Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 13 tháng 5 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Chiến tranh Ukraina : Tình hình tại Kharkiv vẫn căng thẳng

Một khu nhà bị Nga oanh kích gần chiến tuyến ở Kharkiv, Ukraina, ngày 25/04/2022. AP - Felipe Dana 

Vào lúc tình hình xung quanh thủ đô Kiev và ở phía tây Ukraina có vẻ lắng xuống, thì chiến sự tại các khu vực miền đông, miền nam vẫn ác liệt. Điển hình là Kharkiv, nơi một phần ba dân số đã rời khỏi thành phố kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina. 

Từ Kharkiv, đặc phái viên Sami Boukhelifa và Murielle Paradon gửi về bài phóng sự :

Vòng vây nới lỏng xung quanh Kharkiv, nhưng các điểm giao tranh thay đổi rất nhanh. Vả lại, quân đội Ukraina cấm báo chí tiếp cận những ngôi làng gần Kharkiv mà họ vừa mới giành lại được. Bởi vì chiến sự vẫn đang diễn ra quyết liệt. Và cần phải có thêm thời gian, rất nhiều thời gian để bảo đảm an toàn cho nơi đã được giải phóng này. Ở đây chỉ cách biên giới Nga chưa đầy 50 km.

Từ sáng đến tối ở ngoại ô Kharkiv, có những tiếng nổ vang vọng từ xa. Những cú bắn, rồi bắn đáp trả. Hệ thống phòng không Ukraina hoạt động, bắn chặn tên lửa của kẻ thù.

Hiện tại, thành phố Kharkiv vẫn vắng vẻ. Hầu hết các cửa hàng vẫn đều đóng cửa. Những người chưa đi chạy lánh chiến sự thì ẩn nấp trong nhà hoặc trong một trong ba mươi ga tàu điện ngầm của thành phố. Tình hình thực sự gay go với người dân đã sống ở dưới lòng đất gần ba tháng.

Những thường dân mà chúng tôi gặp bên ngoài chủ yếu là những người đi nhận trợ giúp nhân đạo. Nhà chức trách đã lập nhiều trung tâm phân phát các thùng viện trợ lương thực.

Vẫn về chiến sự ở Ukraina, theo Reuters, hôm qua 12/05/2022, chính quyền quân sự khu vực Odessa cho biết quân đội Ukraina đã pháo kích làm hư hại tàu Vsevolod Bobrov của Nga đang neo đậu ngoài khơi đảo Rắn, nơi lại diễn ra các cuộc giao tranh những ngày gần đây.

Nga thay đổi quan điểm về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/4.jpg

Ông Dmitry Polyanskiy – Phó đại diện thường trực của Moscow tại Liên Hợp Quốc (Reuteurs) 

Phó đại diện thường trực của Moscow tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy tiết lộ, Nga đã thay đổi lập trường về việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (12/5) với tờ Unherd News của Anh, ông Polyanskiy nhận định, hiện tại mong muốn này của Ukraine không thể trở thành một phần trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Moscow và Kyiv.

Ông cho hay, trước đây, Moscow không lo ngại về triển vọng Ukraine cuối cùng gia nhập tổ chức châu Âu này, nhưng hiện nay quan điểm của Nga đã thay đổi.

Ông Polyanskiy giải thích, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi của Brussels đối với Nga kể từ khi Nga tiến hành tấn công Ukraine vào cuối tháng 2. Moscow cảm thấy EU đã trở nên hoàn toàn liên kết với NATO do Mỹ dẫn đầu.

Ông đặc biệt chỉ ra bài phát biểu gần đây của Trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu Josep Borrell, trong đó vị quan chức EU người Tây Ban Nha đã công khai bày tỏ sự tán đồng đối với một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine.

Ông Polyanskiy chỉ trích: “Tại thời điểm này, chúng tôi không quá lo ngại về Liên minh châu Âu, nhưng tình hình đã thay đổi sau tuyên bố của ông Borrell cho rằng ‘cuộc chiến này nên được giải quyết trên chiến trường’ và sau sự kiện Liên minh châu Âu đi đầu trong việc cung cấp vũ khí [cho Ukraine]. Tôi nghĩ rằng hiện tại quan điểm của chúng tôi đối với Liên minh châu Âu cũng tương tự như đối với NATO bởi vì chúng tôi không nhìn thấy sự khác biệt lớn [giữa hai tổ chức này].”

Đại diện của Nga thừa nhận, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã leo thang đến mức không còn chỗ cho ngoại giao. Tuy nhiên, ông Polyanskiy đổ lỗi việc leo thang là do thiếu đối thoại mang tính xây dựng, Kyiv không có khả năng giữ lời hứa, và những nỗ lực của phương Tây nhằm kéo dài tình huống thù địch.

Ông nhấn mạnh: “Thành thật mà nói, tại thời điểm này, do quan điểm của Ukraine, do sự khích động cuộc xung đột này của phương Tây, tôi không nhìn thấy khả năng ngoại giao nào. Là một nhà ngoại giao, tôi phải thừa nhận rằng ngay bây giờ không có con đường nào cho ngoại giao.”

Ông Polyanskiy từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán này về cuộc xung đột này có thể kéo dài bao lâu. Ông nói: “Tôi không có quả cầu pha lê để dự đoán những điều như vậy.”

“Nếu các quốc gia phương Tây cố gắng ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cho dầu vào lửa, tất nhiên cuộc xung đột có thể được kéo dài trong một thời gian, nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi toàn bộ diễn biến của cuộc xung đột, sẽ không ngăn cản được Nga đạt được các mục tiêu.”

Nga đã tấn công quốc gia Đông Âu láng giềng sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký vào năm 2014. Ngay trước khi phát động cuộc xâm lược, Moscow đã công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass của Ukraine. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để cung cấp cho các khu vực ly khai vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine

Kể từ đó, Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ngược lại, Kyiv lên án cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng Kyiv đang lên kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.

Gia Huy (theo RT)


Liệu Thụy Điển có theo chân Phần Lan xin gia nhập NATO?

Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, cứ nghĩ đến Phần Lan là người ta nghĩ đến trung lập. Nhưng vào ngày 12 tháng 5, tổng thống và thủ tướng của nước này đã đồng loạt tuyên bố Phần Lan “phải nộp đơn” gia nhập NATO. Cuộc xâm lược Ukraine, vốn nhằm mục đích đẩy NATO ra khỏi biên giới Nga, thay vào đó lại kéo liên minh đến sát Nga hơn bao giờ hết.

Phần Lan và Thụy Điển, một quốc gia trung lập khác, thường hay phối hợp về các chính sách quốc phòng. Khả năng cao đảng cầm quyền của Thụy Điển cũng sẽ đưa ra khuyến nghị tương tự về việc gia nhập NATO vào Chủ nhật tuần này. Việc Thụy Điển đi sau là có lý. Trong khi Phần Lan chọn trung lập vì sức mạnh quá lớn của Liên Xô, Thụy Điển lại trung lập vì khía cạnh đạo đức. Chính sách đối ngoại theo định hướng nhân quyền của Thụy Điển từ lâu đã không ưu ái cả Mỹ lẫn Liên Xô. Tuy nhiên, thủ tướng Magdalena Andersson đã khéo léo lèo lái để đảng của mình ủng hộ gia nhập NATO. Nếu muốn từ bỏ chính sách trung lập đã có từ nhiều thế kỷ trước, Thụy Điển sẽ cần một sự đồng thuận chính trị nội bộ rất cao.

Mỹ xem xét lại quy định từ chối xin tị nạn

Hai năm trước, khi covid-19 tăng đột biến, Mỹ bắt đầu quay lưng và không cho phép những người di cư ở biên giới của mình xin tị nạn. Chính sách này, gọi là Tiêu đề 42, tạo ra rất nhiều tranh cãi. Các chuyên gia pháp lý cho rằng điều này đi ngược nghĩa vụ của Mỹ đối với người tị nạn theo luật pháp quốc tế. Chính quyền Biden đã hứa sẽ kết thúc nó từ ngày 23 tháng 5. Nhưng một số bang Cộng hòa đã kiện để giữ quy định này, vì cho rằng chính họ mới là bên thiệt hại khi phải nhận nhiều người di cư hơn. Vụ kiện của họ sẽ được đưa lên tòa án liên bang vào thứ Sáu.

Tiêu đề 42 thật ra được chính quyền Trump viện dẫn. Nhưng việc giữ lại nó vô tình có lợi cho tổng thống Joe Biden, vì nó ngăn được những cảnh tượng xấu xí ở biên giới. Các quan chức cho rằng số người tị nạn có thể tăng gấp ba nếu chính sách được chấm dứt. Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là đến bầu cử giữa kỳ, đây có thể là một vấn đề chính trị đau đầu. Do đó, thật mỉa mai là chính quyền Biden có thể lại muốn các bang yêu cầu giữ nguyên Tiêu đề 42 thắng kiện.

Lợi nhuận tăng của các công ty dầu mỏ châu Âu đi về đâu?

Các công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu năm. Thông tin này làm hình ảnh của họ xấu đi trong mắt các chính trị gia, và nhiều người đã lên tiếng ủng hộ đánh thuế một phần lợi nhuận các hãng kiếm được nhờ thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại. Song các công ty năng lượng phản đối vì cho rằng làm vậy gây hại cho hành tinh. Lập luận của họ là: chúng tôi đang đổ lợi nhuận của mình vào các dự án carbon thấp.

Không hẳn, dù đúng là các tập đoàn năng lượng của châu Âu đang hạn chế chi tiền vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thay vì tham gia vào các dự án carbon thấp, phần lớn lợi nhuận khổng lồ của họ đang được chuyển cho các nhà đầu tư. Ví dụ, BP đã phân bổ 60% tiền mặt thặng dư của mình trong năm nay để mua lại cổ phiếu, trong khi số tiền được họ đầu tư vào các dự án xanh vẫn rất nhỏ. Shell đặt mục tiêu chi 3 tỷ đô la cho các khoản đầu tư vào carbon thấp vào năm 2022 – trong số tổng ngân sách chi tiêu lên đến 23-27 tỷ đô la. Còn đối với BP, năm ngoái họ chỉ chi chưa tới 10% ngân sách cho các dự án xanh.

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero-covid”?

Chính sách “zero-covid” đang bị đặt dấu hỏi khi Trung Quốc chật vật chiến đấu với đợt bùng dịch hơn 500.000 ca nhiễm covid-19. Trong một bài báo được xuất bản tuần này trên tạp chí Nature Medicine, các nhà khoa học Trung Quốc và các đồng nghiệp nước ngoài của họ đã mô hình hóa các lựa chọn thay thế. Trước tiên, việc bỏ hết các hạn chế phong tỏa sẽ nhanh chóng dẫn đến 1,6 triệu ca tử vong, và tại đỉnh dịch Trung Quốc sẽ cần số giường chăm sóc đặc biệt gấp 16 lần so với hiện nay.

Một cách tiếp cận khả dĩ hơn là sự kết hợp giữa vắc-xin và phương pháp điều trị. Theo các nhà khoa học, chiến lược này có thể giúp ngăn dẫn đến quá tải bệnh viện. Điều trị tất cả các ca có triệu chứng bằng thuốc kháng virus hiệu quả cao sẽ tạo ra khác biệt lớn nhất, mặc dù có điểm yếu là phải sản xuất ra số lượng thuốc rất lớn. Tiêm phòng cho những người trên 60 tuổi cũng sẽ có ảnh hưởng quan trọng, mặc dù nhỏ hơn. Việc đóng cửa trường học và nơi làm việc cũng như các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, tức “zero-covid,” không thực sự hiệu quả — vì chúng chỉ trì hoãn vấn đề.

Tàu do thám Trung Quốc bị phát hiện gần căn cứ bí mật của Úc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/tau-do-tham-TQ.jpg

Một tàu do thám của Trung Quốc đã bị phát hiện ngoài khơi bờ biển Tây Úc, gần một căn cứ liên lạc bí mật của Úc hỗ trợ cho tàu ngầm Mỹ và các đồng minh khác. 

Một tàu do thám công nghệ cao của Trung Quốc đã bị phát hiện ngoài khơi bờ biển Tây Úc, khoảng 250 hải lý tây bắc của thành phố Broome, gần một căn cứ liên lạc bí mật của Úc hỗ trợ cho tàu ngầm Mỹ và các đồng minh khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết một tàu do thám (AGI) của Trung Quốc đã bị quân đội Úc giám sát chặt chẽ khi nó đi ngang qua căn cứhải quân Harold E Holt ở thị trấn Exmouth, bờ biển Tây Úc. Chiếc tàu này bị phát hiệu lần đầu tiên khoảng 1 một tuần trước đây.

Bộ trưởng Dutton nói Úc đã theo dõi tàu Trung Quốc “trong khoảng một tuần” nhưng không nêu ra thời gian chính xác và ông gọi đây là “hành động xăm lăng” (“act of aggression”)

“Tất nhiên, mục đích của nó là thu thập thông tin tình báo dọc theo đường bờ biển. Nó đã di chuyển gần các cơ sở quân sự và tình báo trên bờ biển phía tây của Úc”, ông Dutton cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng nói tình huống này chưa từng có trước đây và cho biết ông lo ngại không chỉ vì con tàu đi khá xa về phía nam mà còn về việc nó đã cập đường bờ biển rồi quay ngược về phía bắc tới Darwin, Lãnh thổ Bắc Úc.

Ông Dutton cho rằng hành động “rất kỳ lạ” và nhận định con tàu đã thu thập được nhiều thông tin tình báo nhất có thể. Đảng đối lập đã yêu cầu chính phủ báo cáo khẩn về vấn đề này.

Bộ trưởng Dutton phủ nhận rằng ông tiết lộ thông tin trên để gây ra lo ngại về an ninh quốc gia nhằm thu hút phiếu bầu trước cuộc bầu cử liên bang ngày 21.5. 

Đầu năm nay, Thủ tướng Úc Scott Morrison cáo buộc tàu chiến Trung Quốc đang di chuyển ngoài khơi bờ biển phía bắc của Úc có “hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm” vì đã chiếu tia laser vào một máy bay Không quân Hoàng gia Úc.

Bắc Kinh nói cáo buộc tàu Trung Quốc chiếu tia laser là “không đúng sự thật” và tuyên bố tàu của họ hoạt động bình thường, “phù hợp với luật pháp quốc tế”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nói máy bay Úc đã đến gần con tàu trên và thực hiện “các hành động khiêu khích ác ý”.

“Tôi nghĩ mọi người hiểu được khó khăn, thực trạng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lúc này”, ông Dutton phát biểu và cáo buộc các hành động của Trung Quốc là gây hấn.

“Tôi nghĩ rằng người dân Úc xứng đáng được biết những gì đang diễn ra. Hoạt động này từng được Trung Quốc thực hiện trước đó và chúng tôi cũng đã cho công chúng biết về điều này”, ông Dutton nói thêm.

Năm trước, Bộ Quốc phòng Úc đã bác bỏ một đề nghị gây tranh cãi về việc sử dụng nhân viên an ninh tư nhân để bảo vệ trạm liên lạc hải quân Harold E Holt, một trong những cơ sở quân sự bí mật và quan trọng nhất của Úc.

Công du châu Á, TT Mỹ Biden dự tính đến vùng phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Ảnh tư liệu: Lính Hàn Quốc và Mỹ đứng gác trong lễ kỷ niệm 64 năm ngày ký Hiệp định Đình chiến Triều Tiên, Bàn Môn Điếm, phía Hàn Quốc, ngày 27/07/2017. AP - Jung Yeon-Je 

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự tính đến vùng phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trong chuyến công du châu Á trong tháng 05/2022. Đây là thông báo của phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki hôm 12/05/2022. 

Nguyên thủ Mỹ Joe Biden sẽ công du Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến ngày 24/05/2022 và sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo hai nước đồng minh châu Á. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 12/05 cho biết lịch trình cụ thể chuyến công du của tổng thống Biden đang được Nhà Trắng cân nhắc điều chỉnh.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nhắc lại là các đại diện của Mỹ khi đến thăm khu vực Đông Bắc Á thường đến thăm khu vực phi quân sự DMZ ở biên giới Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Bản thân ông Biden, khi là phó tổng thống Mỹ, hồi năm 2003 đã từng có chuyến đến thăm DMZ.

Theo Reuters, nhiều tổng thống tiền nhiệm của Donald Trump đã từng đến khu vực DMZ, nhưng ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tại khu vực phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên hồi năm 2019.  

Mặc dù tên gọi DMZ (tiếng Anh là « demilitarized zone ») có nghĩa là khu phi quân sự, nhưng trên thực tế đây lại là một trong những vùng được quân sự hóa mạnh nhất thế giới, với nhiều tháp canh, đồn bốt quân sự, đại bác, được gài mìn dọc theo vùng đất rộng 4km và dài gần 250 km.

Với hàng triệu người của cả đôi bên canh gác ngày và đêm, theo France 24, DMZ còn được coi là « bức tường chia cắt » lâu năm nhất trên thế giới, suốt gần 70 năm qua. Nhiều chuyên gia ước tính Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, mỗi bên đều tập trung tới 60-70% quân tại vùng này. Tuy nhiên, mỗi năm, cũng có hàng trăm ngàn du khách nước ngoài đến thăm vùng đất bí ẩn này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét