Kỳ 6
V) CUỘC NỔI DẬY CỦA “HOÀNG ĐẾ” PHAN XÍCH LONG
(tiếp theo)
Năm 1913 ấy, vụ án “Phan Xích Long hoàng đế” gây chấn động cả nước, song không kết thúc ở đó. Hơn hai năm sau, vào tháng 2.1916, vụ âm mưu phá Khám lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Phát Sanh thêm một lần nữa gây chấn động cả Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.
Ngày 14.2.1916, khoảng 300 người đi dọc theo bờ sông Sài Gòn và chia thành nhiều nhóm tiến thẳng đến Khám lớn, vừa đi vừa hô nhiều khẩu hiệu khác nhau. Một số người chạy thẳng đến trụ sở cảnh sát, bị bắn, phải dạt về phía cầu tàu. Không chỉ ở Sài Gòn, tại nhiều tỉnh khác, cũng có những cuộc nổi dậy như thế. Tại Biên Hòa, người nổi dậy nhắm vào khám đường của tỉnh. Tại Thủ Dầu Một, họ chưa kịp kéo về Sài Gòn đã bị chận đứng. Tại Bến Tre, họ phá hủy văn khố địa phương, đốt cháy cửa hàng của người Tàu. Tại Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), một nhóm người có vũ khí định chiếm lấy cơ sở quân sự ở đây nhưng thất bại. Một quả bom bị phát hiện ở Mỹ Tho; tại Long Xuyên, nhiều ngôi nhà bị cướp phá….
Hiếm có cuộc nổi dậy nào diễn ra một cách rộng rãi như vụ biến động ngày 14.2.1916, với sự tham dự của người dân nhiều tỉnh thành khác nhau, song rồi cũng phải chấp nhận thất bại. “Phan Xích Long hoàng đế” chẳng những không được cứu thoát mà còn phải ra trước một “Hội đồng chiến tranh Pháp” (Marr David G. – sđd, trang 231) và bản án là một cuộc thảm sát chưa từng có: Phan Phát Sanh cùng 50 người khác bị tuyên án tử hình, số người bị giam cầm không rõ là bao. Họ bị xử bắn tại Đồng Mả mồ hay Đồng Tập Trận (Plaine des Tombeaux) làm hai đợt, vào các ngày 22.2 và 16.3.1916.
Dù thất bại, nhưng tinh thần bất khuất của Phan Phát Sanh và nhiều người yêu nước khác đáng được người đời sau ghi nhận, riêng họ Phan hiện còn được đặt tên đường tại Sài Gòn (quận Phú Nhuận)
VI) CUỘC KHỞI NGHĨA BẤT THÀNH CỦA VUA DUY TÂN
Vua Duy Tân lên ngôi lúc mới 7 tuổi, song với tư chất thông minh và cương vị người đứng đầu triều đình, ông trưởng thành rất sớm. Điều đáng tiếc là bên cạnh nhà vua là một Hội đồng Phụ chánh và những vị Thượng thư mà sự già nua và an phận đã cản trở nhiều ý tưởng tiến bộ của ông. Năm 1914, nước Pháp lâm vào cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), phải huy động mọi nhân, vật lực, vua Duy Tân coi đây là cơ hội tốt…
1)) NỖI KHỔ TÂM CỦA VÌ VUA TRẺ YÊU NƯỚC
Năm 1916, vua Duy Tân triệu tập các thượng thư, ra lệnh cho họ thảo một văn thư gửi Khâm sứ Pháp tại Huế, thông báo việc cử Lễ bộ Thượng thư cùng một thượng thư trong hoàng tộc sang Pháp yêu cầu chính phủ Pháp xét lại các hòa ước đã ký. Các ông thượng thư chẳng những tìm cách thoái thác trách nhiệm được giao mà còn đem chuyện đó tâu lên bà thái hậu khiến nhà vua bị mẹ rầy la thậm tệ. Lễ bộ thượng thư Huỳnh Côn còn bày tỏ một quan điểm khá đặc biệt trong hồi ký của mình: ”Tôi không giấu các bạn đồng liêu ý kiến nên đề nghị nhà vua thoái vị nếu ngài vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những ý định như thế” (Jean Jacnal – Mémoires de son Excellence Huynh Con - Revue Indochinoise – 1-6/1924, trang 246).
Tình trạng đơn độc và bất đắc chí của vua Duy Tân được một nhóm các nhà ái quốc nắm rõ, trong đó có Trần Cao Vân, người từng trải qua 5 năm tù ở Côn Đảo sau vụ Trung kỳ kháng thuế (1908-1913). Họ quyết định thực hiện kế hoạch tiếp cận nhà vua hầu mưu đồ đại sự. Để tránh những con mắt rình mò của mật thám Pháp cùng sự ngăn trở của các đại thần, họ tiến hành từng bước một. Trước tiên, họ bỏ tiền ra vận động cho viên tài xế của nhà vua xin nghỉ việc, rồi sau đó tìm cách cài một hội viên ưu tú của Việt Nam Quang phục hội là Phạm Hữu Khánh vào thay chỗ viên tài xế. Khánh khéo léo thu phục cảm tình của vua Duy Tân, ngày nọ trao cho ông một phong thư của Trần Cao Vân, kể lể nỗi đau nước mất nhà tan, sự bất lực của triều đình, trong đó có câu:
Phụ hoàng hoàng đế hà tội kiến thiên?
Dực Tôn tôn lăng hà cớ kiến quật?.
(Vua cha của hoàng thượng vì cớ gì mà phải đi đày? Lăng mộ vua Dực Tông [vua Tự Đức] vì cớ gì mà bị khai quật?)
Vế trên nhắc đến trường hợp cựu hoàng Thành Thái, thân phụ vua Duy Tân đã bị giam lỏng tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) từ năm 1907; về dưới nhắc chuyện Khâm sứ Pháp Mahé đã đào phá khu vực Khiêm Lăng của vua Tự Đức để tìm kho báu, một việc làm mà vua Duy Tân không được biết trước.
Ít lâu sau, với sự hỗ trợ của Phạm Hữu Khánh, Trần Cao Vân và Thái Phiên giả làm người câu cá, lẻn vào Hậu hồ để gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hình ảnh những ngư ông bất đắc dĩ đó đã làm xúc động lòng người, về sau một nhà thơ nổi tiếng miền sông Hương núi Ngự là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã theo đó mà sáng tác những câu hò mái nhì bất hủ:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non…
Trong những lần gặp gỡ ấy, Trần Cao Vân và Thái Phiên tâu trình nhà vua tình hình chung cùng tiến trình chuẩn bị khởi nghĩa. Vua Duy Tân tán đồng kế hoạch của các nhà cách mạng, nhận lời làm minh chủ và ban mật dụ cho cuộc khởi nghĩa. Về ngày giờ khởi nghĩa, lúc đầu tính khởi sự vào giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ (có lẽ cho dễ nhớ), tức ngày 8.6.1916.
Tuy nhiên, ở kinh thành lúc bấy giờ có một đội lính mộ cả ngàn người đang hướng về cuộc khởi nghĩa mà lại sắp xuống tàu sang Pháp nên vua Duy Tân muốn tiến hành sớm hơn để họ có dịp tham gia. Do đó, ông quyết định khởi nghĩa vào ngày 3.5.1916, sớm hơn dự định của nhóm Trần Cao Vân hơn một tháng.
Dù vậy, kế hoạch khởi nghĩa cũng được bàn soạn kỹ lưỡng, khởi phát từ Huế rồi lan đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, chiếm giữ cửa bể Đà Nẵng để mở đường giao thông với nước Đức. Mỗi nhà cách mạng nhận trách nhiệm lãnh đạo việc đánh chiếm một tỉnh, riêng Trần Cao Vân và Thái Phiên thì lo việc đưa vua Duy Tân ra khỏi kinh thành tạm thời để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Tuy nhiên, khi kế hoạch chưa thực sự tiến hành thì tin tức đã bị lọt ra ngoài và đến tai viên Khâm sứ Charles. Viên chức này bề ngoài làm ra vẻ không biết gì, nhưng ra mật lệnh cho công sứ các tỉnh phòng bị nghiêm nhặt, và nếu cần thì tạm thời giải giới các đội lính An Nam. Trong thời gian đó, nếu tinh mắt, người ta sẽ thấy không khí ở các tỉnh trầm lắng hẳn, các đơn vị đi tuần tiễu chỉ còn có lính Pháp, không thấy lính An Nam đâu cả. Hiện tượng này làm chột dạ các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh, song do bộ phận đầu não tại Huế không phổ biến lệnh nào khác nên họ vẫn theo kế hoạch định sẵn.
(còn tiếp)
Lê Nguyễn
16.6.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét