Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 27 tháng 6 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

G7 ra mục tiêu huy động 600 tỷ đôla để chống lại dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc 

27/6/2022 

Reuters 

Các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 tại Castle Elmau ở Kruen, Đức, hôm 26/6/2022.

Các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 tại Castle Elmau ở Kruen, Đức, hôm 26/6/2022. 

Các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 hôm 26/6 cam kết huy động 600 tỷ đôla quỹ tư nhân và công trong vòng 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển và chống lại dự án Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ đôla của Trung Quốc, theo Reuters.

Tại cuộc họp thường niên được tổ chức vào năm nay tại Schloss Elmau, miền nam nước Đức, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G-7 khác đã khởi động lại dự án “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” mới vừa được đổi tên.

Ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ huy động số tiền 200 tỷ đôla, từ quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm giúp đối phó với biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

 

“Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người”, ông Biden nói, đồng thời nói thêm rằng nó sẽ cho phép các quốc gia “thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ”.

Ông Biden cho biết hàng trăm tỷ đôla bổ sung có thể đến từ các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền và các quỹ khác.

Song song đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với cuộc họp rằng châu Âu sẽ huy động 300 tỷ euro (khoảng 317,28 tỷ đôla) cho sáng kiến này nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013.

Các nhà lãnh đạo của Ý, Canada và Nhật Bản cũng nói về kế hoạch của họ, một số trong số đó đã được công bố riêng.

Kế hoạch đầu tư của Trung Quốc liên quan đến việc phát triển và các chương trình tại hơn 100 quốc gia nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ đại từ châu Á sang châu Âu.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch này của Trung Quốc mang lại ít lợi ích cụ thể cho các nước đang phát triển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bảo vệ thành tích của dự án BRI khi được yêu cầu bình luận tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 27/6.

“Trung Quốc tiếp tục hoan nghênh tất cả các sáng kiến thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu”, ông Triệu nói về kế hoạch 600 tỷ đôla của G7.

“Chúng tôi tin rằng không có gì phải bàn cãi khi các sáng kiến liên quan khác nhau sẽ thay thế nhau. Chúng tôi phản đối việc thúc đẩy các tính toán địa chính trị với lý do xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc bôi nhọ Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Triệu cho biết thêm.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giảm 44% trong tháng 6 

27/6/2022 

Reuters 

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hiện xuống còn 1,11 triệu tấn, tính vào ngày 22/6/2022.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hiện xuống còn 1,11 triệu tấn, tính vào ngày 22/6/2022. 

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong 22 ngày đầu tháng 6 giảm khoảng 44% so với một năm trước đó, hiện xuống còn 1,11 triệu tấn, Reuters dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết hôm 27/6.

Số liệu cho thấy trong số hơn 1 triệu tấn này có 978.000 tấn ngô, 104.000 tấn lúa mì và 24.000 tấn lúa mạch.

Trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Ukraine xuất khẩu tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Moscow gọi hành động của mình là một hoạt động quân sự đặc biệt.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 giảm xuống khoảng 1,7 triệu tấn do Ukraine, quốc gia từng xuất khẩu hầu hết hàng hóa qua các cảng biển, đã buộc phải vận chuyển ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía tây hoặc qua các cảng nhỏ trên sông Danube.

Rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: Người dân Lào lo sợ hậu quả thảm khốc

Đại Minh

Rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: Người dân Lào lo sợ hậu quả thảm khốc

Tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc và Lào, một phần quan trọng trong dự án “Vành đai con đường” của Bắc Kinh bắc qua sông Mekong ở Luang Prabang. (Ảnh: AIDAN JONES / AFP qua Getty Images) 

Năm 2022 sẽ là một năm khó khăn đối với Lào, với dự trữ tiền mặt ngày càng cạn kiệt, lạm phát tăng cao, giá dầu tăng cao, và đồng tiền mất giá. Lào đang lặp lại những gì đã xảy ra ở Pakistan và Sri Lanka. Bẫy nợ của Trung Quốc đã làm tê liệt nền kinh tế của Lào, dân chúng ngày càng trở nên thất vọng và tức giận với sự phát triển xấu đi của tình hình kinh tế.

Sri Lanka dường như đã rơi sâu vào trong bẫy nợ của Trung Quốc, là quốc gia đầu tiên đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế sắp xảy ra, với Pakistan nối theo sau, và bây giờ thậm chí Lào cũng đã bắt kịp.

Vào tháng 5, lạm phát ở Lào đạt mức cao nhất trong 18 năm là 12,8%, một trong những mức cao nhất ở châu Á. Vào thời điểm này năm ngoái, khoảng 9.400 kip có thể đổi được một đô la; hôm nay nó đang được giao dịch ở mức gần 15.000 kip, mức mất giá tiền tệ hơn 40%. Khi Hoa Kỳ tiếp tục tăng lãi suất, sự mất giá của đồng kip cũng sẽ nghiêm trọng hơn.

Đồng thời, tình trạng thiếu xăng ở hầu hết các khu vực của Lào đã kéo dài trong nhiều tháng, việc xếp hàng dài tại các trạm dầu là rất phổ biến. Mặt khác, tiền lương bị đình trệ, và mức lương tối thiểu đã không được tăng kể từ năm 2018.

Trên thực tế, mối lo ngại lớn nhất ở Lào vẫn là nợ công tăng cao. Nợ công của nước này đạt 14,5 tỷ USD vào năm ngoái, khoảng một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, con số này chiếm tới 88% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào.

Tháng 12 năm ngoái, Lào và Trung Quốc rầm rộ khai trương tuyến đường sắt mới trị giá 6 tỷ USD, nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với Côn Minh, Trung Quốc. Lào hy vọng tuyến đường sắt này sẽ có lãi vào năm 2027, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng, nó sẽ được dùng để trả tiền vay của Trung Quốc cho dự án tuyến đường sắt và các dự án khác, và sẽ không bền vững.

Theo dữ liệu từ AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William & Mary, ngoài 1,06 tỷ USD nghĩa vụ nợ, Lào còn phải đối mặt với khoản “nợ ẩn” 3,54 tỷ USD khi thành lập liên doanh tài trợ cho tuyến đường sắt. Chính phủ Bắc Kinh đã gánh 70% số nợ.

AidData cảnh báo nếu lợi nhuận không đủ, chính phủ Lào có thể phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ với tổng số nợ là 3,54 tỷ đô la Mỹ.

Theo Nikkei Asian Review, Lào hiện nợ 11% khoản nợ vay song phương của Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới, Lào nợ nước ngoài khoảng 1,3 tỷ USD, đến năm 2025 mới giải quyết xong.

Vào ngày 14/6, Moody’s Investment Services Ltd. đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Lào một bậc xuống Caa3, với lý do quản trị yếu kém, gánh nặng nợ nần cao, và không đủ dự trữ ngoại hối để trả các khoản nợ nước ngoài đến hạn.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 12 năm ngoái, Lào có trong tay 1,3 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng trước năm 2025, tổng số tiền trả nợ nước ngoài hàng năm của nước này vào khoảng con số này, tương đương 50% tổng thu nhập trong nước.

Lào là một quốc gia cộng sản, không cho phép công chúng có kiến ​​bất đồng, nhưng hiện nay sự bất mãn trong dân chúng ngày càng lớn. Harrison Cheng, phó giám đốc công ty tư vấn Control Risks, cho biết các cuộc biểu tình giống như ở Sri Lanka, khiến thủ tướng Sri Lanka từ chức, khó có thể xảy ra ở Lào, nhưng sự bất an âm ỉ trong dân chúng có thể làm đem đến cho lãnh đạo đương nhiệm những hậu quả thảm khốc.

Ông Harrison cho biết, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) cầm quyền rất có thể sẽ hy sinh một số quan chức hàng đầu, các bộ trưởng, thậm chí cả Thủ tướng Phankham Viphavanh, để cố gắng trấn an dân chúng trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế giảm bớt. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu LPRP có thể nắm bắt được thời điểm hay không, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, và lạm phát gia tăng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Đại Minh
Theo Visiontimes

Tên lửa Nga bắn vào Kyiv

Tên lửa Nga đã bắn xuống Kyiv vào rạng sáng Chủ nhật. Ít nhất một người chết và sáu người bị thương khi một quả bom rơi trúng một dãy căn hộ; trong khi một sân chơi gần đó cũng bị đánh bom. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào thủ đô Ukraine sau nhiều tuần.

Chúng có lẽ là động thái cảnh báo Ukraine và những người ủng hộ Ukraine vào đúng thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Nhưng nếu mục đích là gây chia rẽ phương Tây trước cuộc họp G7 và hội nghị thượng đỉnh NATO, chúng có thể đã phản tác dụng. Ukraine đang được xem xét để trở thành thành EU (bên cạnh Moldova). Và thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các lãnh đạo G7 rằng “không phải lúc để từ bỏ Ukraine.”

Nước này đang rất cần được giúp đỡ. Trong những ngày gần đây, Nga đã giành toàn quyền kiểm soát thành phố miền đông Severodonetsk, trong một chiến thắng quân sự được dự đoán từ lâu. Giờ đây họ đang áp sát Lysychansk.

Quốc hội Israel sắp giải tán

Vào thứ Hai, quốc hội Israel sẽ bỏ phiếu để tự giải tán và công bố tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Đây sẽ là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ thủ tướng chỉ kéo dài một năm của Naftali Bennett. Bộ trưởng Ngoại giao Yair Lapid sẽ thay thế ông cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Binyamin Netanyahu, cựu thủ tướng đã bị liên minh Bennett-Lapid soán ngôi vào năm ngoái, đang tìm cách quay lại quyền lực. Nhưng vì không thể đảm bảo sẽ đạt đa số trong cuộc bầu cử sắp tới, ông đang tìm cách trì hoãn cuộc bỏ phiếu giải tán quốc hội để thành lập một liên minh cầm quyền có sự tham gia của các nghị sĩ đương nhiệm. Trong cả bốn cuộc bầu cử gần nhất ông đã không thể đạt đa số và cũng khó có khả năng thắng lần này. Ngay cả khi ông trì hoãn được vài ngày, Israel gần như chắc chắn sẽ tiến tới cuộc bầu cử lần thứ năm trong vòng chưa đầy bốn năm.

Triển vọng kinh tế ảm đạm của Mỹ

Kinh tế Mỹ vừa đón một loạt tin xấu. Lạm phát ở mức cao nhất trong 4 thập niên, lãi suất tăng còn thị trường chứng khoán chật vật, trong khi doanh số bán lẻ và doanh số bán nhà đều giảm. Số liệu được công bố vào thứ Hai sẽ cho thấy sự u ám tương tự: đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền (các mặt hàng dùng lâu hơn ba năm, chẳng hạn như máy tính và máy móc) có thể đã không tăng trong tháng 5. Điều này cho thấy đầu tư kinh doanh giậm chân tại chỗ.

Vẫn chưa có khả năng xảy ra suy thoái, một phần nhờ vào thị trường lao động vững mạnh. Nhưng việc số đơn đặt hàng giảm cho thấy các doanh nghiệp đang hạn chế chi tiêu, qua đó giúp kiềm chế lạm phát. Câu hỏi chỉ là con đường từ giờ đến đó sẽ đau đớn ra sao.

Tổng thống Biden ‘tôn trọng’ Tòa án Tối cao dù đả kích phán quyết phá thai 

26/6/2022 

Reuters 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước toàn quốc tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. ngày 24 tháng 6 năm 2022 sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ quyền phá thai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước toàn quốc tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. ngày 24 tháng 6 năm 2022 sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ quyền phá thai. 

Tổng thống Joe Biden nói ông "tôn trọng" Tòa án Tối cao và thấy không cần mở rộng số lượng thành viên của tòa, một người phát ngôn cho biết, trong khi ông đang cân nhắc các hành động đơn phương để đối phó với một phán quyết mà ông tả là "cực đoan" chấm dứt quyền phá thai ở Mỹ.

Ông Biden đang tìm kiếm nhiều "giải pháp" hơn, bao gồm có thể là các sắc lệnh hành pháp đơn phương, theo phát ngôn viên Karine Jean-Pierre.

Nhưng, nói chuyện với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, bà Jean-Pierre không đưa ra một thời biểu nào cho việc ban hành các sắc lệnh như vậy và hạ giảm tầm quan trọng của chúng: "Không gì có thể lấp đầy khoảng trống mà phán quyết này đã tạo ra," bà nói. "Cách duy nhất để làm cho nó toàn vẹn trở lại là Quốc hội hành động."

Dù vậy, ông Biden vẫn tiếp tục tôn trọng thẩm quyền của Tòa án Tối cao, bà Jean-Pierre nói.

"Khi tổng thống bình luận về phán quyết của tòa án, đó là nói về quyết định đó," mà bà nói là "cực đoan," trong khi tổng thống đang bay tới Đức dự hội nghị thượng đỉnh G7.

"Ông ấy xem tòa án rõ ràng là chính danh và ông ấy tôn trọng tòa án ... đó là tòa án mà ông ấy kính trọng."

Ngày thứ Bảy, ông Biden một lần nữa lên án các phán quyết của tòa án trước đó trong tuần này hạn chế quyền phá thai và mở rộng quyền của người sở hữu súng. "Tòa án Tối cao đã đưa ra một số phán quyết tệ hại," ông nói với các phóng viên.

Lo ngại Trung Quốc vẫn muốn khai thác dầu khí chung với Philippines ở Biển Đông

Tổng thống tân cử Philippine Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Mandaluyong, Philippines, ngày 20/06/2022. AP - Aaron Favila 

Với một chính quyền mới ở Manila, Trung Quốc và Philippines có sẽ nối lại đàm phán về dự án cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không ? Bắc Kinh muốn khởi động lại đối thoại với Manila về dự án, trong lúc hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philippines kêu gọi tổng thống tân cử Bongbong Marcos « vĩnh viễn đình chỉ » kế hoạch hợp tác với Trung Quốc. 

Ba ngày trước khi ông Bongbong Marcos tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ngày 27/06/2022, hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philipines, Pamalakaya, ra thông cáo kêu gọi « vĩnh viễn ngừng đàm phán với Trung Quốc » về các dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông, mà Manila gọi là « Biển Tây Philippines ». Thông cáo nói rõ : Philippines cần « tập trung bảo vệ chủ quyền lãnh hải » ở vùng biển này. Tổng thống Marcos « cần công khai đưa ra tuyên bố hoàn toàn gạt bỏ dự án này và Manila sẽ không trở lại với hồ sơ này nữa » theo lời của chủ tịch hiệp hội ngư nghiệp Philippines, Fernando Hicap, được báo Inquirer trích dẫn.

Lãnh đạo hiệp hội Pamalakaya giải thích : đồng khai thác với Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn hơn để Bắc Kinh « vơ vét tài nguyên thiên nhiên trên biển » của Philippines, « vi phạm trắng trợn » luật lệ và chủ quyền của Manila trong vùng biển này, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye về chủ quyền của Philippines.

Hơn nữa theo Fernando Hicap, Philippines không cần dựa vào nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuần trước, ngoại trưởng Teodoro Locsin trước khi rời khỏi chức vụ đã tuyên bố « chấm dứt đàm phán với Trung Quốc về dự án cùng khai thác dầu khí » ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, 24/06/2022, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố « Trung Quốc sẵn sàng cùng với chính quyền mới ở Manila thúc đẩy đảm phán để dự án được tiến triển. Bắc Kinh nỗ lực đưa ra những quyết định quan trọng cho thấy cùng khai thác tài nguyên có lợi cho cả hai quốc gia và hai dân tộc ». Ông Uông Văn Bân nhắc lại, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận khung về hợp tác khai dầu khí và văn bản đó đã được chủ tịch Tập Cận Bình ký hồi 2018 nhân một chuyến công du Philippines.

Trung Quốc gia tăng áp lực với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương 

Đài truyền hình Úc ABC hôm 27/06/2022 đưa tin, Bắc Kinh mời ngoại trưởng 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương họp trực tuyến với ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 14/07/2022, đúng vào lúc khu vực này tổ chức Diễn Đàn Pacific Islands Forum tại Suva, thủ đô Fiji. Theo giới quan sát, Trung Quốc tiếp tục duy trì áp lực, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực sau khi vào hôm 30/05/2022, 10 đảo quốc trong khu vực đã từ chối ký kết « Kế hoạch hành động 5 năm Trung Quốc –Thái Bình Dương vì phát triển chung ».

Vào lúc Trung Quốc cố gắng chiêu dụ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương thì đã xảy ra sự cố ngoại giao bên lề hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc ở Lisboa, Bồ Đào Nha. Hãng tin Anh Reuters cho biết ngoại trưởng Tuvalu, Simon Kofe,  đã tẩy chay lễ khai mạc sáng nay 27/06/2022 để phản đối Trung Quốc cấm ba đại biểu Đài Loan tham dự hội nghị trong khuôn khổ phái đoàn chính thức của Tuvalu. Tuvalu hiện là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét