Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Thời sự Việt Nam

Không có luật sư bào chữa, Facebooker Nguyễn Duy Linh bị kết án 5 năm tù

RFA
09/6/2022

Không có luật sư bào chữa, Facebooker Nguyễn Duy Linh bị kết án 5 năm tù

Ông Nguyễn Duy Linh lúc bị bắt (ảnh trái) và lúc ra tòa sơ thẩm (ảnh phải) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Đồng Khởi/ RFA edited 

Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre sáng ngày 9 tháng 6 xét xử ông Nguyễn Duy Linh với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì nhiều bài viết chỉ trích chế độ trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Duy Linh bị tòa án kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế trong một phiên tòa chỉ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Gia đình cho biết Facebooker này không sử dụng quyền có luật sư bào chữa trong suốt quá trình tố tụng của vụ án.


Mạng báo Đồng Khởi - "Tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre" dẫn thông tin từ phiên tòa cho biết, ông Linh đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Cũng theo tờ báo này, ông thừa nhận là người "thực hiện hành vi làm, phát tán, tuyên truyền nhiều bài viết sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chống chính quyền."

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) bình luận về kết quả phiên tòa qua email rằng, việc đăng những lời chỉ trích chính phủ như của ông Linh trên mạng xã hội không nên bị coi là hành vi phạm tội.

"Tất cả những gì ông Nguyễn Duy Linh làm là thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền cốt lõi của con người được bảo vệ bởi Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn. 

Vì vậy bằng cách truy tố ông ta, chính phủ Việt Nam vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền. 

Việc kết án này là một bằng chứng tồi tệ về môi trường đàn áp ở Việt Nam và cái cách mà các nhà chức trách ở Hà Nội đã hoàn toàn mất hết ý tưởng về cách quản trị một đất nước hiện đại trong thế kỷ 21 với trí tuệ và sự tôn trọng người dân."

Cũng theo ông Phil Robertson, chính phủ của quốc gia độc đảng này dường như có ý định chứng minh rằng, mình là một trong những quốc gia đàn áp khốc liệt nhất ở khu vực Châu Á.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết, vợ của ông Linh được tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên, như trong các phiên toà chính trị khác, bạn bè và người trong giới bất đồng chính kiến không được tham dự phiên tòa công khai này.

Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh cũng ở tỉnh Bến Tre, định đi dự phiên toà nhưng mới rời khỏi nhà một đoạn thì bị an ninh địa phương giữ lại, đưa về đồn công an và chỉ được trả tự do sau khi phiên toà kết thúc. 

Ông Nguyễn Duy Linh, sinh năm 1976 và ngụ tại xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), bị bắt ngày 14/9/2021. 

Tờ báo của tỉnh Bến Tre cho hay, Công an huyện Châu Thành hai lần xử phạt hành chính ông Linh về hành vi phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xúc phạm đến uy tín, danh dự của cá nhân với tổng số tiền 5,5 triệu đồng. 

Cũng theo truyền thông nhà nước, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021, ông này nhiều lần sử dụng tài khoản Facebook cá nhân mang tên Nguyễn Duy Linh, sau đó đổi tên thành Duy Linh đăng tải tổng cộng 193 bài viết bị cho là vi phạm, ngoài ra ông cũng đăng tải nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội và dịch COVID-19. 

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, ông Linh là một trong số 12 người bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” năm 2021.

Ông là người thứ năm bị kết tội "tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự mới năm 2015 kể từ đầu năm nay. Bốn người kia bị kết án từ 5 năm đến 8 năm tù giam kèm theo quản chế từ 3 đến 5 năm.

Tàu Trung Quốc trở lại Đá Ba Đầu, Philippines gửi công hàm phản đối

RFA
10-6-2022 

Tàu Trung Quốc trở lại Đá Ba Đầu, Philippines gửi công hàm phản đối

Rất nhiều tàu Trung Quốc, được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu ngày 27/3/2021. 

Reuters 

Philippines vào ngày 9/6 cho biết đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về việc hằng trăm tàu của Hoa Lục trở lại Đá Ba Đầu. Hoạt động này theo Manila là phi pháp,  vi phạm luật pháp quốc tế.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ vào ngày 4/4 vừa qua tàu của Trung Quốc bị phát hiện trở lại Đá Ba Đầu thuộc vùng biển mà Manila gọi là Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông.

Tình trạng này diễn ra gần đúng một năm sau khi hơn 200 tàu của Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu.

Manila vào ngày 9/6 lặp lại rằng việc Trung Quốc cho tàu trở lại Đá Ba Đầu là hành động vi phạm Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm phán quyết mang tính chung cuộc và bắt buộc của Tòa Trọng tài Thường Trực La Haye hồi năm 2016; cũng như cam kết của chính Bắc Kinh đối với Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Thời điểm mà Trung Quốc cho tàu trở lại Đá Ba Đầu được nói diễn ra trùng dịp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 8/4. Cả hai cam kết giải quyết những vấn đề quan tâm chung bằng đối thoại, thực thi kiềm chế trong bất cứ vụ việc nào liên quan vùng biển tranh chấp.

Bắt khẩn cấp giám đốc CDC Hà Nội

Trần Duy

Bắt khẩn cấp giám đốc CDC Hà Nội

Ông Trương Quang Việt – Giám đốc CDC Hà Nội. (Ảnh: Thiện Tâm/chinhphu.vn) 

Ông Trương Quang Việt – Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Công ty Việt Á.

Ngày 10/6, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt (49 tuổi) – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và kế toán trưởng của CDC Hà Nội để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Trương Quang Việt được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc CDC Hà Nội vào tháng 2/2022.

Trước đó, hồi tháng 6/2020, ông Trương Quang Việt được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội khi đang là Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ông Việt được điều động sang làm việc tại CDC Hà Nội trong bối cảnh giám đốc của CDC Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt vì liên quan đến vụ mua sắm thiết bị xét nghiệm khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cơ quan điều tra, kết quả xác minh ban đầu cho thấy, tại Hà Nội, có một số cơ sở, bệnh viện y tế công lập thực hiện mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Cơ quan điều tra cáo buộc, năm 2020, những người được giao nhiệm vụ đấu thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 đã móc nối, thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á để vay hàng, sử dụng trước rồi hợp thức hoá hồ sơ đấu thầu sau; hoặc đưa các thông số, kỹ thuật tính năng sản phẩm của kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất vào hồ sơ mời thầu.

Theo cơ quan điều tra, việc này đã giúp Công ty Việt Á trở thành công ty duy nhất dự thầu và trúng thầu. Việt Á sau đó đã trích % giá trị hàng hoá để cảm ơn.

Cơ quan điều tra xác định hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 9 tỷ đồng.

Sau khi được thanh toán tiền hai gói thầu, Công ty Việt Á đã chuyển lại cho kế toán trưởng của CDC Hà Nội số tiền ngoài hợp đồng hơn một tỷ đồng.

Hai bệnh viện khác tại Hà Nội liên quan đến Việt Á

Liên quan đến một số cơ sở y tế ở Hà Nội mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á, hôm 22/5, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can là Phó trưởng khoa Dược và Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 4/6, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can là: Phó trưởng phòng Vật tư, Phó phòng Xét nghiệm và hai kỹ thuật viên thuộc phòng Xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Theo cơ quan điều tra, sau khi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Ba Vì thanh toán hợp đồng, Công ty Việt Á đã chuyển lại cho mỗi bệnh viện số tiền khoảng 200 triệu đồng cho các cán bộ thuộc bệnh viện (tiền trích lại % hợp đồng).

Trần Duy

Công an Hưng Yên truy nã năm đối tượng trốn trại tạm giam

RFA
10/6/2022

Công an Hưng Yên truy nã năm đối tượng trốn trại tạm giam

Năm đối tượng trốn khỏi trại tạm giam thị xã Mỹ Hảo 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNLĐ, RFA edited 

Năm đối tượng trốn khỏi nhà tạm giữ Công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên hiện đang bị truy nã.

Công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cho truyền thông nhà nước hay tin trên trong ngày 10/6 đồng thời cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can về tội “Trốn khỏi trại giam giữ” và quyết định truy nã.

Cũng theo công an, vào hồi 2 giờ 30 phút ngày 9/6/2022, lợi dụng trời mưa lớn, tường nhà giam bị ẩm, năm đối tượng bị tạm giam gồm Vũ Văn Dũng (SN 1995; quê ở Mỹ Hòa, Hưng Yên), Đinh Khánh Đạt (SN 1996; quê ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Vũ Thành Nghị (SN 1990; quê ở Ninh Giang, Hải Dương), Đào Đình Kiên (SN 2001; quê ở Mỹ Hòa, Hưng Yên), Nguyễn Văn Long (SN 1991; quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên) đã đục tường và bỏ trốn khỏi nhà tạm giữ công an thị xã Mỹ Hào.

Các đối tượng sau đó về nhà Đạt ở thành phố Hải Dương, lấy xe ô tô chạy trốn.

Hiện Ban giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã đến hiện trường chỉ đạo các biện pháp truy bắt năm đối tượng trên.

Hôm đầu tháng 6/2022, Triệu Quân Sự, người mang bốn tiền án và đang chấp hành hình phạt tù chung thân ở trại giam thuộc Cục Điều tra hình sự tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã trốn khỏi trại giam lần thứ Tư. Tuy nhiên sau một ngày trốn trại, Sự đã bị công an Thanh Hóa bắt lại khi đang lẩn tránh trong khu dân cư.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét