Trong kho tàng văn học nghệ thuật, tình mẫu tử là một nguồn cảm
hứng bất tận. Thật vậy, qua bao thời đại, tình mẫu tử vẫn là một tình cảm thâm
sâu nhất của nhân loại. Chỉ nhìn vào hình ảnh một người mẹ bồng con, người ta
cũng có thể liên tưởng được phần nào những nét linh thiêng cao đẹp của tình mẫu
tử. Cuộc đời của người Mẹ đã thực sự gắn liền với đời của con qua chín tháng
cưu mang, ba năm nâng niu bú mớm, bảy năm thao thức quạt nồng ấp lạnh, chăm sóc
cho con khi trái gió trở trời, rồi suốt đời an ủi, vỗ về, nâng đỡ chở che. Ca
dao Việt Nam có câu: “Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn
chảy ra”. Tình Mẹ ví như nước trong nguồn không ngừng chảy về con.
Ở Hoa Kỳ, để tưởng nhớ công ơn sinh thành, ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm
đã được dành để vinh danh những người mẹ. Và chúng ta ai cũng biết đó là
"Ngày Hiền Mẫu”.
Hình ảnh người Mẹ Việt Nam qua những biến cố của lịch sử Việt Nam
1. Những người Mẹ Việt Nam trong thời loạn ly chống Pháp
Có một hình ảnh rất truyền thống đã đi sâu vào lòng người dân Việt. Đó là hình
ảnh một người Mẹ già cuốc đất trồng khoai, quanh năm suốt tháng tảo tần nuôi
chồng dạy con, làm lụng không một ngày nghỉ ngơi. Mẹ hy sinh thân mình, chuyên
tâm hết lòng lo cho chồng con.
Quanh năm có nghỉ ngày nào!
Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy
Rét đông đi cấy đi cày
Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai
Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài
Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa…
(Huy Cận)
Khi cách mạng 1945 bùng nổ, toàn quốc nổi lên kháng Pháp, những người cha theo
Việt Minh chống giặc Tây. Trong những ngày chạy giặc đó, có những người mẹ bồng
đứa con chưa đầy năm, ẩn núp dưới những đám cây rậm lá trong khi những chiếc
máy bay của thực dân Pháp bay quần sát ngọn cây rú lên từng tiếng như đe dọa,
gieo bao nổi kinh hoàng cho những bà mẹ và đám dân lành vô tội.
Những người cha vẫn biền biệt trong chinh chiến. Các bà mẹ đơn côi âm thầm kiên
nhẫn nuôi con khôn lớn, thay thế chồng tận tụy dạy dỗ các con ê a, cho con
những bài học luân lý đầu đời, và dìu dắt con từng bước cho đến lúc trưởng
thành.
Với tâm tình dịu hiền, đảm đang, khôn ngoan Mẹ đã dạy dỗ con cái Mẹ nên người
chân thật, biết sống theo đạo lý với bản chất lương thiện. Niềm hạnh phúc của
Mẹ là mong muốn thấy con mình trở nên người hữu ích cho gia đình, xã hội và quê
hương. Niềm vui của Mẹ là ước mơ thấy các con được trưởng thành trong tinh thần
yêu thương và phục vụ. Triết lý sống và tình thương của Mẹ đã trở thành nguồn
khởi hứng và hành trang cho những người con của Mẹ tiếp tục bước đi trên đường
đời.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
(Đoàn Thị Điểm)
Rồi khi con khôn lớn đi đánh giặcTây, Mẹ mang nỗi đau trong lòng khi phải xa
lìa những đứa con thân yêu nhưng tâm hồn Mẹ vẫn chan chứa những hoài mong ngày
các con trở lại. Tim Mẹ thắt đau khi nghe tiếng súng nổ vọng về từ xa. Hình ảnh
người Mẹ nghẹn ngào rưng rưng nước mắt chắp tay nguyện cầu cho con được bình an
trên chiến trường đã nói lên những tâm tình yêu thương nhưng đầy đau khổ chịu
đựng thầm kín của Mẹ.
Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê
(Pham Duy)
Ngày qua ngày Mẹ thẫn thờ trông đợi, mang nặng niềm thấp thỏm, lo âu. Đêm từng
đêm một mình một bóng, Mẹ âm thầm nghe tiếng nấc của tâm tư như người chinh phụ
một lòng sắt son thủy chung, nghẹn ngào nhớ chồng, thương con. Mặc dù nỗi buồn
có lúc làm cho Mẹ thẫn thờ, nhưng Mẹ vẫn kiên trì thay cha tảo tần nuôi dưỡng
đàn con với tình thương của biển rộng muôn trùng. Làm sao nói cho hết được
những công lao và hy sinh của những người mẹ trong các gia đình Việt Nam.
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
(Hồ Dzếnh)
2. Mẹ Việt Nam trong thời đất nước phân ly, chiến tranh Nam Bắc
Vào năm 1954 khi đất nước bị chia đôi, những người Cha đã theo lý tưởng tự do,
tiếp tục binh nghiệp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người Mẹ đã từ bỏ
cuộc đời riêng, theo cuộc sống của gia đình nhà chồng, phụng dưỡng cha mẹ
chồng, chăm dạy đàn con. Mẹ hòa mình trong cuộc sống buôn gánh bán bưng, đắp
đổi từng ngày để có nguồn thu nhập mà quán xuyến gia đình.
Trời ngoài kia từng cơn gió lớn
Quẩy gánh hàng mẹ lầm lũi bước đi
(Thương Nguyên)
Bận lo cho gia đình đến quên mình, có lẽ đó là bản tính của những người phụ nữ
Á đông. Hình ảnh bà mẹ Việt Nam vẫn là hình ảnh của sự nhọc nhằn, hy sinh, tảo
tần, dãi dầu mưa nắng, vì cảnh nhà nghèo túng triền miên.
Lo đi, lo đứng, lo nằm,
Nhường cơm sẻ áo âm thầm cho con
Lo cho con ngủ giấc tròn
Lời ru thuở ấy vẫn còn trong veo
Có những đêm nằm nghe tiếng hỏa tiễn pháo kích, theo sau là những tiếng súng nổ
vang rền, Mẹ nhìn ánh hỏa châu rơi mà tim thắt ruột đau. Bên ngọn nến hắt hiu
Mẹ cầu nguyện khấn xin ơn trên phù hộ cho đất nước sớm thanh bình, cho người
chồng thân yêu được an lành trở về với cuộc sống làng quê. Nhưng giấc mơ nhỏ bé
đó đã tan theo khói lửa chiến chinh. Cõi lòng Mẹ như bị bom đạn xé nát khi được
tin chồng đã hy sinh mạng sống cho quê hương, đã gục ngã đau thương vì những
lằn đạn giữa hai lực lượng tranh chấp nhưng lại cùng dòng máu đỏ da vàng.
Chuyện đoàn viên bấy giờ chỉ còn là giấc mộng. Mẹ hoang mang hoảng sợ nhận tin
báo tử của chồng. Người ra đi để lại một đàn con thơ dại khi tuổi đời của Mẹ
chỉ mới dưới 30. Có mấy ai không chạnh lòng khi nhìn hình ảnh của một người góa
phụ trẻ đầu đội vành khăn sô, đứng trước áo quan của chồng, cùng một đàn con
ngây thơ nhìn quanh quất tìm cha, còn mẹ thì đang tay bồng tay nải.
Tuổi thanh xuân Má sớm thành góa phụ
…
Tay bồng bế gánh gồng qua khói lửa
(Nghiêu Minh)
Có lẽ người đàn bà Việt Nam là người chịu nhiều khổ đau nhất thế giới. Với 1000
năm giặc Tàu, 100 năm giặc Tây và 20 năm nội chiến Nam Bắc, khi viết về nỗi khổ
của những bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh, thi sĩ Phan Khâm có mấy vần thơ như
sau:
Lặn lội thân cò khóc nỉ non
Mùa Hè đỏ lửa tháng sinh con
(Phan Khâm)
3. Mẹ trong thời kỳ miền nam Việt Nam bị cưỡng chiếm
Rồi biến cố ngày 30 tháng 4 1975 đến, ngày miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm. Mẹ
chưa hết nỗi mừng vui chờ ngày đất nước hết cơn binh lửa thì đã cảm nhận thảm
họa bao trùm xuống toàn cõi quê hương. Đau khổ, đói lạnh, đè nén, áp bức khắp
nơi. Các con của Mẹ cũng chịu cảnh lao tù như bao nhiêu bạn bè trong binh
nghiệp. Mẹ mang nặng nỗi nhớ thương những đứa con bị lưu đày biệt xứ. Tuy tuổi
đã già, nhưng Mẹ đã phải tiếp tục ngược xuôi trong cuộc đổi đời, tìm đường sinh
kế để nuôi các con trong tù cải tạo. Mẹ lặn lội đường rừng đến trại tù thăm
con. Trong những phút giây ngắn ngủi ở khu thăm nuôi, mẹ khóc thương cho đời
con lao đao và kể lể những nỗi nhớ thương mỏi mòn của mẹ.
Lòng mẹ ngàn năm vẫn dạt dào
Chua xót thân già đời lận đận
Ngậm ngùi phận trẻ kiếp lao đao
(Nguyễn Vô Cùng)
Nhìn thân thể các con bị đọa đầy, tim Mẹ nát tan. Mẹ cầm lấy tay con nghẹn
ngào, như muốn ôm trọn những đau thương thay thế cho con. Rồi mỗi lần nghe tin
có những tù nhân nào được tha về, mẹ cũng đến để muốn hỏi thăm tin tức về các
con của Mẹ.
Tay mẹ hiền cầm lấy tay con…
Như muốn chuyền hơi ấm tình thương
(Kha Lăng Đa)
Những khổ cực nghiệt ngã đã làm oằn lưng mẹ, làm khô héo đôi tay gầy guộc, tô
đậm trên trán, trên đôi gò má của Mẹ nhiều vết nhăn nheo. Những tàn phai của
thời gian được ghi dấu trên mái tóc bạc phơ.
Ngày Đông mưa nhỏ hàng hiên
Mẹ mang thùng hứng cho quên nỗi sầu
(Hoàng Minh Hùng)
Khi các con được ra tù thì thể xác đã nên tiều tụy, tinh thần suy nhược, và đời
sống bất ổn. Mẹ tiếp tục đỡ nâng bằng cách vay mượn tiền và bán hết đồ đạc
trong nhà, gom góp cho các con bí mật vượt biên...
Hình ảnh người Mẹ ốm yếu đứng bất động ở một góc bến xe, nhìn theo chiếc xe đò
cũ kỹ đưa các con đi mà bà rưng rưng nước mắt. Mẹ âm thầm nghẹn ngào chắp tay
nguyện cầu cho các con của Mẹ được thành công đến bến bờ tự do.
Khi cảnh đời biển thẳm hóa nương dâu
Mẹ tiễn con đi, mắt chan chứa lệ sầu
Máu mùa Hạ còn vương đọng cành phượng vĩ
(Kha Lăng Đa)
Trời cao có mắt: Các con của Mẹ được đến bến bờ tự do an toàn. Mẹ mừng rỡ khi
nhận được bức điện tín đầu tiên báo tin các con đã định cư an toàn trên xứ
người. Lá thư hồi âm nào Mẹ cũng viết thật dài. Mẹ khuyến khích các con cố gắng
làm lại cuộc đời và dạy dỗ cho con cái phải biết sống theo đạo lý, và đừng bao
giờ quên quê hương, nguồn cội của mình.
Những buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, Mẹ nhớ đến các con, Mẹ gọi tên từng
đứa. Mẹ nhớ những ngày khi các con còn nhỏ dại, một mình Mẹ thay Cha đơn côi
nuôi con khôn lớn. Nhớ ngày nào đứa con út đã theo chân Mẹ đến trường, mà bây
giờ tất cả đã khôn lớn, mỗi đứa một nơi. Giờ đây Mẹ vẫn tiếp tục hiu quạnh một
mình trong căn nhà xưa. Có còn nỗi đau nào hơn nữa hay không?
Chắt chiu cùng năm tháng
Mẹ tần tảo ngược xuôi
Nuôi con ngày khôn lớn
Mỗi đứa một phương trời
Nay tuổi già vóc hạc
Thui thủi bóng vào ra
Muộn phiền vai mẹ gánh
Liêu xiêu buổi chiều tà
(Vương Đức Lệ)
Các con của Mẹ giờ đây đã có một cuộc sống ổn định ở nước ngoài, và không ngừng
gởi về cho Mẹ đủ loại thuốc bổ dưỡng. Nhưng căn bịnh do tuổi già của Mẹ bắt đầu
nhen nhúm. Mấy thứ thuốc bổ dưỡng đó không làm Mẹ khoẻ hơn. Thân thể Mẹ từ từ
lụn xuống. Lưng Mẹ vì xương quá yếu nay oằn xuống, còng lại, Mẹ không còn sức
lực để đứng thẳng người được nữa. Giờ Mẹ chỉ mong gặp lại mấy đứa con của Mẹ
trước khi qui tiên.
Rồi một ngày những đứa con thân yêu của Mẹ bất chợt về quê thăm Mẹ. Mẹ hỏi “đứa
nào đây”, con của Mẹ suýt hét lên vì mới biết là mắt Mẹ đã mù. Con nghẹn ngào
khóc nức nở vì tấm lòng hy sinh trời biển của Mẹ. Mẹ sợ những đứa con của Mẹ
làm lụng vất vả khổ sở nơi xứ người nên Mẹ không than van, không xin thuốc hay
xin tiền con để chữa trị.
Mẹ đưa hai tay sờ lên đầu từng đứa con rồi mấy đứa cháu. Ôi, tình mẫu tử thiêng
liêng…
Qua bao biến đổi của cuộc đời, tình mẫu tử vẫn là một hằng số cố định. Niềm vui
của Mẹ vẫn là muốn được nhìn thấy con cái thành đạt trong cuộc sống. Ngày nay
nhìn những thành công vượt bực của người Việt hải ngoại chỉ trong vòng hơn ba
thập niên qua, những thành tích huy hoàng của giới trẻ Việt Nam tại các trường
đại học, các ngành nghề cao cấp trong xã hội như Y, Nha, Dược, Bộ Trưởng Y Tế,
các Luật Sư, Kỹ Sư, Giáo Sư, Dân Biểu Hoa Kỳ, Phi Hành Gia Hoa Kỳ, các nam nữ
Sĩ Quan Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát Trưởng Hoa Kỳ, các Đại Thương Gia, nam
nữ Phóng Viên chiến trường, Nhạc Sĩ, Nghệ Sĩ, và còn nhiều nữa… Tất cả những
thành công này là hoa trái từ những công lao và hy sinh của người Mẹ Việt Nam,
những tấm gương sáng cho muôn thế hệ Việt.
Xin được tôn vinh những tấm lòng quá nhân ái, cao đẹp của những người Mẹ Việt
Nam, của những người phụ nữ đã phải trầm luân cùng thân phận của đất nước. Tất
cả những công lao và hy sinh của những người Mẹ đều có giá trị, đều biểu hiệu
một tình thương, đều mang ý nghĩa của một sự cho đi phần nào của chính mình.
Thật không dễ tìm phụ nữ của một dân tộc nào trên thế giới có sức chịu đựng và
nhẫn nhục như phụ nữ Việt Nam. Xin được ghi xuống đây lòng tri ân muôn đời đối
với những người Mẹ Việt Nam.
Lịch Sử và Nguồn Gốc Ngày Hiền Mẫu
Theo tự điển bách khoa, Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) do bà Anna
Marie Jarvis khởi xướng tại thành phố Grafton, tiểu bang West Virgina, Hoa Kỳ.
Theo truyền thống của Hoa Kỳ và đa số các quốc gia trên thế giới, Ngày Hiền Mẫu
được tổ chức hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm. Một số quốc gia
khác cũng có những ngày lễ tương tự được tổ chức vào các ngày khác trong năm.
Người dân Việt chúng ta có ngày lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy
Âm Lịch để tưởng nhớ những người mẹ đang còn sống hoặc đã quá cố. Tại một số
quốc gia mà Ngày Hiền Mẫu chưa được phổ biến, người ta cũng dùng ngày Quốc Tế
Tuyên Dương Phụ Nữ vào ngày 8 tháng 3 để tôn vinh những người mẹ.
Bản
Công Bố Ngày Hiền Mẫu ("The Mother's Day Proclamation”) của bà Julia Ward
Howe là một trong những lời kêu gọi đầu tiên để tôn vinh các người Mẹ tại Hoa
Kỳ. Được viết vào năm 1870, bản công bố này dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ
quyền, với ý tưởng người phụ nữ cũng có trách nhiệm uốn nắn xã hội trên con
đường chính trị. Bà Julia Ward Howe đã có ý định thành lập một ngày lễ mang tên
"Ngày Hiền Mẫu vì Hòa Bình" (Mother's Day for Peace), nhưng phong
trào này đã dần lụi tàn vì không đủ kinh phí. Tuy nhiên, ý tưởng của bà Howe đã
gây ảnh hưởng lớn trên giới phụ nữ trong xã hội, điển hình là bà Ann Maria
Reeves Jarvis, nữ giáo viên của trường học tư thục Công Giáo tại thành phố
Grafton, tiểu bang West Virginia.
Trong bối cảnh nội chiến Hoa Kỳ, bà Ann Maria Reeves Jarvis tập hợp các phụ nữ
khác với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi
cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên Ngày Các Hiền Mẫu Làm
Việc (Mothers' Work Days) vào năm 1858 cùng với các bà mẹ của các chiến binh từ
cả hai miền để nhấn mạnh các hoạt động xã hội vì hòa bình. Bà Ann Maria Reeves
Jarvis qua đời tại thành phố Philadelphia vào năm 1905. Tại ngôi mộ của mẹ
mình, cô con gái Anna Marie Jarvis thề rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập
một ngày lễ dành riêng cho những người hiền mẫu, dù là còn sống hay đã qua đời.
Hai năm sau đó, cô Anna Marie Jarvis đã mang 500 đóa hoa Cẩm
Chướng (Carnation) đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại nhà thờ
Thánh Andrew, nơi mà mẹ cô từng dạy học khi xưa. Một năm sau, vào ngày 10 tháng
5, năm 1905, nhà thờ Thánh Andrew lần đầu tiên đã tổ chức một thánh lễ ngày
Chúa Nhật đặc biệt để vinh danh các hiền mẫu trong cộng đoàn. Cô Anna Marie
tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi. Đến năm 1909,
thánh lễ vinh danh các hiều mẫu đã lan rộng đến 46 tiểu bang, và hai quốc gia
láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico.
Vào năm 1914, Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua một bản nghị quyết và
được Tổng Thống Woodrow Wilson ký nhận để chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu.
http://www.cttd.org/lichsungayhienmau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét