Vài năm trước, hôm 15/12/2018, báo Vnexpress hớn hở đi tin: “CĐV Việt đội mũ cối xem chung kết AFF Cup lên báo nước ngoài… Một chàng trai Việt Nam mặc áo in hình rồng, đội mũ cối lọt vào ống kính của phóng viên.”
Ôi chao! Sao mà hân hạnh và quí hoá đến thế ?
Độc giả – tuy thế – dường như không hào hứng gì lắm với nỗi hân hoan và niềm hãnh diện của ban biên tập Vnexpress, nếu chưa muốn nói là ngược lại:
Việt Hoàng : “Không hiểu sao, tôi rất ghét mũ cối.”
Dạ Ngân : “Miền Bắc nên chấm dứt mũ cối đi. Tôi không thấy nó đẹp. Rõ hình dáng nhược tiểu, yếm thế.”
Đình Ấm Nguyễn : “Tui sinh ra lớn lên ở miền Bắc và trưởng thành lập nghiệp ở miền Nam Nhưng mỗi khi ra đường nhìn thấy người nào sử dụng mũ cối trên đầu là tui dị ứng.”
Lê Văn Cương: “Người Bắc mà còn dị ứng thì người Nam họ thấy căm ghét và khinh bỉ.”
Quan Huynh: “Làm ơn đừng đội nón cối! Nó biểu tượng cho sự dốt nát, nghèo hèn, ngu si, tham lam, ích kỷ, ti tiện, độc ác, tham quyền cố vị. Nói chung là tầng lớp hạ đẳng!”
Nói thế (e) có quá lời chăng?
Tưởng cũng nên nghe thêm đôi câu từ tốn, nhã nhặn, và khách quan (hơn) từ một vị thức giả – đang tu tại gia – cư sỹ Phạm Nguyên Trường :
“Xét ra, nón cối rất tiện vì, thứ nhất nó khá rẻ. Thứ 2 đội lúc nào, ở đâu, làm gì cũng tiện, nắng mưa đều che được củ sọ mà lại không vướng víu, rơi cũng chưa hỏng ngay. Tóm lại, rẻ và tiện. Tuy nhiên, ở miền Nam mà đội nón cối thì người ta biết ngay là Ba Ke.
Nhưng xét ra cũng chưa có loại nón mũ nào thay được nó, nếu không nói đến mũ bảo hiểm xe máy. Nếu không bắt buộc đội mũ bảo hiểm, không chừng dân số tộc nón cối bây giờ đã gia tăng đáng kể. Cho nên tôi nghĩ người nào đó thấy nón cối tiện thì cũng kệ họ, chả nên kì thị vùng miền làm gì…”
Quan niệm dung hoà thượng dẫn, tất nhiên, dễ được tán đồng:
Đỗ Trí Tâm: “Đồng ý với bác. Thích hay không thích là quyền. Nhưng kỳ thị vùng miền thì không nên.”
Ba Võ : “Trước đây không có chọn lựa chọn nào khác ngoài nón cối!”
La Phong Mua Thu: “Kệ họ nói gì thì nói đi bạn. Mũ cối chẳng có gì xấu, còn tiện lợi cho người dân lam lũ. Nếu kiên cường, chịu khó thì chẳng có gì đáng xấu hổ vì cái mũ rẻ tiền ấy cả. Tôi không thuộc tộc mũ cối nhưng không khinh những người lao động.”
Khinh thị thì không chắc nhưng bị ám ảnh hay lo ngại thì e khó tránh, và cũng hơi phổ biến:
Mình mới xuống sân bay, bước chân ra ngoài chưa kịp gọi xe thì có một anh tài xế xáp lại hỏi:
- Chị có đi taxi không?
Nhìn thấy đội cái mũ cối, lại giọng của đồng hương nữa nên mình không thích lắm, vì vậy vẫn hí hoáy đặt xe. Màn hình báo “Hiện tại tất cả các tài xế đều đang bận, bạn vui lòng quay lại sau”, ngán đợi nên hỏi cái “đồng chí” này, thấy giá cả cũng ok, nên gật đầu đồng ý đi.
Mặc dù cũng chẳng yên tâm tí nào khi sử dụng dịch vụ của người nói cùng giọng với mình, chỉ sợ bị chém. Lên xe mình hỏi luôn:
- Tôi hơi thắc mắc tí, anh cho tôi hỏi một câu nếu anh thấy không phiền, OK?
- Chị hỏi đi.
- Tại sao anh lại thích đội cái mũ đó?
- Không phải em thích mà nắng thì em đội thôi.
- Anh vào đây lâu chưa?
- Em vào được 7 tháng chị ạ.
- Vậy hả, vậy thì mới quá nên chưa hiểu là phải. Đúng ra tôi không nói nhưng vì tình đồng hương nên tôi nói điều này anh đừng giận nhé.
- Chị cứ nói đi
…
- … tôi là người Bắc nhưng tôi cũng không thích cái mũ đó, cái biểu tượng của sự khổ đau và kìm kẹp, mặc dù chú tôi và những người hàng xóm của tôi cũng vẫn đội để che nắng nhưng thực sự tôi không thích nó, vì cái mũ đó mà đất nước tan hoang như ngày hôm nay, tham nhũng tràn lan, kinh tế tuột dốc, đời sống văn hóa tệ hại, trò đánh thầy, thầy tra tấn trò, BS thờ ơ với bệnh nhân con người tìm cách lừa lọc lẫn nhau, tình người không còn… BS Lê Nhàn
Tôi sống tha hương gần mãn kiếp nên không có dịp tiếp xúc với một người tài xế taxi ở quê mình. Trong Khu Đèn Đỏ Nana Plaza ở Bangkok, thảng hoặc, tôi cũng thấy một hai người đội mũ cối đang lầm lũi đẩy chiếc xe kem bé tí teo giữa lòng con phố chật ních người đi.
Cả cái xe lẫn cái mũ đều là dấu hiệu cho biết chủ nhân mới từ VN sang. Kẻ sang trước, sau khi dành dụm được chút vốn liếng, thường sắm xe bán trái cây (vì có lời hơn) và cũng sắm luôn cái nón mới – made in Thailand – không phải là nón cối, tất nhiên!
Bên Vientiane hay Phnom Penh thì khác. Dân Lào và dân Miên tuy cũng cũng nghèo thảm thiết nhưng họ thường từ chối làm những công việc quá nặng nhọc (và rất ít lương) nên phụ hồ gần như là “nghề” chỉ dành riêng cho đám di dân lậu. Bởi vậy, ở bất cứ nơi đâu có xây dựng là thế nào cũng có loáng thoáng vài ba cái mũ cối đang lui hui dưới ánh nắng chói chang.
Vì thói quen nghề nghiệp, tôi hay mời những người đồng hương trẻ tuổi của mình dùng một bữa cơm thanh đạm (nơi một quán hàng nào đó, bất kỳ) để có dịp trao đổi đôi câu tâm sự. Phần lớn các em đang ở lứa tuổi đôi mươi, chào đời khi mọi cuộc chiến (Bắc/Nam – Miên/Việt – Tầu/Việt) đều đã lụi tàn. Ai cũng rời làng quê chỉ vì một lý do duy nhất (“ở nhà thì biết làm chi ra tiền”) và gần như không ai hay biết gì về chuyện chinh chiến cũ, nói chi đến “gốc gác” cái mũ cối mà họ đang đội trên đầu.
Phải nhìn thấy những vệt mồ hôi muối dầy cui trên lưng áo, những ánh mắt buồn bã mệt mỏi, và những gương mặt lấm lem đen đủi (trong điều kiện khí hậu vô vùng khắc nghiệt ở Á Châu ) mới thông hiểu sự cần thiết của cái nón – bất kể loại nào – miễn có thì thôi. Ở tuổi này (lẽ ra) tất cả các em đều phải có cơ hội để đi đến giảng đường, thay vì đi tha phương cầu thực.
Gần đây, lại có một hiện tượng mới nữa về mũ cối. Nó chợt xuất hiện ở những vận động trường hay giữa những phố phường nơi xứ lạ và được chủ nhân dùng như một vật trang sức (để gây chú ý của tha nhân) chứ không phải để che thân. Sự kiện này cũng gây ra đôi chút phiền lòng:
Trần Thị Thảo: “Nhìn qua là biết bọn vô học đi làm cu li ở Nhật.”
Sinh Nguyễn Xuân: “Tối qua trên sân vận động Singapore thấy mũ đó cũng xuất hiện á kkk.”
Mạc Văn Trang : “Sao các bạn trẻ người Việt ở Nhật lại lập ra ‘nhóm mũ cối’ rồi quậy trong sân bóng đá, khi đội Việt Nam đá với đội Nhật, gây mất cảm tình với dân sở tại?”
Nỗi e ngại (“gây mất cảm tình với dân sở tại”) của T.S Mạc Văn Trang ở Nhật chỉ là chuyện nhỏ – rất nhỏ – so với những vụ án ở Hoa Kỳ mà nhiều người Việt phải hầu toà vì tội chụp mũ (cối) lên đầu tha nhân, và hậu quả là đã có lắm kẻ đã tán gia bại sản!
Hễ cái nón cối xuất hiện nơi đâu là y như rằng nơi đó vấn đề, dù tự thân nó hoàn toàn vô tội. Số phận của cái mũ cối cũng hẩm hiu, xui xẻo y như cái liềm hay cái búa thôi. Cả ba, chả may, bị “vướng” vào đám Cộng Sản mà trở nên những biểu tượng của sự xấu xa khiến thiên hạ kinh sợ (hay kinh tởm) cứ y như gặp phải kẻ … lỡ dẵm nhằm cứt vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét