Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ hai 16 tháng 5 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Ngoại trưởng Đức : Các nước NATO sẵn sàng trợ giúp quân sự chừng nào Ukraina còn cần

Thùy Dương /RFI

16/5/2022

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại cuộc họp không chính thức quy tụ các đồng cấp trong NATO. Ảnh chụp tại Berlin ngày 15/05/2022. AP - Michael Sohn 

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày Chủ Nhật 15/05/2022 khẳng định các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO sẵn sàng trợ giúp quân sự chừng nào Ukraina còn cần để đối phó với cuộc xâm lăng của Nga. 

Hôm qua 15/05, sau đợt họp không chính thức kéo dài 2 ngày của các ngoại trưởng khối NATO tại Berlin, trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Đức nhấn mạnh : « Chúng tôi đồng ý là không được cắt giảm và sẽ không cắt giảm những nỗ lực ở tầm các quốc gia, đặc biệt liên quan tới việc hỗ trợ quân sự cho Ukraina, chừng nào Ukraina còn cần đến sự trợ giúp này để bảo đảm phòng thủ quốc gia ». 

Ngoại trưởng Annalena Baerbock còn cho biết thêm, bà và các đồng nhiệm NATO đều ý thức được rằng « cuộc chiến này sẽ không sớm kết thúc » và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của NATO, theo đó Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có vai trò « quan trọng hơn bao giờ hết bởi NATO đồng nghĩa với an ninh cho tất cả các nước » phương Tây. 

Trong khi đó, theo AFP, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, hôm Chủ Nhật 15/05 nhận định Ukraina « có thể thắng » trong cuộc chiến chống Nga. Theo ông, chiến tranh Ukraina đã không diễn ra đúng theo những điều Matxcơva dự kiến. Sau cuộc họp không chính thức của ngoại trưởng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tổng thư ký NATO nhận định cuộc tấn công của Nga tại vùng Donbass, Ukraina, đang ở « điểm chết » và « Nga không đạt được các mục tiêu chiến lược ».

Nga đã nói rõ với Mỹ: Moscow sẽ không đầu hàng

Trần Phong 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/05/nga-my-700x366.jpg

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với chương trình video “Solovyov Live” ngày 14 cho biết Nga đã thông báo rõ ràng với Mỹ rằng Moscow sẽ không đầu hàng ở Ukraina.

Ông nói: “Chúng tôi nói một cách chắc chắn, dứt khoát và khẳng định điều này một cách dứt khoát … Sẽ không bao giờ có chuyện đầu hàng như thế này. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng mọi nhiệm vụ mà Tư lệnh tối cao đặt ra cho quân đội của chúng tôi sẽ được hoàn thành một cách trọn vẹn”.

The đó, ông Antonov chỉ ra rằng các mục tiêu và nhiệm vụ của hoạt động quân sự đặc biệt đã được thông báo rõ ràng. Ông nói: “Tất cả những gì chúng tôi muốn là không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga trên đất Ukraina”.

Đại sứ nói thêm rằng Hoa Kỳ đang thúc giục Nga đàm phán, nhưng chỉ với điều kiện là phải dừng một hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraina. “Người Mỹ về cơ bản đang thúc giục chúng tôi đàm phán từ mọi hướng, nhưng có một số điều kiện tiên quyết, và tôi sẽ liệt kê ba điều kiện đó”, Antonov nói. “Đầu tiên, một lệnh ngừng bắn trong một chiến dịch quân sự đặc biệt. Việc rút quân nằm trong ranh giới. Thứ ba là (yêu cầu Nga) ‘ăn năn về những gì họ đã làm’.”

Theo báo cáo, ông Antonov chỉ ra rằng Hoa Kỳ đang ngày càng lún sâu vào cuộc chiến, và hậu quả là khó lường. Ông nói thêm: “Tình hình ngày nay vô cùng nguy hiểm. Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào xung đột, điều này sẽ gây ra những hậu quả khó lường nhất cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân”.

Nguồn: News.creaders

Cựu CEO của Goldman Sachs cảnh báo người Mỹ chuẩn bị cho cuộc suy thoái kinh tế 

Jack Phillips

Thứ hai, 16/5/2022

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/sachx98707378-700x420-1.jpg

Ông Lloyd Blankfein, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Goldman Sachs, điều trần trước Tiểu ban Điều tra Các vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện trên Đồi Capitol hôm 27/04/2010 tại Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images) 

Cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein nói rằng mọi người nên chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng và giá xăng cao kỷ lục. 

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm Chủ Nhật (15/05), cựu Giám đốc điều hành Lloyd Blankfein nói rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho một tương lai kinh tế mờ mịt. Ông Blankfein là người đứng đầu ngân hàng đầu tư Goldman Sachs từ năm 2006 đến 2018, và phụ trách trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2008 khi ông giám sát công ty của mình nhận 10 tỷ USD từ Chương trình cứu trợ Tài sản gặp Khó khăn của Bộ Ngân khố trong cùng thời gian đó. 

Ông nói, “Đó chắc chắn là một rủi ro. Nếu tôi đang điều hành một công ty lớn, tôi sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho điều đó. Nếu tôi là một người tiêu dùng, tôi sẽ chuẩn bị cho điều đó, nhưng cuộc suy thoái này không phải là không tránh khỏi.” 

Ông nói, một số người Mỹ nghèo nhất sẽ cảm thấy tác động tồi tệ nhất của lạm phát, đồng thời cho biết thêm rằng suy thoái là “một yếu tố rủi ro rất, rất cao.” 

Ông Blankfein cho hay, “Sẽ rất khó để mọi người có tiền tiết kiệm. Nhưng [nếu] họ đã có tiền tiết kiệm, họ không nhất thiết sẽ tăng khoản tiết kiệm đó nhanh chóng do lạm phát. Nhưng họ đang bắt đầu ở một vị trí tốt hơn nhiều so với chúng ta lúc đó (năm 2008).” 

Theo dữ liệu được cung cấp bởi dịch vụ xe hơi AAA, giá trung bình cho một gallon xăng thông thường trên toàn quốc là khoảng 4.47 USD, với mức giá trung bình chạm gần 6 USD mỗi gallon ở California. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu sữa bột trẻ em khi giá tiêu dùng tăng khoảng 8.3% trong tháng Tư so với một năm trước. 

Ông Blankfein cũng nói, “Giờ đây chúng ta cảm thấy tiện lợi như thế nào khi dựa vào những chuỗi cung ứng không nằm trong biên giới của Hoa Kỳ và chúng ta không thể kiểm soát? Chúng ta có cảm thấy hài lòng khi nhập tất cả các chất bán dẫn của chúng ta từ Đài Loan, một lần nữa, là một đối tượng của Trung Quốc,” ông dường như đang đề cập đến các mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc đối với quốc gia tự quản này trong những tháng gần đây. 

Ông tiếp tục, “Nhưng tôi nghĩ Fed có những công cụ rất mạnh. Thật khó để điều chỉnh chúng một cách tinh vi và thật khó để thấy tác động của chúng đủ nhanh để thay đổi, nhưng tôi nghĩ họ đang phản hồi tốt. Đó chắc chắn là một rủi ro.” 

Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell thừa nhận rằng việc tăng lãi suất sẽ “bao gồm một số tổn thất”, nhưng cho biết kết quả tồi tệ hơn nhiều sẽ là giá tiếp tục tăng vọt. 

Hồi tháng Ba, Fed đã thông qua đợt tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng họ lo ngại các nhà hoạch định chính sách đã tụt hậu quá xa để kiềm chế sự tăng giá mà không viện đến những đợt tăng lãi suất mạnh vốn có thể gây ra một cuộc suy thoái. 

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York. 

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch

Mỹ và châu Âu hợp tác về an ninh kỹ thuật số

Với sự kiên nhẫn chiến lược tuyệt vời, Trung Quốc đang tạo ra một thế giới kỹ trị chuyên quyền dựa trên công nghệ cao. Đấu tranh với các nỗ lực đó là một cam kết ngoại giao xuyên Đại Tây Dương mà hầu hết mọi người chưa biết đến: Hội đồng Thương mại và Công nghệ. Vào thứ Hai, một loạt nhân vật cấp cao, bao gồm ngoại trưởng Mỹ và các ủy viên EU về thương mại và cạnh tranh, sẽ tề tựu về ngoại ô Paris cho cuộc họp thứ hai của tổ chức này. Đây là địa điểm chính mà người Mỹ và châu Âu họp để phối hợp về chính sách cho lĩnh vực kỹ thuật số.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ hồi tháng 9 chủ yếu là để cho những người tham gia tìm hiểu nhau. Lần gặp mặt này sẽ đặt ra mục tiêu cho hai năm tới. Hai bên đã thành lập mười nhóm làm việc chung, với các chủ đề từ “tiêu chuẩn công nghệ” cho đến “khí hậu và công nghệ sạch”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi vì cuộc chiến ở Ukraine, những đề xuất gay gắt nhất trong bản dự thảo “tuyên bố chung” sẽ được công bố vào cuối cuộc họp có liên quan đến vấn đề an ninh.

Chiến tranh Ukraine trở thành cuộc chiến tiêu hao

Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi Nga mở một cuộc tấn công lớn vào khu vực Donbas ở miền đông Ukraine. Thế nhưng, cho đến nay Nga tiến quân rất chậm và tốn kém, gần như chưa đến một hay hai km một ngày. Vấn đề có thể là do thiếu nhân lực: tình báo quốc phòng Anh cho biết vào hôm Chủ nhật là Nga có thể đã mất một phần ba lực lượng tác chiến mặt đất họ đổ vào Ukraine từ ngày 24 tháng 2.

Ngược lại, các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine, gần như đã đẩy lùi quân đội Nga qua bên kia biên giới. Nhưng lặp lại thành công đó ở những nơi khác không hề đơn giản. Lực lượng Ukraine ở Donbas đã bị ghìm chặt tại các vị trí phòng thủ suốt nhiều năm qua. “Khả năng để họ … tiến hành các cuộc điều động quy mô lớn và đấu với người Nga, nhằm đẩy [Nga] ra khỏi toàn bộ khu vực … là vẫn còn hạn chế vào lúc này,” một quan chức phương Tây cho biết. Một cuộc chiến tranh tiêu hao đang diễn ra.

Cánh tả Pháp hợp lực để đấu Macron

Liên minh cánh tả mới của Pháp sẽ bắt đầu đi vận động cho cuộc bầu cử quốc hội tháng tới với tinh thần lên cao. Trong một thỏa thuận làm đảo ngược cán cân quyền lực tồn tại nửa thế kỷ qua, phe cánh tả cấp tiến của Jean-Luc Mélenchon đã “nuốt chửng” những người cánh tả ôn hòa. Nhóm mới, với cái tên NUPES, bao gồm đảng của ông và đảng Cộng sản, đảng Xã hội và đảng Xanh. Mục tiêu của tổ chức chính trị lạ thường này chỉ có một: đưa ông Mélenchon lên làm thủ tướng.

Liên minh tương đối được ủng hộ, đặc biệt từ những người trẻ tuổi. Song nhiều người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa phản đối. Cựu tổng thống François Hollande đã gọi thỏa thuận này là không thể chấp nhận được. NUPES cần cố gắng rất nhiều để thắng đa số tại cuộc bỏ phiếu Quốc hội hai vòng vào ngày 12 và 19 tháng 6, dù thăm dò cho thấy họ có thể trở thành lực lượng lớn thứ hai trong quốc hội. Tuy nhiên, đảng trung dung của tổng thống Emmanuel Macron và các đồng minh, hiện đang vận động dưới cái tên Ensemble, vẫn đang dẫn đầu.

Mỹ hỗ trợ một số nhà máy điện hạt nhân

Đảng Dân chủ Mỹ đang dần dần chấp nhận năng lượng hạt nhân nhằm giải quyết biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden đã gia hạn đến tuần này để cho phép các bang nộp đơn xin quỹ 6 tỷ USD nhằm giải cứu các nhà máy điện hạt nhân bị đứng trước khả năng đóng cửa. Trong số đó có California, nơi Diablo Canyon, nhà máy hạt nhân duy nhất của bang, dự kiến ​​đóng cửa vào năm 2025. Thống đốc Gavin Newsom, một người Dân chủ, đã tuyên bố ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ cho cơ sở này, vốn cung cấp tới 6% lượng điện tiêu thụ năm ngoái của bang.

Các quy định, cạnh tranh từ khí đốt tự nhiên và việc không được nhiều người ủng hộ đã khiến năng lượng hạt nhân ở Mỹ rơi vào khó khăn. Hiện điện hạt nhân chỉ chiếm 8% sản lượng điện cả nước, thấp hơn nhiều so với năm 1989 vì các nhà máy cũ bị đóng cửa. Kể từ năm 1996 chỉ có một lò phản ứng mới được xây dựng. Do vậy, cho dù Diablo Canyon có được hoạt động thêm một thời gian nữa, thì tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ vẫn còn mờ mịt.

Nga ngừng cung cấp điện cho Phần Lan từ ngày 14/5

Huyền Anh

Nga ngừng cung cấp điện cho Phần Lan từ ngày 14/5

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö họp báo thông báo rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO tại Phủ Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, vào ngày 15/5/2022. (Ảnh: Alessandro Rampazzo / AFP qua Getty Images) 

Nhà cung cấp năng lượng Nga RAO Nordic Oy đã cắt nguồn cung cấp điện của Phần Lan vào ngày thứ Bảy (14/5), cáo buộc nước này chưa thanh toán các hóa đơn trong tháng 5.

“Chúng tôi buộc phải lưu ý rằng đối với khối lượng đã được bán trên sàn giao dịch Nord Pool kể từ ngày 6/5, tiền vẫn chưa được ghi có vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi. Đây là tình huống đặc biệt, xảy ra lần đầu trong hơn 20 năm lịch sử mua bán của chúng tôi”, RAO Nordic nói trong một tuyên bố, cho biết họ hy vọng tình hình sẽ “sớm” cải thiện và giao dịch có thể tiếp tục trở lại.

Rao Nordic là công ty con tại Phần Lan của Inter RAO – tập đoàn năng lượng nhà nước Nga có trụ sở chính tại Moscow, chuyên về sản xuất điện và nhiệt, cung cấp điện, kinh doanh năng lượng quốc tế, kỹ thuật, thiết kế và phát triển cơ sở hạ tầng điện năng.

“Thật không may, trong tình hình thiếu thu nhập tiền mặt như hiện nay, RAO Nordic không thể thanh toán cho lượng điện nhập khẩu từ Nga. Do đó, chúng tôi buộc phải tạm ngừng nhập khẩu điện bắt đầu từ ngày 14/5”, RAO Nordic cho biết trong một thông báo ngày 13/5 .

Trước đó, ngày 13/5, nhà điều hành hệ thống truyền tải của Phần Lan Fingrid cho biết, không có mối đe dọa nào đối với nguồn cung cấp điện trong nước do kết quả của động thái trên. Công ty lưới điện này cho biết thêm rằng điện nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ của cả nước.

Khả năng tự cung tự cấp điện của Phần Lan đang được cải thiện, đặc biệt là sản xuất điện từ gió, Fingrid tuyên bố. Năm nay, quốc gia này dự kiến ​​sẽ tăng thêm 2.000 megawatt điện gió. Đến năm 2023, Phần Lan dự kiến ​​sẽ tự cung cấp điện.

“Việc thiếu nhập khẩu điện từ Nga sẽ được bù đắp bằng cách nhập khẩu điện từ Thụy Điển và sản xuất nhiều điện hơn ở Phần Lan”, Reima Paivinen, Phó chủ tịch cấp cao về vận hành hệ thống điện tại Fingrid, cho biết trong một bản tin ngày 13/5 .

Tháng trước, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai quốc gia từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Việc chặn điện tới Phần Lan diễn ra ngay trước khi Tổng thống nước này Sauli Niinisto chính thức tuyên bố sẽ xin gia nhập NATO.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét