(nguồn: Lê Thy đánh máy từ tuần san Thời Báo năm 2007)
Hình ảnh: Lê Thy sưu tầm trên internet
Có người cho rằng “Phương nam thuộc Quẻ Ly. Việt Nam là phương nam thuộc Quẻ Ly nên trường kỳ đối kháng với phương bắc thuộc Quẻ Khảm. Thế mà Sàigòn là trung tâm của phương nam, trở thành nơi phát ra nguồn sáng và từ đó ánh sáng rạng ngời khắp nước.”
Lệ Thần Trần Trọng Kim, bị Nhật giam lỏng ở Bangkok rồi đưa về Sàigòn để chuẩn bị ra Huế theo lời mời của Bảo Đại thành lập chính phủ vào ngày 01 tháng 04, 1945. Trong mùa viêm nhiệt của Sàigòn lúc ấy, bị bó buộc tham chính, cụ đã liên tưởng tới Quẻ Ly và chọn nó tiêu biểu cho quốc kỳ buổi đầu.
“Ly trung hư” hay “quẻ ly rỗng giữa”. Sàigòn chính là hào âm ở giữa Quẻ Ly và nhờ được bao bọc bởi hai hào dương nên ánh sáng phát ra điều hòa, nuôi sống muôn loài, muôn hoạt động chứ không thiêu đốt mọi vật. Nhận xét trên về mặt văn học cận đại và hiện đại không sai.
Sàigòn từng là cái nôi văn học và từ nơi này nền tân văn học lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện sáng tác đã phát triển rộng ra cả nước.
Tờ báo đầu tiên của chúng ta là tờ Gia Định Báo. Gia Định Báo có số đầu phát hành vào 01-04-1865 do Ernest Potteaux làm chủ bút nhưng vào 16 tháng 09, 1869 người Pháp giao tờ báo này cho học giả Trương Vĩnh Ký chủ trương. Học giả đã biến tờ báo đang mang tính cách thông tin hành chính phục vụ cho chính quyền thuộc địa thành ra một tờ báo với mục đích: Truyền bá và khuyến khích học chữ quốc ngữ và mở mang kiến thức khoa học Tây phương.
Tờ báo quy tụ được nhiều cây viết xuất sắc về cả hai nền cổ học và tân học như Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của.
Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên dùng chữ quốc ngữ để sáng tác các tác phẩm Chuyện đời xưa (1886), Chuyện khôi hài (1882 ), và viết hồi ký như Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ầt Hợi (1876). Ông cũng là người dùng chữ quốc ngữ soạn tự điển Pháp Việt và dịch và chú thích rất nhiều tác phẩm Hán-Nôm.
Tuy nhiên, bộ tự điển Đại nam Quốc âm Tự vị, kho tài liệu tiếng Việt đầu tiên có quy mô và giá trị tham khảo, bên chữ Việt còn kém chữ Nôm, lại là của học giả Huỳnh Tịnh Của (hai tập xuất bản vào 1895- 1896). Huỳnh Tịnh Của cũng là cây bút mở đường cho văn học chữ quốc ngữ, ngoài việc biên soạn tự điển ông còn dùng chữ quốc ngữ để sáng tác bộ Chuyện giải buồn (1880-1885), và dùng nó biên khảo và truyền bá văn hóa mới.
Hai học giả đã có công dùng quốc ngữ hiệu đính, dịch thuật nhiều tác phẩm cổ văn và truyền bá khoa học thường thức cho độc giả. Những công trình của Pétrus Ký và Paulus Của trong văn học chữ quốc ngữ, đã tạo ảnh hưởng không nhỏ tới các phong trào truyền bá chữ quốc ngữ và duy tân của Đông kinh Nghĩa thục, của Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ở Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX.
Nói tới báo chí có chuyên đề nữ giới cũng phải kể Sàigòn dẫn đầu. Nhà báo nữ giới đầu tiên chính là bà Sương Nguyệt Anh với tờ Nữ Giới Chung ra đời năm 1918.
Khi văn học chữ quốc ngữ phát triển tới đỉnh cao thì ở Hà Nội tuy có báo phụ nữ nhưng uy tín hơn cả và lâu dài hơn cả lại là tờ Phụ Nữ Tân Văn (1929-1935) ở Sàigòn do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và Đào Trinh Nhất làm chủ bút.
Ngày nay có thói quen, cuối năm cũ đầu năm mới các báo đua nhau ra báo xuân. Báo xuân ở Việt Nam cũng khởi từ miền Nam với các số Xuân Đông Pháp Thời báo của Diệp Văn Kỳ xuất hiện năm 1928, tờ Xuân Phụ Nữ Tân Văn 1930 và tờ Xuân Thần Chung năm Canh Ngọ 1930 của Diệp Văn Kỳ và Nguvễn Văn Bá.
Đặc biệt tờ Xuân Thần Chung quy tụ được các khuôn mặt lớn trên văn đàn lúc bấy giờ ở khắp ba miền như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Phan Văn Hùm và Bùi Thế Mỹ.
Ta hãy nghe nhà báo Ngô Tất Tố khai bút trên tờ Đông Pháp trong một số xuân tiễn năm Ngọ qua, đón năm Mùi tới:
Vía ngựa qua rồi, vừa dê tới.
Nắng xuân êm dịu, gió xuân thổi,
Dưa hành giò mỡ, tiệc vừa tan
Đông Pháp đã ra báo năm mới
Khai bút tiếp tục “Chuyện hàng ngày”
Phận sự phải đủ một cột đầy
Tiện thể, xin chúc dân cả nước
Trời Phật phù hộ từ năm nay!
Phong trào Thơ Mới sôi nổi ở miền Bắc nhờ quy tụ được nhiều nhà thơ tài ba và có các nhóm Tự Lực Văn Đoàn và Tân Dân hỗ trợ. Nhưng không mấy ai quên ở Sàigòn, vào lúc Thơ Mới còn son trẻ, một phụ nữ đơn thương độc mã, lên diễn đàn tranh đấu cho Thơ Mới, sáng tác Thơ Mới và đả kích phe bảo thủ còn ôm mộng phục hồi thơ cũ. Người nữ lưu nổi tiếng thời đó thuộc giới tân học, có bút hiệu là Nguyễn thị Manh Manh (tên thực là Nguyễn Thị Kiêm), và từng là bỉnh bút của tờ Phụ Nữ Tân Văn, đã đăng đàn hai lần tại Hội Khuyến Học Sàigòn vào các năm 1933 và 1935 để bênh vực Thơ Mới. Ta hãy nghe Nguyễn thị Manh Manh vào năm 1933 trên tờ Phụ Nữ Tân Văn hô hào canh tân trong thơ ca:
Đất trước để yên, đất sau lo xới
Đất mới thì ít khô khan hơn đất dụng rồi
Rủ nhau khai phá, cất thêm sở mới
Nếu thật tình mong cây thơm mọc nhánh đâm chồi!
Cũng cần nói riêng về tờ Nữ Giới Chung, tờ báo đầu tiên về phụ nữ và do một nữ lưu chủ trương. Nữ Giới Chung có nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới.”
Tờ báo độc đáo này phát hành số ra mắt vào ngày 1-2-1918, giá mỗi tờ 40 xu. Báo gồm 18 trang thì có 8 trang quảng cáo, nội dung bàn nhiều về luân lý, cách sống và cách buôn bán… Tờ báo này do một người pháp là Henri Blanquière chủ trương và Blanquière đã mời Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Tuy tờ báo chỉ thọ khoảng một năm nhưng tiếng vang khá rộng và mở đường cho nữ giới vào trường ngôn luận và hoạt động xã hội.
Sương Nguyệt Anh, do ghép chữ “sương phụ” hay quả phụ, với chữ “Nguyệt Anh” là tên hiệu mà thành. Bà tên thực là Nguyễn thị Khuê hay Ngọc Khuê, sinh năm 1864 và là con của thi hào Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 24 tuổi, Ngọc Khuê kết hôn với vị phó Tổng Nguyễn Công Tính ở Mỹ Tho và sau đó sanh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Vinh. Hạnh phúc chẳng được bao lâu thì người chồng tạ thế. Kẻ tài hoa gặp bước truân chuyên chỉ còn biết than thở nỗi lòng:
Năm canh thức giấc… năm canh những
Nửa gối so le, nửa gối chờ.
Vườn én rủ ren trên lối cũ,
Canh gà xao xác giục tình xưa!
Người phụ nữ có truyền thống Nho học này đã thủ tiết thờ chồng nuôi con và đã bộc lộ ý nguyện của mình trong biệt hiệu Sương Nguyệt Anh và trong một bài thơ vịnh mai có tên là “Thưởng bạch mai” ở Điện Bà như sau:
Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương sa bóng Nguyệt ánh màu ngân.
Mây lành gió tạnh nương hơi nhánh,
Vóc ngọc mình băng bặt khối trần.
Sắc nước hương trời non cảm mến,
Non linh đất phước trổ hoa thần.
Nhưng là giai nhân, lại là một Kiều Nguyệt Nga của thời đại Nho học suy tàn, nên biết bao vương tôn rắp ranh “bắn sẻ” lòng sương phụ. Tuy nhiên, cô Ngọc Khuê quyết không bước đi bước nữa và bỏ mặc những lời ong bướm của khách đa tình trong vùng, vì mê sắc tài của nữ sĩ nên đã nhiều lần dùng thơ văn để ướm lòng như trong bài thơ dưới đây:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô:
Chẳng biết lòng cô tính thế mô?
Không phải vãi chùa toan đóng cửa,
Đây hòng gấm ghé bắc cầu ô
Lời thơ có vẻ đùa cợt nhưng nữ sĩ vẫn bình thản, trả lời bằng giọng thanh nhã với những câu “thơ họa”, tài tình về ý, về vần lại tràn đầy nghị lực giữ vững lập trường:
Chẳng phải tiên cô, cũng đạo cô,
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dù rách còn kêu lọng,
Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô
Đáp lại câu hỏi đùa “Không phải vãi chùa toan đóng cửa,” nữ sĩ khẳng định “Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô,” và cho kẻ đùa cợt biết “lọng” rách vẫn giữ giá của “lọng”. Chữ “ô” có hai nghĩa ngoài chỉ “cái ô” còn có nghĩa là “làm dơ bẩn” như trong chữ “ô danh”. Nữ sĩ ám chỉ, ô dù bề ngoài có bằng vàng đi nữa, mình quyết không chọn vì như thế sẽ làm danh tiết.
Cũng để bày tỏ gan vàng, dạ sắt trước những lời ong bướm của khách tài tử trong vùng, nữ sĩ còn họa bằng một bài khác như sau:
Phải thời cô quả, chịu thời cô,
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa,
Ngọc lành chỉ để thẹn danh ô.
Chỉ bốn câu nữ sĩ đã cho thế nhân biết lòng mình rằng số mệnh bắt mình cô quả thì cam chịu cô quả chứ không muôn bụi trần làm lấm tấm thân, chẳng vì bả vinh hoa, lạc thú của cõi đời mà nhơ chất ngọc.
Người đàn bà phi thường này vào năm 1922 (tuổi 58 đã từ trần – như trên mộ bia ở Ba Tri ghi) sau khi làm tròn tâm nguyện và trở thành một trong những tấm gương tiết hạnh cuối cùng của nền luân lý cũ mà thân phụ là Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã ca tụng trong Lục Vân Tiên.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình!
Tiền bán thế kỷ XX, Sàigòn dần dần trở thành trung tâm văn hóa đầy sức sống vào bậc nhất cả nước và phát triển tới đỉnh cao trong giai đoạn 1954-1975. Nhờ là cửa thông ra thế giới bên ngoài và nhờ tinh thần dân Sàigòn cởi mở và bén nhậy nên mảnh đất thiêng này hấp thụ nhanh chóng và dồi dào tinh hoa của văn hóa thế giới đồng thời bảo tồn được truyền thống dân tộc.
Nơi đây vào ngày 21 tháng 04 năm 1929 đã từng chào đón đại thi hào R. Tagore tới thăm trên chuyến tàu Angers. Tagore, tác giả Lời Dâng (Gitanjali), là một đại thi hào của thế giới, từng được giải Nobel vào năm 1913. Nhà thơ vĩ đại đã được dân Sàigòn đổ xô ra đón tiếp nồng nhiệt. Người ái mộ Tagore đã dẫn ông đi may một bộ quốc phục bằng gấm và tạo cho ông nhiều cơ hội dạo chơi trên đường phố Sàigòn ngày ấy. Tagore, sau khi về Ấn, đã cho biết Sàigòn đã để lại cho ông niềm tin yêu vào một nền văn hóa đại đồng phát triển rực rỡ trong tương lai trong một môi trường tối ưu. Tinh hoa Sàigòn ngày ấy cũng đã học được ở Tagore rất nhiều, hơn hẳn những gì mà chính quyền thuộc địa rêu rao khai hóa trong mấy chục năm.
Nhà thơ Đông Hồ lúc đó chỉ là một thanh niên (ông sinh năm 1906) đã học được khuôn mẫu tịnh xá ở Santiniketan của Tagore mở ra để dạy thanh niên Ấn, từ đó lập ra Trí Đức Học Xã với mục đích truyền bá văn hóa cho người Việt.
Đông Hồ sau khi đọc Lời Dâng, nguồn cảm hứng dâng cao, đã ca tụng Tagore trong tác phẩm Đề tặng Gitanjali tuyệt bút.
Ngày ấy Sàigòn, nhờ báo chí phát triển mạnh mẽ và có nhiều nhà Mạnh Thường Quân sẵn sàng giúp đỡ kẻ tài hoa, nên trở thành cái nôi cho nhiều cây bút hàng đầu ở khắp nơi tìm về tổ ấm.
Kẻ sĩ Bắc Hà lúc đó nhìn về phía Trời Nam mà điểm sáng là Sàigòn, như một tia hy vọng giúp họ thoát khỏi bế tắc trong sáng tác và trong cuộc sống ở một xã hội thuộc địa hà khắc và nghèo nàn.
Đây là tâm trạng nao nức của một cây bút Bắc Hà xuống tàu vào Nam vào năm 1927:
Giang hồ trót nguyện cảnh lang thang
Cũng tiếng tài trai chí bốn phương
Nửa gánh tang bồng đôi gót nhẹ
Muôn trùng khơi biển cánh buồm giương
Trời Nam nô nức cơn ngàn gió
Đất khách băng khuâng nghĩa đá vàng
Ai hỏi vườn quê ngày họp mặt
Hoa đào hớn hở bóng thiều quang.
Và kẻ sĩ này, trong những năm viết báo ở Sàigòn đã chọn Xóm Gà làm nơi cư ngụ và sáng tác, và đã tìm thấy nơi quê hương mới nguồn vui để tạm quên năm tháng xa nơi cố lý:
Trời nam lần lữa đêm ngày
Bông sao Gò vấp, hơi may Xóm Gà.
Sách vài cuốn cũng mà tri kỷ;
Bút nửa ngòi những ví đồng tâm.
Năm tàn chiếc bóng đăm đăm,
Tôi đòi vận nước, xa xăm nỗi nhà.
Lệ thân thế mưa sa hàng trận;
Mộng hương quan hồn vẫn thâu canh.
Tình trong cảnh, cảnh trong tình
Nhớ ai nước mắt rành rành tóc tơ ?
Vào Sàigòn làm báo nhưng mỗi lúc xuân về, Tết đến lại nhớ quê nhà Bắc Ninh. Giấc mộng hương quan, hình ảnh người tựa cửa chờ mong, chập chờn khi tỉnh rượu lúc tàn canh đã khiến lệ du tử ướt đầm vạt áọ. Đó là tâm trạng của cây viết Ngô Tất Tố.
Ngô Tất Tố là nhà báo kỳ cựu trước 1945, từng viết cho nhiều tờ báo từ An Nam tạp chí, Hữu Thanh ở miền Bắc tới Thần Chung, Đông Pháp trong Nam. Ông cũng là tiểu thuyết gia nổi tiếng với tác phẩm Lều Chõng và là dịch giả tài hoa của nhiều bài Đường Thi mà ngày nay không mấy ai thích thơ Đường lại quên Tiết phụ ngâm của Trương Tịch và Tương tiến tửu của Lý Bạch qua bản dịch của Ngô Tất Tố – Thục Điểu.
Có tâm hồn thơ, lại là kẻ sĩ trong lúc giao thời nho học suy tàn nên phải thay bút lông bằng bút sắt và phải long đong “buôn văn bán chữ” làm kế sinh nhai, trong những ngày tháng ở Sàigòn, nhiều lần Ngô Tất Tố sáng tác thơ hoài cảm bằng những vần điệu xuất phát từ đáy lòng và ngày nay đọc lại khách tha hương càng nhớ Sàigòn:
Nam-Bắc-Đông-Tây đủ vết chân
Lang thang nửa kiếp cũng là thân
Lòng quê nhớ cảnh thường như mộng
Đất khách nghèo hoa những tiếc xuân
Câu chuyện sắt son mong cốt nhục
Cuộc vui non nước ngại phong trần
Ai về nhắn hỏi vườn năm ngoái
Cái nụ tường vi nở mấy lần ?
Tờ Thần Chung, và tờ Đông Pháp của Diệp Văn Kỳ đã thu hút được nhiều tinh hoa của hai miền Trung Bắc. Sau đó là các tờ Phụ Nữ Tân Văn do bà Nguyễn Đức Nhuận (tức Cao Thị Khanh, vợ của nhà văn Nguyễn Đức Nhuận) và tờ Lục Tỉnh Tân Văn do nhóm Trần Chánh Chiếu và Lương Khắc Ninh chủ trương (Tờ báo này sống lâu nhứt, số đầu xuất bản năm 1907 đến năm 1943 mới đình bản) đã thu hút được Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Đào Trinh Nhất vào Sàigòn làm báo.
Phan Khôi là nhà báo hàng đầu của nền văn học chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Ông đã viết cho hàng chục tờ báo từ Bắc vào Nam nhưng đặc biệt ông góp mặt rất nhiều cho Phụ Nữ Tân Văn và thời gian ở Sàigòn khá lâu.
Phan Khôi có phong độ của một học giả, có tài hoa của một nghệ sĩ và lòng khẳng khái, cương trực của một kẻ sĩ, nên tới đâu, thời nào ông cũng lưu lại nhiều tấm gương về phong cách sống, phong cách viết khiến hậu thế ngưỡng mộ.
Phan Khôi rất lưu luyến Sàigòn và trong dịp viết cho Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1933, ông còn vào tận Cà Mau để du lãm và đã để lại một khúc ngâm bất hủ với những câu viết về lần đi thuyền trên rạch Tân Bình có phong vị chẳng kém Đường Thi hay Tống Từ:
…“Cảnh đối cảnh những ngờ mộng mị
Hoặc là do tâm lý mà ra
Tầm u bước đã quá xa
Canh khuya sương nặng liệu mà về đi.
Xoàng hơi cúc khì khì cười mãi,
Tóc phất phơ dường trải bóng trăng.
Giữa dòng chiếc lá thung thăng,
Lần dò lối cũ, bâng khuâng chạnh niềm.
Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi,
Lại phen này lạc lối tới đây.
Một đêm cảnh vội đổi thay,
Rồi ra sao nữa sau này trăm năm!
Ngâm mấy vận tạm làm du ký,
Chép gửi người tri kỷ đường xa.
Người như biết rõ ý ta,
Thì nâng chén rượu mà ca khúc này..”
(Phan Khôi – Chèo thuyền sông Tân Bình)
Ở Sàigòn, Phan Khôi đã để lại nhiều giai thoại văn chương lý thú như Nhà báo Nguyễn Bá Thế vào năm 1970 trên tờ Cộng Lực đã kể:
“Khoảng năm 1928 hay 1929, cuối tháng chạp cụ cử Tùng Lâm Lê Cương Phụng họp với Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Ngố Tất Tố và thi sĩ Tản Đà, tổ chức một tiệc rượu thanh đạm trên chiếc thuyền cập bến gần cầu Bông, cùng nhau ngâm vịnh làm vui, có cảm tưởng như Tô Đông Pha chơi dòng Xích Bích ngày xưa.,”
Trong cuộc phiếm du này các tay tài tử của hai miền Trung Bắc đã gặp một cô gái bán nem. Cô nàng có lẽ chủ tâm đùa cợt khách tài hoa và thử tài văn bút của họ, đã mượn chuyện nhờ họ sửa giùm thơ. Bài thơ được trao tay cho khách văn nhân với những câu như sau:
Chiều hôm thơ thẩn dưới cầu Bông,
Chợt thấy giang san luống ngại ngùng,
Tả ngạn Phan công đền khói lạnh,
Hữu giang Lê tướng mộ rêu phong.
Thuyền tình du tử buồm đang thuận,
Rạp hát ca nhi trống điểm thùng.
Già chết cái thân, trai chết óc!
Biết ai thầy thiếp, biết ai chồng?
Nhà báo Nguyễn Bá Thế kể tiếp:
“Chết nỗi, lời thơ mỉa mai chết người chứ chẳng chơi. Rõ là chê trách đám tao nhân, mặc khách lúc bây giờ sao lại sống say chết mộng, chẳng lưu ý gì đến non sông. Kìa xem: ‘Tả ngạn Phan công đền khói lạnh. Hữu giang Lê tướng mộ rêu phong’. Đền thờ cụ Phan Châu Trinh được xây cất gần đây (bên chợ Đa Kao), Lăng Ông Bà Chiểu (Tả Quân Lê Văn Duyệt) cũng sờ sờ trước mặt, thế ai nỡ quên đi công nghiệp non sông củạ cụ Thượng Công, tấc lòng ái quốc của cụ Tây Hồ? Sao chỉ biết nhởn nhơ cuồng nhiệt trong những cảnh đọa lạc, khi mà đất nước đã lệ thuộc vào người!”
Phan Khôi vốn rất tự hào về nhân phẩm, khí phách và thi tài, đọc bài thơ mỉa mai của cô hàng nem Gia Định mà chua xót, mà thẹn thùng trong lòng và khiến ông nhớ lại một lời nguyền toan gác bút khi xưa:
Cột túi thơ xuân tởn tới già
Đến nay có chén mới bùng ra.
Thật nhanh như biến Tết rồi Tết
Ra quái gì đây ta với ta
Lọ phải được như hoa cỏ mới
Đã đành vui với vợ con nhà.
Thơ Thần rượu Thánh ăn ai tá
Chất đống lên đầu chục chẵn ba!
(nguồn: manhai-flickr)
Sàigòn ơi xin giã từ em
Thành phố yêu ơi! Xa cách muôn đời!
Biết tìm đâu và còn tìm đâu
Sóng biển nào đưa ta vào cơn mê tình ái
Một thoáng mưa bay, sầu dâng tê tái
Giọng ca Khánh Hà là tiếng lòng của khách ly hương nhớ Sàigòn trước 1975. Còn trước nữa, ngót một thế kỷ trước nữa, những người yêu Sàigòn và khi từ giã Đất hứa mang tâm trạng nào nhỉ? Lại nhớ tới câu hỏi mà Huyền Kiêu từng đặt ra:
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Hẳn là chẳng khác bao nhiêu, đều là tấc lòng hoài niệm. Chúng ta nhớ người, nhớ cảnh, nhớ tình lưu lại đất cũ và mong có ngày trở lại đường xưa trong thực tế chứ không phải trong cơn mơ, thì Tản Đà khi rời Sàigòn sau các năm làm báo ở đây và lên xe lửa trở về Bắc trong lòng cũng mang cùng tâm trạng lưu luyến:
Xóm Gà tan giấc rạng vầng ô
Tối đến Nha Trang rượu một hồ
Trợ bút đã xin từ Bác Diệp
Văn chương để lại cậy Thầy Ngô
Dám quên Đông Pháp người tri kỷ?
Riêng nhớ An Nam bức địa đồ
Hai chuyến chơi xuân Thìn với Mão
Đi ra còn nhớ mãi đường vô.
Đường xe điện từ Sài Gòn đi Gò Vấp chạy ngang qua Xóm Gà, với các ga nằm trên đường Lê Quang Định ngày nay, trong đó có một ga tên Xóm Gà.
(Ảnh: internet)
Xóm Gà thuộc làng Bình Hòa quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định khi xưa, cách chợ Bà Chiểu-Lăng Ông bốn cây số và cách trung tâm Sàigòn chừng mười cây số. Cách đây khoảng một thế kỷ, Xóm Gà là một xóm quê, nhưng có đường lộ trải nhựa nên xe ngựa, xe hơi đi lại thuận tiện, lại có một chợ nhỏ nhưng buôn bán đông đúc nên dân quanh vùng Gò Vấp sinh hoạt dễ dàng và thoải mái.
Tại sao lại có tên Xóm Gà? Có nhiều cách giải thích. Có người cho rằng nhờ giao thông tiện lợi nên xưa kia đây là nơi tập trung gà ở các vùng quê lân cận chở về trước khi mang vào Sàigòn-Chợ Lớn tiêu thụ. Có thuyết cho rằng nơi đây vốn có nhiều trường đá gà nổi tiếng và cứ vào ngày nghỉ dân nghiền tứ xứ ôm gà tới đây đá độ ăn-thua bạc ngàn nên từ đó nổi danh là Xóm Gà.
Xóm Gà là vùng quê nhưng thuận tiện đường đi lại. Lên Sàigòn và Gia Định có xe ngựa sẵn sàng đón khách, giá thuê nhà lại rẻ, không khí trong sạch, môi trường yên tĩnh thích hợp cho sáng tác nên các nhà văn miền Trung, miền Bắc vào Sàigòn làm báo thường thuê nhà ở Xóm Gà như trường hợp Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tùng Lâm và Phan Khôi…
Tản Đà vào các năm Mão (1927) và Thìn (1928) vào Sàigòn viết cho tờ Đông Pháp của nhà Mạnh Thường Quân Diệp Văn Kỳ. Nhưng sau đó ông phải trở về Bắc vì hy vọng cho tục bản An Nam Tạp Chí là tờ báo suốt đời ông ôm ấp dùng nó để “tài bồi bức dư đồ rách”.
Khi dứt áo ra đi, kẻ sĩ thời đại Nguyễn Khắc Hiếu không khỏi không vương vấn Xóm Gà, nhớ các bạn bè, cộng tác viên thân thiết từ chủ báo họ Diệp (Diệp Văn Kỳ) tới tri kỷ họ Ngô (Ngô Tất Tố), cây bút từng cùng ông sát cánh từ thuở còn tờ An Nam tạp chí, và cùng vào Sàigòn với ông “đem chuông đi đánh xứ người” viết cho Đông Pháp.
Câu cuối cùng của bài cảm tác trên phản ảnh rõ nỗi lòng gắn bó với Sàigòn của một nhà thơ đa tài, đa tình và đa cảm vào bậc nhất trong văn học ta: “Đi ra còn nhớ mãi đường vô”.
Để hiểu rõ tại sao Sàigòn lại giúp cho Tản Đà có lúc tạm nguôi quên làng xưa, tình cũ, ta hãy nghe một cây viết đồng thời với Tản Đà, kể lại vài kỷ niệm nhà thơ lưu lại những ngày làm báo ở Sàigòn:
“Cái nhà của chúng tôi ở Xóm Gà có bốn gian. Một gia đình ông và tôi thuê một gian thì cũng hơi chật, nếu thuê hai gian thì đủ lắm rồi. Nhưng vì tòa nhà mới làm xong, chúng tôi là khách đến ở đầu tiên, cho nên ông Tản Đà nhất định thuê cả bốn gian: một gian làm buồng, một gian làm buồng giấy, một gian làm buồng ăn, còn một gian nữa thì để mắc cái võng đem ở Bắc vào.
Theo sự sắp đặt ấy, sau khi nhà đã thuê xong, ông Tản Đà liền đi mướn người phá mấy bức tường ở giữa để lấy đường thông gian nọ sang gian kia và lấy gạch xây cái bể cạn.
Giá nhà này cũng không lấy gì làm đắt, tất cả bốn gian có tám đồng. Với số lương của chúng tôi, nó là một phần mười chứ gì. Thế mà tháng nào cũng phải khất độ vài bốn hẹn…”
Xem đấy mới biết Sàigòn đã đón nhận thi tài đất Bắc không phải như khách lạ mà như một người thân quen lâu ngày nên Tản Đà đã dễ dàng biến nhà thuê thành một nơi sáng tác thích hợp với ý mình, và thoải mái bày biện những thứ quen thuộc trong sinh hoạt của mình kể cả mang theo người hầu thân cận có tên là Cu Vang từ Bắc vào để sai bảo.
Tế Xuyến kể lại, vào Nam làm báo nhưng ông Tản Đà không có cốt cách của một ký giả tân văn như các ông Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ… Sinh ra là một nhà thơ, có tài làm thơ thì vào làm cho một tờ nhật báo, ông cũng chỉ là một nhà thơ không hơn không kém.
Ông Diệp Văn Kỳ rước ông vào tòa soạn cũng chỉ mong cho Đông Pháp Thời Báo được những nét bút tài hoa tô điểm “trang văn chương” với hai chữ ký Tản Đà đã lừng danh từ Nam chí Bắc với một bài thơ mỗi tuần, còn ông Tùng Lâm phụ tá và có cả ông Ngô Tất Tố nữa. Ông chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo dám tỏ bụng liên tài, thù lao Tản Đà mỗi tháng một trăm đồng (bằng lương chủ quận, hồi đó một viên thư ký ăn lương có mười hai đồng) ấy vậy mà khi báo sắp lên khuôn, tòa soạn vẫn chưa có thơ Tản Đà, ông Diệp Văn Kỳ phải cho tùy phái ba lần bốn lượt vào tận nhà của thi sĩ ở Xóm Gà để đốc thúc. Có lần Tản Đà nổi nóng nói một câu nói lịch sử: “Làm thơ đâu có phải bửa củi mà muốn lúc nào có lúc đó”.
Sao lại có ông chủ báo có tấm lòng quảng đại và hiếu khách như họ Diệp? Diệp Văn Kỳ đúng là mẫu dân Sàigòn chính thống.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thông Chí từng viết: “Người Gia Định rất nồng hậu với khách lạ. Khi có người tới nhà, chủ bao giờ cũng mời ăn trầu, uống trà và sau cùng mời dùng cơm. Mà bữa cơm đãi khách bao giờ cũng thịnh soạn, bất luận khách thân hay sơ, hay chỉ là người lạ mặt. Miễn là khách tới chơi nhà là chủ nhà hết lòng tiếp đãi. Vì thế người viễn phương tới nơi đây rất ít khi phải lo ăn… ”
Ta hãy nghe Tế Xuyên kể thêm về tấm lòng hào hiệp của họ Diệp đối với Tản Đà như thế nào trong một bài báo đăng trên tuần san Văn Đàn số 5, ra ngày 8-7-1960:
“… Một hôm vào năm 1930-1931, tôi ngồi giải khát với hai ông Diệp Văn Kỳ và anh bạn Như Hoa Nguyễn Văn Đồng, người cùng cộng sự chung một tòa soạn với tôi. Đã quen biết trước với Bùi Thế Mỹ, hôm ấy là lần đầu tiên tôi gặp Diệp quân mà tôi nghe từ lúc còn ở Hà Nội.
Tánh tò mò là tánh chung của con nhà làm báo, đã thúc tôi moi chuyện ông chủ nhiệm Đông Dương Thời Báo về sự gặp gỡ giữa ông và ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Hồi ấy, tuy báo Thần Chung đã ‘qua đời’ làm cho ông Diệp Văn Kỳ gần như muôn sạt nghiệp, nhưng ông vẫn còn tác phong của một kẻ tài hoa phóng túng.
Ông mỉm cười nhỏ nhẹ thuật lại cho tôi nghe chuyện cũ:
‘Sự gặp gỡ của chúng tôi thật là tình cờ, có thể nói là do duyên trời đưa đến. Chiều hôm ấy, vào năm 1926, tôi và một vài bạn làng văn ngồi uống rượu ở nhà hàng Continental, đường Catinat. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên, nhìn qua bên đường, kẻ đi người lại, trong đám đông tôi bỗng để ý đến một người bận quốc phục, khăn đen. Anh cử Tùng Lâm như liên cảm với tôi, buột miệng nói: Thi sĩ Tản Đà đó! vốn dĩ yêu thơ Tản Đà bấy lâu nay, tôi bèn kêu anh bồi bảo chạy theo ông và mời ông đến bàn tôi nói chuyện.
Bấy lâu nay mến tài thi sĩ của Tản Đà, nay Diệp Văn Kỳ mới thấy con người của Tản Đà ‘bằng xương bằng thịt’. Hai bên chủ khách, được ông Tùng Lâm giới thiệu, rồi ông Diệp Văn Kỳ mời ông Tản Đà một ly rượu mạnh. Ông hỏi thăm nhà thơ từ Bắc vào Nam có việc gì? Trong lúc men rượu đã giúp ông mạnh dạn, ông Tản Đà dốc bầu tâm sự như nói với một người bạn thân thiết: Tôi nghỉ xuất bản An Nam Tạp Chí rồi mà còn nợ của ông Bùi Bồ chừng nghìn rưỡi bạc. Tôi có quen ông Nguyễn Thành Út ở Vĩnh Long, nên vào đây định vay tiền ông ta để trả nợ. Nhưng xuống tới Vĩnh Long lại không gặp ông ta. Tôi trở lên Sàigòn thì cũng chẳng nên cơm cháo gì vì ông út lúc này cũng túng không thể giúp tôi được.’
Ông Diệp Văn Kỳ cho biết thêm, nảy ra một sáng kiến: nâng đỡ nhân tài. Ông liền đề nghị với Tản Đà để ông tặng nhà thơ số tiền trang trải công nợ. Ông yêu cầu Tản Đà khi hết nợ rồi, vào Nam viết cho tờ Đông Pháp Thời Báo (Ông chỉ yêu cầu thôi chứ không đặt thành điều kiện). Trong lúc đã cạn ly thứ ba, ông Tản Đà cao hứng nhận lời ngay.
Nghe nói ông Diệp Văn Kỳ mở bóp ra, lấy hai xấp giấy bạc trao vào tay nhà thơ một cách tự nhiên như hai người bạn đã quen biết nhau từ lâu. Ông Tản Đà cầm lấy, cũng không cần ngạc nhiên gì hết. Các văn hữu cùng ngồi uống rượu không cho là việc lạ vì ai cũng biết tánh phóng khoáng của ông chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo trong sự đối xử với bạn làng văn.
Hai ngàn bạc hồi 35 năm trước, khi mà tách cà phê đen giá có một xu, là một số tiền rất lớn, vậy mà ông Kỳ trao thẳng tay ông Tản Đà không một điều kiện, không một biên lai.
Sau đó, ông Tản Đà đứng dậy cáo từ người bạn mới và hẹn khi ra Bắc thu xếp công việc ông sẽ vào liền…”
Người Sàigòn tốt bụng, hiếu khách, hữu tình và chung thủy, đất Đồng Nai phì nhiêu có cảnh đẹp nên thơ, vùng Bến Nghé lại phong phú thực phẩm trần gian..chỉ cần bằng ấy yếu tố cũng đủ khiến ai xa Sàigòn mà không nhớ, không thương.
Gió lên rồi căng buồm cho sướng
Gác chèo lên ta nướng khô khoai
Nhậu cho tiêu hết mấy chai
Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo!
Mấy câu dân ca, điệu Lý Kéo Chài, đã phản ảnh được ba điểm: Miền Nam sản vật phong phú, dân Miền Nam phóng khoáng và lạc quan yêu đời, và tình nghĩa ở người Miền Nam đôn hậu và rộng mở. Sàigòn- Gia Định là trung tâm điểm của miền Nam, kết tụ tinh hoa của Lục Tỉnh Nam Kỳ nên có được tất cả các đặc điểm của miền Nam.
Hoàn cảnh đẹp đẽ và thuận lợi trên đã khiến cho Văn học Sàigòn rộ nở những đóa hoa đầu tiên và đẹp nhất cung cấp cho nền Văn học chữ Quốc ngữ tiền bán thế kỷ XX ở Việt Nam như đã trình bày trong các kỳ trước.
“Đất tốt cò đậu,” chủ niềm nở khách dừng chân. Hoàn cảnh trên đã lôi cuốn được biết bao cây viết tài ba từ khắp đất nước đổ về Sàigòn và dùng ngòi bút tô điểm thêm cho Hòn ngọc Viễn đông. Những năm cuối của thập niên 20 sang những năm đầu của thập niên 30 trên các tờ Thần Chung, Đông Pháp, Phụ Nữ Tân Văn và Lục Tỉnh Tân Văn… xuất bản ở Sàigòn đã xuất hiện các nhà văn tên tuổi thuộc lớp tiền bối như Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất, Tùng Lâm Lê Cương Phụng… Bên cạnh các khuôn mặt này, có mặt tại Sàigòn là các cây viết trẻ của thời đó như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh…. Sau 1954, Sàigòn nổi bật là tụ điểm tinh hoa của Văn học Việt nam hậu bán thế kỷ XX vì quy tụ được Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Gia Trí (của Tự Lực Văn đoàn) và các nhà thơ đại diện cho Phong Trào Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân… Khách tìm đến vì chủ có những đàn anh, bậc chị sáng giá lại sẵn bụng Mạnh Thường Quân như Diệp Văn Kỳ (chủ trương Đông Pháp, Thần Chung), Bà Nguyễn Đức Nhuận (Phụ nữ Tân Văn) và nhà thơ Đông Hồ…
Khách tìm về Sàigòn còn vì ở miền Nam ngay trong thời kỳ Pháp thuộc cũng tương đối tự do trong sáng tác hơn miền Bắc dưới chế độ bảo hộ. Lý do khác nữa là nhờ Sàigòn cung cấp điều kiện kinh tế thoải mái cho những cây bút nghèo trong thời kỳ “văn chương hạ giới rẻ như bèo”.
Đó chính là trường hợp Tản Đà. Tản Đà tài hoa và phóng khoáng. Tản Đà là nhà thơ có hoài bão mang thuyết lương tri ra dạy đời, tài bồi “bức dư đồ rách” vì đời nhưng cũng là nhà thơ thích rượu và ăn ngon. Kỷ niệm về Sàigòn của ông có rất nhiều. Riêng trong bài Thú ăn chơi mà thi nhân kể lại dư vị ngọt ngon đã nếm trải khắp ba miền Trung-Nam-Bắc có hai câu về Sàigòn và một câu về Chợ Lớn:
Sàigòn nhớ vị cá tra
Chiếc xe song mã, chén trà Nhất Thiên…
…….
Cơn ngâm Chợ Lớn chưa tàn
Hiển nhiên, chỉ vài ba câu thơ không thể gói ghém được tất cả những hương vị của Sàigòn. Thạch Lam đã dùng cả một tác phẩm, Hà nội ba mươi sáu phố phường, để giới thiệu món ăn Hà nội và Vũ Bằng cũng dùng trường thiên đại đoạn trong Miếng ngon Hà nội để làm việc này. Sau đó Nguyễn Tuân viết hàng trăm ngàn chữ xưng tụng món phở của đế đô.
Văn hóa ẩm thực Sàigòn phong phú và phức tạp vượt bậc. Có thể nói Sàigòn có lúc chẳng phải chỉ là thủ phủ văn minh Việt Nam mà còn là trung tâm giao lưu của văn hóa ẩm thực trên toàn thế giới. Này nhé, có món ăn, thức uống đặc sản của Sàigòn (như Vũ Bằng ca tụng trong Món lạ Miền Nam), bên cạnh món Tây, món Bắc, món Trung. Còn nữa, còn ẩm thực kiểu Tàu, kiểu Nam Vang và kiểu Ân Độ…Thực là phong phú và vị nào cũng đặc sắc. Chúng lại khéo phối hợp bởi bàn tay đầu bếp tài ba thành món ăn, thức uống đặc sản Sàigòn. Chẳng hạn món hủ tíu Mỹ Tho của Sàigòn đã có đủ hương vị và vượt hẳn hủ tíu Nam Vang và hủ tíu Tàu. Phở Gà Hiền Vương trước 1975 chắc chắn sẽ làm Nguyễn Tuân phải hối hận nghĩ lại khi chê phở gà vì khi còn sống ông chỉ biết phở gà Hà nội…Còn nữa, chả giò Sàigòn hiện nay vang danh khắp thế giới hơn hẳn thứ Spring Rolls của người Hoa.
Nhờ thế, ẩm thực ở Sàigòn đã làm những nhà thơ nghệ sĩ như Tản Đà nhớ mãi. Vì đối với Tản Đà thì có rượu mới có thơ:
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ, ruợu cũng thêm ngon giọng tình
Ruợu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai!
Ta hãy nghe những giai thoại về thơ-rượu của Tản Đà khi làm báo ở Sàigòn.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết Tản Đà hồi ở Sàigòn cộng tác với Diệp văn Kỳ làm Đông Pháp Thời Báo đã nếm mùi cô-nhắc ra sao:
“Ở Sàigòn không có rượu lậu, chỉ có rượu Cô-nhắc. Tản Đà uống toàn cô-nhắc, vỏ chai xếp kín cả tường buồng. Bài vở cho Đông Pháp Thời Báo thì do Ngô Tất Tố viết. Lại hay vay tiền của Nguyễn Đức Nhuận (sau ông này ở Phụ Nữ Tân Văn) vì vậy ngày ấy có người làm thơ chế, tôi nhớ có bốn câu như sau:
Vay nợ những mong anh Đức Nhuận
Câu Văn lại mượn bác đồ Ngô
Uống liền đã mấy chai cô-nhắc
Bồi mãi không xong bức địa đồ
Cùng vào thời kỳ ở Sàigòn cộng tác với Diệp Văn Kỳ, Tản Đà đã nếm trải một cái Tết giang hồ đầy chất thơ, khá kỳ lạ mà một nhân chứng khác đã kể lại với chúng ta:
“Năm ấy, tết đến mà tiền lãnh trước của nhà báo Thần Chung bác ấm Hiếu đã tiêu phăng hết cả rồi. Rộng rãi với nhà thơ quá lắm lúc ban đầu, ông Diệp cuối cùng cũng phải đâm ra không chịu được với khí phách giang hồ rất ngang tàng của người giúp việc kỳ khôi ấy, nhưng ông Diệp cũng không thể chối từ được vào hôm ba mươi, lúc thi sĩ ý chừng không say, chỉ muốn mượn có năm đồng bạc. Được tiền, nhà thơ của chúng ta tức thời chạy đi mướn một chiếc xe hơi “lô-ca-xông” khứ hồi để vào Bà Chiểu kéo ông bạn rượu Tùng Lâm ra Sàigòn cùng ăn tết với mình (…) Đêm ấy là đêm ba mươi, cái đêm nó bắt người tài ba lưu lạc chạnh lòng nhớ tới quê nhà xa.
Năm đồng bạc, trả tiền xe hơi đã hết một và lúc ban chiều xót cảnh thầy (Ngô Tất Tố), ông Hiếu cũng lại tặng bạn hết ba chữ nữa rồi. Vậy chỉ còn lại một đồng bạc trắng chẵn chòi. Mua đi một lít rượu nếp nữa thì chỉ còn lại có 7 cắc (…). Vì chẳng lẽ lại uống rượu không, nên ông Tùng Lâm mới lĩnh mạng “vác” số tiền đó đi mua thêm một chai Mai Quế lộ và một con gà quay. Con người vui tính và hay chiều bạn mặc đồ mát ra đi để ông ấm Hiếu một mình ở nhà rót rượu sẵn ra mấy ly đầy ngồi đợi đồ nhắm…
Và rồi Tùng Lâm mua được thức nhắm, trên đường về đứng ngó xem một đám cãi lộn bị mã tà bắt về bót. Tùng Lâm xé luôn gà, mở rượu ra đón giao thừa trong bót, còn Tản Đà ở nhà chờ mãi rồi cũng nâng ly nhắm suông. Sáng hôm sau, Tùng lâm được thả về thấy Tản Đà nằm còng queo bên chai rượu không. Tùng Lâm liền lấy đũa gõ vào chai rượu, ngâm mấy vần cảm hứng:
Cao hứng vì yêu bác Tản Đà
Một chai quế lộ, một con gà
Suốt đêm trừ tịch nằm trong bót
Nhớ lại buồn cười lúc tỉnh ra…
Chẳng phải chỉ có bằng ấy giai thoại về nhà thơ nổi tiếng thơ rượu và giang hồ. Một nhân chứng khác cùng thuê căn nhà ở xóm Gà Gia Định với Tản Đà vào khoảng năm 1928 đã kể lại:
“Tôi còn nhớ một hôm chủ nhà thúc giục tiền nhà riết quá, ông Tản Đà sau khi đã ăn cơm tối, phải thân hành lên tận Sàigòn xoay tiền. Vào khoảng 11 giờ đêm thì thấy ông về với chai rượu Rhum, con vịt quay và vài món khác. Mới thoạt vào cửa ông nói với tôi bằng giọng thất vọng:
– Hỏng cả, ông ạ!
Tôi hỏi cái gì thì ông thản nhiên cắt nghĩa:
– Chỉ vay được hai chục đồng, trả tiền nhà cũng thiếu tám đồng, tôi mua ít đồ đánh chén tất cả hết hai mươi đồng…
Rồi ông gọi người hầu sắp sửa mâm bát và đem vịt quay ra chặt.
– Chén đã! Tiền nhà rồi lại xoay”.
Cảng Sàigòn 1930
Các giai thoại về Tản Đà kể trên đã chứng tỏ Sàigòn khi xưa xứng đáng là đất hứa của những người làm nghề văn bút.
Đại lộ Nguyễn Huệ của một thời xa xưa
Một buổi sớm mai đến Sàigòn
Thân em chẳng khác con chim non,
Bơ vơ trong xứ người xa lạ,
Rộn những phồn hoa, em trạnh buồn.
Rồi men tráng lệ châu thành ấy,
Từ đấy in thêm bóng một người
Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng
Giàu lòng tin tưởng bước tương lai.
Nhà thơ còn trẻ lắm! Anh ơi!
Chưa xã giao quen, chưa trải đời,
Song le trường học thiên nhiên sẽ
Đào luyện nhà thơ nên một người.
Quán trọ nhà thơ như chiêm bao
Khi thì Chợ Quán, khi Đa-kao
Hiện nay sống tạm bên cầu Muối
Rồi biết mai kia ở chốn nào?
Những câu thơ trên trích trong Lá Thư Về Bắc là của Nguyễn Bính. Nguyễn Bính vào tuổi 20 (ông sinh năm 1918) đã nổi tiếng nhờ tác phẩm “Tâm Hồn Tôi” được phần thưởng khuyến khích về thi ca của Tự Lực Văn Đoàn (1937) và từ đó sinh hoạt văn học của nhà thơ gắn liền với cố đô “ngàn năm văn vật.” Đây là lúc căn gác trọ, được gọi là gác Sơn Nam ở Khâm Thiên, có những nhà thơ trẻ, ngoài Nguyễn Bính còn có Thâm Tâm và Trần Huyền Trân, sống tự do và cung cấp cho đời những vần thơ mượt mà tình ý.
Nhưng ở Nguyễn Bính có sẵn hoài vọng và thừa máu lãng du, ông lại không bị ràng buộc bởi gia đình, nên ông tự do thực hiện giấc mộng giang hồ. Tác giả Lỡ Bước Sang Ngang đã tìm vào miền Nam hy vọng lập sự nghiệp lẫy lừng về văn hóa.
Nguyễn Bính đã vào Sàigòn nhiều lần vào những năm đầu của thập niên 1940 và lần cuối cùng vào năm 1943, ông ở lại miền Nam cho tới 1954 mới trở ra đất Bắc. Bài Lá Thư Về Bắc có lẽ được sáng tác trong lần đầu tiên nhà thơ trẻ tới Sàigòn hoa lệ. Lúc đó ở Nguyễn Bính khát vọng về sự nghiệp còn cao và hy vọng Sàigòn sẽ là môi trường thích hợp để nhà thơ có thể thực hiện hoài bão của kẻ sĩ.
Nhưng Nguyễn Bính lại chẳng tròn tâm nguyện. Có thể lý giải được điều này. Nhà thơ có bản chất của một nghệ sĩ, đam mê nhiều và nghị lực kém. Phồn hoa chỉ lôi cuốn ông chìm sâu vào vòng hưởng thụ, vào nghèo túng chứ không giúp ông dừng chân và tỉnh táo để vạch hướng tới phú quý vinh hoa.
Không phải Nguyễn Bính không cố gắng vùng vẫy “quyết ném thanh khâm, sang cẩm tú” nhưng vận chẳng chiều người.
Vào năm 1943, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can và Tô Hoài vào Sàigòn. Tô Hoài kể lại chuyến giang hồ lần ấy bộ ba hy vọng kiếm sống nơi đất hứa. Tới Sàigòn cả ba tay trắng, chỉ còn cách tổ chức buổi diễn thuyết về văn nghệ ở rạp hát Thành Xương. Họ đã quảng cáo, in vé, ra đầu đường bán vé nhưng thất bại. Không tiền, thất vọng, Tô Hoài và Vũ Trọng Can quay trở về Bắc, còn Nguyễn Bính ở lại miền Nam.
Nhà hát Sàigòn trong ký ức xa xăm
Tuy nhiên, nếu Sàigòn không giúp ông xây dựng một thứ “công danh, sự nghiệp” hay “phú quý vinh hoa” mà kẻ sĩ mong muốn, nó lại giúp ông kiến tạo nền tảng cho một công trình tinh thần cao hơn, vĩnh cửu hơn. Ở đây, Nguyễn Bính đã sáng tác được nhiều bài thơ giá trị như Nam Kỳ Những Gió Cùng Mưa, Bài Hành Phương Nam và Đêm Mưa Đất Khách.
Những dòng tâm sự mặn mà tình ý và trau chuốt về lời của Nguyễn Bính sau đây đã được sáng tác khi ông ở Đa Kao vào năm 1943 giữa lúc xuân về:
Hai ta lưu lạc phương nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu chưa ai may.
Nợ tình trả chưa tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi! buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy!
Tình hoài hương trong kiếp tha hương khiến con người tài hoa, đa cảm, đa tình vào một đêm mưa đã nghĩ lại tháng ngày qua, những thất bại trên đường đời, rồi trạnh lòng thương mình và ngậm ngùi viết những câu trong bài Đêm Mưa Đất Khách:
Một thân lận đận nơi trời xa
Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà
Gió bắt vào thu đầy tiếng lá
Đời tàn mộng đẹp tiếc xuân qua
Long tong mưa nhỏ gieo từng giọt
Lẳng lặng không nao một tiếng gà
Chờ nửa vầng trăng, trăng chẳng lại
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la…
Muốn hiểu thấu tâm trạng trên cần phải nghe những người gần gũi với Nguyễn Bính khi ông lưu lạc trong Nam thuật lại vài kỷ niệm.
Hoàng Tấn, một nhân chứng, trong một tập hồi ký đã kể lại vào năm 1943 Nguyễn Bính đã được Sàigòn đón nhận như thế nào:
“Lúc đầu Bính tá túc tại nhà người anh họ, ông Niệm chủ nhân hiệu mũ Gà Nam ở Chợ Cũ. Lại thăm Bính thấy sinh hoạt bất tiện, tôi mời Bính về cùng tôi chung sống. Hồi này Nguyễn Long và tôi thuê một căn nhà ở đường Nancy, có một vườn nhỏ, trồng hoa và một ít cây ăn trái. Lại chơi, Bính lấy làm ưng ý, bèn mang sách vở quần áo đến ở. Bính đặt cho ngôi nhà này là Lan Chi, có vườn nhỏ nên còn gọi thêm Lan Chi Viên; Lan Chi Viên âm từ Nancy mà ra. Căn nhà này vẫn là nơi thường lui tới của Lê Tràng Kiều, Thiếu Sơn, Tô Uyên, Trúc Khanh, Hoàng Phố và Thanh Bình. Từ khi Nguyễn Bính ở, khách khứa bè bạn đến đông thêm. Đó là những người yêu thơ gồm các công chức, học sinh, sinh viên mến mộ tiếng tăm và tài năng Nguyễn Bính đến làm quen, kết nghĩa… Họa sĩ Ngân Hà, Xuân Miễn, Nguyễn Đức Hinh cũng đôi lần lui tới. Trước đó có lần Xuân Diệu từ Mỹ Tho lên Sàigòn cũng ghé ngủ một đêm bình về thơ…
Vào Sàigòn, Bính tự nhận mình là một kẻ “Tề nhân”, nghĩa là sống trong sự yêu thương đùm bọc của những Mạnh Thường Quân và bè bạn. Tiền kiếm được thì ít, ăn xài lại quá lối:
Vẫn dám ăn chơi cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay
Ngày mai? – Có nghĩa gì đâu nhỉ
Cốt nhất cười vui vẹn tối nay.
“Quan điểm về lối sống ấy, đừng nói bây giờ, mà ngay hồi đó cũng không ai chấp nhận…
“Những chủ nhật đã thành lệ, chúng tôi thường tổ chức ăn cơm nhà. Những chủ nhật đó, ngoài chúng tôi ra, không bao giờ vắng bóng Hoàng Phố, Trúc Khanh và Thanh Bình. Đôi khi có cả Lê Tràng Kiều và Thiếu Sơn. Những bữa cơm gia đình đó điều do Bính đảm trách việc chế biến thức ăn và nấu nướng, còn chúng tôi phụ trợ và đóng vai phụ bếp để Bính “sai vặt”. Bính có tài trong việc nấu nướng, nhất là các món nhậu, và có tài trong việc chọn trà, pha trà và chọn rượu…
“Giai đoạn ở vườn nhỏ Lan Chi này là giai đoạn thi hứng đến với Nguyễn Bính nhiều hơn hết. Một số bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính như: Xuân Vẫn Tha Hương, Ái Khanh Hành, Anh Về Quê Cũ Thôn Vân, Đôi Mắt Nhung, Đi Giữa Kinh Thành, Trải Bao Nhiêu Núi Sông Rồi, cũng như kịch thơ Nguyễn Trãi, truyện thơ Cô gái Ba Tư và những bài thơ đối đáp với Tôn Nữ Hoàng Trân đều ra đời trong cái vườn nhỏ này …
“Một buổi Bính đưa chúng tôi coi lá thơ của Đông Hồ từ Hà Tiên gửi lên mời tác giả Lỡ Bước Sang Ngang xuống chơi thăm núi Vọng Thê, thưởng thức cảnh trăng lên ở Thạch Hổ, uống rượu hoàng hoa ở Xóm Rẫỵ, ngâm thơ nơi gác Nam Phong. Lời mời mọc quyến rũ ấy lại làm dấy lên trong Bính óc giang hồ. Hôm sau Bính lập tức lên đường.”
Sàigòn những nẻo đường xuôi ngược
Mang tâm trạng : “Ở đã không đành, đi cũng dở, thân này há ngại chuyện xông pha” nên Nguyễn Bính tiếp tục lang thang xuống Rạch Giá và rồi sau 1945 ông lưu lạc vào tận Đồng Tháp Mười.
Chín năm ông sống chìm đắm trong vùng kinh rạch và rừng cây âm u, tài năng bị lãng quên, và tâm sự đành chôn sâu trong lòng.
Năm 1954 trở ra Bắc, ông bước xuống tàu với tâm trạng đã phụ Người Vợ Miền Nam với những tháng năm tràn đầy ân ái, và đã phụ Sàigòn từng đón tiếp và cưu mang ông:
Tìm mũ thần nông chẳng thấy đâu
Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu.
Sao Hôm như mắt em ngày ấy,
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.
Đặt chân trở lại Hà Nội, Nguyễn Bính tưởng rằng đã tới lúc vẻ vang mày mặt, thích chí ngao du sau khi “Tỉnh giấc chiêm bao.” Nào ngờ, Hà Nội không còn như trong ký ức và hoài vọng của ông mà nó trở thành âm u hơn cả cỏ cây, sông rạch Đồng Tháp.
Năm 1956, Nguyễn Bính ra tờ Trăm Hoa, có địa chỉ ở phố Hòa Mã, nhưng chỉ được mấy số là báo bị đóng cửa vì bị gán cho có cảm tình với các nhóm Nhân Văn Giai phẩm.
Năm 1958 Nguyễn Bính bị đày về Nam Định và chết trong bệnh hoạn, nghèo túng. Cuối năm Ất Tỵ (1966) Nguyên Bính trong cảnh cơ hàn từ thành phố Nam Định về Lý Nhân ăn Tết với một người bạn. Sáng 30 tết ra ngoài vườn chơi, bị một luồng gió lạnh bất ngờ, nhà thơ thổ huyết ngất đi và qua đời.
Trọn đời, Nguyễn Bính của chúng ta chẳng bao giờ kịp hưởng mùa xuân trước mắt đúng như câu thơ “định mệnh” ông đã từng viết trước đó:
Năm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân
Ở miền Nam, người loan tin Nguyễn Bính qua đời chính là nhà thơ Đinh Hùng trong chương trình Tao Đàn của Đài phát thanh Tự Do khi ấy.
Thì ra người Sàigòn một lòng chung thủy, vẫn nhớ tác giả “Lỡ bước sang ngang” cho dù trong cuộc đời Nguyễn Bính đã “lỡ bước sang ngang” rời bỏ Sàigòn.
“Cùng nhau đi tới Sàigòn, thủ đô yêu dấu nước Nam tự do”
“Sài gòn mưa rồi nắng, trong cái khí hậu bất thường như tâm hồn một nhà nghệ sĩ. Ở đây trong những ngày gay gắt nắng, lạc vào những cơn mưa dữ dội, thình lình, đứt quãng. Lòng người Sài gòn cũng khác. Nó nóng nảy và hào hiệp trong nhiệt độ một mặt trời sáng rực suốt năm”
Cây bút nào viết về Sàigòn bằng văn xuôi mà nghe như thơ vậy?
Không phải danh nho Trịnh Hoài Đức ca tụng cảnh và người của Gia Định trước 1862 trong Gia Định thống chí. Không phải Trương Vĩnh Ký trong Souvenirs Historiques và Vương Hồng Sển trong Sàigòn Năm Xưa vẽ những nét đẹp về Bến Nghé trong dĩ vãng và cũng không phải Bàng Bá Lân viết những dòng nồng nàn về con người và tiếng miền Nam trong bài Tôi Yêu.
Tác giả những dòng trên từng giới thiệu về mình:
Tôi là người lữ khách,
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngõ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây!
Xin thưa, người đó chính là Hồ Dzếnh. Có lẽ chưa có cây viết nào viết về Sàigòn qua những cảm giác chân thành và mới lạ như Hồ Dzếnh. Tại sao? Hồ Dzếnh, hay Hà Triệu Anh, là một nhà thơ Việt có nửa dòng máu Trung Hoa, và đã nhận Việt Nam là “quê ngoại.” Ông ra đời ở miền quê Thanh Hóa và trưởng thành ở Hà Nội. Hồ Dzếnh vào văn đàn từ 1937 và cho tới 1953 ông gắn bó với quê hương miền Bắc trong văn xuôi (như “Một truyện tình 15 năm về trước”, “Chân trời cũ”) cũng như trong thơ ca (“Quê Ngoại”, “Hoa xuân Đất Việt”).
Mãi tới 1953, bước dần vào tuổi 40 (Hồ Dzếnh sinh năm 1916), Hồ Dzếnh vào Sàigòn lấy bút hiệu là Hoàng Liên viết cho tờ Thần Chung. Trong thời gian khoảng một năm ở Hòn ngọc Viễn đông, Hồ Dzếnh đã tiếp xúc với một nguồn cảm hứng mới trước vẻ đẹp mới và quê hương mới. Nhờ cảm xúc tuôn trào, Hồ Dzếnh đã sáng tác thơ và tiểu thuyết ca tụng Miền Nam, ca tụng Sàigòn bằng những chi tiết rất độc đáo mà phần đông chúng ta vì quá thân quen nên không để ý.
Ta hãy nghe tiếng lòng của nhà thơ gửi gấm vào tâm sự của một cô gái quê hương miền Bắc theo mẹ vào Nam từ thuở ấu thơ. Dù nơi cô gái trẻ, tình hoài hương còn nặng nhưng đất mới có lòng người đậm đà, có cảnh sắc thân thương và nguồn sông thơm lành đã níu chân kẻ tha hương như câu ca dao quen thuộc đã ghi: “Xứ Nam dễ ở khó về. Trai đi có vợ, gái về có con.”
Thuở trước quê em ở Bắc
Vô Nam từ độ lên mười
Mây trắng ngày ngày xa tắp
Nhớ quê em buồn khôn nguôi
Mái tóc dừa xanh Thủ Đức
Ngọt ngào thay trái sầu riêng
Gió bãi phù sa Bến Lức
Nay thuần sữa mẹ linh thiêng
Em dẫu chỉ là con gái
Quê xinh soi bóng sông lành
Theo mẹ băng chừng quan tái
Bao giờ quên lũy tre xanh
Anh nhé giùm em nhắn với
Nhớ quê em ngại thăm quê
Lửa phượng trời duyên Khánh Hội
Bạc Liêu dễ ở khó về.
Vó ngựa từ hồi vỗ xuống Nam
Truông mòn đưa lối Hải Vân San
Áo nâu phai lạt mùi cây cỏ
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm.
(Lời Về – Hồ Dzếnh)
Trong Lời Về, Hồ Dzếnh với cây bút phù thủy của một nhà thơ có tài, đã trộn lẫn quê hương Nam- Bắc trong một bức tranh cảnh, một bản tình ca cực kỳ cảm động, du dương và khéo léo. Đặc biệt ở đó chúng ta tìm thấy được những nét quyến rũ của miền Nam đã khiến cho những kẻ xa quê không bao giờ có thể nguôi quên.
Hồ Dzếnh còn viết về Sàigòn nhiều lần nữa, nhất là về người Sàigòn mà ông cho là thuần phác, hào hiệp và nhiệt tình
Trong tác phẩm Cô gái Bình Xuyên (Tiếng Phương Đông xb- 1946), Hồ Dzếnh tạo ra nhân vật Tăng, một thanh niên từ Miền Bắc vào Sàigòn vào khoảng 1940. Tăng đã chứng kiến một tình trạng lịch sử chuyển mình ở xứ thuộc địa khi Nhật vào Đông Dương và Thế chiến Thứ hai bùng nổ được một năm. Tại đây, Tăng đã gặp một cô gái có tên là Kim Đính. Kim Đính không những tượng trưng cho cô gái Sàigòn xinh đẹp và thực thà mà còn tiêu biểu cho gương ái quốc sôi sục và can trường của người miền Nam. Tác giả tiết lộ nàng là Cô gái Bình Xuyên và Bình Xuyên, một tổ chức giang hồ, mà ông cho rằng là một “hội kín” chống Pháp. Thế rồi cuộc tình trong chiến loạn của họ bắt đầu. Phần chúng ta muốn giới thiệu ở đây không phải là quan điểm lịch sử của Hồ Dzếnh mà là cái nhìn có phần khách quan của ông với Sàigòn năm xưa. Ta hãy nghe ông ghi lại cảm xúc của khách ly hương lần đầu tiếp xúc với cảnh, với người Sàigòn, nhất là người ấy lại là một thiếu phụ xinh đẹp có giọng nói như chim hót:
“Lần này, vì mới vào Sàigòn, Tăng ước ao có đôi chút ý kiến xác đáng về tính tình Người Việt Miền Nam… nghe cái giọng nói tròn và đứt, trong âm hưởng kỳ thú của ngôn ngữ Nam Bộ, Tăng thấy lạ tai và đưa mắt nhìn thiếu phụ. Đôi lần, Tăng ngạc nhiên nghe nàng dùng tiếng chưa ai chua trong cuốn từ điển Việt Nam, những tiếng trái cựa và sường sượng, bắt cái lưỡi lăn tròn hay đưa dài ra, theo giọng nói. Tăng vụt nghĩ đến cách phát âm của người Anh, buông nhẹ và bỏ lửng, tắt ở gần cuối của mỗi tiếng dùng, đòi nhiều sự hiểu biết thông minh của thính giả. Yêu giọng Bắc, thích điệu Huế, một đằng đài các, một đằng phong tình, Tăng bây giờ mới chợt khám phá ra cái kho tàng phong phú thứ ba của tiếng nói Đất Việt: tiếng nói Sàigòn. Tăng chưa hiểu thiếu phụ thuộc về giai cấp nào trong xã hội, một hạng người khó đoán, ở cách trang sức lộng lẫy, nhưng vẫn giữ được vẻ bình dân, đơn giản. Một chuỗi hạt ngọc thạch óng ánh quanh chiếc cổ nhỏ, đôi dây vàng và cái đồng hồ nhỏ xíu tăng thêm vẻ đẹp của đôi bàn tay. Hình dáng thiếu phụ khiến Tăng mang máng nhớ đến những cuốn truyện tả đời sống xa hoa của các công tử Bạc Liêu, tiểu thư Rạch Giá và những hành vi bán trời không văn tự của đất Sàigòn. Tăng nhớ đến Phú Đức, đến Nguyễn Chánh sắt, những cây bút Nam bộ đã tạo ra không biết cơ man nào là anh hùng, là tình trường huyết lệ.”
Hồ Dzếnh cho ta biết thêm nữa về ngôn ngữ Sàigòn mà một khách lạ như Tăng có lẽ cảm thấy nhiều ấn tượng kỳ thú khi lần đầu được cùng cô gái miền Nam đối đáp:
…“- Tôi vào đây hai ngày rồi mà chưa tìm thấy người quen. Họ đã đổi chỗ ở. Tôi lại chưa quen ai, à quên, tôi mới quen ông chủ khách sạn.
Người đàn bà nhìn chàng chăm chú:
– Tại Sàigòn thiếu chi “mèo”, thầy. Thầy chịu khó kiếm vài cô cho vui.
Tăng bực bội vì sao một người thiếu phụ dự ít nhiều vào hạng nhan sắc, lại có thể dùng ngôn ngữ sỗ sàng như thế:
– Sao cô… Ba ăn nói mạnh bạo vậy?
Một nhịp cười giòn giã vang lên:
– Ai bảo cho thầy biết tôi là cô Ba? Chỉ phiền một điều tôi lại là cô… Hai. Thầy gắng học giỏi tiếng Sàigòn đi, nghen.”
Không phải Sàigòn chỉ ưu tú về cảnh và về người mà Bến Nghé còn là kho trời vô tận nuôi cả nước. Hồ Dzếnh ghi lại bằng lời thực thà những gì biết về Sàigòn nên chưa hẳn đủ khách quan để làm vừa lòng tất cả chúng ta:
“Người ta cho Tăng biết rằng Sàigòn giàu vô kể, đời sống Sàigòn rộng rãi và phóng khoáng, nhân vật Sàigòn xử sự ngay ngắn như con đường hỏa xa. Cơ man người Bắc vào đây lập nghiệp để rồi trở ra Bắc với những cái gia tài vĩ đại, kết quả những đêm trúng vài tiếng bạc rền ở Chợ Lớn, những chuyến chạy hàng lậu ngang tàng, và của những năm cần cù buôn bán nữa. Sàigòn, kinh đô tứ chiếng, thành thị giang hồ, đứng án ngữ lấy đầu Nam Bộ, chặn đường lên Nam Vang, và mở lối về Paksé. Sàigòn ngày đêm rút mầu mỡ của ba xứ để cung phụng cho một mảnh đất chỉ biết bão lụt quanh năm: Bắc Bộ. Cho nên trên cái xương sống kinh tế là con đường xe lửa Hà Nội-Sàigòn bao nhiêu chuyến tàu chở đầy đến nóc những con người lìa bỏ những mảnh đất khô cằn đằng ngoài để vào đằng trong mầu mỡ.”
Hồ Dzếnh vào Nam và Sàigòn đã lôi cuốn tâm hồn đa cảm của một lữ khách như ông, nhưng sao sau hiệp định Genève vào tháng 10, 1954 ông lại trở ra Bắc? Nguyên nhân chính vì tình yêu. Lúc này nhà thơ gắn bó với người vợ thứ hai trong đời là Nguyễn thị Hồng Nhật (góa phụ của nhà thơ Trần Trung Phương) còn ở Hà Nội. Hơn nữa, Hồ Dzếnh cho rằng ở lại Hà Nội sẽ có cơ hội trở về thăm quê nội Trung Hoa mà ông hằng ao ước. Nào ngờ, Hồ Dzếnh đã lầm và là mối lầm ghê gớm nhất đời của một kẻ có trái tim sôi nổi đôi với quê ngoại, với tình yêu, với tự do và đối với nghệ thuật.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm (1956-57) các nhà văn ở Hà Nội khi ấy, dù không trực tiếp tham gia chống đôi cũng bị nghi ngờ và Hồ Dzếnh bị kết tội gián điệp chỉ vì đã từng vào Sàigòn viết cho tờ Thần Chung. Thế là nhà thơ buộc gác bút và trở thành công nhân cho nhà máy cơ khí, nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Cho tới những năm giữa thập niên 80, Hồ Dzếnh mới được nhắc tới. Thiệt hại cho một thi tài trong mấy chục năm không có nhiều cơ hội cầm bút và phải “gậm khối bất bình.”
Có lẽ vì thế trước khi qua đời vào năm 1991, tác giả Quê ngoại đã viết “Ngày xuân đọc lại Truyện Kiều” để gửi gấm ít nhiều hối tiếc của kẻ lầm lỡ trong đời chỉ vì lụy vì tình như Phạm Quý Thích đã nhắc nhở “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”:
Gọi đời là “cõi người ta”
Sao nghe thấm thìa xót xa nỗi mình
Tố Như ơi, lụy vì tình
Nghìn xưa như bóng với hình y nguyên!
https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/05/22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét