Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Biển Đông ngày 6 tháng 6 năm 2022

Chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay tuần tra Úc ở Biển Đông

Trung Hiếu. Tổng hợp từ các nguồn tin riêng

Ngày 5.6, Bộ Quốc phòng Úc cáo buộc chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc đã tiếp cận nguy hiểm với một máy bay P-8 của Úc khi đó tiến hành hoạt động tuần tra ở không phận quốc tế trên Biển Đông ngày 26.5.

Thông cáo khẳng định hành động của chiến đấu cơ Trung Quốc đe dọa an toàn của máy bay P-8 và phi hành đoàn. Chính phủ Úc đã nêu quan ngại về vụ việc với chính phủ Trung Quốc.

Trả lời truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết thêm rằng chiếc J-16 của Trung Quốc đã bay rất gần máy bay Úc, cắt ngang mũi, phóng ra pháo sáng và những mảnh vụn nhôm vốn bị hút vào động cơ của chiếc P-8.


Các thông tin chính thức từ phía Úc và truyền thông nước này không nhắc đến vị trí cụ thể của vụ chặn.

Tuy nhiên, nguồn tin độc quyền của tôi tiết lộ sự việc xảy ra ở gần quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, chiếc máy bay P-8 của Úc khi đó đang bay ở khu vực nằm giữa bờ biển miền trung Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa.




Tuy phía Úc chỉ nhắc đến một chiếc J-16 nhưng nguồn tin của tôi cho biết có hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã cất cánh từ đảo Phú Lâm để ngăn cản máy bay Úc.

Máy bay tuần tra P-8 của Úc vốn cất cánh từ căn cứ Clark ở Philippines. Xung quanh thời điểm xảy ra vụ việc, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện quân sự ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam.

Nhiều khả năng máy bay Úc tiến hành trinh sát các hoạt động này. Trong cùng ngày 26.5, máy bay tuần tra P-8 của Mỹ cũng xuất hiện ở khu vực.




Máy bay tuần tra P-8 số hiệu A47008 của Úc cất cánh từ Philippines ngày 26.5. 

Nhiều năm qua, máy bay Úc vẫn thường xuyên cất cánh từ Singapore, Brunei và Malaysia để tiến hành các sứ mệnh tuần tra ở Biển Đông. Nhưng chúng chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực quần đảo Trường Sa và rất hiếm khi bay lên phía bắc.

Tuy nhiên, Úc mới đây đã đưa máy bay P-8 đến căn cứ Clark ở Philippines và tiến hành nhiều chuyến bay tuần tra trinh sát ở khu vực phía bắc Biển Đông vào hạ tuần tháng 5.

Trước đó, quân đội Canada cũng cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu máy bay tuần tra CP-140 Aurora của nước này khi nó đang tham gia sứ mệnh tuần tra chống hoạt động lẩn tránh các lệnh trừng phạt Triều Tiên do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.

Theo phía Canada, chiến đấu cơ Trung Quốc không tuân thủ các thông lệ an toàn hàng không quốc tế và gây nguy hiểm cho máy bay tuần tra của họ. Trong một số trường hợp, máy bay Canada đã phải đổi hướng để tránh nguy cơ va chạm.

Bình luận:

Các loại máy bay tuần tra Mỹ hay thậm chí oanh tạc cơ vẫn thường xuyên tiến hành các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông ở khu vực Biển Đông, thậm chí có khi bay dọc bờ biển Trung Quốc với mục đích rõ ràng là trinh sát.

Tuy nhiên, rất hiếm có tường thuật về hành động gây hấn của chiến đấu cơ Trung Quốc với máy bay Mỹ, ngoại trừ vụ máy bay EP-3E va chạm với chiến đấu cơ J-8 ở gần đảo Hải Nam từ năm 2001.

Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn còn e dè Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có các hành động uy hiếp với các đồng minh của Mỹ như Canada và Úc.

Thông điệp ẩn chứa là có sự tách bạch trong cách đối xử của Trung Quốc đối với riêng nước Mỹ và đối với các đồng minh của Mỹ. Đối với cùng một hành động, Bắc Kinh có thể kiềm chế với Mỹ nhưng sẽ không ngần ngại leo thang và dọa nạt các nước đồng minh.

Cho đến nay vẫn chưa có quốc gia đồng minh nào tự tin tham gia tiến hành các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Điều này cũng một phần xuất phát từ lo ngại về những hành vi leo thang nguy hiểm mà Trung Quốc có thể sẽ áp dụng với riêng tàu chiến và máy bay của quốc gia đồng minh.

Ý đồ của Bắc Kinh khi tiến hành các hoạt động gây hấn nói trên là răn đe các nước này sát cánh cùng Mỹ trong việc duy trì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét