Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lại nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam

Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Hà Nội, ngày 13/6/2022. Photo Twitter Wendy Sherman.

Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Hà Nội, ngày 13/6/2022. Photo Twitter Wendy Sherman. 

Trong chuyến công du vừa qua đến Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã đề cập đến vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong hơn một tháng qua nhà ngoại giao quan trọng thứ nhì của Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội trong khi truyền thông Việt Nam phớt lờ vấn đề nhạy cảm này.

Hôm 14/5, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vào ngày 13/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Quốc phòng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.

 

Trong các cuộc gặp này, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman nhấn mạnh tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và việc Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.

“Thứ trưởng Ngoại giao Sherman cũng thảo luận về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại song phương”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Bà Sherman viết trên Twitter hôm 13/6: “Rất vui được gặp người bạn tốt của tôi, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc hôm nay tại Hà Nội. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về những diễn biến ở Biển Đông, tiểu vùng sông Mekong, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và nhân quyền”.

Tiếp xúc với báo giới trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 13-6, bà Sherman nói rằng đó là chuyến công du “rất hiệu quả”. Bà cho biết đã gặp gỡ và thảo luận với phía Việt Nam nhiều vấn đề có ý nghĩa với quan hệ song phương như thương mại và phát triển kinh tế, hợp tác năng lượng sạch và y tế, các vấn đề an ninh trong đó có an ninh hàng hải.

Truyền thông Việt Nam không đề cập đến chủ đề nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc giữa bà Sherman với giới lãnh đạo Việt Nam.

Trước đó, hôm 12/5 tại thủ đô Washington, Thứ trưởng Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với ông Hà Kim Ngọc, hối thúc Hà Nội tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.

Bà Sherman nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, người tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại thủ đô Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN từ ngày 12-13/5.

Thứ trưởng Ngoại giao Sherman nêu lên vấn đề nhân quyền và “tầm quan trọng của việc Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết vào tối ngày 12/5.

Nhân quyền, từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và hai bên thường có các phát biểu bất đồng do tồn tại các khác biệt, dù đã qua hơn 25 lượt đối thoại thường niên về nhân quyền.

Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tin rằng chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền là một trong những ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, với việc Washington liên tục thúc ép Hà Nội thả tù nhân chính trị.

Theo tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), ở Việt Nam hiện có hơn 150 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình. Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền hàng ngày phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an. 

“Trong một chế độ độc đảng công an trị không chấp nhận bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động bị tạm giam trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình”, HRW cho biết.

Hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, theo đó cho rằng chính quyền Việt Nam bắt bớ tùy tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền, vi phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.

Bộ ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo này, cho rằng nhận định của phía Mỹ là “không khách quan”, “không phản ánh tình hình thực tế tại Việt Nam”.

https://www.voatiengviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét