Võ Thái Hà tổng hợp
Triều Tiên tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Hàn Quốc tấn công
05/4/2022
Bà Kim Yo Jong, em gái quyền lực của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội tháng 3/2019.
Bà Kim Yo Jong, em gái quyền lực của lãnh tụ Kim Jong Un, cho biết hôm 5/4 rằng Triều Tiên phản đối chiến tranh, nhưng sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân nếu bị Hàn Quốc tấn công, Reuters dẫn truyền thông nhà nước ở Bình Nhưỡng cho biết.
Bà Kim Yo Jong, một quan chức cấp cao trong chính phủ và đảng cầm quyền, cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra nhận xét gần đây về các cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, là một “sai lầm rất lớn”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA loan tin.
Hôm 1/4, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook cho biết quân đội nước ông có nhiều loại tên lửa với tầm bắn, độ chính xác và uy lực được cải thiện đáng kể, với “khả năng đánh chính xác và nhanh chóng bất kỳ mục tiêu nào ở Triều Tiên”.
Bà Kim và một quan chức Triều Tiên khác đã đưa ra các tuyên bố trước đó hôm 3/4 lên án phát biểu của ông Suh, đồng thời cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ phá hủy các mục tiêu chính ở Seoul nếu Hàn Quốc thực hiện bất kỳ “hành động quân sự nguy hiểm” nào, chẳng hạn như một cuộc tấn công phủ đầu.
Bà Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của dự án 38 North có trụ sở tại Mỹ, chuyên theo dõi Triều Tiên, cho biết những lời chỉ trích của bà Kim rất có thể nhằm vào Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người vừa kêu gọi một biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Bà Lee nói: “Bình luận 'tấn công phủ đầu' của ông Yoon đã xuất hiện trên các mặt báo cách đây vài tháng và Bình Nhưỡng đang nắm bắt những nhận xét của ông Suh để đưa ra quan điểm với chính quyền sắp tới của Hàn Quốc”. “Cho đến nay, Triều Tiên vẫn hạn chế chỉ trích ông Yoon ở bất kỳ cấp độ có thẩm quyền nào, nhưng có vẻ như họ đang đặt nền móng cho việc đó.”
Các tuyên bố cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho công chúng Triều Tiên nhận biết về một sự thay đổi có thể xảy ra trong quan hệ liên Triều sau khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5 này, bà Lee nhận định.
Trong tuyên bố hôm 5/4, bà Kim cho biết Bình Nhưỡng phản đối chiến tranh và không coi Hàn Quốc là kẻ thù chính của mình.
Nếu quân đội Hàn Quốc xâm phạm lãnh thổ Triều Tiên, họ sẽ phải đối mặt với một “thảm họa khủng khiếp không thể tưởng tượng được” và lực lượng tác chiến hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn sẽ phải thực hiện nhiệm vụ của mình, bà Kim nói và lưu ý rằng Hàn Quốc có thể tránh được số phận này bằng cách từ bỏ những mơ tưởng “tuyệt vời nào” về việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân.
Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp Hội Đồng Bảo An
Hàng trăm thi thể được phát hiện trong cảnh tan hoang tại Bucha, vùng Kiev, Ukraina, ngày 02/04/2022. © STRINGER / REUTERS
Theo thông báo của Anh Quốc, nước hiện là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, định chế này sẽ họp lại vào hôm nay, 05/04/2022 để bàn về cuộc tấn công Ukraina của Nga, đặc biệt là những vụ thảm sát thường dân tại những khu vực bị lực lượng Nga chiếm đóng. Lần đầu tiên từ ngày Nga khởi động cuộc chiến hôm 24/02, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu trước Hội Đồng thông qua cầu truyền hình.
Trong một video được phát đi vào khuya hôm qua, rạng sáng hôm nay, tổng thống Zelensky cho biết là trong bài phát biểu của mình, ông sẽ kêu gọi quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và trang bị thêm vũ khí cho Ukraina. Ông cũng sẽ đề cập đến các vụ thảm sát thường dân mà ông cáo buộc là do lính Nga tiến hành. Theo ông Zelensky: “Sẽ đến lúc tất cả những người Nga đều biết được toàn bộ sự thật về việc ai trong số những đồng hương của họ là kẻ sát nhân, ai đã ra lệnh”.
Trước đó, trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraina đã đích thân đến thị sát thị trấn Bucha, nằm cách thủ đô Kiev khoảng 30 km về phía tây bắc, nơi hàng chục thi thể thường dân Ukraina được phát hiện sau khi lực lượng Nga rút đi.
Trên mạng Twitter, phái bộ Anh tại Liên Hiệp Quốc xác nhận phát biểu được dự trù của tổng thống Ukraina, và khẳng định thêm là trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Bảo An, Anh Quốc sẽ bảo đảm sao cho “sự thật về các tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraina” được nghe thấy.
Nga đã kiên quyết bác bỏ những tố cáo của Ukraina. Trong cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, đại sứ Nga Vasily Nebenzia đã cáo buộc Ukraina “dàn dựng” thi thể của những thường dân thiệt mạng ở Bucha, gọi những hình ảnh và video được công bố về vụ này là các bằng chứng “giả mạo và dối trá”. Đại sứ Nga hứa sẽ cung cấp bằng chứng “thật” vào hôm nay.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng “không thể loại trừ việc thường dân bị chết trong chiến tranh”. Theo hãng AFP, việc đại diện Nga sử dụng từ “chiến tranh” đáng chú ý vì cho đến nay, Matxcơva luôn luôn gọi cuộc chiến Ukraina là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina.
Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay là một sự kiện đã được lên kế hoạch từ trước đây với sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres. Nga đã từng yêu cầu triệu tập khẩn cấp một phiên họp của Hội Đồng Bảo An vào hôm qua, 04/04 để bàn về điều mà Matxcơva gọi là “hành động khiêu khích” của Ukraina ở Bucha, nhưng đòi hỏi của Nga đã bị Anh Quốc bác bỏ với lý do là đã có cuộc họp được dự trù vào hôm nay, với một chương trình nghị sự bao quát hơn.
Cũng liên quan đến các vụ thảm sát thường dân tại Ukraina, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua cho biết rằng ông muốn thấy một “phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh” được mở ra sau vụ phát hiện các thi thể trong quần áo dân sự ở Bucha.
Một lần nữa, tổng thống Mỹ đã gọi đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, là một “tội phạm chiến tranh”, một con người “tàn bạo… phải chịu trách nhiệm” về thảm cảnh đang diễn ra.
EU đề xuất cấm nhập khẩu than, hóa chất, gỗ của Nga
05/4/2022
EU sẽ đề xuất với các quốc gia thành viên về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cấm nhập khẩu than, gỗ, hóa chất.
Ủy ban châu Âu hôm 5/4 sẽ đề xuất với các quốc gia thành viên EU về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cấm nhập khẩu than, gỗ, hóa chất và các sản phẩm khác trị giá khoảng 9 tỷ euro (9,86 tỷ USD) mỗi năm, một nguồn tin của EU nói với Reuters.
Liên minh châu Âu cũng sẽ đề xuất một lệnh cấm xuất khẩu sang Nga trị giá 10 tỷ euro mỗi năm, bao gồm chất bán dẫn, máy tính, công nghệ khí LNG, và các thiết bị điện và vận tải khác, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết, các tàu và xe tải của Nga sẽ bị ngăn cấm tiếp cận EU, tiếp tục làm tê liệt thương mại, ngoại trừ các sản phẩm năng lượng, thực phẩm và thuốc men.
27 quốc gia EU cũng sẽ cấm tất cả các giao dịch với ngân hàng Nga VTB và ba ngân hàng khác của Nga vốn đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT, nguồn tin cho biết, trong khi hàng chục cá nhân khác, bao gồm các nhà tài phiệt và chính trị gia, sẽ được thêm vào Danh sách trừng phạt của EU.
Lệnh cấm đối với than, nếu được các quốc gia EU thông qua, sẽ là lệnh đầu tiên đối với bất kỳ hoạt động nhập khẩu năng lượng nào từ Nga được khối này thông qua kể từ khi Moscow khởi động cái mà họ gọi là “hoạt động đặc biệt” ở Ukraine từ ngày 24/2.
Nguồn tin từ EU cho biết lệnh cấm đối với than sẽ trị giá khoảng 4 tỷ euro một năm.
Các nguồn tin cho biết EU cũng đang tiến hành các biện pháp tương tự đối với dầu khí nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Nguồn tin cho biết, các lệnh cấm nhập khẩu sẽ được áp dụng ngay lập tức khi được công bố chính thức, với thời gian kéo dài vẫn chưa được quyết định.
Nhật Bản thay đổi chính sách, cứng rắn hơn với Nga
Các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu hàng xa xỉ, chẳng hạn như ô tô cao cấp và đồ trang sức, từ Nhật Bản sang Nga, sẽ có hiệu lực từ thứ Ba. Chúng là một phần của sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Nhật kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Nhật Bản từ lâu luôn duy trì quan hệ thân thiện với Nga hơn các nước phương Tây, một phần để tạo điều kiện cho đàm phán đòi trả lại bốn hòn đảo có người ở vốn bị Nga chiếm trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai. Nhật Bản không phản ứng nhiều trước việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Nhưng giờ đây họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn và thậm chí gửi áo chống đạn cho quân đội Ukraine.
Công chúng hoàn toàn ủng hộ các biện pháp này. Giới chức kỳ vọng một lập trường cứng rắn với Nga sẽ giúp Nhật Bản có thể trông cậy được vào đoàn kết phương Tây trong trường hợp xảy ra khủng hoảng an ninh ở châu Á. Song chính sách mới cũng tạo ra căng thẳng. Nhật Bản nhập khẩu 8% khí đốt tự nhiên từ Nga. Ngoài ra gần đây Nga đã tổ chức tập trận quân sự lớn trên các đảo tranh chấp.
Elon Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter
Elon Musk, ông chủ của tập đoàn ô tô điện Tesla và công ty tên lửa SpaceX, gây bất ngờ lớn vào thứ Hai. Một bản báo cáo cho thấy ông vừa mua 9,2% cổ phần của Twitter, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Tin này khiến cổ phiếu Twitter tăng giá 25% trước khi thị trường mở cửa đầu tuần. Các dòng tweet của ông Musk thường làm thay đổi thị trường. Nhưng câu hỏi giờ là ông muốn làm gì với số cổ phiếu đó.
Ông Musk không công bố bất kỳ kế hoạch lớn nào. Nhưng ông từng đưa ra (hay đúng hơn là đã tweet) các bình luận đáng ngại gần đây: rằng Twitter không bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các thuật toán của nó nên là “mã nguồn mở” (tức là người dùng được quyết định cách các tweet của họ bị lọc ra sao). Sẽ còn nhiều điều bất ngờ. Không rõ ông Musk chỉ muốn công ty thay đổi cách làm hay muốn tiếp quản nó hoàn toàn. Ông gần đây từng cho biết đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc điều hành một nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình.
Trung Quốc đón Tết Thanh minh giữa phong tỏa
Thứ Ba tuần này là Tết Thanh minh, dịp để các gia đình Trung Quốc tưởng nhớ người đã khuất bằng cách quét dọn mộ phần của họ. Năm nay Thanh minh lại một lần nữa phải diễn ra online, với một số chính quyền địa phương cấm tụ tập giữa làn sóng omicron. Song ngành dịch vụ tang lễ đã thích nghi và cho ra mắt dịch vụ “tảo mộ qua mạng.” Khách hàng thậm chí có thể mua nến ảo để tưởng niệm trực tuyến.
Một số người cho rằng Thanh minh đang bị thương mại hóa. Nhưng chiến lược zero-covid mới là nguồn cơn của mọi việc. Tại Thượng Hải, nơi hầu hết 26 triệu cư dân đang bị phong tỏa vô thời hạn, người dân đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men. Một y tá thậm chí qua đời vào tháng trước vì hen suyễn sau khi phòng cấp cứu trong bệnh viện của cô phải đóng cửa để khử trùng. Nhiều người Trung Quốc còn nói đùa là họ sợ phong tỏa hơn cả virus.
Cảnh sát London phạt những người tiệc tùng ở phố Downing
Vụ bê bối tiệc tùng ở phố Downing và Whitehall, trung tâm của chính phủ Anh, trong thời gian phong tỏa Covid-19 lại quay về ám ảnh thủ tướng Boris Johnson. Cảnh sát London đang điều tra 12 sự kiện, và đã bắt đầu yêu cầu đóng phạt 50 bảng Anh (65 đô la); khoảng 20 người đã bị phạt trong đợt đầu tiên. Trong số những người đóng phạt có cả Helen MacNamara, người đứng đầu ủy ban đạo đức của chính phủ. “Tôi xin lỗi vì sai sót trong nhận thức của mình,” bà nói.
Nếu bản thân ông Johnson cũng nhận giấy phạt, ông sẽ bị kêu gọi từ chức. Song không nhiều khả năng ông sẽ làm vậy. Chính phủ đang hy vọng công chúng quên đi vụ việc, mà thay vào đó tập trung vào các vấn đề như lạm phát hay chiến tranh Ukraine. “Thế giới đã thay đổi đáng kể,” bộ trưởng phụ trách xứ Wales Simon Hart nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Ukraine điện đàm
05/4/2022
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa điện đàm với người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba hôm 4/4, trong đó Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết cuộc gọi điện đàm này, mà Bắc Kinh cho là được thực hiện theo yêu cầu của Ukraine, là cuộc đối thoại cấp cao được loan báo đầu tiên giữa hai nước kể từ ngày 1/3, khi ấy ông Kuleba yêu cầu Bắc Kinh sử dụng mối quan hệ với Moscow để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga, theo Bộ Ngoại giao Ukraine.
Ông Vương nói: “Các cuộc chiến cuối cùng cũng kết thúc. Chìa khóa là làm thế nào để phản ánh nỗi đau, để duy trì an ninh lâu dài ở châu Âu và thiết lập một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.”
“Trung Quốc sẵn sàng đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này ở một vị trí khách quan," ông Vương nói thêm.
Ông Kuleba viết trên Twitter: “Biết ơn người đồng cấp Trung Quốc của tôi vì tình đoàn kết với các nạn nhân dân sự”.
Ông viết: “Cả hai chúng tôi đều có chung niềm tin rằng việc kết thúc chiến tranh chống Ukraine phục vụ lợi ích chung là hòa bình, an ninh lương thực toàn cầu và thương mại quốc tế".
Trung Quốc, quốc gia đã trở nên thân thiết hơn với Moscow trong những năm gần đây trong khi nước này cũng có quan hệ ngoại giao thân thiết và liên kết thương mại mạnh mẽ với Ukraine, đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và cũng không gọi các hành động này của Moscow là một cuộc xâm lược.
Covid-19: Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chính quyền Thượng Hải tuyên bố áp dụng lệnh phong tỏa cho toàn bộ 25 triệu dân sau khi số ca nhiễm Covid bùng phát mạnh ở thành phố này.
Cho tới giờ, phong tỏa được áp dụng riêng rẽ cho hai nửa đông và tây Thượng Hải, nhưng giờ đây toàn thành phố sẽ bị phong tỏa vô thời hạn.
Thượng Hải là thành phố lớn nhất bị phong tỏa cho tới nay.
Trung tâm tài chính quan trọng này phải đối mặt với một làn sóng Covid mới từ hơn một tháng nay.
Giới chức đã ra tay sau khi số ca nhiễm mới lên tới hơn 13.000 ca/ngày, mặc dù con số này không phải là cao so với nhiều nước khác.
Người dân ở một số khu cho biết chính sách phong tỏa nghiêm ngặt có nghĩa không ai được phép ra khỏi khu dân cư, thâm chí chỉ để nhận hàng thiết yếu.
Người dân nói họ gặp khó khăn khi đặt thực phẩm và nước uống trên mạng. Có mặt hàng họ chỉ được mua với số lượng hạn chế vì thiếu nguồn cung ứng hay nhân viên giao hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét