Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ tư 25 tháng 5 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Chiến tranh Ukraina: Quân Nga siết chặt gọng kềm vùng Luhansk

Ảnh minh họa: Một phần của một ngôi trường tại làng Bilohorivka (Luhansk, Ukraina) bị trúng pháo kích của quân Nga ngày 08/05/2022. via REUTERS - LUHANSK REGIONAL MILITARY-CIVIL 

Tại miền đông Ukraina, quân đội Nga đang bằng mọi giá siết chặt gọng kềm vùng Luhansk và muốn “phá hủy hoàn toàn” vùng Donbass, theo lời tổng thống Zelensky. 

Theo hãng tin AFP, trên mạng Telegram hôm nay 25/05/2022, thống đốc vùng Luhansk, Serguii Gaida cho biết tại vùng này, quân Nga đang tiến theo tất cả các hướng cùng một lúc. Quân Nga đang oanh tạc ngày càng dồn dập vào thành phố Severodonetsk, với mục tiêu xóa khỏi bản đồ thành phố có vị trí chiến lược ở phía tây bắc Luhansk và hiện đang bao vây hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk, những ổ kháng cự cuối cùng tại vùng này. Thống đốc Luhansk so sánh vùng này với Mariupol, thành phố cảng ở miền đông nam Ukraina đã bị phá hủy gần như hoàn toàn sau nhiều tuần bị bao vây và oanh tạc. 

Về phần tổng thống Volodymyr Zelensky, ông nhìn nhận là tình hình tại vùng Donbass, miền đông Ukraina, “cực kỳ khó khăn”. Và một lần nữa, quân Nga dồn toàn bộ lực lượng vào cuộc tấn công, bởi vì họ muốn “phá hủy hoàn toàn” vùng Donbass.


Matxcơva đã quyết định gia tăng tấn công vào vùng Donbass, bao gồm Luhansk và Donetsk, sau khi quân Ukraina đẩy lùi được lực lượng Nga khỏi hai thành phố lớn nhất là Kiev và Kharkiv. Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigou tuyên bố sẽ tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina cho đến khi nào “đạt được toàn bộ các mục tiêu”. Ông cũng nhấn mạnh là quân Nga chuẩn bị mở một cuộc tấn công dài ở Ukraina.

Theo bộ tổng tham mưu quân đội Ukraina, quân Nga nay sử dụng không quân nhiều hơn để yểm trợ lực lượng trên bộ và giải thích: “Do thiếu các tên lửa có độ chính xác cao, quân địch dùng các phương tiện khác để phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu và cơ sở hạ tầng quân sự”.

Trước tình hình này, hôm qua, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev. Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, tổng thống Zelensky còn chỉ trích sự thiếu “đoàn kết” của các nước phương Tây trước cuộc chiến tranh Ukraina, hơn 3 tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng. Tuy vậy, một lần nữa, tổng thống Ukraina tỏ lòng biết ơn tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ mới 40 tỷ đôla của Mỹ cho Kiev.

Mỹ nói cao ủy nhân quyền LHQ 'sai lầm' khi đến Trung Quốc

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet trong cuộc gặp qua mạng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bà ở Quảng Châu , Trung Quốc, ngày 25 tháng 5 năm 2022

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet trong cuộc gặp qua mạng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bà ở Quảng Châu, ngày 25 tháng 5 năm 2022

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet ngày 23/5 đã tới Trung Quốc và sẽ đi thăm Tân Cương, gây ra phản ứng trái chiều từ chính quyền Hoa Kỳ.

Trung Quốc nói bà Michelle Bachelet sẽ gặp lãnh đạo cấp cao và quan chức các bộ ngành của Trung Quốc, cũng như đi thăm Quảng Đông, và Tân Cương.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đến Trung Quốc kể từ năm 2005.

Nhưng chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố việc bà Michelle Bachelet đến Trung Quốc là "sai lầm".

"Chúng tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi đồng ý đến thăm trong hoàn cảnh này", người phát ngôn ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói.

Ông Ned Price nói rằng bà Bachelet sẽ không thể có được bức tranh đầy đủ về "những hành động tàn bạo, tội ác chống lại loài người và diệt chủng" tại Tân Cương.

Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương là một khu vực tự trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 23 tháng 5 năm 2022

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 23 tháng 5 năm 2022

Ngày 19/1/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố Trung Quốc phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người với hành động trấn áp nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác tại khu vực Tân Cương.

Nhiều quốc gia phương Tây khác, gồm Anh và Pháp, đã liên tục lên án ''tội ác diệt chủng'' chống lại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Quốc hội Pháp hôm 20/01/2022, đã thông qua nghị quyết lên án chính quyền Bắc Kinh phạm "tội ác chống nhân loại" đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ được quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 23/12/2021.

Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".

Trung Quốc tuyên bố vấn đề Tân Cương hoàn toàn không phải vấn đề nhân quyền, mà là vấn đề "chống bạo lực, khủng bố và ly khai". 

Sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật ngày 23/12/2021, Trung Quốc nói Mỹ phải "uốn nắn sai lầm, chấm dứt việc lợi dụng vấn đề Tân Cương để reo rắc lời già dối".

Kết thúc chuyến thăm châu Á của Tổng Thống Biden: 5 điểm đáng chú ý

Trương Đình

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/282205579_326809419633185_5118237137334572109_n.jpg

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Facebook Nhà Trắng) 

Hôm thứ Ba (24/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày. Trong chuyến công du này của ông Biden có nhiều điểm đáng chú ý.

Ông Biden cảnh báo rằng cuộc chiến tranh mà Nga phát động nhắm vào Ukraine không chỉ là cuộc chiến của châu Âu, mà là một vấn đề toàn cầu.

Đồng thời, ông hy vọng rằng phản ứng do Mỹ đứng đầu đối với cuộc chiến Nga – Ukraine và những sai lầm của quân đội Nga trên chiến trường sẽ được coi là lời cảnh báo đối với Bắc Kinh.

Dưới đây là 5 điều đáng chú ý trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống Mỹ:

Phát biểu của ông Biden về Đài Loan gửi tín hiệu đến Trung Quốc

Hôm thứ Hai (ngày 23/5), tại Nhật Bản, ông Biden đã đưa ra cảnh báo rõ ràng nhất đối với Trung Quốc, nói rằng Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả quân sự nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Lập trường này ngay lập tức trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của giới truyền thông.

Ông Biden cũng giải thích vào thời điểm đó rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi: “Chúng tôi ủng hộ chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ mọi thứ chúng tôi đã làm trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa – không có nghĩa là Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng, quyền hạn tiến vào và sử dụng vũ lực để tiếp quản Đài Loan.”

Ông cũng cho biết, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm sử dụng vũ lực đối với Đài Loan sẽ là “không phù hợp” và “điều này sẽ khiến toàn bộ khu vực rơi vào hỗn loạn, một hành động khác tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine”.

Hôm thứ Ba, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo QUAD, ông Biden nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, “như tôi đã nói trước đây trong tuyên bố của mình.”

Ông Biden hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nhưng ông cũng nói rằng đánh giá phụ thuộc vào mức độ cứng rắn của thế giới trong việc biểu thị rõ ràng với ĐCSTQ rằng hành động như vậy sẽ dẫn đến sự phản đối lâu dài từ cộng đồng quốc tế.

Ông Biden cũng dùng ví dụ của Nga để cảnh báo Trung Quốc. Theo ông, sở dĩ phải khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá đắt cho những hành động tàn bạo của mình ở Ukraine, một trong những nguyên nhân là để ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan, để tránh cho ĐCSTQ và các nước khác cho rằng những hành động như vậy là có thể chấp nhận được.

Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trước phát biểu của ông Biden về Đài Loan

Phản ứng của ĐCSTQ đối với phát biểu của ông Biden cũng đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trong hai ngày liên tiếp vào thứ Hai và thứ Ba.

Hôm thứ Ba (ngày 24/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, phía Mỹ đã cố gắng hết sức để chơi chữ về vấn đề nguyên tắc một Trung Quốc. Ông nói: “Nếu tiếp tục đi trên con đường sai lầm, thì không chỉ gây ra những hậu quả không thể cứu vãn được cho quan hệ Trung – Mỹ, mà còn khiến Mỹ phải trả một cái giá không thể chịu nổi.”

Hôm thứ Hai (ngày 23/5), ông Uông Văn Bân nói: “Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối những ngôn luận này (của ông Biden)”, “Phía Trung Quốc thúc giục phía Mỹ cẩn thận về lời nói và hành động trong vấn đề Đài Loan.”

Phát ngôn viên Ủy ban Đài Loan của ĐCSTQ Chu Phượng Liên cũng nói, Mỹ đang cố gắng “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”, là đang chơi với lửa.

QUAD sôi nổi trở lại khiến Bắc Kinh tức giận

Nhóm QUAD còn được gọi là “Đối thoại An ninh Bộ tứ“, hiện là một nhóm không chính thức của 4 quốc gia, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, với mục đích làm sâu sắc hơn hợp tác về các vấn đề khu vực và hình thành một Ấn Độ đoàn kết chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngay từ khi thành lập vào năm 2007, QUAD được coi như sự cân bằng đối với việc Trung Quốc trở thành bá chủ toàn cầu. Ý tưởng này nhanh chóng lụi tàn sau đó. Nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã phát động chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ chống lại Bắc Kinh, và ý tưởng về QUAD lại được “kích hoạt”.

ĐCSTQ đã chỉ trích QUAD là NATO Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cáo buộc QUAD “truyền bá tâm lý Chiến tranh Lạnh” và “kích động cạnh tranh địa chính trị”.

Sau khi ông Biden nhậm chức, ông tiếp tục tăng cường liên lạc giữa các thành viên QUAD và tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo tại Nhật Bản vào thứ Ba để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và cách đối phó với các thách thức của Trung Quốc trong khu vực. Trong một tuyên bố chung, QUAD cảnh báo về những thách thức của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực, chẳng hạn như sử dụng quân đội, sử dụng các tàu cảnh sát biển và lực lượng dân quân hàng hải một cách nguy hiểm, và cố gắng gây rối việc khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.”

Tuyên bố của QUAD cũng công bố các biện pháp nhằm chống lại hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đáp lại tuyên bố chung của QUAD vào thứ Ba (ngày 24/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Xin đừng đeo kính màu và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Việc tạo các vòng tròn nhỏ và kích động đối lập các phe phái mới là mối đe dọa thực sự đến việc xây dựng một trật tự hàng hải hòa bình, ổn định và hợp tác.”

Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến Mỹ bỏ nhiều tâm sức, các quan chức Mỹ nói rằng ông Biden vẫn có ý định điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ để đối phó với những thách thức trong những thập kỷ tới. Bao gồm, việc khẩn cấp nhất chính là xây dựng ‘kiểu cấu trúc liên minh đã tồn tại giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương’ ở châu Á và hình thành một mặt trận thống nhất về cơ bản sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, hiện không có tổ chức châu Á nào tương đương với NATO, trong khi đó NATO là tổ chức cung cấp cấu trúc then chốt cho phương Tây để ứng phó với hành động xâm lược của Nga. Vì vậy, ông Biden đã thực hiện một số bước để hồi sinh QUAD bao gồm việc lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nhạy cảm của Mỹ với Úc.

Gặp gỡ Thủ tướng Úc và Ấn Độ

Mối quan hệ giữa Úc và Ấn Độ đã chạm đáy trong những năm gần đây. Ông Biden đã hội kiến các nhà lãnh đạo Úc và Ấn Độ tại Nhật Bản hôm thứ Ba, củng cố mối quan hệ với các đồng minh, điều này khiến Bắc Kinh giữ cảnh giác.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với liên minh Mỹ – Úc và cam kết sẽ tăng cường hơn nữa liên minh này.

Ông Anthony Albanese cho biết, chính phủ của ông tự hào rằng liên minh Úc – Mỹ đã được xây dựng bởi lãnh Đảng Lao động John Curtin trong Chiến tranh Thế giới thứ II, điều này mang đến sự ra đời chính thức của liên minh thời hậu chiến.

Ông nói: “Chúng ta (Úc và Mỹ) là bạn của nhau kể từ đó.” Đồng thời ông nói thêm rằng Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Úc và khu vực.

Hai nhà lãnh đạo ca ngợi những tiến triển nhanh chóng đang đạt được trong quan hệ Đối tác Úc – Anh – Mỹ (AUKUS). Họ nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng nhau để triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).

Trong cuộc gặp giữa ông Biden với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác vì một thế giới thịnh vượng, tự do, kết nối và an toàn hơn.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tổng thống Biden đã chính thức khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Nhật Bản vào thứ Hai nhằm mở rộng sự tham gia kinh tế của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, danh sách 13 quốc gia thành viên sáng lập cũng được công bố, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Trung Quốc không nằm trong danh sách này.

Một trong những mục tiêu của IPEF là giải quyết vấn đề về linh hoạt chuỗi cung ứng. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc IPEF thúc đẩy cải thiện khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng thực chất là một nỗ lực nhằm loại ĐCSTQ ra khỏi chuỗi cung ứng.

Bắc Kinh đã bắt đầu “giậm chân” trước thông báo chính thức của ông Biden về IPEF. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật (ngày 22/5) cho biết “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Mỹ vạch ra dưới ngọn cờ “tự do và cởi mở”, nhưng lại ưa chuộng “kéo bè phái” và “kết bè kết cánh”. Mỹ tuyên bố “thay đổi môi trường xung quanh của Trung Quốc”, nhưng mục đích chính là “cố gắng vây chặn Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Theo Trương Đình, Epoch Times

Tân Thủ tướng Úc cam kết giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc

Huyền Anh

Tân Thủ tướng Úc cam kết giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc

Ông Anthony Albanese (giữa), bà Penny Wong (trái) và ông Richard Marles (phải) bước ra khỏi Tòa nhà Chính phủ sau khi lần lượt tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, ngoại trưởng và phó thủ tướng trước Toàn quyền David Hurley AC DSC Đáng kính (Đã về hưu) ở Canberra, Úc, hôm 23/05/2022. (Ảnh: David Grey/Getty Images) 

Trong cuộc họp báo đầu tiên của tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Tòa nhà Quốc hội sau khi nhậm chức, ông cho biết mối bang giao của nước này với Trung Quốc vẫn sẽ còn ‘khó khăn’.

Khi được hỏi liệu ông có coi cuộc bầu cử của chính phủ mình là một con đường làm leo thang căng thẳng trong mối bang giao Trung-Úc hay không, ông Albanese đề cập đến những bình luận mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử, nơi ông tuyên bố rằng mối bang giao song phương này sẽ gặp nhiều thách thức.

Tân thủ tướng cho hay, “Những gì tôi đã nói và những gì chúng tôi duy trì là mối bang giao với Trung Quốc vẫn sẽ là một liên kết đầy khó khăn. Tôi đã nói điều đó trước cuộc bầu cử, điều đó không thay đổi. Chính Trung Quốc đã thay đổi chứ không phải Úc, đồng thời Úc sẽ luôn bảo vệ các giá trị của mình, và chúng tôi sẽ như vậy trong một chính phủ do tôi lãnh đạo”.

“Những gì tôi sẽ làm, với tư cách là thủ tướng và những gì Ngoại trưởng của tôi, Thượng nghị sĩ Wong sẽ làm, là đặt lợi ích quốc gia của Úc lên hàng đầu, đặt các giá trị của Úc lên hàng đầu”. T

Các bình luận trên được đưa ra khi tân thủ tướng và tân ngoại trưởng tới Tokyo, Nhật Bản để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Bộ Tứ (QUAD). Ông cũng sẽ có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Ông Albanese cho biết chính phủ của ông sẽ tìm kiếm một đường hướng mới trong việc kết giao với các quốc gia khác.

Ông Albanese nói, “Vì vậy, các cuộc họp mà chúng tôi sẽ tổ chức, không chỉ với Hoa Kỳ, mà còn với các nước chủ nhà của chúng tôi ở Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ rất quan trọng theo một hướng thuận lợi để gửi một thông điệp đến thế giới rằng Úc có một chính phủ mới và rằng đó là một chính phủ đại diện cho sự thay đổi trong cách thức mà chúng tôi ứng phó với thế giới về các vấn đề như biến đổi khí hậu”.

Ông cũng cho biết sẽ nhấn mạnh sự tôn trọng của Úc đối với nền dân chủ và tình hữu nghị [đối với] quốc tế của nước này.

Tổng thống Hoa Kỳ đã điện đàm với tân thủ tướng Úc vào tối Chủ Nhật (22/05) để gửi lời chúc mừng đến ông. Ông Albanese lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo đã có một “cuộc đối thoại hiệu quả và tích cực”.

Huyền Anh

Nga nói không chắc cần quan hệ với phương Tây, sẽ tập trung quan hệ với Trung Quốc 

25/5/2022 

Reuters 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. 

Ngoại trưởng Nga ngày 23/5 tuyên bố Moscow sẽ xem xét các đề nghị từ phương Tây về việc tái thiết quan hệ và xác định xem có cần thiết hay không, nhưng sẽ tập trung phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Ông Sergei Lavrov nói các nước phương Tây đã chứng tỏ “chứng sợ Nga” kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine mà Moscow mô tả là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’.

Ông cho hay Nga đang nỗ lực để thay thế hàng hóa nhập khẩu từ các nước phương Tây và trong tương lai, sẽ chỉ dựa vào các nước ‘đáng tin cậy’ không cậy dựa vào phương Tây.

“Nếu họ (phương Tây) muốn đề nghị điều gì đó nhằm nối lại quan hệ, thì chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét liệu chúng tôi có cần hay không”, ông Lavrov nói, theo trang mạng của Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng Lavrov nêu lên những bất bình với các nước phương Tây mà theo ông là quyết tâm thay đổi các quy tắc quan hệ quốc tế có hại cho Nga.

Ông nói: “Chúng ta phải ngừng phụ thuộc vào bất cứ cách nào vào nguồn cung cấp hoàn toàn từ phương Tây để đảm bảo sự phát triển của các lĩnh vực trọng yếu cho an ninh, kinh tế và xã hội của quê hương chúng ta.”

Moscow nói cuộc tấn công của họ ở Ukraine là nhằm phi quân sự hóa Ukraine sau điều mà họ mô tả là một cuộc đảo chính do phương Tây khơi dậy vào năm 2014 giúp củng cố chủ nghĩa dân tộc cực đoan và trục xuất một Tổng thống thân Nga.

Ngoại trưởng Lavrov nói mục tiêu của Moscow hiện nay là phát triển hơn nữa các quan hệ với Trung Quốc.

Ông Lavrov nói: “Giờ đây, khi phương Tây đã đứng vào vị thế ‘độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.”

“Ngoài nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước, đây là cơ hội để phát triển vùng viễn đông Nga và đông Siberia”.

Ông nói Trung Quốc có công nghệ thông tin và truyền thông “không thua kém gì phương Tây. Có rất nhiều điều để đảm bảo lợi ích hỗ tương”.

Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga sẽ chỉ tin tưởng vào bản thân mình và các quốc gia đã chứng tỏ đáng tin cậy. “Nếu các nước phương Tây đổi ý và đề nghị một số hình thức hợp tác, thì lúc đó chúng tôi có thể quyết định.”

Bắc Triều Tiên liên tiếp bắn tên lửa thách thức liên minh Mỹ-Hàn

25/5/2022

Người dân Seoul (Hàn Quốc) đứng trước một màn ảnh truyền hình chiếu cảnh tên lửa Bắc Triều Tiên được phóng lên ngày 25/05/2022. AP - Lee Jin-man 

Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ - Hàn và cuộc họp mặt bộ tứ Quad tại Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã bắn 3 tên lửa đạn đạo bao gồm một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 25/05/2022. Theo thông tin từ văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho lần thử nghiệm hạt nhân mới. Đây là phản hồi "thách thức" lằn ranh đỏ của liên minh Mỹ - Hàn cũng như bộ tứ Quad.  

Sau khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về kinh tế, công nghệ và an ninh của bán đảo Triều Tiên, hôm nay Bắc Triều Tiên đã liên tiếp bắn 3 quả tên lửa bao gồm một tên lửa liên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa tầm ngắn (SRBM) xuống khu vực biển Đông (tên Hàn Quốc gọi biển Nhật Bản). Đây được xem là một hành động thách thức hầu hết các lằn ranh đỏ, tuyên bố chung, hay các quyết định cứng rắn của cả liên minh Mỹ - Hàn và nhóm bộ tứ Quad. Đặc biệt hành động bắn tên lửa này lại diễn ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du Châu Á đầu tiên trong nhiệm kỳ.   

Tại Hàn Quốc, tổng thống Yoon Seok Yeol đã chủ trì một cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để nghe báo cáo về vụ việc và tư thế sẵn sàng phản ứng của quân đội Hàn Quốc. Tổng thống Yoon tuyên bố: "Dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, chúng ta nên phối hợp chặt chẽ với các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế để thực hiện triệt để các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".

Trước đó ông Yoon đã liên tục phê phán chính sách đối ngoại của tổng thống Moon và gọi cách ngoại giao mà ông Moon đã xây dựng là thất bại và phục tùng.

Sau cuộc họp, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố lên án hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng: "Việc Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa xuyên lục địa và tên lửa tầm ngắn là bất hợp pháp và vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".

Publicité

Bên cạnh đó, văn phòng an ninh chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 tại khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-hi”. Ngay lập tức ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và cố vấn an ninh Hàn Quốc Kim Seong Han đã lần lượt trao đổi với 2 đồng cấp tại Mỹ để thảo luận về các cách thức hợp tác giữa 2 quốc gia Hàn - Mỹ. 

Ông Tedros tái đắc cử chức Tổng giám đốc WHO

Huyền Anh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/ntdvn_1-2112.jpeg

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi lễ khai trương Học viện Tổ chức Y tế Thế giới ở Lyon, miền đông nước Pháp, vào ngày 27/9/2021. (Ảnh: Denis Balibouse/Getty Images) 

Hôm 24/5, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tái đắc cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 5 năm nữa với kết quả 155/160 phiếu ủng hộ, Chủ tịch Hội đồng Y tế Thế giới cho biết, theo Reuters.

“Các nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay tiếp tục bầu Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai trên cương vị Tổng Giám đốc của cơ quan y tế công cộng hàng đầu thế giới”, ông Ahmed Robleh Abdilleh, Chủ tịch Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 75 đã thông báo kết quả trên sau cuộc họp bỏ phiếu diễn ra tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

Phát biểu sau khi tái đắc cử, Tiến sĩ Tedros nói: “Tôi thực sự cảm động trước cơ hội được các Quốc gia thành viên giao phó với tư cách là Tổng Giám đốc WHO nhiệm kỳ lần thứ hai. Tuy nhiên, vinh dự này đi kèm với trách nhiệm lớn lao và tôi cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia, các đồng nghiệp trên khắp thế giới cũng như các đối tác quan trọng để đảm bảo WHO thực hiện sứ mệnh nâng cao sức khỏe, đảm bảo an toàn cho thế giới và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Ông Tedros cho biết, trọng tâm của WHO sẽ là việc chuẩn bị cho những vấn đề khẩn cấp và cải thiện cơ quan này.

“Đại dịch này chưa từng có tiền lệ và nhiều bài học mà chúng ta nên học và chúng ta vẫn đang học. Nhưng đồng thời chúng ta không thể chỉ dừng lại, học và triển khai… thay vì tạm dừng lại để học, chúng ta vẫn đang nói trong lúc học là hãy triển khai”.

Người đứng đầu WHO mới đắc cử đã rơi nước mắt khi nói về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và cái chết của người em trai ông vì căn bệnh thời thơ ấu trong bối cảnh chiến tranh và đói nghèo nhiều thập kỷ trước.

“Khi tôi đến thăm Ukraine, đặc biệt là những đứa trẻ… Đó là hình ảnh từ hơn 50 năm trước hiện lên trong tâm trí tôi, rất rõ ràng, rất tàn bạo. Mùi vị, âm thanh và hình ảnh của chiến tranh. Đó là điều tôi không muốn xảy ra với bất kỳ ai”.

Sau khi kết quả được công bố, đại diện nhiều nước thành viên WHO đã chúc mừng ông Tedros. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã tweet rằng ông Tedros đã nhận được 155 trong số 160 phiếu bầu, và gọi đó là một kết quả ngoạn mục.

Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros từng là Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia từ năm 2012–2016 và Bộ trưởng Bộ Y tế Ethiopia từ năm 2005 – 2012. Ông cũng từng là chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ toàn cầu chống AIDS, bệnh lao và sốt rét, cũng như chủ tịch Hội đồng Đối tác về bệnh sốt rét tái phát (RBM) và đồng chủ tịch Hội đồng Đối tác về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Năm 2017, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đi vào lịch sử khi trở thành người châu Phi đầu tiên lãnh đạo WHO. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tedros chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng y tế lớn. Năm 2018, dịch Ebola bùng phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo và mất đến 2 năm mới được kiểm soát. Năm 2020, COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu và làm chao đảo thế giới.

Trước đó, ngày 25/1/2022, Ban điều hành WHO đã bỏ phiếu kín chấp thuận đề cử ông Tedros Adhanom Ghebreyesus là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu chọn vị trí Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2. Ông Ghebreyesus đã cảm ơn ban điều hành WHO tiếp tục tín nhiệm ông trên cương vị này. Tổng Giám đốc WHO thừa nhận nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông thực sự đầy “thử thách và khó khăn” do đó, ông coi đây là một “vinh dự lớn” khi được giao cơ hội tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nhiệm kỳ mới của ông Tedros chính thức bắt đầu từ ngày 16/8. Tổng giám đốc WHO chỉ được phép tái đắc cử một lần theo quy định của Đại hội đồng Y tế Thế giới.

Huyền Anh

Theo Reuters

Texas: Cư dân Uvalde bàng hoàng sau vụ xả súng hàng loạt thảm sát 19 trẻ em, 2 người lớn tại trường tiểu học 

Charlotte Cuthbertson

Thứ tư, 25/05/2022

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Uvalde-Texas-school-shooting-ccet-DSC00567-1-700x420-1.jpg

Cảnh sát phong tỏa các con phố xung quanh Trường Tiểu học Robb sau một vụ xả súng hàng loạt, tại Uvalde, Texas, hôm 24/05/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times) 

UVALDE, Texas — Các bậc cha mẹ và con họ đã ôm nhau chặt hơn một chút hồi chiều hôm thứ Ba (24/03), sau khi biết rằng họ là những người may mắn. 

Thị trưởng Don McLaughlin của Uvalde xác nhận lúc 10 giờ 30 phút tối theo giờ địa phương rằng, 19 trẻ em và hai người lớn được xác nhận là đã thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas. 

Anh Joe Daniel, một cư dân Uvalde sống gần trường này, cho biết cô con gái 8 tuổi của anh đã bị chấn thương tâm lý sau khi kẻ xả súng cố gắng tiến vào lớp học của cô bé, nhưng giáo viên đã khóa trái cửa. 

Các công nhân xây dựng đã chạy vào nhà anh khi họ nghe thấy tiếng súng bên cạnh. Thanh niên Salvadore Romas bị cáo buộc đã bắn người bà của mình trước khi lái xe về phía trường học, sau đó tiến vào khuôn viên trường rồi nổ súng. Các nhân viên chấp pháp đã bắn Romas. 

Ông Adrian Ramirez nói: “Mọi người đúng là đã bị chấn động.” 

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Uvalde-Texas-shooting-ccet-DSC02484-1-600x400-1.jpg

Cư dân Uvalde tụ tập và chia sẻ trong sự bàng hoàng sau vụ xả súng hàng loạt ở Trường Tiểu học Robb gần đó, ở Uvalde, Texas, hôm 24/05/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times) 

Một người đàn ông khác cho biết con của anh họ anh vẫn mất tích — họ đã gọi cho tất cả các bệnh viện từ Uvalde đến San Antonio, và giờ đây họ lo sợ điều tồi tệ nhất. 

Đây là một cộng đồng nhỏ và tin tức lan truyền nhanh chóng. Một người đàn ông đã cho The Epoch Times xem trang Facebook của một trong những giáo viên bị bắn. Anh quen người bạn thân nhất của cô. 

“Thị trấn nào cũng có tội phạm, [nhưng] tôi không nghĩ thị trấn của chúng tôi có một trong những người như thế,” anh cho biết.  

Ông Moses, một tài xế xe tải đã về hưu từ chối cho biết họ của mình, cho biết ông sống bên kia đường đối diện với nhà của bà Romas suốt cả đời mình. 

“Tôi đã biết bà ấy trong cả đời mình. Tôi không thể tin được điều này đã xảy ra,” ông nói với The Epoch Times. Ông Moses kể rằng bà ấy “rất chăm chỉ, rất tốt bụng. Bà giữ gìn cho sân và ngôi nhà của mình thật sự sạch sẽ.” 

Cháu trai của ông Moses cũng đang ở Trường Tiểu học Robb khi vụ xả súng xảy ra, nhưng cậu bé không bị thương. “Nhưng một số đứa đã không vượt qua được — tôi biết cha mẹ, ông bà của các cháu đó,” ông Moses nói.  

“Thật là kinh khủng. Thật khó mà tin nổi. Phần mà tôi không hiểu được là — có thể cậu ta và bà của cậu ta vướng phải chuyện gì đó, nhưng mấy đứa trẻ nhỏ thì liên can gì tới chuyện đó?” 

“Lẽ ra chuyện như vậy không bao giờ nên xảy ra.” 

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Uvalde-Texas-shooting-ccet-DSC02489-1-600x400-1.jpg

Ông Moses, cư dân Uvalde, đứng bên ngoài ngôi nhà của mình, đối diện với hiện trường vụ án mạng xảy ra trước vụ xả súng hàng loạt ở Uvalde, Texas, hôm 24/05/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times) 

Các quan chức thành phố đã tổ chức một cuộc họp báo lúc 7 giờ tối giờ địa phương để cung cấp một bản cập nhật ngắn gọn. 

Bà Anne Marie Espinoza, phát ngôn viên của Học khu Độc lập Hợp nhất (CISD) Uvalde, cho biết tất cả các trường học đều sẽ đóng cửa ngay lập tức cho mùa hè này. 

Ông Pete Arredondo, Cảnh sát trưởng của CISD Uvalde, cho biết ưu tiên là chuyển thông tin đến gia đình của các học sinh. 

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiến hành hoạt động điều tra tích cực này. Một khi chúng tôi có thể cung cấp thông tin cho các gia đình, chúng tôi sẽ làm như vậy đầu tiên và trên hết,” ông nói. “Hãy để tôi trấn an quý vị, kẻ đột nhập đã chết. Và chúng tôi đang không chủ động tìm thêm một cá nhân khác hoặc bất kỳ nghi phạm nào khác trong vụ này.” 

Ông Hal Harrell, giám đốc CISD, cho biết tư vấn trị liệu để vượt qua nỗi đau sẽ được cung cấp tại Trung tâm Hành chính địa phương từ 10 giờ sáng hôm 25/05, “cho học sinh, nhân viên của chúng tôi, cho các thành viên cộng đồng, bất cứ ai cần đến vào thời điểm đó.” 

“Hôm nay tôi rất đau lòng,” ông Harrell nói. 

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Uvalde-Texas-shooting-ccet-DSC00681-1-600x400-1.jpg

Ông Hal Harrell, giám đốc Học khu Độc lập Hợp nhất Uvalde, nói trong cuộc họp báo sau vụ xả súng hàng loạt tại trường học ở Uvalde, Texas, hôm 24/05/2022. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times) 

Sở cảnh sát Uvalde cho biết các đường phố xung quanh trường sẽ bị phong tỏa trong vài ngày. 

“Đối với cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi thỉnh cầu quý vị cầu Chúa ban phước cho những người bị ảnh hưởng. Xin hãy kiên nhẫn và thông cảm về hiện trường và hoạt động điều tra đang diễn ra,” Sở cảnh sát đăng trên trang Facebook của mình vào tối hôm 24/05. 

Thống đốc Texas Greg Abbott đã hạ lệnh treo rủ các lá cờ trong tiểu bang. 

“Người dân Texas trên khắp tiểu bang đang đau buồn cho các nạn nhân của tội ác vô nghĩa này và cho cộng đồng Uvalde. Bà Cecilia và tôi thương tiếc cho sự mất mát khủng khiếp này và chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Texas hãy cùng nhau thể hiện sự ủng hộ vững chắc của chúng ta dành cho tất cả những ai đang phải chịu đựng đau khổ,” ông Abbott cho biết trong một tuyên bố. 

Những người phản ứng đầu tiên từ khắp nơi trong khu vực đã đổ dồn về Uvalde để hỗ trợ. Xe cấp cứu từ Quận Bandera, Quận Edwards, và San Antonio đỗ bên cạnh các xe tải của Uvalde. Các nhân viên Tuần tra Biên giới địa phương, cảnh sát thuộc sở cảnh sát trưởng, và các sĩ quan cảnh sát từ các quận lân cận đã tập trung lại để giúp đỡ. 

Uvalde, với dân số khoảng 16,000 người, nằm cách biên giới Hoa Kỳ-Mexico khoảng 60 dặm về phía đông và cách San Antonio 83 dặm về phía tây. 

Cô Charlotte Cuthbertson là phóng viên cao cấp của The Epoch Times, chuyên đưa tin về an ninh biên giới và cuộc khủng hoảng opioid. 

Thanh Nhã biên dịch

Trung Quốc – Nga tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên kể từ sau chiến tranh Ukraine

Huyền Anh

Trung Quốc – Nga tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên kể từ sau chiến tranh Ukraine

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga bay trong cuộc tập trận trên không của quân đội Nga-Trung (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga) 

Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung đầu tiên kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Bộ Tứ gặp mặt tại Tokyo, theo sau đó là một loạt những động thái đáp trả của các lực lượng xuất kích từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các thành phần của lực lượng không quân Trung Quốc và Nga đã thực hiện các hoạt động trên không trên Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương. Máy bay ném bom hạt nhân và máy bay chiến đấu của cả hai quốc gia đều có mặt.

Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận tương tự trong ba năm trước đó như một phần trong kế hoạch hợp tác quân sự hàng năm giữa hai nước, nhưng các cuộc tập trận đó diễn ra vào cuối năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói rằng động thái này có khả năng là một hành động khiêu khích nhằm chọc tức Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo mới đắc cử của Australia, Anthony Albanese, khi họ gặp nhau ở Tokyo để thảo luận về cách kiềm chế sự hung hăng ngày càng tăng của ĐCS Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết: “Chúng tôi tin rằng hành động này được thực hiện trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ khiến nó trở nên khiêu khích hơn so với trước đây”.

Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu để đẩy lùi một nhóm máy bay quân sự của Trung Quốc và Nga đang tiến gần vào không phận của mình khi các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đang họp ở Tokyo.

Một cặp máy bay quân sự của Trung Quốc và Nga đã bay gần không phận Nhật Bản, trong khi một máy bay trinh sát của Nga bay về phía bắc. Có thời điểm, cặp máy bay Trung Quốc được thay thế bằng một cặp máy bay mới.

Tương tự, quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã điều các máy bay chiến đấu để phản ứng lại ít nhất 4 máy bay chiến đấu của Trung Quốc và 4 máy bay chiến đấu của Nga đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của mình.

ADIZ là khu vực xung quanh không phận của một quốc gia, nơi quốc gia đó có thể yêu cầu máy bay nhận dạng. Moscow không công nhận ADIZ của Hàn Quốc là hợp pháp và Bắc Kinh khẳng định rằng họ có quyền được hưởng tự do đi lại ở đó.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hoạt động tập trận kéo dài khoảng 13 giờ. Cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược TU-95 của Nga và máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc, vốn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân và được thiết kế phần lớn để nhắm vào các mục tiêu như tàu sân bay Mỹ.

Quan hệ đối tác giữa Điện Kremlin và ĐCS Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn trong những tháng gần đây, sau tuyên bố về một thỏa thuận “không có giới hạn” giữa Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào đầu tháng Hai.

Kể từ thời điểm đó, ĐCS Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích vì đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Moscow hoặc thừa nhận các biện pháp trừng phạt tài chính đa phương chống lại Nga là hợp pháp. Tương tự như vậy, ĐCS Trung Quốc không coi cuộc chiến là một “cuộc xâm lược” và kiểm duyệt rất nhiều những luận điểm tiêu cực về nước Nga trong đại lục.

Nhiều hãng tin cũng đã đưa tin tình báo rằng Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tấn công mạng vào Ukraine một ngày trước khi Nga xâm lược và cũng cân nhắc gửi hỗ trợ quân sự cho Nga.

Các cuộc tập trận diễn ra sau những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Biden khi ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược. Các nhân viên Nhà Trắng sau đó đã cố gắng đính chính lại các bình luận và nói rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.

Lam Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét