Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ ba 31 tháng 5 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

TT Mỹ không cung cấp cho Ukraina pháo phản lực có thể bắn tới Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi đi thăm nhà máy chế tạo vũ khí Lockheed Martin, ở Troy, Alabama, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2022. REUTERS - JONATHAN ERNST 

Mặc dù có những lời kêu gọi ngày càng khẩn thiết của Ukraina, tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/05/2022 đã loại trừ khả năng chuyển giao cho Ukraina các hệ thống phóng pháo phản lực tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga. 

Phát biểu với các phóng viên vào sáng hôm qua, tổng thống Mỹ cho biết là Hoa Kỳ “sẽ không gửi sang Ukraina các hệ thống pháo phản lực có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga”.

Tuyên bố được ông Joe Biden đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ trong những ngày gần đây cho rằng Washington đang chuẩn bị chuyển giao các hệ thống pháo phản lực hàng loạt tầm xa (MLRS) cho chính quyền Kiev, sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung 40 tỷ đô la cho Ukraina.

Một loại hệ thống phóng pháo phản lực thứ hai cũng đã được nhắc đến: Hệ thống Himars, với tầm bắn từ 70 đến 150 km, xa hơn nhiều so với các khẩu đội pháo M777 – chỉ có tầm bắn hiệu quả không quá 40km - hiện đang được chuyển giao cho Kiev.


Về các thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby không xác nhận việc viện trợ cho Ukraina hệ thống pháo phản lực MLRS M270 - phương tiện hiện đại cơ động cao với tầm bắn 300 km. Một quan chức Mỹ hôm qua cho biết là Washington vẫn đang cân nhắc việc cung cấp các hệ thống pháo phản lực MLRS, nhưng là loại không có khả năng tấn công tầm xa.

Phía đảng Cộng Hòa đã lập tức chỉ trích tổng thống Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham đã gọi quyết định của tổng thống Joe Biden là “hành vi phản bội Ukraina và bản thân nền dân chủ.” Theo ông Graham, “chính quyền Biden một lần nữa lại bị lời lẽ hung hăng của Nga đe dọa”.

Trong thời gian gần đây, các quan chức Ukraina đã nhiều lần yêu cầu được phương Tây cung cấp thêm vũ khí hạng nặng. Trên Twitter, ông Mykhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraina, không ngần ngại chỉ trích: “Một số đối tác tránh giao vũ khí cần thiết vì sợ leo thang. Có thật là leo thang không, khi Nga đang dùng đến loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất, thiêu cháy những người còn sống. Có lẽ đã đến lúc (...) cung cấp cho chúng ta các loại MLRS (giàn phóng tên lửa hàng loạt)?”

Vào tuần trước tại Davos, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng cảnh báo rằng: “Các quốc gia đang chùn chân trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina phải hiểu rằng mỗi ngày mà họ bỏ ra để quyết định, cân nhắc các lập luận khác nhau, là mỗi ngày có thêm người bị giết”.

Paris sẽ “tăng cường” giao vũ khí cho Ukraina

Cũng về viện trợ quân sự cho Ukraina, tân ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 30/05 đã khẳng định tại Kiev là Paris sẽ “tiếp tục và tăng cường” các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraina.

Trong một cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kouleba, ngoại trưởng Pháp cho biết là chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đã thông báo quyết định của mình cho tổng thống Zelensky về việc tiếp tục và thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina”.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Macron đã thông báo việc gửi thiết bị quân sự tới Kiev, đặc biệt là đại pháo tự hành Caesar, loại vũ khí mà chính ngoại trưởng Ukraina đánh giá là “đáng tin cậy và hiệu quả”.

Bà Colonna cho biết rằng các chuyến giao thiết bị quân sự khác có thể diễn ra trong “những tuần tới”. Ước tính tổng số tiền viện trợ mà Pháp cấp cho Ukraina đã lên đến hai tỷ đô la, cả quân sự lẫn nhân đạo.

Đối với ngoại trưởng Colonna,“Pháp không lâm chiến với Nga, nhưng rất quyết tâm trong việc cung cấp thiết bị quốc phòng cho Ukraina". Mục tiêu, theo bà Colonna, là “làm cho cái giá của việc tiếp tục chiến tranh trở thành không thể chịu đựng được đối với Nga”.

Chiến tranh Ukraina : Liên Âu đồng thuận về loạt trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga

31/5/2022

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tới dự thượng đỉnh Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. REUTERS - JOHANNA GERON 

Ukraina đã giành được một chiến thắng trên mặt trận cấm vận dầu khí của Nga ? Hôm qua, 30/5/2022, sau một ngày họp căng thẳng, lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được một đồng thuận về loạt trừng phạt mới, loạt thứ sáu, nhắm vào Nga. Thỏa thuận này đặc biệt cho phép thiết lập một lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga.  

Từ Bruxelles, đặc phái viên đài RFI, Valérie Gas cho biết cụ thể : 

« Đúng vào nửa đêm, làn khói trắng bốc lên từ cuộc họp của lãnh đạo Liên Âu – hình ảnh ví von như cuộc bầu giáo hoàng thành công, một thông báo rất được trông đợi : Một thỏa thuận ngưng nhập khẩu khoảng 90% dầu hỏa của Nga từ đây đến cuối năm. Thỏa thuận liên quan đến việc giảm dần nhập khẩu dầu lửa qua đường biển, chiếm đến 2/3 lượng mua, cộng với việc Đức và Ba Lan cam kết ngưng nguồn nhập bằng đường bộ từ đây đến năm 2023.  

Sự ngập ngừng của Hungary, vốn bị phụ thuộc nhiều vào dầu hỏa của Nga, cuối cùng cũng đã được giải quyết. Hungary đã có được một thời hạn để nhập khẩu và những bảo đảm về nguồn cung ứng để chấp nhận các đề xuất của Liên Âu và cho phép thông qua loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga.  

Nhiều biện pháp khác cũng được dự trù : Sherbank, ngân hàng lớn nhất của Nga chẳng hạn sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống SWIFT ; ba kênh truyền hình của Nga sẽ bị cấm hoạt động cũng như nhiều trừng phạt khác nhắm vào các cá nhân có can dự vào cuộc chiến sẽ được đưa ra.  

Mục tiêu ở đây, đặc biệt là từ phía Pháp, là buộc Nga phải « đánh giá lại chi phí chiến tranh » của mình. Khi đồng thuận về những loạt trừng phạt mới, châu Âu cuối cùng đã vượt qua được những chia rẽ để thể hiện tình đoàn kết với Ukraina. »  

Theo giải thích chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cấm vận dầu lửa của Nga sẽ được tiến hành từng bước, ngừng nhập dầu thô trong sáu tháng tới, ngừng nhập các loại sản phẩm đã qua tinh chế, trong tháng tới/ Biện pháp này là vấn đề gai góc nhất gây nhiều tranh cãi do vấp phải sự phản đối từ Budapest. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, thủ tướng Hungary, Victor Orban hoan nghênh Liên Âu miễn trừ cấm nhập khẩu dầu hỏa bằng hệ thống ống dẫn trên bộ. 

Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu cũng nhất trí cấp một khoản tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraina để trang trải nhu cầu tiền mặt trong trước mắt và điều hành nền kinh tế. Kiev ước tính mỗi tháng cần đến 5 tỷ euro. Châu Âu khẳng định đây là khoản « cho vay dài hạn » với lãi suất ưu đãi.

Sinh viên Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) biểu tình lớn, hô vang ‘Đả đảo bệnh quan liêu’

Xuân Hoa

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/ntdvn_id13746215-ftsvhtywiaaikyi-600x400-1b.jpeg

Sinh viên Đại học Thiên Tân biểu tình trong khuôn viên trường vào ngày 26/05/2022. (Ảnh chụp màn hình The Epoch Times) 

Cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên đã nổ ra tại Thiên Tân để phản đối các cuộc phong tỏa hà khắc của chính quyền. Cùng với ở Bắc Kinh và ở các thành phố khác, các cuộc biểu tình này đã diễn ra trước dịp kỷ niệm Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn xảy ra vào ngày 04/06/1989.

Thiên Tân là thành phố cảng lớn nằm ở phía bắc Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối với các trường đại học từ tháng 1/2022 khi làn sóng COVID-19 mới bùng phát. Đại học Thiên Tân bị phong tỏa từ ngày 08/01, ‘giam giữ’ tất cả sinh viên trong ký túc xá và không cho phép họ về nhà trong kỳ nghỉ đông.

Đại học Thiên Tân được thành lập vào năm 1895, là một trong những trường đại học kiểu phương Tây sớm nhất của Trung Quốc. Hiện tại, nơi đây có 33.159 sinh viên toàn thời gian sống trong các khu ký túc xá.

Các cuộc biểu tình nổ ra khi quận Nankai của thành phố, nơi có Đại học Thiên Tân, thông báo sẽ áp dụng biện pháp “quản lý tĩnh” vào ngày 26/05; có nghĩa là người dân bị cấm rời khỏi nhà, giao thông công cộng dừng hoạt động và doanh nghiệp phải đóng cửa.

Các video đăng tải trên mạng Internet cho thấy hàng trăm sinh viên đã tập hợp tại Quảng trường Bắc Dương (Beiyang Square) của Đại học Thiên Tân vào buổi tối ngày 26/05. Họ hô vang “Đả đảo thói hình thức! Đả đảo bệnh quan liêu!” và yêu cầu đối thoại trực tiếp với ban giám đốc trường đại học về những yêu cầu của họ.

Sinh viên trong trường, vốn đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đã lên tiếng phàn nàn về giá cả tăng vọt trong khuôn viên trường và việc không được trở về nhà. Một tấm áp phích được đăng trực tuyến, với thẻ gắn #TJU (Đại học Thiên Tân), đã kêu gọi ban giám hiệu nhà trường “hãy để tôi về nhà” và kêu gọi tất cả sinh viên “đoàn kết”. Năm yêu cầu được đưa ra bao gồm: Để sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến tại nhà và quay lại trường để làm bài kiểm tra; đưa ra thời gian và phương pháp rõ ràng cho kỳ thi cuối kỳ; thông báo rõ ràng đến sinh viên về thời gian về nhà; giải quyết các khó khăn của sinh viên một cách thực tế; và không trừng phạt sinh viên.

Các video đăng tải trên Internet cho thấy nhiều xe mô tô và ô tô của cảnh sát đang tiến về phía trường đại học. NTDVN chưa thể xác minh tính xác thực của đoạn phim.

Một người dân Thiên Tân nói với ấn bản tiếng Trung của NTDTV vào ngày 27/05 rằng anh ấy “có thể tưởng tượng những gì đã xảy ra ở đó [trong khuôn viên Đại học Thiên Tân]”, nhưng anh “không dám nói gì cả”.

“Chúng tôi không có không gian để tự do biểu đạt. Nếu tôi nói điều gì đó [về những gì đã xảy ra], ngay cả khi tôi nghĩ không sao cả, tôi có thể bị buộc tội gây gổ và kích động, hoặc tung tin đồn, hoặc điều gì đó bị coi là vi phạm luật pháp của Trung Quốc và tôi sẽ bị bắt”, ông Wang (hóa danh để đảm bảo an toàn) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD.

Cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên Tân đã nổ ra sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Các sinh viên tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc và Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã lần lượt tổ chức biểu tình vào ngày 23 và 24/05 với những yêu cầu tương tự.

Các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh và Thiên Tân đã diễn ra trước một sự kiện nhạy cảm — dịp kỷ niệm Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn xảy ra vào ngày 04/06/1989, khi sinh viên tập trung trên quảng trường mang tính biểu tượng của Trung Quốc để đòi dân chủ. Nhưng chính quyền đã ngăn chặn cuộc biểu tình ôn hòa bằng quân đội, xe tăng và súng trường. Hiện vẫn chưa rõ số người chết và bị thương.

Xuân Hoa

TT Đài Loan nói Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ đang lên kế hoạch ‘hợp tác’ với quân đội Đài Loan 

31/5/2022 

Reuters 

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. 

Hôm 31/5, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết Washington đang có kế hoạch “hợp tác” giữa Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ với quân đội Đài Loan, thắt chặt thêm các mối quan hệ an ninh trong lúc chính phủ Đài Bắc đang lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, theo Reuters.

Khi tiếp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tammy Duckworth tại Đài Bắc, bà Thái lưu ý rằng bà Duckworth là một trong những người bảo trợ chính của Đạo luật Đối tác Đài Loan. Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng nhưng chưa thành luật.

Bà Thái cho biết: “Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang chủ động lập kế hoạch hợp tác giữa Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ với lực lượng phòng vệ Đài Loan”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn và sâu sắc hơn giữa Đài Loan-Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh khu vực”.

Truyền thông Đài Loan trước đó đã đưa tin rằng Đài Loan có thể hợp tác với Vệ binh Quốc gia Hawaii cho chương trình này.

Bà Thái giám sát quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Đài Loan, bao gồm cả việc cải tổ các lực lượng dự bị để tăng khả năng chiến đấu cho họ.

Nói chuyện sau đó với Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), bà Duckworth cho biết giám đốc Chương trình Đối tác Nhà nước của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ cùng đi với bà “sẽ làm việc với quý vị về kế hoạch quốc phòng toàn diện”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối chuyến thăm của bà Duckworth, như họ luôn phản đối các giao tiếp cấp cao giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại Bắc Kinh rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Ðài Loan điều máy bay nghênh cản máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không 

31/5/2022 

Reuters 

Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Ðài Loan (Ảnh tư liệu)

Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Ðài Loan (Ảnh tư liệu) 

Đài Loan hôm thứ Hai 30/5 cho hay không quân Trung Quốc bay một số lượng máy bay nhiều nhất kể từ tháng Một vào vùng nhận dạng phòng không của Ðài Loan. Bộ Quốc phòng hòn đảo cho biết họ đã điều chiến đấu cơ của họ lên nghênh cản và cảnh báo 30 máy bay của Trung Quốc trong đợt gia tăng căng thẳng mới nhất này.

Đài Loan, đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, phàn nàn rằng trong khoảng hai năm qua không quân Trung Quốc lặp đi lặp lại việc bay máy bay gần đảo Ðài Loan, thường ở phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không của họ, hoặc ADIZ, gần với Quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát.

Đài Loan gọi các hoạt động quân sự lặp đi lặp lại này của Trung Quốc là "chiến tranh vùng xám", được thiết kế để vừa làm hao mòn lực lượng của Đài Loan bằng cách khiến Ðài Loan phải liên tục điều máy bay nghênh cản, vừa để kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Vụ mới nhất của Trung Quốc bao gồm 22 máy bay chiến đấu, các máy bay tác chiến điện tử, máy bay chống tàu ngầm, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

Theo bản đồ mà Bộ này cung cấp, máy bay đã bay ở khu vực phía đông bắc quần đảo Pratas, mặc dù cách xa Đài Loan.

Bộ này cho biết Đài Loan đã điều máy bay chiến đấu lên nghênh cản và cảnh báo máy bay Trung Quốc, trong khi các hệ thống tên lửa được triển khai để theo dõi.

Đây là vụ xâm nhập lớn nhất kể từ khi Đài Loan báo cáo có 39 máy bay Trung Quốc ở ADIZ của họ vào ngày 23 tháng 1.

Không có bình luận ngay lập tức từ Trung Quốc. Trước đây Bắc Kinh nói rằng các hoạt động này là các cuộc tập trận nhằm bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Quân đội Trung Quốc tuần trước cho biết gần đây họ đã tiến hành một cuộc tập trận xung quanh Đài Loan như một "lời cảnh báo nghiêm trọng" chống lại "sự thông đồng" của họ với Hoa Kỳ.

Điều đó xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến Trung Quốc tức giận khi dường như báo hiệu sự thay đổi trong chính sách "mơ hồ chiến lược" của Hoa Kỳ đối với Đài Loan bằng cách nói rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

Trung Quốc đã tăng cường sức ép buộc Đài Loan phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Chính phủ Đài Loan cho biết họ muốn hòa bình nhưng sẽ tự vệ nếu bị tấn công.

Máy bay Trung Quốc đã không bay vào không phận của Đài Loan, nhưng trong vùng ADIZ của họ, một khu vực rộng lớn hơn mà Đài Loan giám sát và tuần tra nhằm giúp họ có thêm thời gian để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.

(Theo Reuters)

Canada: Chính phủ ra luật siết chặt kiểm soát súng đạn

Bình Phương
31 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1134708735.jpg

Giới bác sĩ và nhân viên y tế Toronto biểu tình đòi thắt chặt luật kiểm soát vũ khí cá nhân (ảnh: Steve Russell/Toronto Star via Getty Images) 

Hôm thứ Hai 30 tháng Năm 2022, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã ban hành một dự luật thắt chặt việc kiểm soát vũ khí vốn đã nghiêm ngặt của quốc gia này và dự kiến dự luật ​​sẽ sớm được Quốc Hội Canada thông qua.

Theo dự luật, những người sở hữu loại súng mà Canada gọi là “vũ khí tấn công kiểu quân sự” sẽ phải chuyển giao chúng cho chương trình mua lại của chính phủ; việc mua bán, nhập khẩu và chuyển nhượng các loại súng ngắn (handgun) cũng bị cấm, chỉ trừ súng săn. Các điều khoản khác trong dự luật sẽ sửa đổi một số điều luật hiện hành; quy định việc sửa đổi súng trường để tăng sức công phá của nó là một tội ác; tăng hình phạt đối với hành vi buôn lậu súng; và cho cảnh sát quyền thu giữ súng của những người mà tòa án xác định là có nguy cơ gây thương tích cho bản thân hoặc người khác.

Lệnh cấm bán súng ngắn và vũ khí tấn công là bước mới nhất trong một loạt các bước mà ông Justin Trudeau đã thực hiện để hạn chế súng đạn kể từ khi một tay súng giết chết 22 người ở vùng nông thôn Nova Scotia năm 2020 – một trong những vụ thảm sát bằng súng đẫm máu nhất trong lịch sử đất nước. 

“Với tư cách là một chính phủ, với tư cách là một xã hội, chúng ta có trách nhiệm phải hành động để ngăn chặn những thảm kịch khác”, ông Trudeau nói với các nhà báo khi công bố dự luật mới.

Ngay sau vụ thảm sát năm 2020 ở Nova Scotia, mà hung thủ sử dụng hai loại vũ khí nhập lậu từ Hoa Kỳ và bị cấm ở Canada, ông Trudeau đã đưa ra sắc lệnh của nội các để cấm hơn 1,500 mẫu súng trường, bao gồm cả AR-15, một loại súng trường bán tự động kiểu quân sự được sử dụng phổ biến. Sắc lệnh cho phép chủ sở hữu được giữ súng trường nếu họ có giấy phép – nhưng không thể sử dụng hoặc bán chúng, trừ khi được phép, cho những người mua bên ngoài Canada. Luật pháp Canada từ lâu đã cấm dân thường sở hữu vũ khí tự động và bán tự động: không khẩu súng nào được bắn quá 5 viên mà không cần nạp đạn lại.

Tổ chức Small Arms Survey – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ – ước tính vào năm 2017 người dân Canada có 12.7 triệu khẩu súng hợp pháp và bất hợp pháp, tương đương 34.7 khẩu súng trên mỗi 100 người dân. Trong khi đó Hoa Kỳ, có hơn 300 triệu khẩu súng đang lưu hành, tương đương 120.5 khẩu súng trên 100 người dân.

Ngoài súng trường, dự luật của ông Trudeau lần này tiếp tục cấm các loại súng ngắn. Ngoài các thành viên của cảnh sát, cơ quan biên phòng, quân đội và một số nhân viên bảo vệ tư nhân, người sở hữu súng ngắn chỉ được sử dụng vũ khí tại các trường bắn có giấy phép và súng phải được cất giữ trong thùng chứa có khóa tại nhà riêng. Theo một báo cáo của cơ quan điều tra dân số Canada, súng ngắn chiếm gần 60% các vụ phạm tội liên quan đến súng đạn ở Canada. Tỷ lệ tử vong liên quan đến bạo lực súng đạn ở Canada thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ.

Dự luật của Canada cũng lặp lại lệnh cấm vũ khí bán tự động và chương trình mua lại vũ khí mà New Zealand đưa ra năm 2019, sau khi một tay súng xông vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, giết chết 51 người và làm bị thương hàng chục người khác. Ở Úc, sau một vụ một hung thủ xả súng hàng loạt giết chết 35 người ở thị trấn Port Arthur năm 1996, chính phủ Úc cũng mở chương trình mua lại vũ khí, thu được hơn 650,000 khẩu súng trường bán tự động và nhiều súng ngắn sau khi chúng bị cấm theo luật mới.

Cho dù đảng Tự do (Liberty Party) của ông Trudeau không chiếm đa số tại Hạ viện, nhưng đảng Dân chủ Mới (New Democratic Party) theo cánh tả từ lâu đã thúc đẩy kiểm soát súng chặt chẽ hơn và dự kiến ​​sẽ ủng hộ biện pháp mới, cho phép dự luật này vượt qua bất kỳ sự phản đối nào từ đảng Bảo thủ (Conservatives) – là đảng chính trị ủng hộ việc nới lỏng luật về an toàn súng.

Marco Mendicino, Bộ trưởng An toàn công cộng của Canada, cho biết việc mua lại sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

“Chúng ta chỉ cần nhìn về phía nam của biên giới để biết rằng nếu chúng ta không hành động một cách chắc chắn và nhanh chóng, thì tình hình ngày càng trở nên tồi tệ và khó đối phó hơn”, ông Trudeau nói, ánh chỉ tình trạng bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ. Đề xuất cấm sở hữu và mua lại súng của ông được đưa ra trong bối cảnh các vụ xả súng hàng loạt mới đây ở Hoa Kỳ đang khơi dậy một cuộc tranh luận gay gắt về bạo lực súng đạn. Tuần trước, một tay súng đã sử dụng một súng trường kiểu quân sự để giết 19 trẻ em và hai giáo viên ở thị trấn Uvalde, Texas. Chỉ 10 ngày trước đó, một tay súng thiếu niên bị mê hoặc bởi tư tưởng cực đoan da trắng đã nổ súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York, giết chết 10 người và bị thương 3 người nữa, gần như tất cả đều là người da đen.

Sau khi 20 trẻ em và sáu người lớn bị thảm sát vào năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, ở Hoa Kỳ đã có nhiều lời kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các loại súng trường và súng ngắn tấn công, nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa câu kết với những tổ chức vận động hành lang cho ngành sản xuất súng đã bác bỏ các dự luật an toàn súng từ trong trứng nước. Trong thập niên vừa qua đã có 121 dự luật về kiểm soát súng đạn bị các nhà lập pháp Cộng hòa bác bỏ trên nghị trường Quốc Hội.

Nga đẩy mạnh tấn công Kharkiv

Dina Kirsanova, nhân viên tại một ki-ốt bán sữa ở phía bắc Kharkiv, đã nhìn thấy ít nhất 15 tên lửa xẻ ngang bầu trời. Cô cho biết phòng không đã chặn được hầu hết, nhưng những quả lọt qua đã giết chết ít nhất 9 người. “Còn hơn cả tàn nhẫn. Không có vị trí quân sự nào ở đây. Chỉ có người dân bình thường, những người chỉ muốn được sống.”

Thành phố lớn thứ hai của Ukraine đang bị tấn công dữ dội khi Nga chuyển mũi nhọn về phía đông và phía bắc nước này. Song chỉ mới có hơn một nửa trong dân số 1,5 triệu người của thành phố đã rời đi, theo thống đốc Oleh Synyehubov. Những người còn lại rất dễ bị tấn công bởi máy bay phản lực, tên lửa hay pháo binh Nga. Một số người quay lại lấy tài sản, để rồi phải một lần nữa rời đi. Ông Synyehubov lo ngại chiến sự ở Kharkiv sẽ kéo dài. “Chúng tôi hiểu đây không phải câu chuyện một tháng; chúng tôi sẽ phải sống trong thực tế mới này.”

Kinh tế Ấn Độ hạ nhiệt

Sau đợt phục hồi hậu covid trong năm 2021, kinh tế Ấn Độ đang chậm lại. Dữ liệu của quý đầu năm 2022, được công bố vào thứ Ba, nhiều khả năng sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm chỉ đạt 4%. Đây là con số chậm nhất trong một năm qua, và phản ánh tác động của omicron cũng như vấn nạn lạm phát.

Sau quý đó triển vọng cũng không được cải thiện thêm. Giá cả hàng hóa tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị siết chặt vì cuộc chiến ở Ukraine. Để kiềm chế giá cả, vào đầu tháng này ngân hàng trung ương đã bất ngờ tăng lãi suất, đi ngược lại hoàn toàn quan điểm nới lỏng của hai năm trước đó. Lãi suất sẽ còn tăng hơn nữa, dù điều đó làm giảm tiêu dùng, vốn là động cơ tăng trưởng truyền thống của Ấn Độ. Nông nghiệp, ngành sử dụng nhiều lao động nhất của Ấn Độ, từng được kỳ vọng sẽ lợi dụng được tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu do chiến tranh. Nhưng rồi thời tiết nắng nóng làm giảm năng suất.

Dù sao vẫn còn có tin tốt. Dự báo cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng 8% trong năm tài chính 2021-22, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Đảng Cộng hoà bất hợp tác với cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol

Các Hạ nghị sĩ Dân chủ của Mỹ đã tiến hành điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 suốt gần một năm qua. Trong tháng này, họ đã ra trát hầu tòa cho năm nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người được yêu cầu làm chứng về các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020 của mình. Không ai tuân thủ. Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, nhiều khả năng sẽ không đến điều trần vào thứ Ba.

Ủy ban Hạ viện không có cách dễ dàng nào để thực thi trát đòi hầu tòa. Nhưng họ đã thu thập được nhiều tài liệu từ hơn 1.000 cuộc phỏng vấn được các thành viên uỷ ban thực hiện, bao gồm với cả các cựu thành viên của chính quyền Trump. Giờ đây nhiệm vụ của họ là trình bày, trong các phiên điều trần công khai bắt đầu từ tháng 6, một bản tường thuật mạch lạc về các sự kiện dẫn đến bạo loạn. Ngay sau đó là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, khi đảng Dân chủ khả năng cao mất quyền kiểm soát Hạ viện — tức mất luôn cơ hội điều tra vụ 6/1/2021.

Phố Wall đảo ngược tình hình

Sau bảy tuần giảm điểm, chứng khoán Mỹ dường như sắp sửa chạm vào thị trường giá xuống. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong những ngày gần đây. Các chỉ số chính đều đóng cửa với mức giá tăng cao trong ngày thứ Sáu. Với đà này, tại thời điểm kết phiên vào thứ Ba, S&P 500 sẽ hoàn toàn lấy lại được những gì đã mất trong tháng 5. Vì sao có sự thay đổi 180 độ như vậy?

Trong phần lớn thời gian của năm, lợi suất trái phiếu tăng chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Các nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao sẽ làm giảm lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận của các công ty công nghệ có định giá cổ phiếu cao. Ngay cả khi lợi suất giảm, những lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và sức khỏe kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đè nặng lên thị trường chứng khoán. Nhưng có lẽ những lo ngại đó đã nằm trong dự tính của thị trường. Và nhà đầu tư có thể đã yên tâm bởi thực tế là hơn 75% trong số 488 công ty S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý một tốt hơn kỳ vọng. Phố Wall đã tránh được một thị trường giá xuống trong gang tấc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Home

Dầu mỏ của Nga xuất sang Ấn Độ trong tháng Năm tăng gấp 25 lần

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/image.vtc_.vn-upload-2022-05-31-_dau-10123477.jpg

Sản lượng dầu mỏ của Nga xuất sang Ấn Độ trong riêng tháng Năm này là 24 triệu thùng, tăng gấp khoảng 25 lần so với mức nhập trung bình mỗi tháng trong năm 2021.

Embed from Getty ImagesTính từ tháng Hai đến nay, Ấn Độ đã nhận được 34 triệu thùng dầu mỏ của Nga với giá ưu đãi, tăng gấp hơn 10 lần so với tổng sản lượng dầu mỏ mà New Delhi nhập của Moscow trong cả năm 2021, Reuters đưa tin hôm thứ Hai (30/5), dẫn dữ liệu của Refinitiv Eikon.

Theo Reuters, riêng trong tháng Năm này, Ấn Độ đã nhập hơn 24 triệu thùng dầu mỏ của Nga, tăng từ 7.2 triệu thùng hồi tháng Tư, và 3 triệu thùng trong tháng Ba.

Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy Ấn Độ sẽ nhận khoảng 28 triệu thùng dầu mỏ từ Nga trong tháng Sáu tới.

Năm ngoái, sản lượng dầu mỏ của Nga xuất sang Ấn Độ đạt trung bình chỉ 960.000 thùng mỗi tháng, kém hơn khoảng 25 lần so với lượng nhập tháng Năm này.

Chế tài của phương Tây áp lên Nga đã đang tạo cơ hội cho các công ty lọc dầu Ấn Độ tăng sản lượng nhập dầu mỏ của Nga với mức giá chiếu khấu cao.

Phương Tây hiện đang gây áp lực lên Ấn Độ vì nước này vẫn tiếp tục mua dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, New Delhi đã phản bác chỉ trích đó và nói rằng lượng nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm một phần trong toàn bộ tổng cầu dầu mỏ của Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ cũng nói New Delhi vẫn sẽ mua dầu mỏ “giá rẻ” của Moscow, bởi vì nếu dừng mua đột ngột có thể khiến người tiêu dùng trong nước gặp tổn thất do giá tăng.

Hải Đăng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét