Báo Tiền Phong vừa ái ngại loan tin: “Đang ngủ, bé gái 4 tuổi bị rắn cạp nia bò vào nhà cắn tử vong… Trưa ngày 22/5, trao đổi trên báo Công an Nhân dân, ông Sô Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, 5 ngày sau khi bị rắn cạp nia cắn, cháu Sô Thị Như N., dân tộc Chăm (SN 2018, trú ở buôn Ma Y, xã Phước Tân) đã tử vong rạng sáng 22/5.
Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 2h30 sáng 16/5, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, cơ sở y tế này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên phải liên hệ một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh vẫn không có. Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã đưa cháu N. về nhà trong đêm 21/5, đến rạng sáng 22/5 thì nạn nhân tử vong…
Bỉnh bút Du Uyên (Trẻ Magazine, Dallas, TX) cảm thán:
Tôi đã rơi nước mắt khi đọc bản tin trên, vì tức (hộc máu). Không biết nếu sự việc xảy ra ở các nước khác, Bộ y tế VN, giám đốc phụ trách bệnh viện trên có bị gia đình em bé kiện trọc đầu hay không? Nhưng ở VN, vụ kiện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Không giám đốc bệnh viện VN nào bị khởi tố vì tưởng mấy ông giám đốc bệnh viện khác có loại dược liệu đó. Không ông Bộ trưởng y tế VN nào cúi đầu xin lỗi gia đình bệnh nhân chết vì rắn cắn cả – lỗi do con rắn mà.
Thì rõ ràng là thế (“lỗi do con rắn mà”) nhưng báo Tuổi Trẻ vẫn đặt vấn đề: “Bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh?” Trưởng khoa bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Lê Quốc Hùng, cho biết: “Không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ một năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được, do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.”
Hóa ra, ngoài chính phạm là con rắn cạp nia; còn có đồng phạm là con Covid 19 nữa đấy. Hai sinh vật nguy hiểm (chết người) này – tuy thế – vẫn có thể “khắc phục” được bằng tiền, nếu có! Gia đình nạn nhân, tiếc thay, không có. Họ vốn là người dân bản địa khốn khó (ở miền núi Sơn Hòa - Phú Yên) nên đành phải bó tay.
Họ nghèo, quá nghèo, và cũng không biết “thủ tục đầu tiên” của cư dân ở miền xuôi khi nhập viện. Hà Nội và Sài Gòn đều không có huyết thanh, chứ Bangkok thì thiếu (mẹ) gì và rẻ rề hà. Mà khoảng cách giữa Việt Nam với Thái Lan chỉ hơn một giờ bay thôi, trong khi bé N. nằm ở nhà thương đến … ngày thứ năm mới lìa đời. Giá bố mẹ em có khả năng dấm dúi đôi ba cái phong bì thì đâu đến nỗi!
Ở hay! Ở đâu mà người nghèo không chết, chứ nào có riêng chi xứ Việt?
Đành thế nhưng vẫn có sự dị biệt đáng nói là ở nước ta thì dù có tiền (đôi khi) vẫn chết, nếu mua nhằm thuốc giả đang tràn lan trên thị trường – theo thông tin của giới truyền thông nhà nước:
Triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả quy mô cực lớn
Phát hiện và thu hồi kịp thời nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Cục Quản lý Dược thông báo một loại thuốc giả dùng trong bệnh xương khớp xuất hiện trên thị trường
Nhà máy sản xuất thuốc thật sản xuất thuốc giả số lượng lớn
Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19
Cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường ra tòa trong vụ thuốc giả của VN Pharma
Tuy cấp phép cho 838.100 hộp thuốc giả, và ký giấy cho nhập gần chục tấn chất tạo nạc (Salbutamol) độc hại nhưng ông Cường chỉ bị lãnh một bản án rất tượng trưng (bốn năm tù) khiến dư luận hết sức bất an.
Bỉnh bút Nguyễn Hoàng (Diễn Đàn Doanh Nghiệp) băn khoăn: “Liệu công lý có qua xa vời? Bởi khi và chỉ khi công lý được thực thi bằng lẽ phải và sự công bằng khiến người dân tin tưởng, thì khi đó công lý mới đích thực của dân do dân và vì dân. Công lý nào cho bệnh nhân ung thư dùng thuốc giả của VN Pharma!”
Vụ VN Pharma, thực ra, chỉ là chuyện nhỏ (cỡ con thỏ là cùng) nếu so với vụ Việt Á – theo nhận định của nhiều vị thức giả:
Nhà bình luận thời sự Trương Nhân Tuấn :“Vụ Việt Á là một đại án giết người có tổ chức.”
Nhà thơ Thái Hạo: “Tôi cho rằng chính cách gọi tên là ‘Vụ án Việt Á’ đã gây hiểu lầm và hiểu sai về quy mô cũng như tính chất của vụ đại án này. Nó cần một cái tên gọi khác để phản ánh đúng về một liên minh ma quỷ mà trong đó công ty Việt Á chỉ một mắt xích, cái mắt xích dường như không hề có vai trò quyết định trong việc đạo diễn vở đại bi kịch này trên đất nước ta.”
T.S Phạm Quý Thọ: “Vì sao một doanh nghiệp 'tép riu' khiến cả guồng máy trục lợi và hệ thống quan chức suy thoái?”
Họa sỹ Đỗ Duy Ngọc: Trong vụ án đốn mạt này còn có ai nữa chưa bị lộ mặt. Kẻ gọi là “Trùm cuối” là ai? Nếu chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì xin đề nghị hãy làm đến tận hang ổ cuối cùng.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: “Đại dịch cho thấy một hệ thống truyền thông dối trá, bịp bợm; một hệ thống tham nhũng thối nát từ trên xuống dưới, ăn không từ một thứ gì xuất hiện và liên quan đến đại dịch; sự vi phạm quyền con người trắng trợn dưới nhiều hình thức; hệ thống quan chức ngu dốt; cuối cùng là một hệ thống nhóm lợi ích siêu quyền lực đã tạo ra cả hệ thống chính sách để trục lợi, một sự lũng đoạn nhà nước quy mô khủng khiếp…”
Mức độ “khủng khiếp” này được một người cầm viết khác, Bùi Thanh Hiếu, ghi nhận như sau: “Bao nhiêu người dân nghèo, người công nhân ở mọi miền đất nước phải móc tiền ra để trả cho cái gọi là xét nghiệm covid, cái thứ được làm không biết ở đâu, trong cái cơ sở chỉ vài chục mét vuông với giá cắt cổ, để rồi phần lớn số tiền đó vào tay bọn quan lại tham nhũng. Ăn như thế là ăn thẳng từ máu, nước mắt, mồ hôi của dân. Ăn đất, ăn dự án, ăn nọ kia , cướp của nhau chưa đủ. Giờ còn thẳng thừng cướp trực tiếp vào máu toàn nhân dân. Tội của bọn này còn đáng chết ngàn vạn lần tội của kẻ khác.”
Thực cũng khó mà kết luận (hay bình luận) ai “đáng chết” hơn ai. Những câu chữ thống thiết thượng dẫn chỉ khiến tôi nhớ đến đến lời của một nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm – huyện Châu Thành – đọc được trên báo Tuổi Trẻ hôm 24 tháng 5 năm 2022:
“Từ ngày 1-5 đến nay, trại rắn này đã tiếp nhận 139 ca bị rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ cắn. Trung bình mỗi ngày trại tiếp nhận từ 6-7 ca bị rắn cắn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An... chuyển đến. Nguyên nhân do vào mùa mưa nên số ca bị rắn cắn tăng.”
Dù là đang vào mùa mưa (và dù là một xứ sở thuộc vùng khí hậu nhiệt đới) số người dân Việt chết vì rắn rít thật không đáng kể, chỉ vài ba mạng mỗi ngày. Đây là một con số nhỏ – rất nhỏ – nếu so với số lượng tử vong gây ra bởi sự nhẫn tâm (hay nói chính xác hơn là ác tâm) của đám quan chức lãnh đạo ở đất nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét