Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Tin tức thế giới ngày thứ hai 13 tháng 6 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ : Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đạt thỏa thuận tối thiểu về kiểm soát súng

Đăng ngày: 13/6/2022 

Học sinh tại Uvalde sau vụ nổ súng hôm 24/05/2022 làm 19 trẻ em và hai người lớn thiệt mạng. via REUTERS - Pete Luna/Uvalde Leader-News 

Tại Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ hôm Chủ Nhật 12/06/2022 đã đạt thỏa thuận về một số biện pháp mới để kiểm soát súng. Đây là một trong số hiếm hoi thỏa thuận giữa đôi bên, thế nhưng chỉ được xem là một thỏa thuận tối thiểu bởi còn cách xa những yêu cầu cải cách của tổng thống Biden và các hiệp đội đấu tranh chống bạo lực súng đạn sau các vụ xả súng ở Buffalo và Uvalde. Văn bản còn phải được Quốc Hội lưỡng viện thông qua. 

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki giải thích :

« Đó là một thỏa thuận đạt được do không thể có được một thỏa thuận nào khác tốt hơn. Sau nhiều tuần đàm phán, 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa và 10 của bên đảng Dân Chủ đã công bố danh sách các đề xuất có khả năng giành được số phiếu cần thiết ở lưỡng viện Quốc Hội.

 

Văn bản dự kiến tăng ngân sách phân bổ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và tăng cường an ninh tại các trường học, đồng thời dự kiến tăng cường các đạo luật cho phép tịch thu vũ khí của những người bị xem là nguy hiểm cho xã hội và cho chính họ.

Đây còn xa mới là những biện pháp mà tổng thống Joe Biden và đa số các thượng nghị sĩ Dân Chủ và các hiệp hội đấu tranh chống bạo lực súng đạn đòi hỏi. Trong văn bản đề xuất, không có quy định cấm bán súng trường, cũng không có quy định cấm bán vũ khí cho những người dưới 21 tuổi.  

Trong một thông cáo, tổng thống Mỹ thừa nhận « đề xuất này không giải quyết được những điều cần phải làm », nhưng sau đó ông Biden nói thêm rằng dẫu sao thì đây cũng là một bước đi quan trọng đúng hướng.

Nếu được Quốc Hội thông qua, đây sẽ là đạo luật đầu tiên về kiểm soát súng đạn kể từ 28 năm qua. »

Mỹ bỏ quy định xét nghiệm COVID cho khách hàng không quốc tế 

11/6/2022 

https://gdb.voanews.com/D04B518C-4A5A-45F5-B613-E0A12C8381A7_w1023_r1_s.jpg

Mỹ từ ngày 12/6 này sẽ bãi bỏ quy định kéo dài suốt 17 tháng qua vốn buộc mọi người tới Mỹ bằng đường hàng không phải xét nghiệm âm tính với COVID-19, một quan chức cho biết, theo Reuters. Quyết định được đưa ra sau nỗ lực vận động ráo riết của các hãng hàng không và ngành du lịch.

Bước đi này diễn ra khi mùa du lịch hè bận rộn đang bắt đầu và các hãng hàng không đã chuẩn bị cho nhu cầu cao kỉ lục. Các hãng hàng không cho biết nhiều người Mỹ hiện không du lịch quốc tế vì lo ngại họ sẽ xét nghiệm dương tính và kẹt ở nước ngoài.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói cơ sở khoa học và dữ liệu cho thấy các xét nghiệm COVID trước khi khởi hành không còn cần thiết nữa, quan chức ẩn danh này cho biết.

Biện pháp vừa kể sẽ có hiệu lực vào lúc 12:01 sáng 12/6 và CDC sẽ đánh giá lại quyết định này sau 90 ngày, quan chức này nói thêm.

Từ đầu năm 2021, Mỹ yêu cầu hành khách hàng không quốc tế nhập cảnh phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính. Cuối năm ngoái, CDC đã thắt chặt các quy định yêu cầu du khách phải xét nghiệm âm tính trong vòng một ngày trước chuyến bay đến Mỹ thay vì ba ngày.

CDC đến nay vẫn không bắt buộc xét nghiệm đối với các cửa khẩu biên giới trên bộ.

Quan chức này nói, "Nếu thấy cần tái áp dụng quy định xét nghiệm trước khi khởi hành - bao gồm do một biến thể mới đáng lo ngại - CDC sẽ không ngần ngại hành động."

Nhiều nước ở Châu Âu và các nơi khác đã bỏ yêu cầu xét nghiệm.

CDC vẫn yêu cầu hầu hết những người không phải là công dân Mỹ phải được tiêm ngừa COVID để du hành đến Mỹ.

Bà Hồng Nguyễn, giám đốc công ty du lịch Hong Minh Travel ở thành phố San Jose thuộc bang California, cho biết các quy định kiểm soát COVID-19 trong hai năm qua đã khiến ngành du lịch sa sút nhiều. Nhưng tình hình đã khởi sắc hơn khi ngày càng có nhiều người đã được tiêm ngừa và các biện pháp dần được nới lỏng kể từ cuối năm ngoái.

Bà cho biết khách hàng của bà đã đặt chuyến trở về Việt Nam ngày càng nhiều trong những tháng gần đây và hầu như không có than phiền gì về việc xét nghiệm. 

“Nếu mà bãi bỏ quy định xét nghiệm thì từ từ ngành du lịch trong nước Mỹ sẽ tốt hơn,” bà nói, cho biết thêm rằng các tour du lịch ở Mỹ đã bị cắt giảm đi nhiều trong suốt đại dịch.

Airlines for America, một tổ chức thương mại đại diện cho các hãng hàng không lớn, nói "dỡ bỏ chính sách này sẽ giúp khuyến khích và khôi phục du hành đường hàng không đến Mỹ." 

IATA, tổ chức thương mại hàng không lớn nhất thế giới, hoan nghênh điều mà họ gọi là "tin tức đáng mừng" rằng chính quyền đang "loại bỏ quy định xét nghiệm COVID không hữu hiệu trước khi khởi hành cho việc du hành đến Mỹ."

Vào tháng 4, một thẩm phán liên bang đã tuyên bố các quy định của CDC rằng du khách đeo khẩu trang trên máy bay và ở các trung tâm trung chuyển như sân bay là trái pháp luật và chính quyền đã ngừng thực thi quy định này. Bộ Tư pháp đã kháng cáo nhưng có phần chắc không có quyết định nào được đưa ra sớm nhất là trước mùa thu.

Ukraina thừa nhận phải rút quân khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk

BBC News

Lính Ukraina theo dõi trên màn hình vị trí drone của Nga tại địa điểm có giao tranh ở Severodonetsk, Ukraina. Ảnh chụp ngày 08/06/2022. AP - Oleksandr Ratushniak 

Chiến sự tiếp diễn dữ dội tại Severodonetsk, thành phố chiến lược vùng Donbass, miền đông Ukraina. Sáng nay, 13/06/2022, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraina thừa nhận các đơn vị của họ đã phải rút khỏi khu vực trung tâm thành phố, nhưng đồng thời khẳng định tiếp tục kháng cự bảo vệ Severodonetsk.    

Trên mạng Facebook, Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraina nhận định: ‘‘Với sự hỗ trợ của pháo binh, quân địch đã tổ chức một đợt tấn công nhắm vào Severodonetsk, thu được kết quả nhất định, đánh bật quân ta ra khỏi trung tâm thành phố. Giao tranh vẫn tiếp diễn’’. Thống đốc tỉnh Luhansk, Serguiï Gaïdaï, cũng xác nhận các đơn vị Ukraina đã phải rút khỏi trung tâm Severodonetsk.     

Như vậy, sau hơn một tuần lễ chống trả quân Nga, phía Ukraina phải thừa nhận khó lòng bám trụ tại trung tâm Severodonetsk. Hôm 12/06, thống đốc tỉnh Luhansk cho biết tình hình ‘‘hết sức khó khăn’’ đối với lực lượng bảo vệ thành phố, ‘‘kẻ thù đang muốn cô lập hoàn toàn Severodonetsk, ngăn chặn toàn bộ người qua lại, cũng như đạn dược’’. Theo ông, quân Nga có thể sẽ ‘‘huy động toàn lực để chiếm thành phố’’ trong vòng 48 giờ.   

Hiện tại, các lực lượng Ukraina vẫn kiểm soát khu công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot của Severodonetsk. Theo thống đốc Gaida, ‘‘còn khoảng 500 dân thường đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất, trong đó có 40 trẻ em’’. Quân đội Ukraina không dễ dàng bỏ lại thành phố cho quân Nga. Theo tổng tư lệnh quân đội Ukraina, tướng Valeri Zaloujny, các lực lượng vũ trang Ukraina sẽ bảo vệ đến cùng những vị trí ở phía bắc tỉnh Luhansk, ‘‘mỗi thước đất sẽ thấm máu quân thù’’.    

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời nhiều giới chức địa phương cho biết quân Nga đã phá hủy thêm một cây cầu nối Severodonetsk với vùng hậu phương của Ukraina. Theo thống đốc tỉnh Luhansk, hiện Severodonetsk chỉ còn nối với bên ngoài qua một cây cầu duy nhất, nếu cầu này bị phá hủy, thành phố sẽ hoàn toàn bị cô lập ‘‘bằng đường bộ’’, với bên ngoài.   

 Chính quyền Ukraina nhấn mạnh là quân Nga chiếm ưu thế nhờ hỏa lực pháo binh vượt trội. Tổng tư lệnh quân đội Ukraina cho biết hỏa lực của quân Nga hiện mạnh gấp 10 lần so với Ukraina. Trên Twitter hôm nay, ông Mikhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraina, thông báo nhu cầu vũ khí của quân đội Ukraina : ‘‘1.000 pháo 155 ly, 300 hệ thống pháo phản lực đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 xe thiết giáp và 1.000 drone’’. Cố vấn của tổng thống Ukraina hy vọng hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng các nước hỗ trợ Ukraina, họp ngày 15/06 tới tại Bruxelles, với sự chủ trì của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, sẽ đưa ra ‘‘một quyết định’’.  

Các nước thành viên WTO nhóm họp 

12/6/2022 

AP 

Bà Ngozi Okonjo-Iweala tại cuộc họp báo hôm 12/6.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala tại cuộc họp báo hôm 12/6. 

Người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán một con đường “gập ghềnh và khó khăn” khi cơ quan thương mại quốc tế này khai mạc cuộc họp cấp cao nhất trong vòng 4 năm rưỡi.

Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cho biết bà hy vọng cuộc họp kéo dài 4 ngày, vốn bắt đầu từ Chủ nhật, sẽ mang lại tiến bộ nhằm giảm bất bình đẳng và đảm bảo thương mại công bằng và tự do.

Các bộ trưởng từ hầu hết 164 quốc gia thành viên của tổ chức này có chương trình họp bao gồm các vấn đề như chuẩn bị cho đại dịch, đánh bắt quá mức và mất an ninh lương thực trong bối cảnh Nga gây chiến ở Ukraine.

Họ sẽ xem xét liệu có cam kết dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lúa mì, phân bón và các sản phẩm khác vì chiến tranh hay không.

“Con đường sẽ gập ghềnh và khó khăn. Có thể có một vài quả mìn trên đường đi”, bà Okonjo-Iweala nói với các phóng viên vào Chủ nhật trước khi khai mạc cuộc họp kéo dài 4 ngày.

“Chúng ta sẽ phải tránh những quả mìn đó và xem làm thế nào chúng ta có thể đạt thành công với một hoặc hai thỏa thuận”.

Người đứng đầu WTO nhấn mạnh rằng thương mại đã đưa 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo, nhưng các nước nghèo hơn - và những người nghèo tại các nước giàu hơn - thường bị bỏ lại phía sau.

Cao uỷ Nhân quyền LHQ không muốn nhiệm kỳ hai sau chuyến thăm Trung Quốc 

13/6/2022 

Reuters 

Cao uỷ Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 23/5/2022.

Cao uỷ Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 23/5/2022. 

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm 13/7 nói bà không tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai trong một bài phát biểu rộng rãi trước Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva.

Thông báo này được bà Michelle Bachelet đưa ra sau chuyến đi đến Trung Quốc vào tháng trước của bà đã bị trích các nhóm nhân quyền cũng như một số chính phủ phương Tây chỉ trích mạnh mẽ.

Chuyến đi kéo dài 6 ngày đến Trung Quốc của bà Bachelet vào cuối tháng trước là chuyến thăm đầu tiên của một Cao ủy Nhân quyền LHQ trong vòng 17 năm. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Washington “quan ngại” về chuyến đi của bà Bachelet tới Trung Quốc. Trong khi các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng chuyến đi của bà như một sự chứng thực cho hồ sơ nhân quyền của họ, giữa lúc Bắc Kinh bị cáo buộc đã giam giữ một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương mà họ gọi là các trại “huấn nghiệp”. 

Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng ở Tân Cương.

Năm ngoái, văn phòng của bà Bachelet nói họ tin rằng những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị giam giữ trái pháp luật, ngược đãi và buộc phải làm việc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói đó là “một sai lầm khi thực hiện chuyến thăm trong hoàn cảnh này”.

Nhưng bà Bachelet nói rằng chuyến đi của bà không phải là một cuộc điều tra về các chính sách nhân quyền của Trung Quốc mà là một cơ hội để kết nối với chính phủ.

Trong chuyến đi, quyền tiếp cận của bà Bachelet đã bị hạn chế vì Trung Quốc chỉ sắp xếp cho bà tham quan trong một “vòng khép kín” - cô lập với hết mọi người với lý do là để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 - và không có báo chí nước ngoài.

“Vào lúc nhiệm kỳ của tôi với tư cách là Cao ủy sắp kết thúc, phiên họp thứ 50 quan trọng của Hội đồng này sẽ là phiên họp cuối cùng mà tôi báo cáo”, bà Bachelet đưa ra thông báo mà không nêu lý do tại buổi họp của LHQ vào ngày 13/6.

Nga thắng thế ở miền đông Ukraine

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về Severodonetsk, thành phố án ngữ rìa lãnh thổ phía đông của Ukraine mà Nga đang tìm cách chiếm đoạt. Hiện cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên vô cùng tàn bạo. Pháo binh Nga đang gây thương vong nặng nề cho các vị trí của Ukraine ở vùng Donbas. Phó cục trưởng cục tình báo quôc phòng Ukraine cho biết quân đội của ông sắp hết đạn pháo, đến mức chỉ còn bắn được 6.000 viên mỗi ngày. Nga có số lượng pháo nhiều gấp mười lần, trong khi vũ khí của phương Tây đến chậm, theo lời ông.

Hiện Nga đã chiếm tất cả các khu dân cư của Severodonetsk, còn quân đội Ukraine đang cố thủ trong khu công nghiệp Azot. “Để tôi cho bạn biết ý kiến chuyên môn của tôi,” thị trưởng của thành phố công nghiệp lớn Kramatorsk nói với tờ New Yorker vào tuần trước. “Nếu không có vũ khí hạng nặng trong hai hoặc ba tuần tới, chúng tôi coi như chết.”

Chiến lược zero Covid 2.0 của Trung Quốc gặp khó khăn

Bắc Kinh và Thượng Hải dường như đang thí điểm cho phiên bản mới của chính sách “zero covid” của Trung Quốc. Hiện giới chức đang áp dụng phong tỏa từng vùng đối với hai thành phố quan trọng nhất này, với sự hỗ trợ của xét nghiệm hàng loạt. Thay vì các vụ phong tỏa toàn thành phố gây thiệt hại nặng về mặt kinh tế như trước, Bắc Kinh và Thượng Hải đang thử nghiệm các chiến dịch có mục tiêu để sớm tìm thấy và cách ly ca dương tính cùng người tiếp xúc gần trong vòng vài giờ.

Bước đầu khá khó khăn. Vài ngày sau khi Bắc Kinh mở cửa trở lại quán bar và nhà hàng, hơn 100 ca nhiễm đã được ghi nhận tại một quán bar ở trung tâm thành phố, dẫn đến cách ly hàng nghìn người và phong tỏa các khu dân cư cũng như tòa nhà riêng lẻ trong tối đa 14 ngày. Thế là các quán bar lại đóng cửa. Ngoài ra, nhiều trường học ở Bắc Kinh cũng phải hủy kế hoạch mở cửa lại vào thứ Hai. Còn Thượng Hải, nơi đã kết thúc hai tháng phong tỏa vào hôm 1 tháng 6, vừa yêu cầu hầu hết 25 triệu cư dân xét nghiệm hàng loạt sau khi dịch bùng lên tại một tiệm làm tóc. Có lẽ đây là bình thường mới ở Trung Quốc.

Anh-EU lại đàm phán về Bắc Ireland

Vào thứ Hai, chính phủ Anh sẽ đề xuất một dự thảo luật cho phép họ đơn phương thay đổi cơ chế Bắc Ireland, tức một phần của hiệp ước Brexit nước này đã ký với EU. Để tránh một biên giới cứng với Ireland, cơ chế này cho phép Bắc Ireland ở lại trong thị trường hàng hóa EU, song phải kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa Bắc Ireland và đảo Anh. London muốn loại bỏ rắc rối này, nhưng EU từ chối viết lại hiệp ước mà Boris Johnson ký hai năm trước.

Chính phủ muốn đàm phán thay đổi nội dung thảo thuận với EU, và cho rằng dự luật sẽ tăng cường vị thế mặc cả của họ. Họ cũng muốn Đảng Liên minh Dân chủ, vốn từ chối gia nhập cơ quan điều hành theo mô hình chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland cho đến khi cơ chế bị hủy bỏ, thay đổi ý định. Nhìn chung, quốc hội khó có khả năng thông qua dự luật vì bị nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng như các đảng khác phản đối. Kết quả trước mắt là tranh cãi liên tục với EU.

Costa Rica tê liệt vì bị tấn công mạng

Costa Rica yên bình tới mức họ là một trong số ít các quốc gia không có quân đội. Nhưng đất nước Trung Mỹ này đang bị tấn công mạng.

Được biết khoảng 29 tổ chức ở Costa Rica đã bị tấn công kể từ giữa tháng 4. Giới chức hải quan đã phải chuyển sang dùng giấy tờ vật lý, trong khi bệnh viện không thể truy cập hồ sơ bệnh nhân và giáo viên không được trả lương. Song hệ thống kho bạc, bao gồm cả cổng khai thuế trực tuyến, dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ thứ Hai. Vì chính phủ từ chối trả tiền chuộc, nhiều khả năng họ sẽ lại bị tin tặc tấn công. Không rõ thủ phạm là bên nào, mặc dù chúng sử dụng ransomware của Conti và Hive, các băng nhóm ở Nga.

Gần đây Mỹ Latinh dường như đã trở thành một bãi thử cho các loại tội phạm này. Trong danh sách nạn nhân có cả Peru. Costa Rica bị tấn công có thể chỉ vì họ là một mục tiêu dễ. Cũng như nhiều quốc gia khác, nước này cần đầu tư vào hệ thống phòng thủ của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét