Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) tồn tại vì một mục đích duy nhất: để [người Mỹ] bày tỏ lòng tôn kính đối với những người đã ngã xuống trong những cuộc chiến phụng sự tổ quốc.
Đôi khi chúng ta có thể xem nhẹ ý nghĩa thực sự của ngày lễ này. Ba ngày nghỉ cuối tuần, những bữa tiệc nướng sau nhà, những chuyến vui chơi đến biển hay nơi thôn dã: Chúng ta mê mải với những thú vui này, thích thú một kỳ nghỉ rời xa nơi công sở, và tôi đồ rằng, chúng ta thường quên để bản thân mình lắng lại và tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước chúng ta trong hơn 250 năm qua.
Nếu chúng ta để tâm tìm kiếm, linh hồn của những người đã mất vẫn luôn ở xung quanh chúng ta. Người lính tình nguyện Pennsylvania đã ngã xuống tại [chiến trường] Gettysburg, anh phi công North Carolina bị bắn hạ khi chiến đấu trong không đoàn Escadrille Lafayette trong Đệ nhất Thế chiến, hài cốt của những vị thủy thủ miền Trung Tây vẫn an vị dưới đáy biển Trân Châu Cảng, đội Thủy quân Lục chiến Texas tử trận dưới làn đạn trong cái lạnh dưới 0 độ C của cuộc chiến Chosin Reservoir, và 13 nam và nữ quân nhân đã thiệt mạng khi rút quân khỏi Afghanistan gần đây. Tất cả đều muốn gửi gắm đến chúng ta lời thầm thì từ những nấm mồ đã xanh cỏ kia không chỉ là những lời cổ kính về nghĩa vụ, về danh dự, về Tổ quốc, mà còn về những thứ tình cảm khác như tình bằng hữu, tình yêu quê hương, và gia đình.
Ngày 24/05/2012, tại Arlington, Virginia, một người lính thuộc Trung đoàn Bộ binh Hoa Kỳ số 3 cắm cờ quốc gia lên mộ của các chiến sĩ Hoa Kỳ được chôn ở Lô 60 Nghĩa trang Quốc gia Arlington để chuẩn bị cho ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong nhắc chúng ta tưởng nhớ về những người đã quá cố ấy, có quá nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh. Chúng ta đã quên đi hầu hết danh xưng và khuôn mặt của họ, cũng không phải do lỗi của chúng ta mà do thời gian và hoàn cảnh gấp rút phải chôn cất thi hài đơn sơ chỉ bằng xẻng và đất sét. Nhưng lúc này đây, chỉ một lần thôi, chúng ta hãy cùng tưởng nhớ về những công lao của họ.
(Từ trên xuống dưới) Chỉ huy trưởng Howard Gilmore, Binh nhất Kiyoshi Muranaga, Binh nhất Garfield Langhorne, Thượng sĩ Robert Miller, và Trung sĩ John Basilone là những người đã nhận được Huân chương Danh dự. (Dưới cùng bên phải) Phi công thời Thế chiến thứ nhất Kiffin Yates Rockwell được truy tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh (Ảnh: Biba Kajevic)
Sự hy sinh
Hiệp hội Lịch sử Huân chương Danh dự Hoa Kỳ cho biết, kể từ năm 1836, Huân chương Danh dự là phần thưởng cao quý nhất của quốc gia trao tặng cho những quân nhân dũng cảm và gan dạ trong chiến trận, mới chỉ được trao đi 3,530 lần. Tổng cộng có 19 quân nhân từng hai lần được nhận Huân chương Danh dự, và hơn 50% số huân chương đó được trao cho những người lính chiến đấu trong cuộc Nội chiến và trong các cuộc xung đột với người Mỹ bản địa vùng đồng bằng phía Tây. Kể từ đó, nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra, nhưng những số liệu thống kê này minh chứng rằng để nhận được sự công nhận cao nhất về lòng dũng cảm là một điều không dễ dàng.
Và một vài quân nhân được trao tặng huân chương sau khi đã hy sinh.
Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong [năm nay] dường như rất phù hợp để tưởng nhớ những người anh hùng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Đệ nhị Thế chiến
Vào tháng 06/1944 gần Suvereto nước Ý, một đội quân Đức quốc sử dụng loại pháo tự hành 88mm phá tan một đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ. Binh nhất Kiyoshi Muranaga đã tình nguyện một mình vác súng cối và chiến đấu với kẻ thù. Sau khi anh nã nhiều băng đạn vào vị trí khẩu pháo tự hành, kẻ thù đã định vị và bắn trả, anh đã lập tức vong mạng. Tuy nhiên binh nhất Muranaga nỗ lực cứu sống được rất nhiều người, và hỏa lực chính xác của anh đã khiến quân Đức phải rút lui. Sau đó, anh đã nhận được Huân chương Danh dự vì lần tấn công anh dũng ấy và về hành động bảo vệ các đồng đội của mình.
Trước thời gian đó, tại một cuộc chiến cách xa nửa vòng trái đất, Trung sĩ Hải quân John Basilone đã có mặt trong trận đánh với quân Nhật trên đảo Guadalcanal. Phần trích dẫn trao Huân chương Danh dự cho anh viết rằng:
“Trong khi quân đối phương đang tấn công các vị trí phòng thủ của Thủy quân lục chiến, Trung sĩ Basilone phụ trách hai khẩu đội sử dụng súng máy hạng nặng, chiến đấu anh dũng để khống chế cuộc tấn công ác liệt và kiên quyết của kẻ thù. Trong một cuộc đụng độ trực diện khắc nghiệt với các trận pháo cối và hỏa lực của quân Nhật, vì một trong các tiểu đội của Trung sĩ Basilone cùng những tay súng đã rút quân nên chỉ còn hai người ở lại có thể tiếp tục chiến đấu. Chuyển một khẩu súng bổ sung vào vị trí, anh đã đặt súng ở chế độ tự bắn, sau đó dưới làn hỏa lực nã ra liên tục, anh đã tự tay sửa và điều khiển một khẩu súng khác, kiên cường giữ vững vị trí chiến đấu cho đến khi có quân bổ trợ.”
Trung sĩ Basilone sống sót sau cuộc giao tranh này và được trao tặng Huân chương Danh dự. Theo mệnh lệnh, anh trở về Hoa Kỳ để gầy dựng trái phiếu chiến tranh. Sau cùng, anh lại quyết tâm tham gia cuộc chiến ở Thái Bình Dương, và ở đó, anh đã hy sinh trong trận đánh ở đảo Iwo Jima. Vì những hành động dũng cảm trên chiến trường, Quân đội Hải quân đã trao tặng cho Trung sĩ Basilone Huân chương Thập tự Hải quân, huân chương xếp hạng thứ hai ngay sau Huân chương Danh dự.
Vào đêm 07/02/1943, Chỉ huy trưởng Howard Gilmore đã dùng tàu ngầm U.S.S Growler đâm vào một pháo hạm Nhật Bản, chọc thủng các tấm kim loại của tàu đối phương. Dưới làn hỏa lực của súng máy hạng nặng từ con tàu đang chìm, anh vẫn ra lệnh cho binh sĩ bên dưới, người đang bị mắc kẹt trong luồng đạn, truyền đi hiệu lệnh “Bắn hạ mục tiêu!”, và anh đã hy sinh trên cầu tàu. Mặc dù tàu ngầm bị hư hại nghiêm trọng, cả nhóm đã đưa tàu đến cảng an toàn, và các thủy thủ đã được “truyền cảm hứng từ tinh thần chiến đấu dũng cảm của người thuyền trưởng đã hy sinh của mình.”
Chúng ta vẫn tìm thấy những tấm gương hy sinh tương tự như vậy trong các cuộc chiến tranh của Mỹ sau này.
Chiến tranh Việt Nam
Năm 1969 tại tỉnh Pleiku của Việt Nam, Binh nhất Garfield Langhorne phụ trách đài phát tín hiệu đã dành cả ngày để chuyển tiếp các mệnh lệnh tới nhiều máy bay pháo kích khác nhau, tiếp ứng hỏa lực bảo vệ cho trung đội và các binh sĩ bị thương trong trung đội. Đêm hôm ấy, đối phương đã ném lựu đạn vào vòng phòng thủ gần binh nhất Langhorne và một số thương binh. Không do dự, Langhorne lao mình về phía quả lựu đạn, hứng trọn vụ nổ và bảo vệ các đồng đội của mình. “Hành động anh dũng phi thường” của anh chính là việc “giữ gìn truyền thống cao đẹp nhất của quân nhân.”
Vào ngày 04/04/1969, Thượng sĩ kiêm Quyền Chỉ huy Trung đội Felix Conde-Falcon đơn thương độc mã tấn công một pháo đài kiên cố của đối phương, phá hủy bốn boongke bằng lựu đạn cầm tay và tấn công boongke thứ năm bằng súng máy. Tại đó anh đã bị trúng đạn và rất nhanh sau đó đã hy sinh vì vết thương quá nặng. Trong Trích dẫn ghi công của anh có viết “Hành động anh dũng phi thường và lòng vị tha đổi bằng chính mạng sống của mình, và trên tất cả chính là tiếng gọi của trách nhiệm và nghĩa vụ.”
Cuộc chiến chống khủng bố (Afghanistan)
Quân nhân Hoa Kỳ ở Trung Đông tiếp tục thể hiện lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng bảo vệ những người bạn và đồng đội của mình. Dưới đây là phần trích nội dung trao tặng Huân chương Danh dự cho Thượng sĩ Robert Miller:
“Với trách nhiệm là người dẫn đầu, Thượng sĩ Miller đã đi tiên phong đội tuần tra, tách khỏi các lực lượng hỗ trợ, và di chuyển cách quân đối phương chưa đầy 20 mét. Tuy nhiên, không màng đến an toàn của bản thân, anh đã gọi đồng đội của mình nhanh chóng lùi lại về vị trí đã được che chắn trong khi anh tấn công trên mặt đất để tiếp ứng hỏa lực nhằm bảo vệ đồng đội của mình dưới hỏa lực áp đảo của đối phương. Trong khi di chuyển nhanh chóng để tiếp cận đối phương, thân trên của Thượng sĩ Miller bị trúng đạn. Không màng đến vết thương, anh tiếp tục thúc giục chiến đấu, di chuyển để thu hút hỏa lực từ hơn một trăm tay súng của đối phương về phía mình. Sau đó anh lao về phía trước băng qua khu vực trống để đồng đội an toàn tiếp cận vị trí. Sau khi tiêu diệt ít nhất 10 tên khủng bố, khiến hàng chục tên khác bị thương, liên tục xả thân trước dàn hỏa lực của đối phương khi di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác, Thượng sĩ Miller đã tử thương. Sự can đảm phi thường của anh đã cứu sống bảy đồng đội của mình và 15 binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan.”
Và một lần nữa: xả thân mình hy sinh [vì mạng sống của đồng đội].
Những điều nên làm vào ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong
Trong cuốn sách “Trận chiến cuối cùng: Tại sao những người đàn ông vẫn chiến đấu khi tất cả mất đi?”, tác giả Michael Walsh đã đặt ra câu hỏi, “Tại sao những người đàn ông lại chiến đấu? Vì ai hay vì điều gì họ chấp nhận hy sinh?”
Sau đó, ông viết rằng câu trả lời này “đơn giản một cách đáng ngạc nhiên: họ chiến đấu vì bản thân họ, vì bằng hữu, và còn vì những người phụ nữ, những đứa trẻ và tổ quốc của họ, đó là biểu hiện của [tình cảm] gia đình.”
Những người đàn ông được mô tả ở đây chỉ là một số ít đại diện cho những người Mỹ đã hy sinh bản thân trên điện đài của tự do. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, hàng trăm ngàn người khác đã hy sinh vì tình yêu dành cho đồng đội và tổ quốc của mình. Họ chính là những anh linh theo cùng ta trong những chuyến dã ngoại và câu nói đùa trong ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, đứng sau ta trong hàng ngũ vô hình của họ. Chúng ta có thể tôn vinh họ bằng cách treo lá cờ của quốc gia Hoa Kỳ vào ngày này, viếng mộ họ tại các nghĩa trang địa phương, thổ lộ lòng biết ơn, dành phút mặc niệm lúc 3 giờ chiều giờ địa phương và tưởng nhớ họ.
Bằng cách thực hiện những việc làm tốt trên thế giới và giữ ngọn lửa tự do luôn tồn tại và cháy mãi trên đất nước chúng ta, chúng ta có thể đền đáp món quà mà những người đã khuất ấy trao tặng.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Y Văn biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét