Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Thời sự Việt Nam

Ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Lê Anh Hùng vẫn kiên định trong trại giam

RFA
19/5/2022

Ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Lê Anh Hùng vẫn kiên định trong trại giam

Ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Tư, và Lê Anh Hùng (RFA editted) /RFA 

Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Miếng, ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, và Lê Anh Hùng vẫn kiên định trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội, quyết không bị khuất phục trước sự đàn áp của lực lượng an ninh Việt Nam.

Đó là thông tin mới nhất về 3 nhà hoạt động mà luật sư Miếng cung cấp sau khi tiếp xúc riêng rẽ với họ ở Trại tạm giam số 1 vào ngày 17/5. Ông cho biết mình chỉ được nói chuyện ngắn khoảng 15 phút với mỗi người cho dù theo quy định thì không có hạn chế về thời gian tiếp xúc giữa luật sư và người bị tạm giam. Ông còn nói hai cuộc nói chuyện qua ống nghe với bà Trang và ông Phương bị ngắt giữa chừng bởi công an trại giam.

Luật sư Miếng cho biết bà Trang có sức khoẻ kém, đang bị khó thở hậu Covid. Bà phản đối việc trại giam bắt mặc áo có in chữ Phạm Nhân và không ký bất kỳ cam kết hay thỏa hiệp nào với cơ quan an ninh để được gia đình thăm gặp hoặc ngay cả để được đổi lấy tự do. Bà gửi lời nhắn nhủ đến mọi người: “Vượt qua nỗi sợ hãi không khó, nhưng vượt qua nỗi chán nản mới là vấn đề, nên các bạn đừng nản chí.”

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói: “Một số người bảo chính vì Trang kiên cường nên bị đánh đập [trong trại giam- PV] mà sức thì không khoẻ lắm… Gia đình băn khoăn về sức khoẻ của Trang… Anh của Trang có nhiều lần làm đơn đề nghị cho Trang đi khám chữa bệnh theo chuyên khoa nhưng họ không cho … Để đối phó với dư luận, có một lần họ đưa Trang đi khám không theo chuyên khoa mà chỉ khám một cách hình thức.”

Về trường hợp của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, như Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội định đưa nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai này ra xét xử phúc thẩm vào ngày 19/5 nhưng rồi bất ngờ hoãn phiên xử vô thời hạn. Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngắn ngủi với luật sư Miếng, ông Phương nói ông không hề nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng như thông báo tạm hoãn của toà. Ông cho biết thêm sỹ quan an ninh đến dò xét tư tưởng của ông nhưng ông luôn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh ngay cả khi mãn hạn tù.

Liên quan đến trường hợp của blogger Lê Anh Hùng, luật sư Miếng cho biết blogger này hơi gày nhưng tinh thần minh mẫn sau khi công an Hà Nội đưa ông trở lại trại tạm giam từ bệnh viện tâm thần đầu tháng này, nơi ông bị chữa trị bắt buộc trong hơn 3 năm vừa qua. Ông Hùng nhắc lại với luật sư của mình rằng ông “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định việc ông treo băng-rôn tố cáo ông Hoàng Trung Hải là ‘Hán tặc’ và người bao che cho ông Hải là đúng.” Nói về phiên xử sơ thẩm của mình, ông Hùng không yêu cầu toà giảm nhẹ hình phạt mà chỉ yêu cầu toà tính thời gian áp dụng biện pháp chữa bệnh tâm thần cho ông vào thời gian tạm giam vì thực tế ông chưa được tự do ngày nào kể từ khi bị bắt. Ông còn đòi toà tuyên ông vô tội và trả tự do ngay tại toà.

Qua điện thoại, bà Niêm mẹ của blogger Lê Anh Hùng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng phía trại tạm giam lấy lý do dịch bệnh Covid để không cho bà gặp con trai mà chỉ cho bà chuyển tiền vào để ông mua thêm thức ăn và đồ dùng.

Nghiên cứu: Nhiều cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam bán thịt lợn nhiễm vi khuẩn kháng thuốc

19/5/2022

Nghiên cứu: Nhiều cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam bán thịt lợn nhiễm vi khuẩn kháng thuốc

Hình minh hoạ: Một người bán thịt đang cắt thịt lợn bán cho khách tại một chợ ở Hà Nội hôm 16/8/2017 /AFP 

Các nhà khoa học tại trường Đại học các bệnh nhiệt đới và vệ sinh London, Anh, mới đây công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy thịt lợn bán tại các cửa hàng và siêu thị ở Việt Nam nhiễm vi khuẩn Salmonella đặc biệt là loại kháng thuốc kháng sinh, thậm chí là kháng loại kháng sinh mạnh nhất colistin.

Nghiên cứu được công bố trên trang Frontiers in Veterinary Sciences hôm 29/3 vừa qua.

Các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu 69 địa điểm bán lẻ thịt lợn và lò mổ ở Việt Nam trong các năm 2014, 2018 và 2019. Số liệu của một số nơi được thu thập từ các dự án trong giai đoạn 2012 đến 2017 và từ 2017 và 2022. Đây là các dự án nghiên cứu nhằm mục đích giảm thiểu các bệnh liên quan đến thực phẩm tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu này, có ít nhất một nửa trong số các nơi được nghiên cứu tìm thấy loại vi khuẩn kháng các loại kháng sinh gồm ampicillin, tetracycline, chloramphenicol và trimethoprim.

Niamh Holohan từ trường Đại học các bệnh nhiệt đới và vệ sinh London được trích lời trong báo cáo nghiên cứu cho biết:

“Thịt lợn chiếm khoảng 70% trong lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam, điều này có nghĩa là thịt lợn nhiễm khuẩn đặt ra nguy cơ cao đối với người tiêu dùng. Sự xuất hiện của loại vi khuẩn kháng colistin là điều đặc biệt đáng ngại vì đây là loại kháng sinh cuối cùng được dùng để điều trị các nhiễm trùng.”

Chính phủ Việt Nam từ năm 2017 đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm giám sát tình trạng kháng thuốc và một luật về chăn nuôi được đưa ra vào năm 2018 nhằm loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các thành phần kháng thuốc trong thức ăn chăn nuôi chậm nhất là đến năm 2020.

Các nhà nghiên cứu Anh cho rằng sẽ cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu tình hình có thực sự cải thiện hay không sau khi Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định và kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng thức ăn chăn nuôi kháng thuốc cho gia xúc và gia cầm.

Người đàn ông Mỹ bị tù chung thân vì phạm tội ấu dâm tại Việt Nam 

18/5/2022 

VOA Tiếng Việt 

Ông Christopher Edwin Day, 52 tuổi, bị tuyên án tù chung thân hôm 16/5/2022 ở một tòa án bang Florida, Hoa Kỳ. Photo Pinellas County Sheriff's Office via TampaBay.com.

Ông Christopher Edwin Day, 52 tuổi, bị tuyên án tù chung thân hôm 16/5/2022 ở một tòa án bang Florida, Hoa Kỳ. Photo Pinellas County Sheriff's Office via TampaBay.com. 

Một người đàn ông ở Florida vừa bị kết án tù chung thân vì sang Việt Nam thực hiện hành vi quan hệ tình dục với nhiều trẻ vị thành niên Việt Nam dưới vỏ bọc là thầy giáo dạy tiếng Anh.

Hôm 16/5, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết ông Christopher Edwin Day, 52 tuổi, ở thành phố Saint Petersburg, vào tháng 2/2020 đã nhận tội với hai tội danh du lịch với ý định thực hiện hành vi tình dục bất hợp pháp và hai tội danh cố gắng cưỡng bức và dụ dỗ trẻ vị thành niên tham gia hoạt động tình dục bất hợp pháp.

Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ dẫn các tài liệu của tòa án và lời của bị can tại phiên xử hôm 16/5 cho biết ông Day trong hai lần khác nhau vào năm 2015 và 2016, đã bay từ Florida đến Việt Nam để thực hiện hành vi quan hệ tình dục với các bé trai Việt Nam vị thành niên. Ông Day thực hiện hành vi này dưới vỏ bọc là giáo viên dạy tiếng Anh, và một số nam sinh người Việt đã bị ông dụ dỗ với những lời hứa cho tiền và quà cáp.

Trang Tampa Bay dẫn lời các quan chức liên bang Hoa Kỳ cho biết ông Day đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với “rất nhiều” thiếu niên Việt Nam mà ông đã gặp và nói chuyện qua internet.

Vụ việc đã được các đặc vụ của cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ (HSI) tại Tampa và ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, thực hiện.

Vào tháng 8/2019, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết với sự hỗ trợ của Bộ Công an Việt Nam, các đặc vụ của Sở Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã bắt được ông Christopher Edwin Day, nghi phạm chuyên dụ dỗ trẻ em vị thành niên ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, để quan hệ tình dục.

Xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi khi các nhà sản xuất dịch chuyển khỏi Thâm Quyến của Trung Quốc

Chi Anh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/ntdvn_gettyimages-foxconn-china-tech-manufacturing-101581856-1200x798-1200x798-1.jpeg

Công nhân Trung Quốc đang lắp ráp các linh kiện điện tử tại nhà máy của tập đoàn công nghệ khổng lồ Đài Loan Foxconn ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 26/05/2010. (Ảnh: AFP / AFP / Getty Images) 

Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể sau khi Thâm Quyến và Thượng Hải của Trung Quốc bị phong tỏa bởi chính sách Zero-COVID hà khắc của ông Tập Cận Bình.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu của đất nước đạt mức cao kỷ lục 34,7 tỷ USD trong tháng 3. Trong khi đó, xuất khẩu của Thâm Quyến chỉ đạt 17,8 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê Thâm Quyến.

Về tổng kim ngạch xuất khẩu của quý I/2022, Tổng cục Thống kê cũng báo cáo mức cao kỷ lục 88,58 tỷ USD, cao hơn khoảng 46% so với quý đầu tiên của Thâm Quyến.

Đáng chú ý, các sản phẩm điện tử, như điện thoại di động, máy tính và linh kiện, đã trở thành danh mục hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 28,1 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I.

Thâm Quyến là một trong những trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, thường xuyên đứng thứ ba về xếp hạng doanh thu tài chính trong số tất cả các thành phố ở Trung Quốc. Nơi này đóng góp 2,6% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của đất nước tỷ dân, theo thông cáo báo chí phát hành ngày 24/03 của chính quyền thành phố Thâm Quyến.

Năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra, Việt Nam đã lần đầu tiên trong 30 năm vượt qua Thâm Quyến về xuất khẩu. Sự khác biệt giữa hai bên ngày càng gia tăng kể từ đó.

Những gã khổng lồ công nghệ như Samsung Electronics, LG Corp., Intel và Apple đã đầu tư vào các địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc như Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời dần dần chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Kết quả là, xuất khẩu các sản phẩm của một số ngành hàng chính đã giảm đáng kể ở Trung Quốc. Trong bốn tháng đầu năm 2022, xuất khẩu điện thoại di động, thiết bị gia dụng, phân bón và thép lần lượt giảm 14,2%, 6,8%, 35,8% và 29,2%, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc.

Chính sách Zero-COVID cực đoan và các đợt phong tỏa gay gắt đã khiến kinh tế Trung Quốc hứng chịu nhiều hậu quả tiêu cực. Doanh thu tài chính của Thâm Quyến trong tháng 4 đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Tài chính Thâm Quyến.

Chi Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét