Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Thời sự Việt Nam

Thứ trưởng Mỹ Sherman nêu vấn đề nhân quyền với phái đoàn Việt Nam 

13/5/2022 

VOA Tiếng Việt 

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc. Photo: state.gov, VNA.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc. Photo: state.gov, VNA. 

Bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/5 nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc, hối thúc Hà Nội tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.

Nhân quyền, từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và hai bên thường có các phát biểu bất đồng do tồn tại các khác biệt, dù đã qua hơn 25 lượt đối thoại thường niên về nhân quyền.

Thứ trưởng Ngoại giao Sherman đã nêu lên vấn đề nhân quyền và “tầm quan trọng của việc Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết vào tối ngày 12/5, giờ miền đông Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, người đang tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại thủ đô Washington tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN từ ngày 12-13/5.

Dự kiến vào sáng ngày 13/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không rõ liệu ông Blinken sẽ đề cập vấn đề nhân quyền với ông Chính hay không.

Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tin rằng chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền là một trong những ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, với việc Washington liên tục thúc ép Hà Nội thả tù nhân chính trị.

Từ Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nói với VOA rằng việc Hà Nội vừa phóng thích tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa và Trần Thị Thúy ngay trong chuyến công du Mỹ của phái đoàn ông Chính cho thấy sự “mặc cả ngầm” luôn tiếp diễn giữa hai quốc gia cựu thù, và rằng phía Mỹ dường như chưa hài lòng với con số tù nhân được phóng thích quá ít từ phía Việt Nam.

Ông Đài nói:

“Trong hai năm qua, Hoa Kỳ liên tục vận động để các tù nhân lương tâm được trả tự do trong nước hoặc được đi tị nạn chính trị ở nước ngoài, nhưng phía Việt Nam hoàn toàn từ chối.

“Cho đến khi ông Phạm Minh Chính có chuyến đi sang Hoa Kỳ thì phía Việt Nam mới trả tự do cho tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa và cho cựu tù nhân Trần Thị Thúy đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

“Đây là một động thái sau nhiều nỗ lực từ phía Mỹ mà theo tôi là chưa đáp ứng được mong muốn từ phía Hoa Kỳ”.

“Đây là một sự mặc cả đi lại giữa hai bên. Vấn đề này còn tùy thuộc vào sự cứng rắn của phía Hoa Kỳ.”

Luật sư Đài kỳ vọng rằng phía Hoa Kỳ nên dứt khoát trong vấn đề “mặc cả” này và đặt gắn điều kiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân lương tâm với các vấn đề khác như viện trợ phát triển, hỗ trợ kinh tế, viện trợ nhân đạo, thương mại song phương...

Trong khi phái đoàn của Thủ tướng Chính gặp gỡ chính giới và tham gia các hoạt động khác nhau trong suốt chuyến công du kéo dài 7 ngày tại Hoa Kỳ, cộng đồng người gốc Việt tại khu vực thủ đô Washington DC và San Francisco ở bang California dự kiến tổ chức các buổi tình kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm.

Hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, theo đó cho rằng chính quyền Việt Nam bắt bớ tùy tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền, vi phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.

Bộ ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo này, cho rằng nhận định của phía Mỹ là “không khách quan”, “không phản ánh tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Phía Việt Nam nói việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, nói thêm rằng “Việt Nam không chỉ coi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là những nghĩa vụ theo các Điều ước quốc tế về quyền con người mà thực chất xuất phát từ chính lợi ích mang lại cho phát triển đất nước”.

Tổng thống Biden muốn thúc giục lãnh đạo ASEAN lên tiếng về Nga

13/5/2022

Tổng thống Biden muốn thúc giục lãnh đạo ASEAN lên tiếng về Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp hình cùng các lãnh đạo các nước trong khối ASEAN ở Nhà Trắng hôm 12/5/2022 /AFP 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden muốn lãnh đạo các nước ASEAN lên tiếng mạnh mẽ hơn về cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine; tuy nhiên đây tiếp tục là vấn đề tế nhị đối với những nước trong khối có mối quan hệ sâu rộng với Nga như Việt Nam.

AP loan tin và nói rõ bản thân ông Biden nhận thấy khó có sự đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN về vấn đề cuộc chiến xâm lược mà Nga tiến hành tại Ukraine.

Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki vào ngày 12/5 cho biết vấn đề Ukraine sẽ có trong chương trình nghị sự; tuy nhiên bà không thể tiên đoán là trong thông cáo chung của Thượng đỉnh vấn đề cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine có được đề cập đến hay không.

Suốt nhiều năm qua, Việt Nam, Myanmar và Lào là những quốc gia lệ thuộc nhiều vào khí tài quân sự của Nga. Trong khối chỉ có Singapore áp đặt cấm vận trực tiếp đối với Nga vì đã tấn công Ukraine. Ngoài ra, các nước khác tránh chỉ trích Tổng thống Putin hay cuộc chiến do ông này phát động tại Ukraine.

Thượng đỉnh Hoa Kỳ- ASEAN diễn ra trước chuyến công du đến Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đây là chuyến công du Châu Á đầu tiên trong cương vị Tổng thống của ông Biden.

Với Trung Quốc là trọng tâm, Biden cam kết 150 triệu đô la với các nhà lãnh đạo ASEAN 

13/5/2022 

Reuters 

Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc ngày 12/5/2022.

Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc ngày 12/5/2022. 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á với lời hứa chi 150 triệu đô la cho cơ sở hạ tầng, an ninh, chuẩn bị cho đại dịch và các nỗ lực khác nhằm chống lại ảnh hưởng của đối thủ Trung Quốc.

Hôm 12/5, ông Biden bắt đầu hội nghị thượng đỉnh hai ngày với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington với bữa ăn tối dành cho các nhà lãnh đạo tại Tòa Bạch Ốc trước khi hội đàm tại Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu 13/5.

Chính quyền của ông hy vọng những nỗ lực này sẽ cho các nước thấy rằng Washington vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thách thức lâu dài của Trung Quốc, vốn là đối thủ cạnh tranh chính của nước này, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine.

Chỉ trong tháng 11, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ phát triển 1,5 tỷ USD cho các nước ASEAN trong vòng 3 năm để chống lại COVID và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ nói với các phóng viên: "Chúng tôi cần đẩy mạnh vai trò của chúng tôi ở Đông Nam Á". "Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia đưa ra lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn làm rõ rằng Hoa Kỳ tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn."

Cam kết tài chính mới bao gồm đầu tư 40 triệu đô la vào cơ sở hạ tầng nhằm giúp khử khí carbon trong nguồn cung cấp điện của khu vực và 60 triệu đô la cho an ninh hàng hải cũng như khoảng 15 triệu đô la tài trợ y tế để giúp phát hiện sớm COVID-19 và các đại dịch hô hấp khác, một quan chức nói. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp các quốc gia phát triển kinh tế kỹ thuật số và luật trí tuệ nhân tạo.

Cảnh sát biển Hoa Kỳ cũng sẽ triển khai một tàu đến khu vực để giúp các đội tàu địa phương chống lại những gì Washington và các nước trong vùng mô tả là đánh bắt trái phép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cam kết vẫn ít ỏi so với mối quan hệ và ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc trong vùng.

Ông Biden đang làm việc trên nhiều sáng kiến hơn liên quan đến vùng này, bao gồm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tên Xây dựng Lại Thế giới Tốt đẹp hơn và Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Nhưng cả hai đều chưa được hoàn thiện và dự kiến sẽ không nổi bật trong các thông báo tại cuộc họp này.

Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN tập hợp thành một nhóm tại Tòa Bạch Ốc và cuộc họp đầu tiên của họ do một tổng thống Hoa Kỳ chủ trì kể từ năm 2016.

Các nước ASEAN cũng chia sẻ quan ngại về Trung Quốc và rất muốn thúc đẩy quan hệ với Washington.

Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông đã khiến nước này chống lại các thành viên ASEAN là Việt Nam và Philippines, trong khi Brunei và Malaysia cũng đưa ra yêu sách đối với một phần Biển Đông.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng đã thất vọng trước việc Hoa Kỳ chậm trễ trong việc trình bày chi tiết các kế hoạch tham gia kinh tế kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực vào năm 2017.

IPEF dự kiến sẽ được khởi động trong chuyến đi của ông Biden tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Nhưng các nhà phân tích và ngoại giao cho biết chỉ có hai trong số 10 quốc gia ASEAN - Singapore và Philippines - dự kiến sẽ nằm trong nhóm các quốc gia ban đầu đăng ký tham gia các cuộc đàm phán theo IPEF, vốn hiện không mang lại khả năng tiếp cận thị trường mở rộng mà các quốc gia châu Á thèm muốn, vì mối quan tâm của ông Biden đối với công ăn việc làm của người Mỹ.

Các nhà phân tích nói rằng mặc dù các nước ASEAN chia sẻ mối quan ngại của Hoa Kỳ về Trung Quốc, nhưng họ vẫn thận trọng về việc đứng về phe với Washington hơn, do mối quan hệ kinh tế chủ yếu của họ với Bắc Kinh và các ưu đãi kinh tế hạn chế của Hoa Kỳ.

Một cố vấn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhậm chức từ năm 1985 nhưng mới thực hiện chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên, nói với Reuters rằng ông Biden nên dành nhiều thời gian hơn với các nhà lãnh đạo nếu ông nghiêm túc muốn nâng cao quan hệ với vùng này.

Cố vấn, Kao Kim Hourn, cho biết Campuchia, quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, sẽ không "chọn phe" giữa Washington và Bắc Kinh mặc dù đầu tư của Hoa Kỳ vào đất nước của ông đang tăng lên.

Boeing muốn mở cơ sở tại Việt Nam 

12/5/2022 

VOA Tiếng Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing. Photo VOV.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing. Photo VOV. 

Trong cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 11/5 tại thủ đô Washington, đại diện tập đoàn sản xuất máy bay Boeing cho biết họ muốn mở cơ sở tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam của Tập đoàn Boeing, truyền thông Việt Nam loan tin. Ngoài ra, ông Chính đề nghị Boeing mở cơ sở bảo hành, bảo trì có chính sách giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn.

Ông Chính cho biết như trên khi tiếp ông Marc Allen, Phó chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển doanh nghiệp kiêm Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn Boeing.

Thủ tướng Chính cho biết lĩnh vực hàng không của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới và Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam, theo trang Thanh Niên.

Ông Allen cho hay Boeing hiện đang quan tâm tới việc hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ông mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không…

Truyền thông Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Chính nói rằng ông mong muốn Boeing hợp tác với phía Việt Nam trên tinh thần “đã nói phải làm”.

VOA đã liên lạc tập đoàn Boeing để tìm hiểu thêm về các kế hoạch mở rộng cơ sở và hợp tác tại Việt Nam như truyền thông trong nước loan tin, nhưng chưa được phản hồi.

Hiện Boeing là đối tác cung cấp máy bay và dịch vụ hàng không liên quan cho Vietnam Airlines và VietJet Air. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác 11 chiếc máy bay Boeing 787-9 và 4 chiếc máy bay Boeing 787-10, phục vụ các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và Châu Âu cũng như các đường bay trong nước và khu vực.

Theo trang Thanh Niên, tập đoàn Boeing dự kiến sẽ mở rộng trong các lĩnh vực như đào tạo hàng không, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước, tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội (CRS).

“Boeing từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của Việt Nam và trong hơn 25 năm, Boeing đã nỗ lực phát triển và củng cố năng lực hàng không vũ trụ của Việt Nam”, trang thông tin của tập đoàn này viết. Vào tháng 8/2021, Boeing mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội.

Tập đoàn Boeing, hiện hỗ trợ, phục vụ khách hàng ở 150 quốc gia, là nhà sản xuất hàng đầu máy bay phản lực thương mại, hệ thống phòng thủ, hàng không vũ trụ và an ninh, đồng thời là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét