Cựu Bí thư Bình Dương ly hôn vợ trước khi bị bắt
RFA
2022.5.12
Ông Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Tỉnh uỷ Bình Dương
Ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư tỉnh Bình Dương - đã hoàn tất thủ tục ly hôn vợ trước khi bị công an bắt hôm 27/7/2021.
Ông Trần Văn Nam bị truy tố và bắt tạm giam với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến vụ án tại Tổng Công ty 3-2 gây thất thoát gần 5.746 tỷ đồng.
Truyền thông Nhà nước hôm 11/5 trích các nguồn tin riêng cho biết, trước khi bị bắt 18 ngày, Toà án Nhân dân TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng ông Trần Văn Nam.
Việc thuận tình ly hôn giữa bà H. và ông Nam được ghi trong biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải ngày 1/7/2021. Về tài sản chung, ông Nam và bà P.M.H không yêu cầu tòa giải quyết.
Theo cáo trạng, ông Trần Văn Nam khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hồi năm 2012 đã ký công văn chấp thuận cho Tổng công ty 3-2 được lập thủ tục giao đất Khu dịch vụ trong Khu hợp. Ông Nam đã ký quyết định giao khu đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3-2 vào năm 2012 nhưng lại áp dụng đơn giá thuê là 51.914 đồng/m2 theo quyết định của tỉnh từ ngày 27/12/2006.
Việc làm này được xác định là trái với quy định của pháp luật và gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định, vào năm 2016, khi là Bí thư Tỉnh uỷ, ông Nam đã giúp che giấu những sai phạm trong việc chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp từ Tổng Công ty 3-2 cho Công ty Tân Phú làm vốn góp tham gia liên doanh với Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc, gây thất thoát số tiền là 985 tỷ đồng.
Nửa triệu đô mà VN hứa giúp Ukraine trao qua LHQ
RFA
12/5/2022
Một hội chợ từ thiện diễn ra hôm 5/3/2022 ở Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội
Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội
Nửa triệu đô la Mỹ mà Chính phủ Việt Nam nói giúp cho Ukraine được phân bổ qua các kênh của Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ.
Phó Phát ngôn nhân Đoàn Khắc Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 12/5 trình bày về khoản tiền đó. Cụ thể, 100.000 USD trao cho Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung tâm (CERF), 100.000 USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 100.000 USD cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), và 200.000 USD thông qua Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam gửi Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine, góp phần triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine.
Sau khi xảy ra cuộc chiến mà Nga tấn công vào Ukraine từ ngày, 24/2, Chính phủ Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng đối và một lần bỏ phiếu chống đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga về cuộc chiến đó.
Ngay tại Hà Nội, một số hoạt động liên quan kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine bị lực lượng công an ngăn trở.
Trong lĩnh vực tuyên truyền, lực lượng dư luận viên được huy động tung ra những luận điệu ‘phò Nga, chống Ukraine’.
IPO của VinFast tại Mỹ có thể bị trì hoãn đến năm 2023
RFA
11/5/2022
Xe ô tô điện của VinFast tại một triển lãm về xe hơi ở Los Angeles hôm 17/11/2021
AFP
Chủ tịch tập đoàn Vingroup của Việt Nam hôm 11/5 cho biết đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho VinFast có thể bị trì hoãn sang năm sau do tính bất ổn của thị trường.
Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cho biết như thế tại đại hội cổ đông thường niên của công ty và cho biết dự kiến ban đầu IPO sẽ diễn ra vào quý 4.
“Chúng tôi đang hướng đến một đợt IPO trong quý 4, nhưng thị trường đang có rất nhiều bất ổn... Nếu cần thiết, chúng tôi có thể lùi lại sang năm sau” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Vượng nói.
"IPO không chỉ để gây quỹ. Nó còn nhằm tiếp thị và khẳng định vị thế của VinFast trên toàn cầu", ông Vượng nói.
Công ty có trụ sở tại Singapore của VinFast đã đệ đơn xin IPO với các cơ quan quản lý chứng khoán Hoa Kỳ, trong lúc công ty sẵn sàng đầu tư bốn tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Hoa Kỳ.
Tỷ phú đi lên từ mì gói và thành công nhờ thị trường địa ốc cho biết thêm rằng, nhà máy sản xuất chip và các bộ phận khác của ô tô ở Thượng Hải bị đóng cửa do các biện pháp phòng chống COVID-19 của Trung Quốc gây nên gián đoạn ở chuỗi cung ứng.
Nhưng ông Vượng đã tìm cách trấn an các cổ đông rằng công ty khởi nghiệp sẽ tiến hành IPO "cho dù thị trường có bất ổn như thế nào".
Tướng công an bị kỷ luật vì sai phạm tài chính, chuyển sang phụ trách hậu cần
RFA
11/5/2022
Thiếu tướng Công an - Đặng Hoàng Đa - tại một hội nghị ở Cần Thơ hồi năm 2017
Công An Nhân Dân
Bộ trưởng Công an Việt Nam vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, cựu Giám đốc Công an Sóc Trăng, nay là Phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Quyết định được cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Công an Trung ương thông báo và được báo chí Nhà nước đăng tải hôm 11/5.
Sau khi nhận hình thức kỷ luật, ông Đa được chuyển sang giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ Công an.
Trước khi bị kỷ luật về mặt hành chính, vào tháng 5/2021, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đặng Hoàng Đa.
Những sai phạm của ông Đa được cho biết có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính và công tác cán bộ của đơn vị thời kỳ ông còn là Giám đốc Công an Sóc Trăng từ năm 2011 - 2016.
Theo báo chí Nhà nước, những sai phạm về tài chính của ông Đa ở Sóc Trăng đã “gây xôn xao dư luận năm 2019, khi báo chí thông tin Công an tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ông Đa làm giám đốc đã lạm chi tiền quỹ hàng tỷ đồng, phải mượn ngân sách Trung ương và địa phương bù vào.”
Theo báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, từ tháng 1/2011 đến tháng 10/2016, tổng thu quỹ sản xuất của công an tỉnh này được trên 38,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền chi từ quỹ này lên đến gần 45,9 tỷ.
Trong đó, chi mua quà biếu, tiếp khách trên 39,7 tỷ; chi đi công tác, hội nghị 3,4 tỷ; chi hỗ trợ bếp ăn và cho cán bộ chiến sĩ trên 1 tỷ đồng…
Riêng ông Đặng Hoàng Đa đã duyệt chi trên 28,8 tỷ đồng.
Thêm hai giám đốc CDC bị bắt giam vì liên quan Việt Á
11/5/2022
Ông Nguyễn Trần Tuấn - Giám đốc CDC Hà Giang bị bắt hôm 11/5/2022
Báo Pháp Luật
Giám đốc CDC Hà Giang và CDC Hậu Giang vào ngày 11/5 bị bắt giam để điều tra về những nghi vấn sai phạm liên quan vụ thổi giá và đưa hối lộ của Công ty Việt Á đối với sản phẩm bộ xét nghiệm COVID-19. Truyền thông Nhà nước vào ngày 11/5 đồng loạt loan tin về việc bắt giữ như vừa nêu.
Cụ thể, giám đốc CDC Hà Giang, ông Nguyễn Trần Tuấn, và hai thuộc cấp là bà Phan Thị Nga, Trưởng Khoa Xét nghiệm, Tô Minh Huệ- Kế toán trưởng bị Công an tỉnh Hà Giang khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc tội nhận hối lộ theo Điều 354, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tại tỉnh Hậu Giang, Công an tỉnh này cũng tiến hành biện pháp bắt giam đối với ông Nguyễn Văn Lành, người mới hôm 10/5 bị cách chức Giám đốc CDC tỉnh; và bà Huỳnh Thị Hồng Đoan- Trưởng Khoa Dược & Vật tư Y tế; ông Hà Tấn Bằng-trưởng Khoa Xét nghiệm & Chẩn đoán Hình ảnh thuộc CDC Hậu Giang.
Ngoài hai giám đốc CDC mới bị bắt ngày 11/5, trước đó giám đốc CDC các tỉnh khác đã bị bắt gồm Nghệ An, Nam Định, Thừa Thiên- Huế, Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương.
Tin từ truyền thông Nhà nước loan đi ngày 11/5 cho biết Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã có đề nghị Bộ Công an và Công an tỉnh này điều tra về dấu hiệu vi phạm đối với tám gói thầu trị giá hơn 12 tỷ đồng mua bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á tại tỉnh này.
Tính đến thời điểm hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố gần 40 bị can trong vụ án liên quan Công ty Việt Á.
Công ty này bị cho đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để xác định giá bán mỗi bộ xét nghiệm COVID-19 là 470 ngàn đồng. Doanh thu bán bộ xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh thành được nói gần 4.000 tỉ đồng.
Hồi tháng 1 vừa qua, Chánh văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam cho biết giám đốc Phan Quốc Việt của Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm lên khoảng 45%. Số tiền chi hoa hồng là gần 800 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét