Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Thời sự Việt Nam

Tòa án Hà Nội bất ngờ hoãn phiên xử phúc thẩm ông Trịnh Bá Phương

RFA
16/5/2022

Tòa án Hà Nội bất ngờ hoãn phiên xử phúc thẩm ông Trịnh Bá Phương

Hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm /RFA edited 

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội hôm 5/5 thông báo lịch xét xử phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động nhân quyền là ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm vào ngày 19/5 tới, nhưng sau đó lại bất ngờ hoãn phiên xử này mà không đưa ra lịch xét xử mới.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, viết trên Facebook cá nhân rằng ông chưa kịp nhận tờ thông báo của toà về phiên xử này thì thư ký toà đã thông báo qua điện thoại quyết định hoãn. Lý do hoãn được đưa ra trong thông báo là “do có sự thay đổi kế hoạch công tác của cơ quan.”

Thư ký toà cũng cho biết rằng thời điểm mở lại phiên toà sẽ được toà thông báo sau.

Gia đình ông Trịnh Bá Phương không nhận được thông tin về phiên phúc thẩm từ Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mà chỉ biết qua luật sư bào chữa. Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do, bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Phương cho biết:

“… luật sư [Nguyễn Văn Miếng-PV] có thông báo cho em biết là Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định đưa chồng em là Trịnh Bá Phương ra xét xử phúc thẩm vào ngày 19/5/2022. Sau 2 tiếng thì luật sư thông báo lại cho em rằng phiên toà bị hoãn do thay đổi lịch công tác của cơ quan và sẽ mở lại sau.”

Bà Thu cho biết thêm, thông tin về các phiên toà xét xử hai người thân khác của bà như mẹ chồng là bà Cấn Thị Thêu và em chồng là Trịnh Bá Tư đều không được tòa án thông báo.

Ông Trịnh Bá Khiêm, bố của ông Trịnh Bá Phương hiện cũng đang bị cơ quan an ninh tỉnh Hòa Bình mời làm việc nhiều lần và yêu cầu chấm dứt việc đăng tải các thông tin đấu tranh cho người thân trên trang Facebook cá nhân.

Ông Trịnh Bá Phương cùng bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt vào ngày 24/6/2020 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam sau các hoạt động lên tiếng mạnh mẽ và có hiệu quả trên mạng xã hội về vụ "3.000 cảnh sát cơ động đột kích vào xã Đồng Tâm lúc nửa đêm."

Cả hai bị đưa ra xét xử trong cùng một phiên sơ thẩm ngày 15/12/2021 cho dù hai người hoạt động riêng rẽ và họ đều bị kết tội. Trong khi bà Nguyễn Thị Tâm bị kết án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế thì ông Trịnh Bá Phương bị án 10 năm tù giam cùng 5 năm quản chế. Ngay sau phiên sơ thẩm, cả hai đã kháng cáo, cho rằng mình vô tội và chỉ đưa các thông tin đúng sự thực lên mạng xã hội Facebook.

Trong phiên sơ thẩm, ông Phương tố cáo điều tra viên của công an thành phố Hà Nội tra tấn ông cả về thể xác và tinh thần, nhiều lần đánh đập ông ở bộ phận sinh dục và ép cung. Hiện gia đình vẫn chưa được gặp ông kể từ khi ông bị bắt.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ một số quốc gia phương Tây  kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai là ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, cho rằng họ xứng đáng được tuyên dương vì các hoạt động cổ suý nhân quyền, thay vì bị giam cầm trong ngục tối.

Nhóm nguyên lãnh đạo thị xã Đồng Xoài bị kỷ luật

16/5/2022

Nhóm nguyên lãnh đạo thị xã Đồng Xoài bị kỷ luật

Thị xã Đồng Xoài /Báo Chính Phủ 

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đồng Xoài, Vương Đức Lâm, cùng bốn cán bộ đảng viên vừa bị kỷ luật do những vi phạm liên quan  thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất làm đường giao thông không đúng qui hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tin từ truyền thông Nhà nước loan đi ngày 15/5 cho biết như vừa nêu.

Cụ thể, Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước có quyết định cảnh cáo đối với ông Vương Đức Lâm từng là chủ tịch UBND Thị xã Đồng Xoài, nay là Thành phố Đồng Xoài, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông này còn là đảng viên Chi bộ Khu phố Thú Thanh, phường Tân Phú, Thị xã Đồng Xoài.

Ngoài ông Vương Đức Lâm bị kỷ luật cảnh cáo, còn ba cán bộ đảng viên khác cũng bị kỷ luật ở mức tương tự gồm ông Nguyễn Trọng Hiếu nguyên Thị ủy viên, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đồng Xoài; bà Bùi Thị Thành Vinh, nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đồng Xoà; ông Trần Văn Kiên, đảng viên, công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường UBND phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài.

Riêng ông Giang Xuân Sơn, nguyên Phó bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đồng Xoài, Phó chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài nhiệm kỳ 2015-2020 bị kỷ luật khiển trách.

Sai phạm của những người vừa nêu bị cho gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng.

Tổng thống Hy Lạp thăm Việt Nam, ủng hộ chính sách bảo vệ an ninh hàng hải khu vực 

16/5/2022 

VOA Tiếng Việt 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou tại Hà Nội ngày 16/5/2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou tại Hà Nội ngày 16/5/2022. 

Hôm 16/5, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, tái khẳng định lập trường ủng hộ chính sách bảo vệ an ninh hàng hải và tự do hàng hải của Athens ở khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu với báo giới sau lễ đón và hội đàm với người đồng cấp Hy Lạp, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cho biết cuộc hội đàm giữa hai bên đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và rất thành công, truyền thông trong nước loan tin.

Sau gần 14 năm kể từ chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hy Lạp tới Việt Nam, Tổng thống Sakellaropoulou cho biết chuyến thăm lần này của bà sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ song phương hai nước.

Nhà lãnh đạo Hy Lạp nói rằng hai nước cùng phải đối mặt với những thách thức quốc tế tương tự, với cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc giống nhau như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như từ chối vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

“Hy Lạp có sự quan tâm ngày càng lớn đối với khu vực địa chiến lược Đông Nam Á, về vai trò quan trọng của Việt Nam ở một phạm vi khu vực rộng lớn hơn, với sự tham gia mang tính xây dựng vào các khối và tổ chức khu vực như ASEAN”, báo Dân Trí dẫn lời bà nói.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời bà nói: “Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc áp dụng nghiêm túc các quy định của UNCLOS 1982 (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển) và cam kết bảo vệ an ninh hàng hải và tự do hàng hải”.

Được biết đây là lần thứ hai bà Sakellaropoulou bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, an toàn tự do hàng hải của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.

Vào tháng 11/2021, bà Sakellaropoulou đã bày tỏ sự ủng hộ này khi tiếp Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tại Athens.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Hy Lạp nói rằng Hy Lạp coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải biển, đóng tàu và thực phẩm.

Trong chuyến công du đến Việt Nam kéo dài 4 ngày kể từ ngày 15/5, Tổng thống Sakellaropoulou dự kiến có cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Vào ngày 17/5, bà sẽ vào TP.HCM để tham gia một số sự kiện ở trung tâm kinh tế phía nam.

Bà Sakellaropoulou, một thẩm phán tòa án tối cao và nhà hoạt động nhân quyền, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hy Lạp vào năm 2020.

Cựu Chủ tịch TP Hạ Long bị bắt

16/5/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-chairman-of-ha-long-city-arrested-05162022081713.html/@@images/image

Ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch TP Hạ Long /Báo Quảng Ninh, AFP, RFA edit 

Cựu chủ tịch Thành phố Hạ Long, ông Phạm Hồng Hà, bị bắt giam do những vi phạm trong thời gian giữ chức Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Ông bị cáo buộc tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ theo khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết biện pháp khởi tố và bắt giữ đối với ông Phạm Hồng Hà được thực hiện vào tối ngày 14/5.

Ông Hà bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ án ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ xảy ra tại Công ty CP Quản lý Đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Một bản tin trên mạng báo Kiến Thức vào ngày 16/5 bị rút xuống sau bốn tiếng khi loan tin về mức độ giàu có của ông Hà. Báo này nói ông sở hữu bốn ô tô hạng sang với tổng trị giá 20 tỷ đồng và sống trong biệt thự trên khu đất vàng với giá hàng chục tỷ đồng…

Theo kết quả điều tra mà Công an Quảng Ninh công bố, từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty CP Quản lý Đường Sông số 3 tham gia ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.

Trong quá trình thực hiện các hợp đồng vừa nêu, một số người gồm lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty CP Quản lý Đường sông 3 đã có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà

Những người này thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.

Cho đến nay Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố tổng cộng sáu bị can thuộc Công ty CP Quản lý Đường sông 3 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trong đó, ba người bị bắt tạm giam gồm Phạm Văn Phả (chủ tịch Hội đồng quản trị), Đỗ Công Hào (giám đốc) và Phạm Văn Chinh (phó giám đốc). Ba người bị cấm đi khỏi nơi cư trú gồm Nguyễn Hải Anh (cựu phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Ngô Thị Thu Lư (cựu trưởng phòng Kế hoạch) và Lê Kim Hoa (nhân viên công ty).

Trong quá trình mở rộng điều tra, Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam đối với Bùi Sĩ Giáp (cựu Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý vịnh Hạ Long), Phạm Thái Dương (nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long) cùng về tội nhận hối lộ, quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét