Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Y Chan - Đứng đầu, ăn chót: Vì sao người lãnh đạo nên biết ăn sau cùng

Mục tiêu của một người lãnh đạo là phải tạo ra được “vòng an toàn”, theo Simon Sinek.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-3.jpeg

Ảnh nền: Opus Kinetic. Bìa sách: Amazon. 

Lãnh đạo nên ăn trước hay sau?

Đó là câu hỏi có vẻ thừa thãi. Từ hàng chục ngàn năm trước, khi các thợ săn đem chiến lợi phẩm về hang mỗi ngày, thực phẩm đã được mặc nhiên chia theo thứ bậc – những người đứng đầu bộ lạc ăn trước, mọi người khác dần được chia phần sau.

Thứ bậc (hierarchy) đã có từ trước khi những người nguyên thủy xuất hiện. Chúng tồn tại trong các loài động vật có tập tính bầy đàn. Nhờ vào nó, bầy đàn tránh được sự hỗn loạn – ai cũng nhào vào đánh giết nhau để giành ăn.

Nhưng thứ bậc không phải là thứ tự nhiên từ trên trời rớt xuống. Nó là sản phẩm của tiến hóa. Các thành viên trong bầy thỏa thuận với nhau một thứ bậc để đảm bảo sự tồn tại tốt nhất cho nhóm.

Nó là một trong những dạng “hợp đồng xã hội” (social contract) sớm nhất của thế giới động vật.


Các thứ bậc và những lãnh đạo vì vậy đều phụ thuộc và phải thỏa mãn các “điều khoản hợp đồng”, nếu muốn tồn tại.

Một trong các điều khoản đó là các lãnh đạo phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nhóm.

Để đạt được điều đó, trong rất nhiều trường hợp, lãnh đạo phải biết ăn sau cùng, thay vì giành ăn đầu tiên hay đòi miếng to nhất.

Đó là một trong những luận điểm chính trong quyển “Leaders Eat Last: Why Some Teams Pull Together and Others Don’t” của tác giả Simon Sinek. Bằng nhiều ví dụ thực tế, tác giả cho người đọc một hình dung sinh động về thế nào là một lãnh đạo tốt/ tồi, đồng thời chỉ ra điểm khác biệt cốt yếu giữa một cộng đồng vững mạnh và một nhóm rời rạc yếu ớt.

“Circle of safety” – Vòng an toàn

Không phải ngẫu nhiên mà các động vật có tập tính bầy đàn, trong đó có con người, lại phát triển mạnh và thống trị hệ sinh thái trên trái đất.

Bản thân việc hình thành bầy đàn, tụm lại từng nhóm, đã giúp các cá thể có lợi thế sống sót cao hơn nhiều so với việc đứng một mình.

Đối với loài người, điều này càng hiển nhiên hơn. Thua kém về sức mạnh cơ bắp và lợi thế hình thể, con người gần như chắc chắn không thể cạnh tranh với nhiều loại động vật khác nếu không hợp tác thành nhóm.

Tập trung thành nhóm giúp con người tạo ra chiếc vòng bao quanh mình. Nhưng chiếc vòng đó tự thân chưa đủ sức mạnh và khả năng bảo vệ các thành viên.

Chỉ khi các thành viên trong nhóm không cần phải đề phòng, canh chừng nhau, khi đó họ mới có thể dành thời gian và năng lượng để chống lại các mối nguy bên ngoài.

Simon Sinek gọi đây là “vòng an toàn”. Theo tác giả, mục tiêu của một người lãnh đạo là phải tạo ra được vòng an toàn này, hay nói cách khác, tạo ra môi trường mà những thành viên trong nhóm không cảm thấy mối đe dọa từ nhau. Khi đó, các thành viên mới có thể thoải mái chia sẻ ý tưởng, kiến thức và san sẻ gánh nặng cho nhau.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-4.jpeg

Minh họa trong sách về “vòng an toàn” (circle of safety). 

Ta có thể hình dung nó như cơ thể con người. Khi các cơ quan nội tạng san sẻ nguồn lực, phối hợp hiệu quả và ăn khớp với nhau, cơ thể sẽ có sức đề kháng tốt hơn với các mối nguy từ bên ngoài.

Càng tự chủ, càng an toàn

Việc các thành viên trong nhóm không phải lo ngại mối đe dọa từ bên trong giúp tạo nên một vòng an toàn, nhưng nó chưa phải là thứ có thể khiến chiếc vòng trở nên đủ cứng cáp để đối chọi với sóng gió bên ngoài.

Giống như các mắt xích trong một sợi xích, chiếc vòng chỉ mạnh khi bản thân mỗi thành viên cảm thấy đủ mạnh.

Tác giả dẫn chứng nhiều nghiên cứu cho thấy, trong nhiều tổ chức, thành viên ở cấp bậc càng thấp càng cảm thấy căng thẳng và thiếu an toàn.

Điều này khá trái ngược với ấn tượng phổ biến của nhiều người. Chúng ta thường hình dung ra những nhà quản lý hay lãnh đạo luôn trong trạng thái căng thẳng vì phải liên tục đương đầu với áp lực, đối lập với hình ảnh các nhân viên cấp dưới thong dong thư thả không lo lắng gì.

Theo các nhà nghiên cứu, thứ bậc của các thành viên trong một tổ chức không phải là yếu tố quyết định dẫn đến stress. Mức độ tự chủ của mỗi người mới là điều quyết định.

Một người, cho dù ở cấp bậc thấp trong tổ chức, nếu được trao quyền chủ động ra quyết định, sẽ có cảm giác bớt căng thẳng mệt mỏi hơn nhiều so với việc phải trông chờ ý kiến cấp trên.

Ngược lại, một người luôn bị buộc phải nghe theo lệnh, không được tự ý ra quyết định, sẽ có cảm giác thiếu an toàn, yếu thế nhất trong tổ chức.

Hệ quả tệ đến mức, trong những tổ chức như vậy, các thành viên ở cấp bậc thấp nhất có tỷ lệ chết sớm cao hơn so với những người ở cấp bậc trên cùng. Mức chênh lệch có thể cao tới bốn lần ở nhóm đàn ông từ 40 đến 64 tuổi.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/Whitehall-2.png

Số liệu được tác giả trích dẫn trong sách về tỷ lệ tử vong của các nhân viên công vụ. Kết quả lấy từ báo cáo “Work stress and health: the Whitehall II study”, xuất bản năm 2004. 

Lãnh đạo tốt không chỉ biết ăn sau cùng

Khi dành nhiều thời gian quan sát sinh hoạt trong các doanh trại quân đội Mỹ, tác giả chú ý đến việc trong mỗi bữa ăn, không ai bảo ai, những quân nhân cấp thấp luôn được ăn đầu tiên, còn các chỉ huy luôn ăn cuối cùng.

Quân đội là một cộng đồng đặc biệt mà trong đó, mức độ tin tưởng giữa các thành viên quyết định sự sống chết, theo nghĩa đen, của toàn bộ nhóm.

Để gây dựng được sự tin tưởng đó, các lãnh đạo quân đội tốt luôn biết cách đặt nhu cầu cá nhân của mình xuống để làm gương phục vụ cho tập thể.

Họ hiểu rõ các quyền lợi – như thức ăn, tiền bạc và danh tiếng – chỉ là các sản phẩm phụ (by-product) đi kèm với vai trò lãnh đạo được giao. Quyền lợi và trách nhiệm của lãnh đạo là những thứ được quy định trong “hợp đồng xã hội” mà cộng đồng đặt ra.

Yếu tố quyết định một lãnh đạo tốt không phải được thể hiện qua các đặc quyền – được ăn trước, ăn nhiều nhất, giàu có nhất hay nổi tiếng nhất.

Yếu tố quyết định một lãnh đạo tốt hay tồi nằm ở sức mạnh của cộng đồng, hay sức mạnh của từng thành viên.

Như tác giả chỉ ra, một cộng đồng lớn mạnh không phải nhờ vào một thiên tài ở bên trên soi đường chỉ lối; nó là nhờ vào những thành viên xuất chúng biến người đứng đầu trở thành thiên tài.

Một lãnh đạo tồi sẽ chỉ biết chăm chăm nắm giữ đặc quyền cho mình và những người thân cận, đồng thời lẩn tránh trách nhiệm khi có biến.

Một lãnh đạo tốt sẽ luôn biết đi đầu ngọn sóng và bình thản nhận miếng ăn sau cùng.


Bạn có thể mua quyển “Leaders Eat Last: Why Some Teams Pull Together and Others Don’t” bản tiếng Anh qua Amazon để ủng hộ Luật Khoa.

Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt, với tựa đề “Lãnh đạo luôn ăn sau cùng”.

https://www.luatkhoa.org/2022/06


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét