Một người Ê đê bị tuyên án 4 năm tù vì gửi ba báo cáo vi phạm nhân quyền
RFA
20/5/2022
Ông Y Wô Niê thời điểm lúc bị bắt (ảnh trái) và khi ra tòa (ảnh phải)
Công an cung cấp/báo Công Lý
Hôm 20/5/2022, Toà án Nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk kết án bốn năm tù giam đối với ông Y Wô Niê về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, trong một phiên tòa không có luật sư bào chữa.
Theo mạng báo Công Lý, ông Y Wô Niê có tham gia một số lớp học online về niềm tin tôn giáo, luật Dân sự Việt Nam, luật Nhân quyền quốc tế, người Thượng đứng lên vì công lý, và cách thu thập thông tin để viết báo cáo về vi phạm nhân quyền.
Bình luận về phiên tòa và bản án đã tuyên, nhà hoạt động Võ Ngọc Lục, người theo dõi phiên toà qua loa phóng thanh ở tòa án huyện nói với Đài Á Châu Tự Do:
“… Học về quyền con người thì quá tốt, hồi sáng mình có nói chuyện với anh em an ninh như vậy. Không thể nào mà họ học lớp nhân quyền hay pháp luật qua mạng mà kết tội họ được.
Còn vấn đề thứ hai mà nói họ“đưa tin xuyên tạc sai sự thật” thì suốt phiên toà tôi không thấy đưa ra kết quả giám định nào, video nào (chứng minh- PV) ông này cắt ghép hay thế nào mà toàn kết tội chung chung và mơ hồ.
Nói án quá nặng thì cũng không đúng mà nói họ (tòa án -PV) tuyên một cách vô cớ. Nếu đúng theo luật pháp của thế giới văn minh thì phải thả ông ngay tại phiên toà tuyên ông vô tội và cơ quan điều tra phải xin lỗi ông mới đúng.”
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin, nói ông có hành vi thu thập các thông tin có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật, và đã viết ba bản báo cáo về vi phạm nhân quyền rồi gửi cho “đối tượng phản động ở nước ngoài” qua whatsapp trong năm 2020.
Tòa án cũng cho biết, ông Y Wô Niê có gặp gỡ phái đoàn của tòa đại sứ Hoa Kỳ và tòa tổng lãnh sự khi họ đến Gia Lai vào tháng 6 năm 2020.
Hội đồng xét xử kết luận, các hành động của ông Y Wô Niê gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, làm giảm niềm tin của quần chúng vào chế độ, và ảnh hưởng đến hình ảnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
Ông Y Wô Niê bị bắt tạm giam hồi tháng 9/2020, khi đó công an huyện Cư Kuin nói đã thu giữ nhiều "tài liệu có nội dung, hình ảnh không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm và bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, nhà nước, của chính quyền địa phương, lực lượng công an trên địa bàn huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk."
Ông Y Wô Niê từng bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, chưa được xóa án tích.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhóm người thiểu số ở Tây Nguyên bị đàn áp tôn giáo hay bị tịch thu đất đai mà không được bồi thường thoả đáng. Họ lại bị đàn áp tiếp khi báo cáo các vụ vi phạm nhân quyền này.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông khi Tổng thống Mỹ công du Châu Á
RFA
20/5/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên máy bay đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 19/5/2022
AP
Bắc Kinh cho tiến hành tập trận ở Biển Đông vào khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm hai đồng minh ở Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cơ quan An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam của Trung Quốc mới đây thông báo cho biết Trung Quốc sẽ tập trận ở Biển Đông từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 23 tháng 5. Các tàu thuyền và máy bay được yêu cầu không vào khu vực tập trận. Tuy nhiên thông báo không nêu thêm chi tiết cụ thể.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, nơi các quốc gia Châu Á khác bao gồm Việt Nam cũng có những đòi hỏi về chủ quyền.
Hoa Kỳ không phải là nước có những đòi hỏi về chủ quyền ở vùng nước tranh chấp này nhưng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở khu vực. Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong đó có Nhật Bản thời gian qua đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và tập trận tại vùng biển này.
Tổng thống Joe Biden đã lên đường trong chuyến công du Châu Á kéo dài năm ngày từ hôm 19/5 vừa qua.
Reuters trích nhận định của các chuyên gia về an ninh quốc tế cho rằng, chuyến đi nhằm mang theo một thông điệp rõ ràng với Bắc Kinh rằng “đừng thử những gì Nga đã làm ở Ukraine ở bất cứ nơi đâu tại Châu Á, đặc biệt là Đài Loan.”
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo này cũng cho thấy họ lo ngại về Bắc Hàn và Trung Quốc, đồng thời mong muốn được củng cố liên minh lâu dài với Mỹ.
Nhật Bản là một trong bốn nước thuộc nhóm Quad (gồm Nhật Bản, Australia, Ấn độ và Mỹ).
Trung Quốc nhìn nhận việc hình thành nhóm này là một nỗ lực từ phía Mỹ nhằm cản trở ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị, gây khó cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt Đài Loa phải chấp nhận sự thống trị của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 18/5 lên tiếng chỉ trích cái mà ông gọi là các hành động tiêu cực từ phía Washington và Tokyo chống lại Bắc Kinh.
WB: Thể chế có thể là ‘trở ngại lớn’ để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
19/5/2022
Một góc đường ở Hà Nội. Ngân hàng Thế giới cho rằng trong 35 năm qua, Việt Nam đã triển khai thực thi những ưu tiên phát triển với kết quả chưa được đồng đều.
Thể chế có thể sẽ trở thành trở ngại lớn đối với việc hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, một báo cáo mới công bố hôm 18/5 của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định.
Theo WB, để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện rõ rệt năng lực trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công.
Báo cáo có tên “Để tươi sắc đào xuân - cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” của WB nói mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch COVID-19, toàn cầu hóa chững lại và nguy cơ ngày càng dễ bị tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, trong đó có rủi ro khí hậu.
“GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp năm lần sau ba thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định trong thông cáo đưa ra hôm 18/5.
Theo bà Carolyn Turk, “Cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.”
WB cho rằng trong 35 năm qua, Việt Nam đã triển khai thực thi những ưu tiên phát triển với kết quả chưa được đồng đều. Mặc dù quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa thương mại và hòa nhập xã hội, nhưng vẫn chưa đạt kết quả mong muốn về đẩy mạnh tăng trưởng xanh và nâng cấp hạ tầng cơ bản của quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, WB cho rằng có 5 cải cách thể chế quan trọng mà Việt Nam cần triển khai. Các cải cách này bao gồm: tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân; thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế với quy mô như từng được triển khai trong thời kỳ Đổi mới của thập kỷ 1980 và thành công như triển khai mở cửa thương mại trong hai thập kỷ qua.
Theo dự báo của WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tiến tới mức tăng trưởng GDP trước đại dịch là 6,0 đến 6,5% từ năm 2022 trở đi. Tuy dự báo này được cho là tích cực nhưng vẫn thấp hơn 4.5% so với mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Việt Nam cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng
20/5/2022
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Photo Thanh Tra
Bộ Tài chính Việt Nam vừa cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, hãng tin Reuters, Bloomberg và truyền thông Việt Nam loan tin hôm 20/5, giữa lúc quốc gia này tăng cường trấn áp tệ tham nhũng.
Ông Trần Văn Dũng, 57 tuổi, bị kỷ luật bằng hình thức cách chức do “đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác”, Bộ Tài Chính cho biết trong một quyết định ngày 19/5, nhưng không nêu chi tiết.
Quốc gia Đông Nam Á này hồi tháng 3 kêu gọi đẩy mạnh chống tham nhũng, tập trung vào thị trường tài chính, đấu giá đất, chứng khoán.
Hàng loạt vụ bắt giữ giới chức cấp cao trong ngành tài chính với cáo buộc thao túng thị trường đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, mất 40 tỷ đôla và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển.
Ông Fred Burke, cố vấn cấp cao tại công ty luật Baker McKenzie, cho hãng tin Bloomberg biết việc xử lý này là một hành động cần thực hiện và tất cả đều nên được công khai. “Việc cách chức này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: tuân thủ luật pháp về giao dịch nội gián, tính minh bạch và việc thực thi các quy tắc đó”. Ông nói thêm rằng đây có lẽ là đợt xử lý lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Vào đầu tuần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM Lê Hải Trà và cảnh cáo hàng loạt các quan chức khác do đã có “những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội”.
Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào tháng 7/2017, theo trang web của Bộ Tài chính. Trước đó, ông là Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội kiêm Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
“Một số người tỏ ra hoài nghi và nói rằng đó chỉ là mục đích chính trị. Những người khác nói rằng nó thể hiện một bước tiến trong tính chuyên nghiệp của cơ quan quản lý, ” ông Burke nói với hãng tin Blooomber. “Bất kể động cơ là gì, thị trường nhìn nhận nó như thế nào, chúng ta phải tuân thủ các quy tắc và các quy tắc này nên được thực thi nghiêm túc.”
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi tháng 3 nêu ra hàng loạt sai phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dẫn đến một số cá nhân, tổ chức thao túng thị trường, thu lợi bất chính khi Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.
Hải Phòng: Hơn 100 hộ dân phản đối chính quyền giải toả nuôi ngao để khai thác cát
RFA
20/5/2022
Người dân thu hoạch ngao (Hình minh hoạ)
Dân Việt
Hơn 100 hộ dân làm nghề nuôi ngao tại Hải Phòng đã làm đơn khiếu nại liên quan đến việc di dời, giải toả hoạt động nuôi ngao tại quận Hải An và Kiến Thuỵ do ảnh hưởng đến bốn mỏ cát của các doanh nghiệp đã được cấp phép.
Tờ Dân Việt trong ngày 20/5 đã đăng bài viết thứ 11, trong loạt bài viết liên quan đến việc khiếu nại này, cho biết như vừa nêu.
Trong đơn khiếu nại gửi đến Thanh tra Chính phủ, người dân cho rằng không đồng tình với thông báo cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát hành ngày 10/5/2022 và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giữ nguyên hiện trạng để các hộ dân được tiếp tục nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Nội dung đơn khiếu nại thể hiện, các hộ dân đã khai hoang, cải tạo đầm, bãi để nuôi ngao, sò, don từ trước những năm 1992. Từ đó đến nay, họ đã đầu tư rất nhiều tiền của để mở rộng sản xuất nuôi trồng, do đó nếu cưỡng chế sẽ khiến nhiều hộ dân mất nhà, không có công ăn việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ) theo tờ Dân Việt cho biết, trong ngày 18/5 sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của hơn 100 hộ dân, đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hải Hòng, chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân Trung ương.
Theo báo cáo của Hội nuôi ngao TP Hải Phòng hôm 9/5/2022, hiện tổng sản lượng ngao của các thành viên trong Hội nuôi ngao Kiến Thụy ước đạt khoảng 45.000 tấn/năm, giá trị từ 600 - 1.000 tỷ đồng/năm. Nghề nuôi ngao đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, với thu nhập thường xuyên khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét