Võ Thái Hà tổng hợp
Chiến tranh Ukraina: Quân Nga đồng loạt oanh kích hơn 40 đô thị vùng Donbass
Thành phố Severodonetsk, miền đông Ukraine, bị quân Nga pháo kích ngày 21/05/2022. AFP - ARIS MESSINIS
Quân đội Nga khép chặt gọng kìm xung quanh thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk và tăng cường tấn công trên toàn chiến tuyến vùng Donbass. Theo phía Ukraina, quân Nga đồng loạt oanh kích hơn 40 thành phố, thị trấn. Kiev yêu cầu đồng minh phương Tây khẩn trương viện trợ thêm ''vũ khí hạng nặng'' để kháng cự với quân Nga.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin từ trang mạng Facebook của quân đội Ukraina hôm qua, 25/05/2022 : ‘‘Lực lượng chiếm đóng đã pháo kích vào hơn 40 đô thị ở Donetsk và vùng Lugansk, phá hủy hoặc làm hư hại 47 vị trí dân sự, bao gồm 38 nhà ở và một trường học. Hậu quả của đợt pháo kích này khiến 5 dân thường chết và 12 người bị thương’’. Cũng thông báo nói trên, cho biết ‘‘10 cuộc tấn công của quân thù đã bị đẩy lùi, 4 xe tăng và 4 máy bay không người lái bị phá hủy, và 62 ‘lính địch’ bị giết’’.
Riêng về tình hình thành phố Severodonetsk, đang bị quân Nga dồn lực tấn công, trên mạng Telegram tối hôm qua, thống đốc tỉnh Lugansk phía chính quyền Kiev, ông Serguiï Gaïdaï, cho biết quân Nga đang liên tục tấn công hủy diệt thành phố, với pháo phản lực đa nòng Smertch và Tornado. Chiến sự diễn ra ngay sát khu vực ngoại ô thành phố. Theo thống đốc Serguiï Gaïdaï, ‘‘tuần tới sẽ là tuần lễ quyết định’’.
Thành phố Severodonetsk là một trong những đô thị quan trọng cuối cùng tại tỉnh Lugansk hiện còn do Ukraina kiểm soát. Nếu chiếm được Severodonetsk, quân Nga coi như kiểm soát được toàn bộ tỉnh Lugansk. Hãng tin Nga Interfax dẫn lời một đại diện của lực lượng ly khai thân Nga, ẩn danh, cho biết Severodonetsk đã bị ‘‘bao vây’’ từ ba mặt, và cây cầu duy nhất cho phép rời khỏi thành phố kể từ giờ đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. AFP hiện chưa thể kiểm chứng được thông tin này.
Ngược lại, theo thống đốc Serguiï Gaïdaï, chính quyền Ukraina vẫn còn có thể tiếp tục phân phát cứu trợ và tổ chức sơ tán khỏi thành phố Severodonetsk. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ukraina, Oleksandre Motouzyanyk, hôm qua cho biết, các lực lượng Nga đã giành được ‘‘một số thắng lợi chiến thuật tạm thời’’ tại một số khu vực, tuy nhiên, bác bỏ việc quân đội Ukraina đang phải lùi bước.
Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, ở Thụy Sĩ, ngoại trưởng Ukraina, ông Dmytro Kuleba, khẳng định quân đội Nga được trang bị tốt hơn hẳn phía Ukraina về một số loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt về ‘‘pháo phản lực đa nòng’’, khiến tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía Nga. Kiev kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn trương cung cấp loại vũ khí này.
BONO VÀ THE EDGE CỦA BAN NHẠC U2 BIỂU DIỄN MỘT BUỔI HÒA NHẠC BẤT NGỜ DƯỚI TRẠM TÀU ĐIỆN NGẦM Ở KIEV
Được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mời biểu diễn tại Kiev, Bono và The Edge đã biểu diễn một số bài hát kinh điển của ban nhạc U2, dưới trạm tàu điện ngầm ở thủ đô Ukraine.
Bono trong buổi hòa nhạc bất ngờ dưới trạm tàu điện ngầm ở Kiev, ngày 8 tháng 5 năm 2022. Ảnh: VALENTYN OGIRENKO VIA REUTERS.
CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE – Được dùng làm nơi trú ẩn cho cư dân trong một phần cuộc chiến ở Ukraine, vào hôm Chủ nhật vừa qua, ngày 8 tháng 5, trạm tàu điện ngầm ở Kiev đã tổ chức một buổi hòa nhạc của Bono cùng với tay chơi đàn guitar The Edge, đáp lại lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hai ngôi sao của ban nhạc U2 đã chơi một số bài hát kinh điển của họ để tôn vinh cuộc chiến đấu vì “tự do” của người Ukraine.
Từ sân ga của một trạm tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô Ukraine, biểu tượng của nhạc rock, 61 tuổi, đã hát những tác phẩm kinh điển của ban nhạc U2, Sunday Bloody Sunday, Desire và With or without you, trước một đám đông nhỏ người hâm mộ, trong đó có các thành viên của Lực lượng vũ trang Ukraine.
“Tổng thống Zelensky đã mời chúng tôi đến biểu diễn ở Kiev để thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi với người dân Ukraine, và đây là những gì chúng tôi đã đến để làm”, Bono và The Edge đã tweet vào đầu giờ chiều nay.
Tổng thống Philippines khẳng định dùng phán quyết Tòa Trọng Tài để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Đăng ngày: 26/5/2022
Tổng thống tân cử Philippines Ferdinand Marcos Jr., ngày 07/05/2022 tại thành phố Paranaque, Philippines. AP - Aaron Favila
Trọng Thành
Tổng thống tân cử Philippines hôm nay, 26/05/2022, đưa ra một phát biểu cứng rắn về Biển Đông. Ông Ferdinand Marcos Jr. khẳng định giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, và không để Bắc Kinh chà đạp lên chủ quyền quốc gia tại vùng biển này.
Theo AFP, trả lời truyền thông địa phương, tổng thống tân cử Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh: "Chúng ta đã có được một phán quyết rất quan trọng có lợi cho chúng ta, và chúng ta sẽ sử dụng phán quyết này để tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Đây không phải là một yêu sách. Đây là quyền lãnh thổ của chúng ta".
Phát biểu của ông Ferdinand Marcos Jr. được coi là cứng rắn hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trước các đe dọa từ Trung Quốc. Ông Ferdinand Marcos Jr., sẽ nhậm chức ngày 30/06, khẳng định ‘‘sẽ nói chuyện với Trung Quốc một cách nhất quán với lập trường kiên quyết này’’. Tổng thống tân cử Philippines một lần nữa khẳng định "sẽ không cho phép một milimet nào của chủ quyền trên biển của chúng ta bị chà đạp".
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, đưa ra vào tháng 7/2016, trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông được coi là một thắng lợi về pháp lý quan trọng đối với Philippines. Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Tuy nhiên, tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte khi lên cầm quyền đã có nhiều phát biểu hạ thấp giá trị của phán quyết này, với mục tiêu siết chặt quan hệ với Trung Quốc.
Phát biểu cứng rắn về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng tổng thống tân cử Philippines cũng nhắc lại là điều quan trọng là phải tránh chiến tranh, và Philippines không có khả năng đối đầu Trung Quốc về quân sự. Ông Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Philippines sẽ tìm cách đạt được ‘‘thế cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia hiện đang cạnh tranh để có quan hệ chặt chẽ nhất" với chính quyền Manila. ‘‘Chính sách đối ngoại độc lập, làm bạn với tất cả là giải pháp duy nhất’’, theo tổng thống tân cử.
Ông Tập Cận Bình gặp Cao ủy Nhân quyền LHQ sau khi Mỹ chỉ trích chuyến thăm của bà
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc – Bà Michelle Bachelet
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp qua video với Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) Michelle Bachelet vào ngày 25/5, một ngày sau khi các tài liệu mới tiết lộ những vi phạm nhân quyền của chế độ nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được công bố.
Bà Bachelet bắt đầu chuyến đi 6 ngày của mình tới Trung Quốc từ hôm 23/5. Đây là chuyến đi đầu tiên của một người đứng đầu nhân quyền LHQ đến quốc gia này kể từ năm 2005. Bà sẽ đến thăm Kashgar và Urumqi, cả hai đều ở khu vực Tân Cương, nơi mà LHQ ước tính có khoảng 1 triệu người người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ.
Các cựu tù nhân đã kể lại những hành vi lạm dụng bên trong các cơ sở, chẳng hạn như tuyên truyền chính trị, tra tấn, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và cưỡng hiếp. Trong khi chính quyền Bắc Kinh phủ nhận toàn bộ các hành vi lạm dụng nói trên, Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác lại tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng.
Nhiều quan chức phương Tây và những người ủng hộ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích chuyến thăm này. Họ quan ngại chế độ Trung Quốc sẽ giới hạn số lượng người mà bà Bachelet có thể tiếp cận nói chuyện, thậm chí còn tận dụng theo sát chuyến thăm và sử dụng nó cho mục đích tuyên truyền.
Trong cuộc gọi điện video hôm 25/5, ông Tập bác bỏ những lời chỉ trích và bảo vệ quan điểm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khẳng định tất cả đều “phù hợp với điều kiện quốc gia của chính mình”, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
“Về vấn đề nhân quyền, không có ‘quốc gia lý tưởng’ hoàn hảo,” ông Tập cho hay.
Đáng chú ý, bản tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề đề cập đến Tân Cương.
CCTV cũng dẫn lời bà Bachelet rằng, bà rất “ngưỡng mộ” những nỗ lực và thành tựu của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề nghèo đói và nhân quyền.
Trong một dòng tweet từ văn phòng của bà Bachelet hôm 25/5, bà mô tả cuộc gặp với ông Tập và các quan chức cấp cao của Trung Quốc là cơ hội quý giá để thảo luận trực tiếp các vấn đề và đặc biệt là mối quan tâm về nhân quyền.
“Đối với tôi, việc tham gia trực tiếp với Chính quyền Trung Quốc… bàn về các vấn đề nhân quyền, trong nước, khu vực và toàn cầu là một mối ưu tiên,” bà Bachelet bày tỏ trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp, theo một tuyên bố của LHQ. “Vì sự phát triển, hòa bình và an ninh để đạt được sự bền vững – tại cả ở địa phương và xuyên biên giới – nhân quyền phải là vấn đề cốt lõi.”
Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi hàng nghìn bức ảnh chụp về tình cảnh bị giam giữ của nhóm người Duy Ngô Nhĩ, cũng như tài liệu của cảnh sát Tân Cương được công bố bởi nhóm vận động Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Washington. Số lượng dữ liệu này, được gọi là Hồ sơ cảnh sát Tân Cương, được cho là bị lộ sau khi các máy chủ máy tính của cảnh sát ở Tân Cương bị tấn công, và sau đó được báo chí toàn cầu đưa tin rộng rãi.
Bà Bachelet bắt đầu chuyến đi của mình từ thành phố cảng phía Nam Quảng Châu, tại đây bà đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tuyên bố trên trang web của bộ này còn đăng một bức ảnh cho thấy ông Vương gửi cho bà Bachelet một cuốn sách trích dẫn bình luận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về nhân quyền.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến đi được thực hiện trong một “vòng khép kín”, một cơ chế từng được sử dụng trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nơi mọi người gần như không có tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, sẽ không có bất cứ nhà báo nào được đồng hành với bà Bachelet. Văn phòng của bà cho hay, bà Bachelet sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào cuối chuyến đi.
Trước đó, ngày 20/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về chuyến thăm sắp tới”. Ông nói thêm, Hoa Kỳ “không lạc quan rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ cấp quyền tiếp cận cần thiết và đủ để tiến hành một đánh giá toàn diện, không sai lệch về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.”
“Chúng tôi cho rằng thật sai lầm khi đồng ý đến thăm trong hoàn cảnh này, khi mà cao ủy sẽ không được cấp quyền tiếp cận rộng rãi, tự do và đầy đủ để có đánh giá toàn diện và ghi lại được bức tranh toàn cảnh về những hành động tàn bạo, tội ác chống lại loài người, và cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương,” ông Price nhấn mạnh.
Minh Ngọc
Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc đang gấp rút ký thỏa thuận với các quốc đảo Thái Bình Dương
26/5/2022
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói với các phóng viên hôm 25/5 rằng Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách đạt được các thỏa thuận với các quốc đảo Thái Bình Dương trong một quá trình gấp rút và không minh bạch.
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 25/5 rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận toàn khu vực với gần chục quốc đảo Thái Bình Dương về hợp tác cảnh sát, an ninh và truyền thông dữ liệu khi Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì một cuộc họp ở Fiji vào tuần tới.
Nga sẽ vỡ nợ
25/05/2022
Tác giả: Laura Kukkonen
Nguyễn Xuân Oánh, lược dịch
25-5-2022
Nga một lần nữa sẽ dẫn đến vỡ nợ, Hoa Kỳ hiện đang đóng một lỗ hổng để ngăn chặn Nga thanh toán các hoá đơn.
Tình trạng vỡ nợ của Nga vẫn có thể xảy ra do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Hiện giờ Hoa Kỳ đang siết chặt hơn và sẽ ngăn chặn các ngân hàng của họ chấp nhận các khoản thanh toán của Nga.
Nga đã bị trừng phạt kinh tế kể từ khi bắt đầu cuộc xâm chiếm ở Ukraine. Trên nguyên tắc cấm các giao dịch thanh toán đối với Bộ Tài chính Nga, ngân hàng trung ương của nước này hoặc quỹ phúc lợi quốc gia của họ. Nga có đủ khả năng thanh toán các hóa đơn, nhưng các lệnh trừng phạt nhằm để ngăn chặn các khoản thanh toán của Nga.
Hoa Kỳ có giấy phép đặc biệt được áp dụng để nhận các khoản thanh toán lãi suất và việc trả nợ của Nga. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã quyết định không gia hạn giấy phép này, hiện đã hết hạn vào thứ Tư, ngày 25 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, theo giờ Phần Lan.
Quyết định này khiến các chủ nợ nước ngoài khó thanh toán các trái phiếu của chính phủ Nga và hiện giờ vẫn chưa rõ liệu điều này có chắc chắn sẽ dẫn đến việc Nga mất khả năng thanh toán hay không, có vỡ nợ hay không.
Nga vẫn có thể thanh toán cho các chủ nợ không phải từ phía Hoa Kỳ. Theo hãng tin Bloomberg, hầu hết các chủ nợ của Nga đều ở châu Âu.
Hoá đơn 100 triệu đô la tiếp theo của Nga sẽ đến hạn vào thứ Sáu. Họ đã chuyển tiền từ tuần trước vì họ biết giấy phép đặc biệt sẽ hết hạn ngày 25-5-2022.
“Có vẻ như Điện Kremlin đã cố gắng lường trước điều này bằng cách thanh toán các hóa đơn đúng hạn”, Hassan Malik Bloomberg, nhà phân tích cấp cao tại Loomis Sayles & Co ở Boston, cho biết.
“Ngay cả khi họ không mất khả năng thanh toán với các khoản thanh toán này, vấn đề vẫn tiếp tục diễn ra”.
Ngay cả khi Nga không nhận được hóa đơn của mình trước hạn, họ vẫn có thời gian 30 ngày để giải quyết món nợ của họ.
Nga phải trả tổng cộng khoảng 1 tỷ USD các khoản tiền liên quan đến nợ vào cuối năm nay.
Klaus Tuori, một nhà nghiên cứu về pháp lý của thị trường tài chính, đã ước tính trong một trường hợp nếu Nga mất khả năng thanh toán sẽ không ảnh hưởng trầm trọng trong thị trường tài chính ở phương Tây.
“Thị trường phương Tây đã chuẩn bị cho tình trạng vỡ nợ của Nga trong một thời gian dài, vì vậy khó có thể tưởng tượng rằng sẽ có bất kỳ sự hoảng loạn nào trên thị trường tài chính. Có vẻ như các biện pháp trừng phạt đã gây tác hại như dự kiến và các nhà đầu tư cũng biết về những hậu quả này”, ông Tuori cho biết.
Ông Niko Herrala, trưởng phòng về Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Phần Lan, cũng cho biết rằng không có sự gián đoạn lớn nào trên thị trường tài chính nếu Nga bị vỡ nợ.
Theo ông Herrala, “mức độ rủi ro của các ngân hàng và các nhà đầu tư phương Tây đối với nợ của chính phủ Nga chỉ ở mức vừa phải mà thôi”.
Nhiều câu hỏi xoay quanh việc Tiểu đoàn Azov đầu hàng
Tiểu đoàn Azov của Ukraine đã cầm chân quân Nga tại thành phố Mariupol suốt 12 tuần qua. Nhưng vào thứ Năm này, Tòa án Tối cao của Nga dự kiến sẽ tuyên bố Azov là một “tổ chức khủng bố.”
Đây là một nhóm quân sự gây tranh cãi, với một số liên hệ trong quá khứ với chính trị cực hữu, đã bị Nga xem là một tổ chức “cực đoan” từ lâu. Do đó, tuyên bố của toà dường như là để chuẩn bị cho một phiên tòa xét xử những binh sĩ đã đầu hàng quân Nga hồi đầu tháng này. Cho đến nay Điện Kremlin đã thường xuyên sử dụng Azov để biện minh cho cuộc chiến tranh, mà họ mô tả là một “chiến dịch quân sự” nhằm “phi phát xít hóa” Ukraine.
Không rõ thoả thuận giữa các bên ra sao để cuối cùng Ukraine quyết định đầu hàng ở Mariupol. Các quan chức chính phủ đã từ chối bình luận, nói rằng bất kỳ tuyên bố nào cũng có thể gây nguy hiểm các quân nhân. Dường như đã có một số cam kết về việc trao đổi tù binh chiến tranh – nhưng không nhất thiết là phải trước phiên tòa.
Sau hơn một thập niên lập quốc, Nam Sudan vẫn hỗn loạn
Quốc gia trẻ nhất thế giới có vô vàn những rắc rối. Được thành lập vào năm 2011, Nam Sudan đã trải qua phần lớn 11 năm đầu tiên của mình trong xung đột sắc tộc về quyền lực và quyền tiếp cận nguồn thu dầu mỏ. Một bên là lực lượng trung thành với tổng thống Salva Kiir; với một bên là những người ủng hộ phó tổng thống Riek Machar. Thỏa thuận hòa bình năm 2018 đáng lẽ đã khép lại 5 năm nội chiến. Nhưng các điều khoản của nó đã bị làm ngơ hoặc bị lợi dụng làm cơ sở cho mạng lưới chính trị bảo trợ và tham nhũng. Thiếu tiến bộ về thỏa thuận hòa bình, vốn được vạch ra gần đây trong một báo cáo do các quan sát viên chỉ định của LHQ viết, sẽ khiến LHQ vào thứ Năm này phải bỏ phiếu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và đóng băng tài sản đối với Nam Sudan.
Còn đối với người dân Nam Sudan, cuộc sống thật nghiệt ngã. Các tổ chức phi chính phủ đã ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở nước này. Vào tháng 3, Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo về “nạn đói tồi tệ nhất từ trước đến nay” ở Nam Sudan. Sau độc lập, mọi chuyện lại trở nên tệ đi.
Kỳ họp khác thường của Diễn đàn Davos
Cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kết thúc vào thứ Năm này, là một nghiên cứu về sự trái ngược – đặc biệt là giữa những người trực tiếp tham dự và hàng tỷ người khác có số phận đang được quyết định ở Davos. Lần này, khác biệt lớn nằm giữa triển vọng u ám của thế giới với niềm vui được họp trực tiếp sau hai năm rưỡi đại dịch.
Chiến tranh (ở Ukraine), dịch bệnh (những ảnh hưởng kéo dài của covid-19, đặc biệt là ở Trung Quốc) và nạn đói (với giá lương thực cao ngất trời) đứng đầu một chương trình nghị sự không mấy vui vẻ. Chính sách zero covid khiến nhiều người Trung Quốc không thể đến, trong khi người Nga bị cấm tham gia. Số lượng người tham dự, do đó, có lẽ đã giảm một nửa so với những năm trước, và các công ty chỉ tập trung vào các bữa tiệc và những cuộc tụ họp. Tuy nhiên Davos cũng không hoàn toàn vô dụng. Người tham dự cho biết các cuộc gặp thẳng thắn bên lề vẫn rất có ích.
Kết quả kém lạc quan của Alibaba
Trong những ngày đầu của đại dịch covid-19, phong toả và các biện pháp hạn chế khác đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng ở Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh đã phát triển nhanh chóng trong phần lớn năm 2020 đối với những công ty như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay siêu ứng dụng giao hàng Meituan. Nhưng hai năm trôi qua, và với việc Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược zero-covid, các hạn chế đã bắt đầu làm ảnh hưởng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng và kéo cầu giảm. Do đó, triển vọng cho Alibaba cũng tối đi đáng kể.
Khi Alibaba báo cáo thu nhập quý vào thứ Năm, các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận sẽ giảm ít nhất 50% so với quý trước. Điều này một phần do nhu cầu yếu đi, một phần vì Alibaba từng là một trong những mục tiêu chính bị chính phủ đàn áp về mặt quy định. Phong toả đang dần được dỡ bỏ trong khi một số nhà phân tích tin rằng đàn áp công nghệ cũng qua đi. Nếu thật vậy, Alibaba sẽ dần dần hồi phục.
Trung Quốc nhấn mạnh lại về mối quan hệ khăng khít với Nga
Ngân Hà
Trung Quốc đã nhấn mạnh lại về mối quan hệ khăng khít với Nga trong bối cảnh có nhiều áp lực từ các nhà lãnh đạo thế giới muốn Bắc Kinh tách khỏi Moscow.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng mối quan hệ của nước này với Nga có thể “chịu được thử thách mới về tình hình quốc tế đang thay đổi”, theo báo cáo từ hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN.
“Hợp tác giữa Trung Quốc và Nga có sức mạnh nội sinh mạnh mẽ và giá trị độc lập. Nó không nhằm vào các bên thứ ba và sẽ không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài”, ông Uông nói.
Ông nói thêm rằng hai quốc gia có kế hoạch thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương chân chính” và “phản đối chủ nghĩa bá quyền quốc tế.”
Phát biểu của ông được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, kêu gọi Trung Quốc thúc giục Nga chấm dứt chiến tranh.
Sau cuộc họp vào ngày 14/5, các nước G7 – đã khuyến khích Trung Quốc “thúc giục Nga ngừng xâm lược quân sự đối với Ukraine.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, không làm suy yếu các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không biện minh cho hành động của Nga ở Ukraine và không can dự vào việc thao túng thông tin, làm sai lệch thông tin và các phương tiện khác để hợp pháp hóa cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine”, G7 viết trong một tuyên bố mà không đi sâu chi tiết về những hậu quả có thể xảy ra khi Trung Quốc giúp đỡ Nga.
Bất chấp những nỗ lực này, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục tìm cách tăng cường mối quan hệ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm thứ Hai cho biết Moscow hiện đang tìm cách phát triển hơn nữa mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Ông Lavrov cho biết: “Giờ đây, khi phương Tây đã trở thành một ‘nhà độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa”.
Trung Quốc trước đó đã ủng hộ lý do biện minh của Nga cho cuộc xâm lược, cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng “cách tiếp cận đối đầu” và cố gắng “gây mất ổn định châu Á và toàn thế giới” sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ sự thất vọng trước việc Trung Quốc từ chối lên án hành động của Nga.
Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ là “kẻ chủ mưu” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm việc mở rộng NATO.
Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết, bất chấp sự ủng hộ của mình, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã cung cấp cho Nga vũ khí để trợ giúp trong cuộc xung đột, mặc dù Nga đã yêu cầu viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế.
Tuy vậy, mới đây hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung đầu tiên kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Bộ Tứ gặp mặt tại Tokyo.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói rằng động thái này có khả năng là một hành động khiêu khích nhằm chọc tức Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo mới đắc cử của Australia, Anthony Albanese, khi họ gặp nhau ở Tokyo để thảo luận về cách kiềm chế sự hung hăng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét