Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ năm 16 tháng 6 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ 1994 

16/6/2022 

Reuters 

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. 

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ngày 15/6 tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm để ngăn chặn sự gia tăng đột biến của lạm phát, và dự báo nền kinh tế đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong những tháng tới.

Đây là mức tăng lớn nhất được ngân hàng trung ương Hoa Kỳ công bố kể từ năm 1994 và được đưa ra sau khi dữ liệu gần đây cho thấy ít tiến triển trong cuộc chiến kiểm soát giá cả phi mã.

Trong tuần này, các quan chức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng báo hiệu một chặng đường tăng lãi suất nhanh hơn sắp tới.

“Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung-cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá cả lớn hơn”, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của ngân hàng trung ương cho biết trong một tuyên bố vào cuối cuộc họp hai ngày mới đây ở Washington. “Ủy ban cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.”

 

Tuyên bố viện dẫn chiến tranh Ukraine và các chính sách phong tỏa ở Trung Quốc là những nguồn gây thêm áp lực lạm phát.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau quyết định, nói các nhà hoạch định chính sách “đi đến quan điểm” rằng họ cần phải thực hiện nhiều hơn nữa để đưa lãi suất về một phạm vi trung lập nhanh chóng hơn. 

Ngoài ra, ông Powell nói mức tăng 0,75% hay 0,5% “rất có thể” là kết quả hợp lý của cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương vào cuối tháng Bảy. 

Với mức tăng loan báo hôm 15/6, lãi suất quỹ liên bang ngắn hạn được nâng lên mức 1,5%-1,75% và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 3,4% vào cuối năm nay và tới 3,8% vào năm 2023 - một sự thay đổi đáng kể so với dự báo hồi tháng 3 rằng tỷ lệ này sẽ tăng lên 1,9% trong năm nay.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đi kèm với việc hạ cấp triển vọng kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, nền kinh tế hiện đang chậm lại với tốc độ tăng trưởng dưới xu hướng 1,7% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào cuối năm nay và sẽ tiếp tục tăng lên 4,1% sang tới năm 2024.

Mặc dù không có nhà hoạch định chính sách nào của Cục Dự trữ Liên bang dự báo một cuộc suy thoái hoàn toàn, nhưng phạm vi dự báo tăng trưởng kinh tế mấp mé về mức zero trong năm 2023 và lãi suất quỹ liên bang được cho là sẽ giảm vào năm 2024.

“Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và đánh liều nguy cơ suy thoái như là thiệt hại đi kèm để giảm lạm phát. 

Các dự báo mới của Cục Dự trữ Liên bang là sự phá vỡ những nỗ lực gần đây của ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và kiểm soát lạm phát phù hợp với tỷ lệ thất nghiệp ổn định và thấp. Tỷ lệ thất nghiệp 4,1% vào năm 2024 hiện cao hơn một chút so với mức mà các quan chức Cục Dự trữ Liên bang thường cho là phù hợp với toàn dụng lao động.

Kể từ tháng 3, khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang dự báo có thể tăng lãi suất và kiểm soát lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức khoảng 3,5%, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao nhất trong 40 năm.

Lạm phát đã trở thành vấn đề kinh tế cấp bách nhất đối với Cục Dự trữ Liên bang và cũng bắt đầu định hình cục diện chính trị, với tâm lý các hộ gia đình ngày càng xấu đi trong bối cảnh giá thực phẩm và xăng dầu tăng.

TT Mỹ Biden thông báo cấp thêm 1 tỷ đô la vũ khí cho Ukraina

Đăng ngày: 16/6/2022 

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng trong một cuộc họp về tình hình Ukraina, ngày 31/05/2022, Washington, Hoa Kỳ. AP - Evan Vucci 

Ngày 15/06/2022, tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cấp thêm cho Ukraina vũ khí với tổng giá trị 1 tỉ đô la, đặc biệt là các hệ thống rocket chống hạm, tên lửa địa đối địa và đạn pháo. 

Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo thông tin trên cho đồng nhiệm Ukraina trong cuộc điện đàm dài 41 phút. Trong thông cáo sau cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ tuyên bố số vũ khí lần này gồm các loại vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn đại bác và hệ thống phóng rocket đa nòng.

Ngoài vũ khí, theo Reuters, Mỹ còn cấp bổ sung cho Ukraina 225 triệu đô la viện trợ nhân đạo, chủ yếu liên quan đến hệ thống cấp nước sạch, trang bị y tế, thực phẩm và nhằm hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình khó khăn mua nhu yếu phẩm. 

Cũng trong ngày hôm qua 15/6, hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/06/2022, bộ trưởng Quốc Phòng của các nước thành viên Liên Minh Đại Tây Dương họp tại Bruxelles, Bỉ, với chương trình nghị sự về cuộc xung đột Ukraina. Việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina cũng đã được nhắc tới. Trong cuộc họp của "nhóm tiếp xúc", do Mỹ lập ra để trợ giúp Ukraina, cũng tại Bruxelles, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã kêu gọi các nước đồng minh đẩy mạnh việc giao vũ khí cho Ukraina.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :

« Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định Ukraina cần nhận được thêm và sẽ nhận được thêm vũ khí hạng nặng và vũ khí tầm xa từ các nước đồng minh. Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksei Reznikov, cũng được mời tham dự cuộc họp, trong khi đó chính quyền Kiev đánh giá mới chỉ nhận được 10% số vũ khí mà họ đề xuất. Theo tổng thư ký NATO, việc giao vũ khí cho Ukraina đang được tiến hành, nhưng việc huấn luyện quân đội Ukraina, hỗ trợ và bảo trì các hệ thống vũ khí thì cần có thời gian.

Jens Stoltenberg phát biểu : « Chúng tôi hiện đang cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến hơn và có tầm bắn xa hơn, hệ thống pháo tiên tiến hơn, các loại vũ khí hạng nặng hơn, cũng như vũ khí hiện đại hơn, như tiêu chuẩn của NATO. Chúng tôi thực sự đang bắt đầu chuyển đổi từ thế hệ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí của NATO, vốn hiện đại hơn. Cũng sẽ mất một thời gian để quân đội Ukraina có thể sẵn sàng sử dụng và vận hành các hệ thống này. »

Tại trụ sở NATO, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp của 50 nước trong "nhóm tiếp xúc" về Ukraina để tổng kết các đợt vũ khí này. Theo ông Lloyd Austin, NATO và các đồng minh của Liên Minh Đại Tây Dương phải tăng cường các hành động chung để hỗ trợ Ukraina phòng vệ.

World Bank: Việt Nam ‘cần thận trọng với rủi ro lạm phát’ 

16/6/2022 

https://gdb.voanews.com/3921E29C-73D6-475C-A6A0-FE42E487E3BB_w1023_r1_s.jpg

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đưa ra nhận định rằng dù kinh tế đang trên “đà phục hồi”, chính quyền Việt Nam “vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát”.

Trong bản báo cáo có tên gọi “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” ra ngày 12/6, World Bank viết rằng “nền kinh tế [Việt Nam] duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt”.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này cho rằng “các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra”.

Theo World Bank, lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tháng thứ tư liên tiếp, từ 2,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5/2022, tương đương với tỷ lệ lạm phát tháng 5/2021.

“Giá xăng và dầu diesel tăng vọt - tăng lần lượt đến 5,9% và 4,0% (so với tháng trước) - là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. Lạm phát giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ từ 1,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,3% trong tháng 5”, Ngân hàng Thế giới nêu trong báo cáo mới nhất.

Báo điện tử VnExpress dẫn tin từ Tổng cục Thống kê cuối tháng trước nói rằng xăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng lên.

World Bank cho rằng chính quyền cần có “các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng”.

“Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát”, World Bank viết trong bản cập nhật kinh tế tháng Sáu. “Bên cạnh đó, chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung”.

World Bank cũng cho rằng Việt Nam nên “khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn”.

Kinh tế Nga tiếp tục ổn định 

Hầu hết giới quan sát đều dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ khi đối mặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Trong những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine, đồng rúp cũng giảm mạnh và các ngân hàng trông như gần sụp đổ. Song kể từ đó, kinh tế Nga đã phục hồi một cách đáng kinh ngạc. Số liệu GDP công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ cho thấy tăng trưởng trong quý đầu năm.

Công đầu phải thuộc về các biện pháp can thiệp thông minh của ngân hàng trung ương Nga. Ngân hàng đã tăng lãi suất ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, và rồi nhanh chóng cắt giảm chúng, giúp ổn định tiền tệ và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhiều nước, bao gồm cả các nước phương Tây, vẫn đang mua một lượng lớn dầu khí của Nga, giúp đem về cho họ nguồn cung ngoại tệ ổn định. Và người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Nga ổn định một cách lạ kỳ bất chấp tình trạng cô lập của đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp hầu như không nhúc nhích. Có lẽ không thể kỳ vọng khó khăn kinh tế sẽ làm cho Vladimir Putin lùi bước.

Anh có thể sẽ không tăng lãi suất quá sớm

Ngân hàng Trung ương Anh sẽ họp vào thứ Năm trong bối cảnh lạm phát cao hơn nhiều mức mục tiêu 2%. Cụ thể, giá cả đã tăng 9% theo năm trong tháng 4. Nhưng điều đó không có nghĩa một đợt tăng lãi suất lớn sắp xảy ra. Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng được cho là phải nhìn xa hơn các cú sốc tạm thời và xem xét toàn cảnh môi trường kinh tế.

Dữ liệu gần đây cho thấy không có gì phải hoảng sợ. Thu nhập của người lao động cho thấy chưa có vòng xoáy giá-lương. Trong ba tháng tính đến tháng 4, tiền lương không bao gồm tiền thưởng giảm 2,2% sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Điều đáng lo ngại hơn sẽ là nền kinh tế chậm chạp của Anh. Trong tháng 4, GDP đã giảm 0,3% so với tháng trước, trong đó ngành chế tạo bị thiệt hại bởi chi phí tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhìn chung, vội vàng tăng lãi suất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát trung hạn quá mức. Do đó, mặc dù một số người có thể thúc đẩy tăng lãi suất chính thức thêm 0,5 điểm phần trăm, hầu hết đều dự đoán ngân hàng chỉ tăng một nửa số đó.

Số người di cư vì chiến tranh cao kỷ lục

Hiện có hơn 100 triệu người đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa vì chiến tranh và ngược đãi, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều số liệu đáng buồn được công bố vào thứ Năm trong báo cáo Xu hướng Toàn cầu của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc.

Tại thời điểm cuối năm 2021 con số này là 90 triệu người. Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã đẩy nó lên cao. Ngoài ra còn có xung đột ở Afghanistan, Ethiopia và Myanmar.

Song phần lớn họ không chạy ra nước ngoài, với khoảng 53 triệu người di cư trong nước. Điều đó dường như đúng với Ukraine: khoảng 4,9 triệu người Ukraine đã đăng ký tị nạn ở các quốc gia châu Âu, trong khi 8 triệu người nữa di cư trong nội địa. Liên Hợp Quốc cho biết cách duy nhất để khắc phục thực trạng này là giải quyết nguyên nhân cơ bản — ngăn chặn xung đột ngay từ đầu.

Người Tunisia đình công

Công đoàn chính của Tunisia, gọi tắt là UGTT, đã kêu gọi đình công kéo dài một ngày vào thứ Năm. Với 1 triệu thành viên, tổ chức này đủ sức dừng cả đất nước lại. Được biết công đoàn không hài lòng với lạm phát cao, 7,5% trong tháng 4, cũng như các cuộc đàm phán của chính phủ với IMF về khoản vay 4 tỷ đô la mà có thể đi kèm điều kiện giảm trợ cấp, đóng băng tiền lương và nhiều biện pháp đau đớn khác.

Vì luôn chia rẽ trong nội bộ, UGTT chưa bao giờ có được một kế hoạch cải cách kinh tế như ý. Nhưng mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP lên tới 88% khiến Tunisia cần giúp đỡ từ bên ngoài, công đoàn cũng có lý khi lo lắng về những tác động của thỏa thuận lên người lao động. Kais Saied, tổng thống ngày càng độc tài của đất nước, đã dành rất ít thời gian cho chính sách kinh tế kể từ cuộc bầu cử 2019. Thay vào đó, ông bận rộn viết hiến pháp mới trước cuộc trưng cầu dân ý mà ít người Tunisia quan tâm.

Lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đến Kiev khẳng định vị trí của Ukraina trong Liên Âu

Đăng ngày: 16/6/2022 

Ở giữa ảnh từ trái sang phải: tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Ý Mario Draghi và thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Irpin, ngoại ô Kiev, Ukraina ngày 16/06/2022. AP - Ludovic Marin 

Vào lúc Bruxelles chuẩn bị quyết định về đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina, sáng nay 16/06/2022 lãnh đạo ba nền kinh tế hàng đầu trong khối là Đức, Pháp và Ý cùng với tổng thống Rumani viếng thăm Irpin, sát cạnh thủ đô Kiev, trước một cuộc họp với tổng thống Zelensky. Đây là lần đầu tiên từ khi Ukraina bị Nga xâm lăng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Kiev giải tỏa bất hòa giữa Pháp với Ukraina sau tuyên bố của ông về việc để ngỏ đối thoại với Matxcơva.   

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Ý Mario Draghi sáng sớm nay đã đáp xe lửa đến Kiev và đã cùng với tổng thống Rumani Klaus Iohannis tham quan Irpin, ngoại thành Kiev, trước cuộc hội kiến chiều nay với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Hàng trăm thường dân đã bị sát hại tại các thành phố Irpin, Boutcha và Borodianka gần thủ đô Ukraina, trong thời gian bị quân Nga chiếm đóng tháng 3/2022. Theo giới quan sát, sự hiện diện của bốn nhà lãnh đạo châu Âu báo trước khả năng Bruxelles khó có thể từ chối đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina.

Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, tại nhà ga Kiev, Emmanuel Macron tuyên bố mang đến một thông điệp về sự đoàn kết của Liên Âu với Ukraina hỗ trợ chính quyền nước này « trong hiện tại và tương lai ».

Về quan hệ giữa Paris và Kiev, đôi khi căng thẳng, ông Macron khẳng định Pháp « luôn đứng về phía người dân Ukraina, ủng hộ Ukraina dưới mọi hình thức một cách lâu dài. Hiện tại Ukraina cần kháng cự để giành lấy chiến thắng ». Trước đó, một quan chức ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris « mong muốn Ukraina giành được thắng lợi về mặt quân sự để chinh phục lại những phần lãnh thổ đã rơi vào tay quân đội Nga ».

Về phía Berlin, thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: « Chừng nào mà Ukraina còn cần thì Đức sẽ hỗ trợ từ mặt tài chính đến nhân đạo, quân sự ». Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng bị chỉ trích « mềm mỏng » với Matxcơva. Cách nay hai hôm, ông tuyên bố « mở đối thoại tìm kiếm một giải pháp hòa bình là điều quan trọng, nhưng đó phải là đối thoại trong những điều kiện mà phía Ukraina có thể chấp nhận được » .

Cuộc họp giữa tổng thống Zelensky với bốn lãnh đạo Liên Âu tập trung vào hai hồ sơ chính. Một là Kiev tiếp tục kêu gọi các đối tác tăng cường viện trợ quân sự, kể cả việc cung cấp vũ khí hạng nặng, và thứ hai là thủ tục kết nạp Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu.

Tại thượng đỉnh trong hai ngày 23-24/06/2022, Liên Âu sẽ quyết định có chấp nhận cho Ukraina quy chế ứng viên gia nhập đại gia đình châu Âu hay không. Đây là điểm khởi đầu cho đàm phán và tiến trình kết nạp Kiev có thể kéo dài nhiều năm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét