Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ năm 09 tháng 6 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Quan chức Mỹ: Hoạt động của Trung Quốc ở Campuchia rất thiếu minh bạch 

09/6/2022 

Reuters 

Một đoàn nhà báo được Hải quân Campuchia đưa đi tham quan căn cứ Ream ở tỉnh Preah Sihanouk hồi tháng 7/2019.

Một đoàn nhà báo được Hải quân Campuchia đưa đi tham quan căn cứ Ream ở tỉnh Preah Sihanouk hồi tháng 7/2019. 

Quyết định của Campuchia mở rộng căn cứ hải quân lớn nhất của nước này và cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng riêng một phần ở đó cho thấy sự thiếu minh bạch bất thường, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đưa ra nhận xét hôm thứ Năm 9/6.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh gần đây đã bác bỏ mối lo ngại rằng họ sẽ để Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất Campuchia, ông nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở tại căn cứ hải quân Ream, trong khi Campuchia sẵn sàng nhận trợ giúp quân sự từ bất kỳ nước nào.

Mỹ tin rằng kế hoạch mở rộng căn cứ này bao gồm cả việc quân đội Trung Quốc được sử dụng riêng phần phía bắc của căn cứ, và cả Campuchia lẫn Trung Quốc đều đã không chia sẻ đầy đủ các chi tiết về kế hoạch của Bắc Kinh có quy mô ra sao đối với việc sở hữu một căn cứ quân sự đơn phương ở đó.

Quan chức quốc phòng Mỹ không muốn nêu danh tính nói: "Sự thiếu minh bạch quả là bất thường ... điều này trực tiếp mâu thuẫn với việc họ đã phủ nhận trong hàng tháng trời, nói là Trung Quốc chẳng có bất kỳ sự liên quan nào".

Quan chức Mỹ nói hai nước đã làm những việc đến mức có thể gọi là kỳ dị để che giấu hoạt động quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả chuyện cải trang các nhân viên Trung Quốc khi các quan chức nước ngoài tới thăm căn cứ.


"Điều mà chúng tôi kêu gọi, mà khu vực kêu gọi, là cần có sự minh bạch hơn, về các hoạt động của Trung Quốc, và sự thiếu minh bạch đó đã gây ra mối quan ngại và gây ra sự ngờ vực trong các quốc gia xung quanh khu vực", quan chức Mỹ nói thêm.

Các ý kiến kể trên được đưa ra cùng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Singapore để gặp một số người đồng cấp châu Á, bao gồm cả cuộc gặp dự kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Wei Fenghe (Ngụy Phượng Hòa).

Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ nhân cuộc họp an ninh hàng đầu của châu Á để khẩu chiến về nhiều vấn đề, từ chủ quyền của Đài Loan cho đến cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù cả hai bên đều tỏ ra sẵn sàng thảo luận về việc quản lý những khác biệt.

Quan hệ Campuchia-Mỹ đã xấu đi trong vài năm nay vì Mỹ cáo buộc Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền lâu năm của ông đã kìm hãm nền dân chủ thông qua đàn áp phe đối lập.

Một năm trước, Campuchia cho biết họ đã san bằng một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân để chuẩn bị cho việc mở rộng thêm căn cứ.

(Reuters)

Giải tỏa Biển Đen để xuất nông phẩm Ukraina: Nỗ lực trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ bất thành

Đăng ngày: 09/6/2022 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, ngày 8/6/2022. REUTERS - UMIT BEKTAS 

Cuộc họp Nga -Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara hôm 08/06/2022 về một « hành lang an toàn trên biển » tại Hắc Hải để xuất khẩu ngũ cốc Ukraina đã không đạt kết quả mong muốn. Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian vấp phải chống đối từ hai phía Matxcơva và Kiev.  

Họp báo sau buổi làm việc với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố « cùng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẵn sàng bảo đảm an ninh cho các tàu rời cảng Ukraina ». Đổi lại Matxcơva đòi phương Tây chấm dứt các biện pháp trừng phạt gián tiếp nhắm vào nông phẩm và phân bón của Nga, đồng thời đòi phía Ukraina tháo gỡ mìn đã gài trong khu vực. Kiev mạnh mẽ bác bỏ yêu sách của Nga. 

Theo hãng tin Anh Reuters, Ukraina « tố cáo những đòi hỏi quá đáng như quyền kiểm soát các tàu bè của Ukraina đi qua Hắc Hải và đặt điều kiện để phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận » nhắm vào kinh tế của Nga. Về phía nước chủ nhà, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lại xem đòi hỏi của Matxcơva là « chính đáng ». 

Trả lời đài RFI giáo sư kinh tế Philippe Chalmin đại học Paris Dauphine không mấy tin tưởng vào hứa hẹn của Nga sau cuộc họp tại Ankara giữa ngoại trưởng Lavrov và đồng nhiệm Cavusoglu :  

« Nói một cách rất thẳng thắn, tôi không mấy tin tưởng là sẽ có tiến bộ. Vào lúc ông Sergueï Lavrov thảo luận về khả năng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập hành lang an toàn trên biển, thì trên trận địa, quân đội Nga tiếp tục oanh kích các hải cảng của Ukraina trong vùng Odessa. Điều đó có nghĩa là Nga một mặt nói sẵn sàng hợp tác, mặt khác thì tiếp tục tấn công. Đó không phải là dấu hiệu tốt . 

Ý tưởng một quốc gia trung lập đứng ra bảo đảm một hành lang an toàn đã được đề xuất, và có lúc mọi người đã đề nghị Anh Quốc đảm nhiệm. Giờ đây thì đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị giúp đỡ. Điều đó có làm thay đổi kết quả gì hay không ? Tôi không dám chắc là, ngoài những lời lẽ thể hiện thiện chí, Nga thực sự sẵn sàng thực hiện những cam kết đó ».  

Hiện tại có khoảng từ 20 đến 25 triệu tấn ngũ cốc, nông phẩm của Ukraina đang bị tồn kho, vì không thể xuất khẩu qua ngả Biển Đen đang trong tình trạng chiến tranh. Kiev lo ngại khối lượng này sẽ tăng lên gấp ba lần vào mùa thu năm nay, nếu như Biển Đen, cửa ngõ đưa nông phẩm Ukraina ra bên ngoài, vẫn bị khóa chặt như hiện nay. Chiến tranh Ukraina đẩy giá lương thực thực phẩm trên khắp thế giới lên cao, kể cả tại Nga. 

Dự báo Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ khẩu chiến gay gắt tại hội nghị an ninh châu Á 

09/6/2022 

Reuters 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp báo chí tại Lầu Năm Góc, 23/5/2022 (ảnh tư liệu).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp báo chí tại Lầu Năm Góc, 23/5/2022 (ảnh tư liệu). 

Hoa Kỳ và Trung Quốc được dự báo sẽ sử dụng hội nghị an ninh hàng đầu của châu Á trong tuần này để khẩu chiến về nhiều vấn đề, từ chủ quyền của Đài Loan cho đến cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù cả hai bên đều tỏ ra sẵn sàng thảo luận về việc quản lý những khác biệt.

Đối thoại Shangri-La, thu hút các quan chức cấp cao nhất trong lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao, cũng như các nhà sản xuất vũ khí từ khắp nơi trên thế giới, sẽ diễn ra từ ngày 10-12/6 tại Singapore.

Ban tổ chức cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ phát biểu với hội nghị trong một phiên họp qua mạng vào thứ Bảy 11/6.

Bên lề hội nghị quan trọng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Wei Fenghe (Ngụy Phượng Hòa), dự kiến sẽ trực tiếp gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết: "Từ phía chúng tôi, chúng tôi kỳ vọng là nội dung của cuộc gặp tập trung vào việc quản lý sự cạnh tranh trong các vấn đề khu vực và toàn cầu".

Quan chức này cho biết trọng tâm sẽ là cố gắng dựng lên dải hộ lan trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước và đảm bảo rằng các vấn đề sẽ không nảy sinh thành những sự hiểu lầm hoặc thông tin sai lệch về mặt quân sự.

Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ sử dụng cuộc họp để thảo luận về hợp tác với Hoa Kỳ.

Nhiều khả năng là hai ông Austin và Wei sau đó sẽ sử dụng các bài diễn văn vào cuối tuần để khẳng định lại cam kết của họ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra một số phát biểu nhằm thẳng vào nhau.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về mọi thứ, từ sự hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan, hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.

Meia Nouwens, Nghiên cứu viên cao cấp về Chính sách Quốc phòng và Hiện đại hóa Quân sự của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cũng là cơ quan đứng ra tổ chức hội nghị, nói: “Vấn đề quan trọng trong năm nay chắc chắn sẽ là mối quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung”.

Cuộc gặp song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và phần lớn nội dung của hội nghị, có phần chắc sẽ tập trung vào Đài Loan.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, nói: “Mỹ sẽ nêu lên vấn đề Đài Loan một cách cụ thể, và cũng sẽ nói nhiều về sự lấn át ngày càng tăng của Trung Quốc ở khắp vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Mặc dù hội nghị chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh châu Á, song cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ vẫn là một trọng tâm của các cuộc thảo luận.

Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói: “Các đại biểu đoàn Mỹ sẽ nhân cơ hội này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Nga”.

(Reuters)

Mỹ bác tin bịa đặt từ phía ĐCSTQ liên quan đến Tân Cương

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/trai-giam-o-TQ.jpg

Trại lao động ở Tân Cương (Nguồn: Google) 

Gần đây có tin có bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng hai nhà ngoại giao Mỹ tại Quảng Châu đã chia sẻ Mỹ thừa hiểu không có vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Hôm thứ Ba (7/6), phía giới chức Mỹ đã phản bác lại thông tin này, gọi đó là bịa đặt.

Phát ngôn viên này cũng cho biết: “Những hành động như vậy cũng không phù hợp với nghĩa vụ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thể hiện sự tôn trọng cần thiết đối với các nhà ngoại giao Mỹ và thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào tự do hoặc phẩm giá của các nhà ngoại giao Mỹ”.

Chủ Nhật tuần trước (5/6), tài khoản mạng xã hội “BuYiDao” có bối cảnh Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ cho biết trong một bài đăng: “Trong một buổi tiệc chiêu đãi năm 2021 có 2 quan chức tại Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu cho biết rằng Washington biết rõ không có chuyện gì xảy ra ở Tân Cương”.

Bài đăng nêu tên hai quan chức Mỹ và trích dẫn lời họ nói rằng [Mỹ] “cường điệu” về lao động cưỡng bức, diệt chủng và hồ sơ nhân quyền Tân Cương là “biện pháp hiệu quả để tách Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.

Phản bác của phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ vào hôm thứ Ba nhấn mạnh lại rằng “lập trường của Mỹ về Tân Cương không thay đổi”.

Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Biden đã ký “Đạo luật Phòng chống Cưỡng bức Lao động Duy Ngô Nhĩ”, qua đó cấm bất kỳ sản phẩm lao động cưỡng bức nào ở Tân Cương thâm nhập vào thị trường Mỹ. Chính phủ Mỹ tin rằng chính quyền ĐCSTQ đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Giới chức hải quan Mỹ cho biết hôm thứ Tư tuần trước (1/6), rằng bắt đầu từ ngày 21 tháng này họ thực hiện “Luật Ngăn chặn Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, qua đó cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Các quan chức hải quan Mỹ nói thêm rằng cần phải có bằng chứng “có tính thuyết phục cao” để lệnh cấm được miễn.

Trước đó ngày 19/1/2021, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo cho biết rằng chính quyền Trump đã xác định chính quyền ĐCSTQ đã phạm tội “diệt chủng và chống loài người” khi đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hiện nay Chính quyền Tổng thống Biden cũng vẫn theo quan điểm đó.

Theo Hạ Vũ, Epoch Times

TT Zelensky mới các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Nga, chuyển đến Ukraine

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/merlin_207368748_78873dcd-6574-48ff-8a98-08d060b4ccd4-videoSixteenByNine1050.jpg

Hôm 8/6, xuất hiện trên video trực tiếp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trả lời câu hỏi từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Giám đốc điều hành (CEO Summit) của Viện lãnh đạo điều hành Yale.

Trong đó, ông Zelensky đã đề xuất các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ chuyển hoạt động của họ ra khỏi Nga và sang Ukraine, đồng thời kêu gọi sự thống nhất ủng hộ những nỗ lực của đất nước ông nhằm đánh đuổi Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, CNBC đưa tin.

“Đây là cuộc chiến chung của chúng ta”, Tổng thống Ukraine nói. “Các công ty có [văn phòng] đại diện trên thị trường Nga nên rời đi. Điều quan trọng nhất là không phải trả thuế cho hệ thống tài chính Nga, bởi vì số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga vốn đang giết chết người Ukraine.”

Ông nói thêm: “Với tư cách là Tổng thống Ukraine, tôi muốn công ty của các vị không chỉ xem xét lựa chọn rời khỏi Nga mà còn xây dựng chỗ đứng trong nền kinh tế Ukraine.”

Ông Zelensky cho biết, mọi quốc gia đều quan tâm đến việc bảo vệ Ukraine, bởi vì công nghệ vũ khí đã thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia.

Ông nói: “Nếu kẻ thù có thể tiếp cận chúng ta, họ có thể tiếp cận mọi quốc gia của Liên minh châu Âu. “Và tôi chắc chắn rằng kẻ thù có thể vươn đến được Hoa Kỳ. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và tự do.”

Lloyd Blankfein, cựu Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, đã hỏi làm thế nào cuộc chiến ở Ukraine có thể đạt được một kết quả chấp nhận được.

TT Zelenskyy đáp lại rằng: Bằng cách thúc đẩy việc cô lập Nga hơn nữa.

Ông nói: “Nga không tuân theo luật kinh doanh, có nghĩa là họ cũng sẽ đưa ra các điều khoản của riêng họ đối với các vị. Vậy các vị có thể thực sự kinh doanh với Nga bây giờ không?”

Giám đốc điều hành Chobani Hamdi Ulukaya, người sáng lập Tổ chức Đối tác Lều cho Người tị nạn, hỏi TT Zelensky làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do hậu quả của chiến tranh.

“Người Ukraine muốn quay lại Ukraine,” ông Zelensky nói. “Tất cả những người này [người tị nạn] cần được hỗ trợ. Tôi có thể nói thẳng thắn rằng: Họ cần hỗ trợ tài chính.”

Ngân Hà (theo Newsmax)

Chiến tranh Ukraina: ''Phần lớn'' thành phố Severodonesk đã rơi vào tay quân Nga

Một binh sĩ Ukraina tuần tra tại Lysychansk, tỉnh Luhansk, Ukraina, ngày 2/6/2022. REUTERS - SERHII NUZHNENKO 

Thống đốc tỉnh Luhansk, miền đông Ukraina, ngày 08/06/2022, thừa nhận « phần lớn » thủ phủ Severodonesk đã nằm dưới sự kiểm soát của Matxcơva, trong khi thành phố lân cận Lyssytchansk vẫn do Ukraina kiểm soát, nhưng bị « tàn phá nghiêm trọng » do bom đạn Nga. 

Trong khi các trận đánh vẫn diễn ra ác liệt tại Severodonesk, thủ phủ tỉnh Luhansk, thống đốc tỉnh Serguiï Gaïdaï, trên mạng Telegram ngày 08/06/2022 khẳng định lực lượng của Nga đã « kiểm soát một phần lớn Severodonesk », còn phía Ukraina « vẫn giữ được khu công nghiệp, không có quân Nga ở đó. Các trận giao tranh chỉ diễn ra trên các đường phố bên trong thành phố ». Tuy nhiên, hôm nay 09/06, ông khẳng định nếu nhận được vũ khí tầm xa của phương Tây, quân đội Ukraina có thể chiếm lại thành phố Severodonesk trong vòng « 2-3 ngày ». 

Tối hôm qua, trong một video đăng trên mạng, tổng thống Ukraina Zelensky nhận định trận chiến ở Severodonesk « rất khó khăn », thậm chí là « một trong những trận chiến khó khăn nhất » trong chiến tranh Ukraina và nhấn mạnh « số phận cả vùng Donbass » nằm ở Severodonesk.

Liên quan đến thành phố Lyssytchansk gần Severodonesk, thống đốc Serguiï Gaïdaï cho biết thành phố này vẫn hoàn toàn do quân đội Ukraina kiểm soát, nhưng đang phải hứng chịu những trận oanh kích cường độ cao. Thống đốc tỉnh Luhansk tố cáo quân Nga tấn công bừa bãi vào các bệnh viện và trung tâm phân phát hàng cứu trợ nhân đạo. Trong khi đó, theo AFP, tại thành phố Bakhmut, một trường học đã bị bom đạn của quân Nga san bằng, nhưng may mắn là không có thiệt hại về nhân mạng.

Cũng trong ngày 08/06, Kiev thông báo là Nga và Ukraina lại mới trao đổi thi thể các binh sĩ tử trận. Mỗi bên trao trả cho đối phương 50 binh sĩ. Cuộc trao đổi được tiến hành ở vùng Zaporijia, miền nam Ukraina. Về số phận các tù binh tại khu nhà máy Azovstal, Mariupol, hãng tin TASS của Nga cho biết hơn 1.000 tù binh Ukraina đã bị đưa sang Nga.

Điều trần ở Quốc hội Mỹ về vụ bạo động 06/01/2021 

Điều trần ở Hạ viện Mỹ thường rất kịch tính, đặc biệt là các phiên sẽ bắt đầu vào thứ Năm này. Trọng tâm của chúng là về các sự kiện diễn ra hôm 6 tháng 1 năm 2021, khi một đám đông, dường như được Tổng thống Donald Trump khuyến khích, xông vào tòa nhà Capitol nhằm ngăn Quốc hội xác nhận chiến thắng của Joe Biden. Ủy ban 6 tháng 1, bao gồm bảy đảng viên Dân chủ và hai đảng viên Cộng hòa, đã dành cả năm qua để phỏng vấn hơn 1.000 người và xem xét hơn 140.000 tài liệu. Trong sáu phiên họp được trực tiếp trên truyền hình tới đây, ủy ban sẽ cho thấy những gì họ thu thập được, trước khi xuất bản một báo cáo đầy đủ vào tháng 9.

Các phiên điều trần sẽ tiết lộ mức độ tham gia của ông Trump. Do đó, các nhân vật cánh hữu nhiều khả năng sẽ coi công việc của ủy ban như một cuộc săn lùng phù thủy. Nhưng đối với đảng Dân chủ, các phiên điều trần có thể là hy vọng cuối cùng của họ nhằm tập hợp các cử tri bất mãn với Trump và những người ủng hộ ông, qua đó chạy đà cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

ECB họp bàn chính sách tiền tệ

Vào thứ Năm này các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ họp tại Amsterdam để bàn về chính sách tiền tệ của khu vực đồng euro. ECB đang có một tình huống khó: thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, hay nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu?

Không phải toàn bộ kinh tế châu Âu đều ở trong tình trạng hỗn loạn. Ngành dịch vụ, đặc biệt là ở các nước phía nam, đang bắt đầu mở cửa trở lại các khách sạn và nhà hàng. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Song lĩnh vực sản xuất phải chịu đựng đồng thời cả đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng cao lẫn ngân sách tiêu dùng eo hẹp đi. Dữ liệu được công bố vào thứ Ba cho thấy các đơn đặt hàng nhà máy của Đức đã giảm trong tháng 4; sau đó vào thứ Tư OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu. Trong khi đó, lạm phát 8% đang cao kỷ lục và tạo ra nhiều áp lực để ECB tăng lãi suất trong bối cảnh lãi suất huy động hiện vẫn đang ở mức âm. Tại Amsterdam, ngân hàng có khả năng sẽ thông báo kết thúc mua trái phiếu và báo hiệu một vài đợt tăng lãi suất thận trọng trong những tháng tới.

Kinh tế Trung Quốc dần bình thường hóa

Từ ngày 6 tháng 6, giới chức Bắc Kinh đã cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại, khi số ca nhiễm covid-19 giảm còn trên đầu ngón tay. Giờ đây, một chuỗi dữ liệu kinh tế được công bố trong bảy ngày tới, bắt đầu với thương mại vào thứ Năm, sẽ cho ta thấy các khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải vượt qua.

Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và nhà ở có lẽ đều giảm so với cùng kỳ tháng 5, tức tháng thứ hai đóng cửa và hạn chế đi lại ở nhiều thành phố. Những người đặt cược nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm có thể sẽ phải thất vọng. Không phải mọi thứ đều đã trở lại bình thường (ở Bắc Kinh, trường học vẫn đóng cửa cho đến 13 tháng 6), trong khi khả năng tái bùng dịch là hoàn toàn có thể. Một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng Morgan Stanley cho thấy có nhiều người dự kiến ​​cắt giảm chi tiêu trong tháng tới hơn là tăng chi tiêu. Chỉ có hai danh mục cho thấy điều ngược lại: tạp hóa và giáo dục.

Cựu tổng thống Somalia đắc cử nhiệm kỳ hai

Trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống của Hassan Sheikh Mohamud, quyền lực của ông thậm chí chẳng vươn xa khỏi cánh cổng đầy bao cát chống đạn của dinh tổng thống ở Mogadishu. Nhóm thánh chiến Al-Shabab hoành hành khắp nơi và tấn công khủng bố trở thành một thường lệ. Nhiều thập kỷ nội chiến đã biến đất nước thành vũng lầy phân chia cát cứ.

Nhiệm kỳ đầu của ông Mohamud kết thúc vào năm 2017, khi ông thất bại trước Mohamed Abdullahi Mohamed. Nhưng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, ông sẽ nhậm chức lần hai vào thứ Năm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Somalia độc lập vào năm 1960 có một người đắc cử tổng thống hai lần. Song ông Mohamud kế thừa một đất nước đang trượt lùi đầy nguy hiểm. Tổng thống tiền nhiệm tỏ ra vô cùng độc tài, gây chiến với các nước láng giềng và từ chối rời nhiệm sở, làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến mới. Và đáng lo nhất là việc các lực lượng thánh chiến giành lại nhiều lãnh thổ trong thời gian gần đây. Trong phát biểu với The Economist, Mohamud nói nhiệm vụ đầu tiên của ông là đánh bại họ.

Doanh thu bán dầu của Nga giúp ông Putin tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/56fd0430c461887c018b4567.jpg

Bất chấp nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này vì cuộc xâm lược Ukraine, các chuyên gia tin rằng doanh thu bán dầu sẽ cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục duy trì cuộc chiến của mình trong tương lai gần.

Embed from Getty Images

Tiến sĩ Maria Snegovaya, một chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Virginia Tech nói với Newsweek, “giá dầu tại thời điểm này chắc chắn có thể giúp bù đắp [phần thiệt hại do] các lệnh trừng phạt”.

Bà Snegovaya nhận xét thêm: “Hơn nữa, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga lúc này nhiều hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Và chiến tranh lại có lợi Nga theo phương diện này, vì nó tiếp tục làm tăng giá dầu.”

Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và các quốc gia khác áp đặt lên họ vì cuộc xâm lược Ukraine. Quốc gia này đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến ​​trong quý đầu tiên của năm 2022. Chính phủ Vương quốc Anh hồi tháng 4 dự đoán Nga sẽ sớm rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với truyền thông Nga, các nhà tài phiệt và các quan chức Điện Kremlin, cũng như chính Tổng thống Putin. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp của Nga cũng đã bị trừng phạt, và Mỹ còn cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3. Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thông qua một gói trừng phạt mới, bao gồm lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu thô của Nga vào cuối năm nay.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga vẫn là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Các nhà phân tích cho rằng, Nga có thể cố gắng bù đắp các lệnh trừng phạt mới của châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu Nga, bằng cách tìm những khách hàng khác mua dầu thô của mình, hoặc bằng cách cắt giảm sản lượng dầu để duy trì giá cao.

Ngoài việc là đồng minh quan trọng của Moscow, Trung Quốc còn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trước chiến tranh. Sau cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, hoạt động mua dầu của Bắc Kinh từ Moscow liên tục tăng lên: Trung Quốc đã mua 14,5 triệu thùng dầu từ Nga từ tháng 3 đến tháng 5, “mức tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái”, theo một phân tích tuần trước của CNBC từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.

CNBC cũng lưu ý, Ấn Độ gần đây đã tăng cường mua dầu từ Nga. Tờ báo trích dẫn dữ liệu của Kpler cho thấy, Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng từ Nga trong tháng 3, sau đó tăng lên 27 triệu thùng vào tháng 4 và 21 triệu thùng vào tháng 5.

Tiến sĩ Snegovaya nhìn nhận, mặc dù các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhưng chúng không hề giáng một đòn thực sự mạnh nào bởi họ vẫn có thể xuất khẩu dầu mỏ.

Bà nhấn mạnh: “Ngay cả khi giá dầu thấp hơn, quan trọng là chi phí cho chiến tranh tính đến nay vẫn khá thấp đối với ngân sách Nga, và Điện Kremlin có thể tiếp tục cung cấp tài chính [cho cuộc chiến] ở mức như hiện tại trong một thời gian rất dài.”

Trong khi đó, ông Jeffrey Schott, một chuyên gia về thương mại và trừng phạt, đồng thời là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, phát biểu với Newsweek rằng, dù thế nào đi nữa các biện pháp trừng phạt cuối cùng vẫn sẽ gây tổn hại đến khả năng gây chiến của Putin.

Ông Schott chỉ ra: “Thu nhập từ xuất khẩu dầu bị đánh thuế nặng ở Nga và tạo ra một lượng lớn doanh thu cho chính phủ. Nhưng các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều tác động hơn là doanh thu. Các biện pháp kiểm soát tài chính và xuất khẩu đã ngăn chặn một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp và quân đội của Nga, điều này theo thời gian sẽ làm giảm khả năng quân sự của nước này.”

Ông nói thêm: “Nhưng điều đó vẫn không đủ sớm để ngăn chặn cuộc tàn sát hiện tại ở Ukraine.”

Minh Ngọc (Theo Newsweek)

Bà Angela Merkel không hối hận khi phản đối Ukraine gia nhập NATO năm 2008

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/merkel.jpg

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: EPA 

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà cảm thấy không hối tiếc về cách hành xử đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian nắm quyền, cho rằng Tổng thống Nga sẽ coi kế hoạch thành viên NATO năm 2008 cho Ukraine  – vốn đã bị chính phủ của bà ngăn cản, như một “lời tuyên chiến”.

“Tôi cảm thấy rất tệ khi phải nói ‘Không có ích gì khi nói chuyện với người đàn ông đó [Putin]”, bà Merkel nói trong một cuộc phỏng vấn tại nhà hát Berliner Ensemble vào tối 7/6 – lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi rời nhiệm sở nửa năm trước .

“Thật là một bi kịch lớn khi việc đối thoại không thành công, nhưng tôi không trách bản thân vì đã cố gắng,” bà Merkel trần tình. 

Khi được hỏi bà có hối hận khi phản đối kế hoạch để trở thành thành viên NATO của Ukraine và Gruzia vào năm 2008 hay không, bà Merkel nói: “Ukraine không phải là quốc gia mà chúng tôi biết bây giờ. Đó là một Ukraine rất chia rẽ… ngay cả lực lượng cải cách [Yulia] Tymoshenko và [Viktor] Yushchenko cũng rất mâu thuẫn. Điều đó có nghĩa đó không phải là một quốc gia có nền dân chủ được củng cố từ bên trong. ” 

Từ phía Nga coi “đó là một lời tuyên chiến”. Mặc dù không chia sẻ quan điểm của ông Putin, bà Merkel khẳng định “biết ông ấy nghĩ như thế nào” và “không muốn kích động thêm”.

Bà Merkel cũng tuyên bố  việc ngăn Ukraine trở thành thành viên của NATO là vì lợi ích cao nhất của Kiev. Bà Merkel nói: “Bạn không thể trở thành thành viên của NATO chỉ trong vài ngày”. “Đó là một quá trình, và trong suốt quá trình này, tôi biết ông Putin sẽ làm điều gì đó không tốt cho Ukraine”

Các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015 đã được Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko ký kết để đạt được một giải pháp chính trị ở miền đông Ukraine, nhưng đã bị chỉ trích. 

Cựu Thủ tướng Đức Merkel bảo vệ các hiệp định, nói rằng chúng đã giúp Ukraine “câu giờ”. Bà cũng ca ngợi tổng thống Volodymyr Zelenskiy về khả năng lãnh đạo thời chiến, nói rằng ông đại diện cho “một Ukraine mới”.

Bà Merkel cho biết đã bắt đầu nghiêm túc nghĩ về khả năng Nga tấn công Ukraine trong vài tuần cuối cùng đương nhiệm, thời điểm bà tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome. 

Dù lên án cuộc chiến tranh Nga-Ukraine một cách rõ ràng, bà Merkel dường như cũng gợi ý rằng phương Tây không vô can.

“Những gì đã xảy ra là một sai lầm lớn đối với Nga… phá vỡ tất cả các quy tắc của luật pháp quốc tế cho phép chúng ta cùng tồn tại ở châu Âu trong hòa bình,” bà nói. 

“Tôi không chia sẻ quan điểm của ông Putin, phải nói rõ điều này. Chúng ta đã chưa lường trước để thiết lập một kiến ​​trúc an ninh có thể ngăn chặn [cuộc chiến ở Ukraine] này. Và chúng ta cũng nên nghĩ về điều đó ”, “bà đầm thép” một thời của châu Âu nói. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét