của mình ở Donbas, hoàn thành xong mục tiêu trong khi Ukraine phải chiến đấu vói nguồn tài nguyên cạn kiệt và vũ khí kém cỏi.

Rebekah Koffler, chủ tịch của Doctrine & Strategy Consulting, một cựu quan chức tình báo DIA, nói với Fox News Digital: “Nga nhận thức sâu sắc về sự thiếu gắn kết trong NATO và giữa các chính phủ châu Âu liên quan đến việc phương Tây nên hỗ trợ Ukraine trong bao lâu, ở mức nào”. “Moscow đã cố gắng phá vỡ NATO và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Châu Âu Cũ và Châu Âu Mới trong nhiều năm bằng cách điều hành các hoạt động tình báo bí mật và tiến hành chiến tranh thông tin [sai lệch]”.

Trường Phi

Thượng nghị sĩ Mike Lee: Chưa có thỏa thuận chấm dứt bạo lực súng đạn 

19/6/2022 

Reuters 

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Utah, ông Mike Lee.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Utah, ông Mike Lee. 

Một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa cho biết hôm Chủ nhật rằng các nhà lập pháp vẫn còn khoảng cách về các vấn đề an toàn súng quan trọng nhất, vốn hiện đang được thảo luận tại Quốc hội, gây nghi ngờ về hy vọng Hoa Kỳ có thể thông qua đạo luật liên bang về súng đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

"Vấn đề mà chúng tôi gặp phải ở đây là chúng tôi không có một dự luật", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Utah, ông Mike Lee, nói trên chương trình Fox News Sunday.

"Tôi liên tục yêu cầu được xem văn bản và rõ ràng là họ không có dựa luật và thực tế là họ không có một thỏa thuận nào cả", ông Lee nói.

Các nhà lập pháp đã phải chịu áp lực giảm bạo lực súng đạn sau hai vụ xả súng hàng loạt vào tháng trước tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York và một trường tiểu học ở Uvalde, Texas.

Tuần trước, ông John Cornyn, nhà đàm phán hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong nỗ lực của Thượng viện Hoa Kỳ để soạn thảo dự luật an toàn súng lưỡng đảng, đã bước ra khỏi cuộc đàm phán, trong khi đảng viên Dân chủ hàng đầu vẫn lạc quan rằng các nhà lập pháp có thể bỏ phiếu về dự luật trước khi rời đi nghỉ hai tuần nhân dịp lễ ngày 4 tháng 7.

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã có thỏa thuận về một loạt “các cam kết rất rộng”, ông Lee nói. "Nhưng đối với những điều khoản gây tranh cãi, gây tranh luận nhất và có khả năng gây ảnh hưởng nhất thì không có lời nào”.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhiễm COVID 

19/6/2022 

Reuters 

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan. 

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm thứ Bảy đã có kết quả dương tính với COVID-19, một phát ngôn viên cho biết.

Ông Sullivan nhiễm COVID-19 một tuần trước khi ông dự kiến tháp tùng Tổng thống Joe Biden đến dự cuộc họp của nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến G7.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết, ông Sullivan không tiếp xúc gần với ông Biden và không có triệu chứng.

Bà cho biết tiếp rằng đây là lần đầu tiên ông Sullivan bị nhiễm COVID.

Ông Sullivan thứ Sáu tuần trước đã gặp tại Nhà Trắng với Bộ trưởng Ngoại giao Senegal, Aissata Tall Sall, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Bảy.

Ông đã gặp trực tiếp với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Luxembourg trong 4 tiếng rưỡi hôm thứ Hai tuần trước.

Hiện vẫn chưa rõ liệu kết quả xét nghiệm dương tính có ảnh hưởng đến kế hoạch công du của ông Sullivan hay không.

Nhà Trắng tuần trước thông báo rằng ông Biden sẽ tới miền nam nước Đức để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 và tiếp tục đến Tây Ban Nha để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh

Ảnh minh họa: Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price nhân một cuộc họp báo tại Washington DC (Hoa Kỳ), ngày 23/02/2022. AP - Tom Brenner 

Một ngày sau khi nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng tại Việt Nam Ngụy Thị Khanh bị chính quyền Việt Nam kết án 2 năm tù vì tội “trốn thuế”, hôm qua, 19/06/2022, Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án đối với nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng quốc tế. 

Hãng tin AFP dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Mỹ ra hôm qua tuyên bố: “ Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, người đã được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường khác đang bị cầm tù, những người đã làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam”.

Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, là giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tư vấn về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, cung cấp nước sạch.

 AFP nhắc lại trung tâm của bà Ngụy Thị Khanh đã thuyết phục thành công chính phủ cam kết cắt giảm 20 megawatts điện sản xuất từ than đá trong kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030. 

Những hoạt động và đóng góp của bà trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, bà là người Việt Nam duy nhất được trao giải Goldman, giải thưởng cao nhất thế giới cho những những nhà bảo vệ môi trường.

Tháng Hai năm nay, chính quyền Việt Nam bất ngờ khởi tố bắt giam bà Khanh vì tội “trốn thuế”. Ngày 18/06, tòa tuyên án bà Ngụy Thị Khanh 2 năm tù.

Tàu quân y USNS Mercy của Mỹ đến Phú Yên

RFA
20/6/2022

Tàu quân y USNS Mercy của Mỹ đến Phú Yên

Tàu quân y USNS Mercy đến Nha Trang năm 2008 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Tàu quân y USNS Mercy (T-AH19) thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Hoa Kỳ cập Cảng Vũng Rô, Phú Yên, Việt Nam hôm 19/6/2022 đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22). 

Theo thông cáo báo chí của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, thì tại Việt Nam nhóm PP22 bao gồm các đại diện từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng các đối tác Việt Nam trong một loạt các hoạt động và dự án nhằm mang lại lợi ích cho người dân Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Trong thời gian ở Phú Yên, nhóm này sẽ cung cấp các hoạt động chăm sóc y tế liên quan đến các lĩnh vực nội khoa và nha khoa; các hoạt động xây phòng học mới tại các điểm trường; và các hoạt động trao đổi chuyên môn liên quan đến quy trình ứng phó thảm họa. 

Ngoài ra, Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng sẽ biểu diễn cùng các nghệ sỹ của Việt Nam trong các chương trình giao lưu cộng đồng trong ngày 20/6. 

Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Hank Kim, Chỉ huy trưởng PP22 cho biết: 

“Đây là sự hợp tác thể hiện sự đoàn kết, giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia và giúp chúng ta luôn sẵn sàng phối hợp hiệu quả trong các trường hợp cùng tham gia ứng phó thiên tai, hay bất kỳ sự cố thảm họa nào. 

Tôi rất mong được chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của đội ngũ tới các cơ quan tại Việt Nam và các quốc gia đối tác khác để chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng các kỹ năng được tiếp tục duy trì sau khi kết thúc chương trình”. 

Tàu quân y USNS Mercy của Mỹ trước đó có ba lần cập cảng Nha Trang năm 2008, Nghệ An 2012 và cảng Đà Nẵng năm 2015. 

Gia đình 13 người H'mong bị "trục xuất khỏi địa phương" vì theo Tin Lành

RFA
20/6/2022

Gia đình 13 người H'mong bị "trục xuất khỏi địa phương" vì theo Tin Lành

Quy ước của bản Phù Khả 1, xã Na Khoi trong đó có quy định "không theo tôn giáo khác với người H'mong" dán ngay trước nhà người dân 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngbáo Nghệ An 

Ít nhất một trẻ sơ sinh bị từ chối cấp giấy khai sinh vì cha mẹ không chịu bỏ đạo.

Một gia đình 13 người ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết đang phải đối diện với sự đàn áp khắc nghiệt tới từ chính quyền địa phương vì lý do tôn giáo. 

Ông Xồng Bá Thông hôm 15/6 có bản tường trình gửi Hội thánh tin lành Việt Nam (miền Bắc) về việc điểm nhóm Ka Dưới của ông bị đàn áp, mặc dù đã được chấp thuận gia nhập một tổ chức tôn giáo hợp pháp. 

Bị trục xuất khỏi địa phương vì theo Tin Lành 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình của ông Xồng Bá Thông (sinh năm 1996) là người sắc tộc H’mong, sinh sống ở khu vực này qua nhiều thế hệ và vốn theo phong tục thờ ma của người địa phương. 

Ông Thông cho biết đến khoảng năm 2017 thì toàn bộ gia đình bao gồm cha mẹ, các em và bản thân ông đã tự nguyện cải đạo sang Tin Lành sau khi tìm hiểu về đạo này qua sóng phát thanh.

Đến khoảng năm 2019 thì chính quyền địa phương bắt đầu yêu cầu gia đình này phải từ bỏ đạo Tin Lành và ép họ phải quay trở lại thực hành tập tục cũ.

“Họ chỉ nói một câu duy nhất đó là ở đây khu vực huyện Kỳ Sơn, xã Na Ngoi, cả tỉnh Nghệ An là chưa có ai theo đạo mà mình theo đạo là trái pháp luật. Còn thứ hai thì họ nói là mình làm mất đại đoàn kết dân tộc ở đây.” - Ông Thông cho hay.

Vì muốn được theo đạo một cách chính thức nên gia đình đã làm đơn xin gia nhập Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), và đã được chấp thuận trở thành thành viên hồi tháng 4 năm 2022. 

Tuy nhiên thay vì thừa nhận và để yên cho gia đình ông Thông theo đạo, chính quyền địa phương lại tăng cường gây sức ép để bắt họ từ bỏ niềm tin tôn giáo. 

Chính quyền đã liên tiếp tới nhà để vận động người nhà bỏ đạo, ngoài ra thì bản thân ông Thông đã bị triệu tập lên trụ sở xã làm việc nhiều lần, một trong số đó là làm việc với đoàn cán bộ của huyện Kỳ Sơn hôm 17 tháng 5, nội dung vẫn xoay quanh việc yêu cầu từ bỏ đạo Tin Lành. 

“Hôm bữa gặp đoàn của huyện thì tôi có đọc luật tín ngưỡng tôn giáo cho họ nghe hết và trình cho họ thấy hết, nhưng mà họ nói luật không có tác dụng gì ở đây cả, không có tác dụng gì ở cái huyện, cái tỉnh này, họ nói thế thôi.” - Ông Thông nói. 

Ngoài gây sức ép về mặt tinh thần, chính quyền xã còn áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Người dân cho biết đã bị chính quyền tịch thu một chiếc máy cày, vốn trước đó được nhà nước tặng để canh tác nhưng nay vì từ chối bỏ đạo nên bị lấy lại. Ngoài ra chính quyền cũng lấy đi một số gỗ mà gia đình định sử dụng để dựng nhà. 

Dù có hơn một hecta ruộng để trồng lúa nhưng vì bị đe dọa nên gia đình tín đồ đạo Tin Lành này giờ đây phải bỏ ruộng hoang, không dám canh tác vì sợ bị phá. Chính quyền cũng tiến hành cắt điện đối với nhà này từ hơn một tuần nay. 

Các biện pháp trừng phạt trên đã khiến cho cảnh sống của gia đình này lâm vào cảnh khốn khó:

“Tôi nói thật là ở đây tôi nuôi được trâu bò nhưng mà về buôn bán thì họ không cho những nhà thương lái đến thu mua bất cứ thứ gì của gia đình, bây giờ nói chung tiền bạc cũng hết, đồ ăn thức uống cũng khó khăn, lúa thì có trong kho dự trữ nhưng không có điện để xay mà ăn.”

Đỉnh điểm của chiến dịch đàn áp này là vào ngày 4 tháng 6, chính quyền tổ chức một cuộc bỏ phiếu để trục xuất gia đình ông Xồng Bá Thông ra khỏi địa phương. Và theo ông Thông thì người dân không ai dám bỏ phiếu chống lại quyết định trên. 

Hệ quả của việc này là giờ đây chính quyền không coi những người trong gia đình này là công dân địa phương, không cho phép sử dụng các dịch vụ công, và thậm chí từ chối cấp căn cước công dân và giấy khai sinh cho một số thành viên của hộ này. 

Phóng viên Đài Á châu Tự do đã gọi điện thoại nhiều lần cho bí thư và chủ tịch xã Na Ngoi để xác minh thông tin nhưng không ai nhấc máy. 

Chúng tôi sau đó đã liên hệ với ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn là người trước đó đã trực tiếp xuống vận động gia đình ông Thông bỏ đạo, tuy nhiên sau khi nghe phóng viên đề cập đến sự việc trên thì ông này viện lý do không được chủ tịch huyện ủy quyền nên không thể trả lời. 

Phóng viên cũng gửi email đến Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc) để xác minh thông tin, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. 

Chính quyền vận động người dân "không theo tôn giáo khác"

Báo Nghệ An hôm 1/5 vừa qua có bài viết về mô hình An dân ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn gần biên giới với Lào, do Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Na Ngoi, đảng ủy xã Na Ngoi.

Bản Phù Khả 1 nằm cách không xa bản Ka Dưới - nơi có gia đình theo Tin Lành hợp pháp nhưng bị đàn áp. 

Theo tờ báo có cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, ban chỉ đạo mô hình An dân vận động các thành viên trong gia đình ở bản Phù Khả 1 chấp hành pháp luật, hương ước của bản... không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông.

Trao đổi với RFA, một một mục sư Tin Lành người H’mong ở tỉnh Lào Cai hiện đang tị nạn tại Thái Lan, cho biết việc người H’mong theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi địa phương khi từ chối bỏ đạo là khá phổ biến: 

“Thì cái trường hợp này nó xảy ra rất là nhiều, và đã xảy ra từ bao nhiêu năm trước rồi, đây không phải là lần đầu tiên, cũng có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra từ trước rồi. 

Đã có bao nhiêu trường hợp như vậy thì khi có đơn đề nghị đến chính quyền cấp trên như là tỉnh và trung ương, thì họ trả lời cái đó là do chính quyền xã hay là làng họ không hiểu luật pháp hay là hiến pháp về tôn giáo, để cho cấp trên sẽ điều tra. 

Họ chỉ trả lời vậy thôi, mà bao nhiêu hộ đề nghị cấp trên giải quyết nhưng mà cuối cùng cũng chẳng được gì cả.”

Vị mục sư này cũng cho biết những hộ dân bị trục xuất khỏi địa phương nếu không rời đi thì sẽ khó sống, bởi sẽ không được quyền lợi gì. 

Ông cũng cho biết nhiều trường hợp trẻ em không được cấp giấy khai sinh, dẫn đến không thể đi bệnh viện khi bị ốm, hoặc không thể tới trường khi lớn lên. 

Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng lớn người H’mong Việt Nam phải vượt biên sang Thái Lan xin tị nạn. 

Phản ứng trước thông tin chính quyền huyện Kỳ Sơn ép người dân từ bỏ tôn giáo và thực hiện các biện pháp đàn áp, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành của tổ chức VETO!, một tổ chức nhân quyền chuyên theo dõi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng đây rõ ràng là một vụ vi phạm nhân quyền. 

Dựa vào các công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã tham gia, ông Dụng cho rằng quyền tự do tôn giáo của người dân Việt Nam là một quyền bất khả xâm phạm, do vậy ông lên án cách hành xử của chính quyền trong sự việc này:

“Nếu mà chính quyền cứ tùy tiện hành động như vậy thì theo tôi Việt Nam nên rút khỏi Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị, và ông Thủ tướng chính phủ không nên ra văn bản bắt các cơ quan nhà nước ở tại trung ương và địa phương, phải học tập về cái công ước này nữa.”

Ông Dụng cũng cho rằng sở dĩ chính quyền Việt Nam có chính sách nhắm đến những người mới cải đạo là vì họ muốn ngăn chặn sự mở rộng của các tôn giáo. 

*Đính chính: Phóng viên đổi tiêu đề bài viết lúc 7:30 20/6/2022 từ "Gia đình 13 người H'mong bị "từ chối cấp căn cước công dân" vì theo Tin Lành" trở thành "Gia đình 13 người H'mong bị "trục xuất khỏi địa phương" vì theo Tin Lành". 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét