Dự án 88: Chính quyền VN bắt giam nhà báo nhiều gấp ba lần hai năm trước
RFA
10/5/2022
Các nhà báo thuộc Hội Nhà báo VN Độc lập tại phiên toà ở TPHCM hôm 5/1/2021 /AFP
12 nhà báo độc lập bị bắt giữ chỉ riêng trong năm 2021 khiến đây là năm tồi tệ nhất đối với lĩnh vực tự do báo chí ở Việt Nam.
Hôm 9 tháng 5, tổ chức Dự án 88 công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2021, qua đó hỗ trợ thêm quan điểm rộng rãi cho rằng quốc gia độc đảng này là "một trong những nước ngược đãi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận tồi tệ nhất trên thế giới".
Theo thống kê của tổ chức này thì có 12 người làm truyền thông độc lập bị bắt bớ hồi năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2020 với bảy người làm truyền thông độc lập bị bỏ tù, và chỉ ba người bị bắt giam hồi năm 2019.
Một sự gia tăng mà theo tổ chức này là nhằm “dẹp bỏ mọi nỗ lực cổ xuý tự do báo chí” ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do qua email, bà Jessica Nguyễn, người phụ trách Vận động của tổ chức Dự án 88, cho biết thêm một vài thông tin đáng chú ý:
“Chính quyền đã bắt giữ 12 chuyên gia truyền thông vào năm 2021, tăng từ bảy người vào năm 2020 và ba người vào năm 2019, thể hiện nỗ lực nhằm dập tắt những cố gắng thúc đẩy tự do báo chí trong nước.
Chúng tôi cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng các nhà bình luận trực tuyến bị bắt vào năm 2021, tổng cộng là 15 người. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên chúng tôi chứng kiến chính quyền đã bắt giữ các nhà hoạt động theo Điều 331, "Lạm dụng (lợi dụng-PV) các quyền tự do dân chủ", nhiều hơn bất kỳ điều luật nào khác của Bộ luật Hình sự.
Có 17 tù nhân chính trị bị án tù vì điều 331, so với 14 người bị truy tố vì Điều 117 “tuyên truyền chống phá nhà nước".
Một trong những vụ bắt bớ gây chú ý trong năm vừa rồi đó là vụ nhà báo công dân Lê Văn Dũng ở Hà Nội. Ông bị truy tố và bắt giam dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở Hoa Kỳ này cũng đề cập đến các vụ xét xử nhiều nhà báo độc lập diễn ra trong năm 2021, với các bản án nặng nề được áp đặt lên họ, bao gồm các bản án từ 11 đến 15 năm tù đối với ba lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Tường Thụy của Đài Á Châu Tự Do; hay bản án chín năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.
Ngoài nhắm đến giới hoạt động truyền thông độc lập, chính quyền Việt Nam còn bị cáo buộc mở cuộc trấn áp nhắm đến các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường trong năm vừa qua.
Tiêu biểu nhất là vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Nguỵ Thị Khanh, và các nhà hoạt động xã hội khác như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, và Bạch Hùng Dương. Cả bốn người này đều làm cho các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với nhà nước, và đều bị cáo buộc dưới tội danh trốn thuế.
Những vụ bắt bớ này đã làm gia tăng con số tù nhân chính trị ở Việt Nam, mà theo thống kê của Dự án 88 thì hiện đang là 206 người.
“Tù nhân chính trị ở Việt Nam có thể là bất kỳ ai, từ nhà báo, blogger, tác giả, nhà hoạt động môi trường, giáo viên, lãnh đạo tôn giáo, ứng viên Đại biểu Quốc hội, hay thậm chí là những người sử dụng Facebook bình luận trực tuyến.
Họ bị bắt và bị cầm tù vì can đảm lên tiếng trước những bất công và oan sai, những vấn đề nhức nhối về dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam. Họ bị án tù vì chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà bất đồng chính kiến này lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, hoạt động tuyên truyền nhằm chống phá nhà nước, bất kể họ có ôn hoà như thế nào.” - Bà Jessica Nguyễn cho hay.
Trong khi Việt Nam đang vận động để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2035, báo cáo nêu trên là một lời nhắc nhở rõ ràng về lý do tại sao đất nước do một đảng Cộng sản lãnh đạo không thích hợp với vai trò lãnh đạo này, theo tuyên bố của Dự án 88.
Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 9 tháng 5, báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đã cho đăng tải bài viết với tiêu đề “RSF lại phớt lờ sự thật” của tác giả Chu Xuân Đại Thắng, nhằm đáp trả việc tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm nước đàn áp tự do báo chí tệ nhất trên thế giới.
Bài báo này gọi những nhà báo độc lập, bloggers, và tác giả bị bắt là những đối tượng “phản động, cơ hội chính trị”, và “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam”.
Tác giả của bài viết này cũng khẳng định không ai ở Việt Nam bị xét xử và bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Và cho rằng các đài nước ngoài như CNN, BBC, NHK,... được tiếp cận “dễ dàng” để thể hiện sự tự do báo chí ở Việt Nam.
Tàu cá Quảng Ngãi bị ‘tàu lạ’ khống chế và cướp tài sản tại Trường Sa
Hình minh hoạ: Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014 /Reuters
Tàu cá QNg-90918 TS thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị một tàu nước ngoài khống chế và cướp tài sản khi đang hành nghề tại vùng biển Trường Sa.
Hai mạng báo Biên Phòng và Tiền Phong loan tin đầu tiên ngày 10/5 về vụ việc vừa nêu nhưng không cho biết cụ thể tàu nước ngoài là tàu từ nước nào. Theo tin, trong cùng ngày, Đồn Biên Phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang xác minh vụ tàu cá QNg-90918 TS được điều khiển bởi thuyền trưởng Ngô Thanh Vinh trú ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn bị một tàu nước khác khống chế và cướp tài sản hồi ngày 16/4 vừa qua.
Thuyền trưởng Ngô Thanh Vinh trình báo với cơ quan chức năng vào lúc khoảng 10 giờ sáng ngày 16/4, tàu của ông khi đang khai thác hải sản tại vùng biển Trường Sa bị một tàu sắt nước ngoài số hiệu 3915 tấn công. Những người trên tàu đó có vũ khí và họ dùng ca nô rượt đuổi tàu của ông Ngô Thanh Vinh rồi khống chế cướp 5 điện thoại di động và hơn một tấn mực câu được.
Ông Vinh khai rằng những người nước ngoài đó bắt ông qua tàu sắt của họ để ký giấy tờ dù bị cướp điện thoại và mực câu được. Ông phản đối yêu cầu đó nên bị đánh. Sau đó họ dồn hơn 40 ngư dân trên tàu về phía mũi tàu để khống chế. Ông còn bị yêu cầu nộp 10.000 đô la Mỹ và tư trang quí giá như đồng hồ, nhẫn, dây chuyền…
Đến lúc đó bọn cướp thấy có hai tàu Kiểm ngư của Việt Nam từ hướng hai đảo An Bang và Trường Sa tiến đến nên trở lại ca nô của chúng và chạy mất.
Tin cho biết cùng thời điểm tàu của ông Ngô Thanh Vinh bị khống chế va cướp như vừa nêu, một tàu khác của ngư dân Bình Định cũng gặp trường hợp tương tự: bị ‘tàu lạ’ truy đuổi, khống chế, đánh đập ngư dân trên tàu.
Đây là những vụ mới nhất ngư dân Việt Nam bị tấn công, cướp bóc bởi ‘tàu lạ’ như truyền thông Nhà nước loan tin lâu nay.
Trung Quốc hồi đầu tháng này ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại Biển Đông, trong đó gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cho thuộc chủ quyền của mình. Lệnh có hiệu lực từ đầu tháng năm và kéo dài đến 16/8.
Mua vật tư y tế cao hơn 230% giá trị, Giám đốc Sở Y tế BR-VT chỉ bị ‘phê bình’!
Tường Vy
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu – Ảnh: Đông Hà/Tuổi Trẻ
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành kết luận về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm… trong giai đoạn 2020-2021 của Sở Y tế BR-VT. Qua đó phát hiện giá trúng thầu trang thiết bị y tế so với giá nhập khẩu chênh lệch đến hơn 230%, và nhiều “hạn chế, thiếu sót” khác.
Tuy nhiên, điều làm cho dư luận rất ngạc nhiên là từ kết luận này, thanh tra Sở Y tế BR-VT chỉ tham mưu UBND tỉnh “phê bình” giám đốc Sở Y tế mà thôi.
Báo Tuổi Trẻ Online trích kết luận thanh tra cho biết, từ Tháng Một 2020 đến Tháng Mười Hai 2021, tỉnh BR-VT đã chi hơn 200 tỉ đồng từ ngân sách để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Trong đó có hơn 120 tỉ đồng mua vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm.
Cũng theo kết luận thanh tra, các hàng hóa trúng thầu có giá tăng cao so với ban đầu là do được mua bán qua lại giữa nhiều nhà cung cấp và đơn vị trúng thầu. Điển hình là tại gói thầu số 5 và 6 (năm 2020) đều do Công ty An Thịnh Health trúng thầu với tổng trị giá gần 15 tỉ đồng. Hàng hóa mà công ty này trúng thầu và bán cho Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được mua từ Công ty Tạ Thiên Ân. Nguồn gốc của hàng hóa lại được Công ty Tạ Thiên Ân mua của Công ty Đại Phúc và Công ty TNHH TMDV Y Việt.
Qua thanh tra, phát hiện tại hai gói thầu này có việc “hàng mua vào sau ngày hàng xuất bán” và giá trúng thầu so với giá nhập khẩu chênh lệch rất cao, với hàng chục mặt hàng chênh đến hơn 230%. Chưa hết, trong hồ sơ đấu thầu, các tờ khai hải quan đã bị xóa đi phần thể hiện giá trị hàng hóa.
Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế BR-VT đã chỉ định thầu đối với các công ty cung cấp các gói mua sắm nhưng những công ty này không đủ điều kiện để mua bán trang thiết bị y tế, đó là các công ty An Thịnh Health, Tạ Thiên Ân và Lê Minh.
Ngoài ra Sở Y tế BR-VT còn phải chịu trách nhiệm về việc mượn vật tư y tế, test nhanh kháng nguyên.
Do đó cơ quan thanh tra đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh “phê bình” giám đốc Sở Y tế.
Quyết định này đã khiến dư luận BR-VT “dậy sóng”, có người đặt thẳng câu hỏi với đoàn thanh tra là liệu có sự “móc ngoặc” giữa đoàn thanh tra, UBND tỉnh BR-VT và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này hay không? Họ không dám dồn giám đốc Sở Y tế vào đường cùng, vì sợ ông ta sẽ kéo thêm một vài lãnh đạo tỉnh vào đứng chung thì… “toang”!
Quan chức Việt Nam cảm ơn Hoa Kỳ hỗ trợ ngành giáo dục
10/5/2022
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng cơ quan này “đang hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn mới đây đã có buổi tiếp và làm việc với ông Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Trang web của Bộ này hôm 5/5 dẫn lời ông Sơn “cảm ơn chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho giáo dục của Việt Nam”, nhất là các dự án mà Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã và đang triển khai.
Ngoài ra, ông Sơn cũng “gửi lời cảm ơn” đến phía Mỹ vì “những hỗ trợ kịp thời, quý báu về trang thiết bị y tế, vắc-xin cho Việt Nam trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 vừa qua” và nhờ đó mà học sinh Việt Nam đã được đến trường học trực tiếp.
Tin cho hay, quan chức này nói thêm rằng nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương về giáo dục, ông mong muốn Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam “hỗ trợ để việc ký kết Bản Ghi nhớ hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam giữa USAID, Hoa Kỳ và Bộ GDĐT được hoàn tất nhanh chóng”.
Theo trang web của Bộ GDĐT, phía Việt Nam cũng quan tâm tới một số vấn đề khác như “hỗ trợ liên quan đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam; đổi mới kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng...; hình thành những nhóm làm việc giữa các nhà khoa học hai nước để cùng trao đổi, phát triển năng lực”.
Trang web của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng cơ quan này “đang hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam”.
USAID cho biết sẽ “hỗ trợ thúc đẩy các cải cách giáo dục đại học mang tính thể chế và có hệ thống giúp đem lại lợi ích cho hơn 150.000 sinh viên nhờ trang bị tốt hơn cho các em những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của một thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh”.
“Đầu tư của USAID trong lĩnh vực giáo dục đại học nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với tương lai của Việt Nam và tính chất bền chặt của quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ”, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói trên trang web.
Trong cuộc gặp hôm 4/5, theo Bộ GDĐT, chuyến thăm Mỹ trong tuần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính để tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng được nhắc tới.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, ông Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc từ 11 đến 17/5.
VN phản hồi LHQ liên quan các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội
RFA
10/5/2022
Hình minh hoạ: người dân đứng biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 2/6/2013 /Reuters
Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/4 vừa qua có phản hồi về yêu cầu của Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền liên quan các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội ở Việt Nam.
Phản hồi của phái đoàn Việt Nam được đưa ra sau khi có yêu cầu từ hồi tháng 12 năm ngoái và tháng một năm nay của các báo cáo viên đặc biệt LHQ về các quyền tự do vừa nêu.
Phái đoàn Việt Nam dẫn ra các Quyết định và Nghị Quyết cho rằng mọi quyền đó được bảo đảm.
Phái đoàn Việt Nam nêu ra rằng ‘tính đến ngày 30/11/2021 trên cả nước có 816 cơ quan báo in và báo điện tử. Tất cả mọi mặt của cuộc sống được truyền thông tiếp cận và phản ánh. Ngoài ra mọi công dân Việt Nam đều được bày tỏ ý kiến và thực thi quyền tự do biểu đạt thông qua các cơ quan báo chí. Số lượng người Việt sử dụng mạng xã hội gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây lên chừng 72 triệu tài khoản; tính đến tháng một năm 2021, mức tăng là chừng 11% so với năm 2020.’
Trên căn cứ đó, Phái đoàn Việt Nam cho rằng công dân trong nước có thể sử dụng mạng xã hội để thực thi quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin phù hợp với luật pháp mà không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích Nhà nước, cộng đồng và tổ chức, công dân.
Trong thực tế nhiều người công khai bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội đã bị kết án tù dưới cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phảm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân’…
Tính từ đầu năm 2022 đến nay có gần chục người bị án tù dưới các cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ khi công khai bày tỏ chính kiến về các vấn đề chính trị, xã hội tại Việt Nam. Có thể kể đến một vài trường hợp như ông Lê Dũng Vova, Đỗ Nam Trung…
Cũng từ đầu năm 2022 đến nay, có chừng chục người bị bắt dưới cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ như trường hợp nhà hoạt động Trần Bang …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét