Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại văn phòng thủ tướng ở Hà Nội hôm 25/8/2021.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 11/5 bắt đầu chuyến công du đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ, trong bối cảnh cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đang là tâm điểm chú ý của chính quyền Tổng thống Joe Biden và cả thế giới.
Ông Chính thăm và làm việc 7 ngày tại Mỹ theo lời mời của Tổng thống Biden tới các nhà lãnh đạo của khối 10 nước Đông Nam Á để tham dự hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, việc Tổng thống Biden đón tiếp các lãnh đạo ASEAN tại Washington trong hai ngày tái khẳng định rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, theo các nhà quan sát. Dù không đưa ra nhiều chi tiết về hội nghị, lần đầu tiên được tổ chức gặp mặt trực tiếp tại Washington, nhưng Nhà Trắng nói rằng thượng đỉnh sẽ cho thấy “sự cam kết lâu dài” của Mỹ đối với ASEAN.
Ngoài các vấn đề thương mại và an ninh khu vực, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine sẽ là một trong những chủ đề nằm cao trong nghị trình bàn thảo tại thượng đỉnh. Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ thúc đẩy vấn đề Ukraine nhằm tìm kiếm một liên minh chống lại Moscow mở rộng ra bên ngoài châu Âu.
Tuy nhiên khối ASEAN không đồng nhất về quan điểm đối với cái mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Trong khi Myanmar, không được mời tham dự thượng đỉnh tại Washington trong tuần này, công khai ủng hộ Nga thì Singapore là nước duy nhất trong khối Đông Nam Á áp chế tài đối với Moscow.
Việt Nam, dù phản đối cuộc chiến tranh “vô cớ” nhưng lại trừ chối lên án hành động xâm lược của Nga. Sau hai lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu phản đối nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Trong khi nhiều người dân trong nước ủng hộ sự kháng cự của Ukraine thì quan điểm của các lãnh đạo Việt Nam qua việc bỏ biếu tại Đại hội đồng LHQ bị nhiều người chỉ trích và cho là đứng về phía Nga.
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, chuyến thăm của ông Chính tới Mỹ sẽ là cơ hội để Việt Nam giải thích về lập trường của mình đối với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh ngày càng gây áp lực để Nga phải chấp dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài trong gần 3 tháng qua.
“Việt Nam sẽ (phải) giải thích rõ quan điểm của họ đối với tình hình Ukraine và quan hệ của Việt Nam đối với Nga. Ông Chính sẽ giải thích rõ về điều đó,” TS Hợp nói. “Mọi người đã biết rằng Việt Nam lên án cuộc chiến này trên nguyên tắc pháp lý quốc tế thế nhưng họ không lên án trực tiếp Nga mà chỉ nói rằng các bên liên quan một cách sớm nhất kết thúc chiến tranh.”
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hồi cuối tháng 2 nói rằng Mỹ “khích lệ tất cả các quốc gia – những nước chưa lên án hành động của Nga – thay đổi đường hướng của mình” và kêu gọi những nước này đứng về phía lẽ phải trong lịch sử. Cùng thời gian này, Đại biện lâm thời ĐSQ Ukraine ở Việt Nam Natalya Zhynkina cũng đã kêu gọi Việt Nam “nêu đích danh kẻ xâm lược” trong cuộc chiến tranh của Nga.
Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet vào tháng trước kêu gọi Việt Nam và những quốc gia khác đánh giá lại mối quan hệ với Nga sau khi truyền thông nhà nước Nga đưa ra thông tin về cuộc tập trận chung giữa hai đối tác chiến lược toàn diện.
Thượng đỉnh lần này, liệu Washington có thúc đẩy các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cắt giảm mua vũ khí từ Moscow hoặc đe dọa các nước này bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp trong việc mua dầu mỏ của Nga hay không, là một điều quan trọng cần theo dõi, theo các nhà quan sát.
Việt Nam hiện đang tiếp tục nhập khẩu phần lớn thiết bị quân sự từ Nga nhưng được cả chính quyền Trump và Biden miễn trừ khỏi các chế tài theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ.
Theo ông Greg Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, Mỹ hiểu được rằng Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào thiết bị quốc phòng của Nga và không thể thay đổi một sớm một chiều.
“Chính phủ Mỹ hiểu rằng chính phủ Việt Nam đang rất kiềm chế tới mức có thể trong việc lên án Nga vì những lý do tương tự như Ấn Độ,” ông Poling nói. “Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và phải chiến đấu với cuộc xâm lược qua biên giới đó vào năm 1979. Họ phải duy trì 50 tiền đồn ở Biển Đông để chống lại sự xâm lược hoặc phong tỏa tiềm tàng của Trung Quốc, và họ phải thực hiện tất cả những điều đó với 80% nguồn vũ khí đến từ Nga. Nên họ không thể hy sinh an ninh quốc gia của mình để lên án Nga trong cuộc xâm lược này dù hầu hết người Việt Nam có thiện cảm với Ukraine.”
Cùng nhận định này, TS Hợp cho rằng Mỹ sẽ thấu hiểu thế khó của Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á này không thể nêu tên Nga dù phản đối cuộc chiến tranh ở Ukraine, bởi “sự phụ thuộc của Việt Nam vào vũ khí Nga” và “rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc.” Mặc dù vậy, theo vị tiến sỹ của ISEAS, trong khi Việt Nam tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí khỏi sự phụ thuộc vào Nga, thì Hà Nội phải làm rõ quan điểm của mình khi Thủ tướng Chính gặp mặt các lãnh đạo của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, có trụ sở ở New York, trong những ngày tới.
Báo Chính phủ hôm 9/5 nói rằng chuyến công du lần này của Thủ tướng Chính “có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN” cũng như “thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và ổn định trên thế giới.”
Đối tác ‘chiến lược’?
Trước khi tham dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN từ ngày 12-13, Thủ tướng Chính sẽ có bài phát biểu tại trụ sở của CSIS ở Washington DC, trong đó ông sẽ đưa ra nhận định về hiện trạng và tương lai của quan hệ Việt-Mỹ. Theo ông Poling, Việt Nam sẽ thu hút nhiều sự chú ý bởi vì Thủ tướng Chính là lãnh đạo duy nhất trong khối Đông Nam Á phát biểu trước công chúng tại Washington.
“Việt Nam rõ ràng là đã có được rất nhiều sự tập trung từ chính quyền Mỹ với chuyến thăm của Phó Tổng thống (Kamala) Harris và Bộ trưởng Quốc phòng (Lloyd) Austin vào năm ngoái bởi vì Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng có cách nhìn giống nhau về khu vực,” nhà nghiên cứu của CSIS nói.
Với mối quan hệ ngày càng được thắt chặt vì những lợi ích song trùng trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Phó Tổng thống Harris đã đề xuất nâng cấp mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội lên tầm “chiến lược.” Nhưng bà Harris đã không thuyết phục được các lãnh đạo Việt Nam nhất trí trong chuyến thăm đầu tiên của mình tới Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái.
Theo nhận định của ông Poling, sẽ không có tuyên bố nào về nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước được đưa ra trong chuyến thăm của ông Chính tới Mỹ lần này nhưng chính quyền Biden sẽ tiếp tục truyền đạt thông điệp rằng Hoa Kỳ muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Cùng quan điểm trên, TS Hợp của ISEAS cũng cho rằng Mỹ và Việt Nam chưa thể chuyển mối quan hệ đối tác lên chiến lược được trong chuyến thăm của ông Chính, mà cho đến lúc này chưa có cuộc gặp mặt song phương nào giữa thủ tướng Việt Nam và tổng thống Mỹ được công bố lên kế hoạch.
“(Chuyến thăm của ông Chính) lần này là chuyến thăm đa phương để họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN nên chắc là khó có điều kiện cụ thể hóa để hai bên (nâng cấp quan hệ) nhưng chắc chắn phía Mỹ sẽ đặt ra vì nó nằm trong tuyên bố của Đại sứ Mỹ Marc Knapper.”
Một trong những mục tiêu chính của ông Knapper, người mới nhậm chức đại sứ Mỹ tại Hà Nội đầu năm nay, là đưa Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược.
Theo Báo Chính phủ, chuyến thăm của ông Chính được kỳ vọng “tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực.”
Nhà nghiên cứu Poling tin rằng về lâu dài, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga ngày càng giảm thiểu trong khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ ngày càng phát triển với những lợi ích song trùng giữa Hà Nội và Washington.
Nhân quyền
Không rõ nhân quyền có nằm trong nghị trình thảo luận tại Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN trong tuần này hay không nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 9/5 đã gửi một bức thư tới Tổng thống Biden để thúc giục người đứng đầu Nhà Trắng tập trung thảo luận vấn đề này và khuyến khích các lãnh đạo chuyên quyền, gồm cả thủ tướng Việt Nam, phải đối đầu trực tiếp với nhân quyền và dân chủ.
Bức thư này nói rằng các mục tiêu của thượng đỉnh, gồm tăng cường an ninh và kinh tế trong khu vực, sẽ không thể đạt được nếu không giải quyết trực tiếp môi trường nhân quyền đang trở nên tồi tệ hơn và dân chủ đang đi giật lùi tại Đông Nam Á.
Tổ chức có trụ sở ở New York nhắc đến cuộc đàn áp nhân quyền và dân chủ ngày càng tồi tệ ở Việt Nam, nơi hiện đang giam giữ và bỏ tù 150 người bất đồng chính kiến.
“Trong thời gian thượng đỉnh chính quyền của ông (Biden) nên công khai kêu gọi thả tự do cho các tù nhân chính trị ở Việt Nam và Campuchia cũng như chỉ trích việc sự dụng các điều luật quá mức và mơ hồ nhắm vào những người bất đồng chính kiến,” bà Elaine Pearson, quyền giám đốc HRW viết trong bức thư.
Tuần trước, tổ chức BPSOS có trụ sở ở Virginia của Mỹ, và hơn 50 tổ chức dân sự khác cũng gửi một bức thư đến Tổng thống Biden yêu cầu Nhà Trắng nêu quan ngại với Thủ tướng Chính về việc Việt Nam “chủ trương bách hại các tôn giáo không chấp nhận bị chính phủ kiểm soát.”
Ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của HRW, nói với VOA tuần trước rằng: “Nếu chính quyền (Biden) tổ chức thượng đỉnh này và không công khai nêu lên những lo ngại về nhân quyền với các thành viên ASEAN thì nó sẽ gửi đi một thông điệp rằng những vi phạm nhân quyền giờ đây sẽ phần lớn được dung thứ dưới danh nghĩa giả mạo liên minh chống Trung Quốc.”
Nói với VOA hôm 10/5, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết rằng Tổng thống Biden “chưa bao giờ kìm hãm việc nêu ra những lo ngại về nhân quyền khi ông có dịp trò chuyện với các nhà lãnh đạo khi điều đó có liên quan.”
Nhân quyền được xem là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Biden-Harris trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi tiếp cận các đối tác trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét