Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Nguyễn Lê – Việt Nam, những biến chuyển đầu thế kỷ . Kỳ 4

IV) NHỮNG TỔN THẤT TO LỚN CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

(tiếp theo)

Tại Hội An, trước làn sóng người biểu tình không dứt, viên công sứ Quảng Nam ra lệnh đối phó bằng dùi cui và báng súng. Nhưng chỉ được chốc lát, khi lính rút đi, người dân quần tụ lại như cũ. Ngày 13.3.1908, người biểu tình trải chiếu ở luôn quanh dinh công sứ, nấu ăn tại chỗ và cứ mỗi ba ngày, một toán người mới đến thay thế cho toán cũ về nhà.

Ngày 21.3.1908, một nhóm biểu tình đến phủ đường Điện Bàn, cưỡng bách viên Tri phủ đi với họ về Hội An để nộp đơn khiếu nại. Trên đường đi, lính Pháp đã xả súng bắn vào đoàn người làm ba người chết.

Đến tháng 4.1908, phong trào kháng thuế, cự sưu nhanh chóng lan ra từ Quảng Ngãi vào đến Bình Định, Phú Yên. Tại Bồng Sơn (Bình Định), đoàn biểu tình túm lấy viên Tri phủ và cúp tóc ông ta. Từ đó, đoàn biểu tình đi đến đâu, quan phủ huyện nơi đó đều trốn cả. Sự đàn áp của Pháp ngày càng dữ dội hơn, Đến tháng 5.1908, phong trào lần hồi tan rã sau khi một số lãnh tụ cách mạng trong phong trào Duy Tân hay tổ chức Đông Kinh nghĩa thục bị bắt giữ, bị lưu đày hay xử tử.

 

Kể từ biến động này, triều đình Huế trở thành công cụ hợp thức hóa mọi quyết định của thực dân Pháp. Vua Duy Tân còn quá nhỏ (8 tuổi), mọi việc do phủ Phụ chánh thực hiện. Các đại thần trong phủ như Trương Như Cương (Lại bộ Thượng thư) Lê Trinh (Lễ bộ Thượng thư), Tôn Thất Hân ( Binh bộ Thượng thư), Nguyễn Hữu Bài ( Công bộ Thượng thư), Huỳnh Côn (Hộ bộ thượng thư) đã ban hành hàng loạt quyết định bắt giữ, lưu đày, xử tử những lãnh tụ cách mạng có dính líu ít nhiều đến phong trào kháng thuế. Ngoài cụ Trần Quý Cáp bị xử chém ngang lưng tại Nha Trang, nhiều nhà cách mạng bị lưu đày Côn Nôn (Côn Đảo) như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Duyện …

Riêng cụ Phan Châu Trinh, trong suốt thời gian diễn ra cuộc kháng sưu thuế, cụ đang có mặt tại Hà Nội, song sau đó vẫn bị bắt giải về Huế. Một vài người trong triều không ưa tính khảng khái của cụ, ban án trảm quyết dành cho cụ, sau nhờ sự can thiệp của một vài viên chức ở phủ Toàn quyền Đông Dương, bản án chuyển thành “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên “ (đày Côn đảo không được hưởng ân xá).

2) VỤ HÀ THÀNH ĐẦU ĐỘC VỚI 18 ÁN TỬ HÌNH 

Hà thành đầu độc là hoạt động có sự kết hợp giữa các đồng chí của cụ Phan Bội Châu và đảng Nghĩa Hưng do Đề Thám thành lập và lãnh đạo. Mục đích chính của vụ đầu độc nhằm vô hiệu hóa hầu hết lính Pháp đóng quân trong phạm vi Hà Nội bằng cách làm cho họ trúng độc, mất hết khả năng chiến đấu, để nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đánh úp Hà Nội, đầu não của bộ máy thuộc địa ở Đông Dương. Kế hoạch hành động cụ thể bao gồm hai bước chính :

1- Đầu độc lính Pháp tại một cửa hàng ăn trong một khu phố nghèo ở Hà Nội, nơi có rất đông lính Pháp đến ăn cơm mỗi ngày. Nhiều đầu bếp và người dọn bàn ở cửa hàng này là đảng viên và cảm tình viên của đảng Nghĩa Hưng.

2- Đúng 9 giờ đêm 27.6.1908, sau khi cuộc đầu độc thành công, quân của Hoàng Hoa Thám dưới sự chỉ huy của Cai Ngà, Cai Hiền, Đội Đàm, Đội Hổ sẽ tấn công bất thần các cứ điểm quan trọng ở Hà Nội như cửa Bắc thành Hà Nội, Cầu Giấy, nhà ga Gia Lâm, chặn đứng các nguồn tiếp viện từ Sơn Tây, Bắc Ninh... Đêm ấy, đích thân Hoàng Hoa Thám sẽ có mặt ở vùng đồi núi Yên Thế, liên lạc với lực lượng nổi dậy tại Hà Nội qua một đường dây ở tỉnh Phúc Yên (Marr David G. – sđd, trang 193).

Kế hoạch được bàn thảo khá kín đáo, tỉ mỉ, nhưng vẫn không tránh được sự rò rỉ thông tin ra ngoài. Theo tập sách Histoire militaire de I’Indochine des débuts à nos jours (Lịch sử quân sự Đông Dương, từ khởi thuỷ đến ngày nay) xuất bản tại Hà Nội năm 1922, ba ngày trước khi kế hoạch được tiến hành (24.6.1908), viên tướng chỉ huy pháo binh Pháp nhận được lá thư nặc danh của một người bản xứ thông báo về âm mưu tấn công Hà Nội của quân dân Việt Nam, trong đó có cả lính bản xứ thuộc đại đội lính thợ pháo binh. Đồng thời với lá thư trên, một nguồn tin xuất phát từ viên trung úy Delmont- Babet, đại đội trưởng đại đội lính thợ cũng đưa ra những chi tiết tương tự. Nội vụ được báo cáo ngay cho viên Thống sứ Bắc kỳ là Morel và một cuộc điều tra đã được Pháp cho tiến hành ngay. 

Phản ứng sớm sủa của Pháp khiến nhiều người trong lực lượng cách mạng chột dạ, mất bình tĩnh. Sáng ngày 27.6, sau khi nhận nhiệm vụ do đảng Nghĩa Hưng giao, vì quá sợ, một viên cai khố đỏ tên là Truởng đã đến trình diện viên trung uý Pháp Delmont, khai hết kế hoạch đánh úp Hà Nội của nghĩa quân. Y cũng xin được tống giam tại chỗ để tránh sự trừng phạt của đồng đội. Tuy nhiên, có lẽ cai Trưởng thuộc bộ phận tấn công quân sự và không biết gì về kế hoạch đầu độc (hoặc có biết nhưng không đành tâm khai hết) nên thực dân Pháp chỉ tổ chức bố phòng cẩn mật tại các đồn bót mà thôi.

4 giờ chiều ngày hôm ấy, Cai Ngà đem thuốc độc chế bằng cà độc dược pha trộn với nhân ngôn phân phối cho các đầu bếp đã được giao nhiệm vụ. Đêm đó, kế hoạch đầu độc đã được thực hiện trót lọt, 200 tên lính Pháp bị ngộ độc, nhưng có lẽ liều lượng độc chất còn ít nên không gây ra một trường hợp tử vong nào. Một số tên bị mất trí tạm thời, xé toang quần áo, la hét, leo lên xe đạp phóng như bay trên đường phố Hà Nội. Cuối cùng, nhờ sự tận lực cứu chữa của các bác sĩ Pháp, bọn họ dần hồi tỉnh. 

Theo tác phẩm của Marr David G. (sđd), một anh lính Việt Nam sau khi bỏ thuốc độc vào cơm bọn lính Pháp bỗng đâm hoảng, chạy đến gặp một linh mục Pháp để xưng tội. Nhà tu hành này vội gọi điện thoại báo ngay cho các giới chức quân sự Pháp. Bọn thực dân đã ban lệnh báo động và giới nghiêm toàn khu vực Hà Nội, giải giới tất cả lính bản xứ đang ở trong quân đội của họ, ngăn chặn cửa vào thành phố và rải những toán tuần tiễu đi khắp nơi. 

Như vậy, kế hoạch đánh úp Hà Nội của lực lượng kháng chiến Việt Nam đã bị phá sản từ trong trứng nước. Sau khi đã yên tâm về các biện pháp bố phòng, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khủng bố. Cai Ngà và một số đầu bếp người Việt Nam bị bắt giữ trước tiên, sau đó đến những người được phân công nổi dậy và đầu độc lính Pháp, kể cả một số thường dân. Họ không phải là những nhà cách mạng có tên tuổi như trong vụ kháng thuế diễn ra hồi tháng 3, nhưng số lượng đông đảo người bị bắt giữ là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng đương thời. 

Ngày 29.6.1908, thực dân Pháp triệu tập khẩn cấp Hội đồng đề hình do thanh tra bản xứ vụ De Miribel và công sứ Hà Đông Duvillier chủ toạ để xét xử những người bị bắt. Sau những cuộc thẩm vấn kéo dài, ngày 27.11.1908, hội đồng này đã tuyên 12 án tử hình, 6 án tử hình khiếm diện, 4 án chung thân và 31 án tù có thời hạn khác. Trong số những người bị án tử hình có Cai Ngà, Đội Đàm, Đội Hổ, bếp Xuân và cả bà hàng cơm Nguyễn Thị Ba, tất cả đều bị chém đầu ngay sau đó.

Năm 1912, Trong dân gian có truyền tụng bài thơ lục bát Hà thành đầu độc 1908 (khuyết danh):

Ôi thương thay! Ôi thương thay!

Kể sao cho xiết chết lây những người

Văn minh thật đã lạ đời,

Đàn bà giết cả đến người hàng cơm

Thôi thôi trâu béo cỏ rơm

Trăm nghìn phó một mũi gươm là rồi

Khen cho liệt sĩ bốn người

Một lòng vì nước muôn đời tiếng thơm...

(còn tiếp)

Lê Nguyễn

10.6.2022

https://www.facebook.com/lenguyenpd


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét