Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ ba 17 tháng 5 năm 2022

 Võ Thái Hà tổng hợp

Quân đội Ukraine ra lệnh cho binh sĩ tại ‘pháo đài’ Azovstal đầu hàng

Quân đội Ukraine ra lệnh cho binh sĩ tại 'pháo đài' Azovstal đầu hàng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tham dự cuộc họp báo tại ga tàu điện ngầm Maidan Nezalezhnosti vào ngày 23/4/2022 ở Kyiv, Ukraine. (Ảnh: The Asahi Shimbun/Getty Images) 

Quân đội Ukraine hôm thứ Ba (17/5) cho biết, họ đã ra lệnh cho tất cả binh sĩ đang ẩn náu tại máy thép Azovstal ở Mariupol đầu hàng để nhường quyền kiểm soát thành phố cho Nga sau nhiều tháng bị bắn phá, theo Reuters.

Mệnh lệnh này đã đánh dấu kết thúc cho một trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất tại Ukraine với thất bại đáng kể thuộc về Ukraine. Mariupol giờ đây trở nên hoang tàn sau cuộc bao vây của Nga.

Trong một tuyên bố, quân đội Ukraine nêu rõ: “Lực lượng tại Mariupol đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu được giao…. Bộ chỉ huy quân đội cấp cao đã ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị đóng tại Azovstal phải bảo toàn tính mạng cho các thành viên”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Nhờ hành động của Lực lượng vũ trang Ukraine, tình báo, cũng như nhóm đàm phán, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Liên Hợp Quốc chúng tôi hy vọng có thể cứu được tính mạng những người của chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống. Đây là nguyên tắc của chúng tôi. Tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu những lời này. Để đưa quân đội của chúng ta trở về nhà, công việc vẫn tiếp tục, đòi hỏi sự khéo léo và thời gian”.

Theo Reuters, đợt đầu hàng đầu tiên đã hoàn thành vào ngày 16/5, khi 264 binh sĩ Ukraine rời nhà máy thép Azovstal. Hiện có 53 binh sĩ bị thương tại một bệnh viện ở Novoazovsk do Nga kiểm soát, cách đó khoảng 32 km (20 dặm) về phía đông.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anna Malyar cho biết, 211 binh sĩ ở Yelenovka đã được đưa đến thị trấn Olenivka, trong khu vực do phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát. Bà nói thêm, tất cả những binh lính này sẽ được trao đổi tù binh với Nga.

Các nguồn tin của Nga ước tính rằng, khoảng 2.200 người đã bị mắc kẹt trong các tầng hầm của khu phức hợp Azovstal khổng lồ. Địa điểm này rộng 11 km2 và phần dưới lòng đất được thiết kế để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.

Không rõ có bao nhiêu binh lính còn sót lại Azovstal. Quân đội Ukraine cho biết, các nỗ lực đang được tiến hành để sơ tán những người còn lại bên trong nhà máy.

Thường dân bên trong đã được sơ tán trong những tuần gần đây, và hơn 260 binh sĩ cùng một số người bị thương, rời nhà máy đến các khu vực do Nga kiểm soát vào cuối ngày thứ Hai (16/5).

Các phóng viên của tờ Reuters thấy 5 xe buýt chở binh sĩ từ Azovstal đến Novoazovsk vào cuối ngày thứ Hai. Một số binh sĩ bị thương và được cáng ra khỏi xe buýt. Khoảng 600 binh sĩ được cho là đã ở bên trong nhà máy thép.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu vào sáng sớm ngày thứ Ba (17/5): “Chúng tôi hy vọng rằng có thể cứu sống được những anh hùng của chúng tôi”.

Đến Novoazovsk trên một chiếc xe buýt được đánh dấu Z, biểu tượng cho cuộc xâm lược của Nga, những binh lính được xếp chồng lên nhau ở trên cáng ba tầng. Họ nhìn chằm chằm ra cửa sổ mà không phản ứng lại.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2, sự chống trả của Mariupol đã trở thành biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine.

Các cuộc sơ tán đầu tiên vào cuối ngày thứ Hai diễn ra vài giờ sau khi Nga cho biết họ đã đồng ý sơ tán các binh sĩ Ukraine bị thương đến một cơ sở y tế ở Novoazovsk.

Moscow gọi cuộc xâm lược kéo dài gần ba tháng là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ Ukraine khỏi chủ nghĩa phát xít, một khẳng định mà Kyiv và các đồng minh phương Tây của họ cho là một cuộc chiến vô cớ.

Các lực lượng xâm lược của Nga đã gặp phải những thất bại rõ rệt, với việc quân đội buộc phải rời khỏi miền bắc và các vùng lân cận của Kyiv vào cuối tháng 3. Một cuộc phản công của Ukraine trong những ngày gần đây đã đẩy lực lượng Nga ra khỏi khu vực gần Kharkiv, thành phố lớn nhất ở phía đông nước này.

Các khu vực xung quanh Kyiv và thành phố phía tây Lviv, gần biên giới Ba Lan, tiếp tục bị Nga tấn công. Một nhân chứng của Reuters cho biết, một loạt vụ nổ đã xảy ra ở Lviv vào ngày thứ Ba (17/5). Không có báo cáo ngay lập tức về thương vong hoặc thiệt hại.

Hôm thứ Hai, binh sĩ của Bộ Quốc phòng Ukraine đã tiến đến biên giới Nga, cách Kharkiv khoảng 40 km về phía bắc.

Những thành công gần Kharkiv sẽ cho phép Ukraine tấn công các tuyến tiếp tế của Nga, tiến sâu hơn về phía nam ở khu vực Donbas. Đây là nơi Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt trong một tháng nhưng chỉ đạt được những bước tiến rất nhỏ.

Huyền Anh

Theo Reuters

Nước Pháp có nữ thủ tướng mới

Tân thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại phủ thủ tướng, điện Matignon, Paris, ngày 16/05/2022. REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN /RFI 

Lần đầu tiên kể từ năm 1992, một phụ nữ đã được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp: bà Elisabeth Borne, cựu bộ trưởng Lao Động. 

Hơn 20 ngày sau khi tái đắc cử, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 16/05/2022, đã bổ nhiệm bà Elisabeth Borne, 61 tuổi, cựu bộ trưởng Lao Động, làm thủ tướng.

Bà Borne là phụ nữ thứ hai đảm nhiệm chức vụ thủ tướng trong đệ ngũ cộng hòa.

AFP nhắc lại, theo thông lệ sau cuộc bầu cử tổng thống, thủ tướng đệ đơn xin từ chức. Trong ngày 16/05, thủ tướng Jean Castex đã đệ đơn từ chức và được tổng thống Emmanuel Macron chấp nhận.

Thế bế tắc xoay quanh các quy định thương mại của Bắc Ireland

Chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ sớm công bố luật cho phép họ đơn phương sửa lại các phần của quy chế Bắc Ireland, một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vốn gây ra nhiều tranh cãi. Quy chế này tạo ra một biên giới biển giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland nhằm tránh một biên giới đất liền giữa hai miền Ireland. Nhưng như vậy chẳng khác nào cắt đôi Vương quốc Anh và do đó bị các đảng thân Anh phản đối mạnh mẽ. Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) đang phản đối bằng cách làm cản trở tiến trình họp của nghị viện mới được bầu ở Belfast.

Kế hoạch của chính phủ không được ủng hộ ở Bắc Ireland. Dư luận, và đảng Sinn Féin theo chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ giữ nguyên quy chế để cho phép Bắc Ireland vẫn thuộc thị trường chung EU và gần với Ireland hơn. Trong khi đó, EU tức giận vì Anh đề xuất từ ​​bỏ một hiệp ước mà họ đã ký và phê chuẩn chỉ hai năm trước. Về phần mình, Anh hy vọng sẽ lôi kéo được DUP trở lại các vị trí quyền lực của Bắc Ireland và sau đó nối lại đàm phán với EU. Song họ có thể không đạt được mục tiêu: DUP muốn xoá bỏ quy chế trong khi EU từ chối đàm phán nếu Anh hành động đơn phương.

Pennsylvania tiến hành bầu cử sơ bộ

Vào thứ Ba người dân Pennsylvania sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ được theo dõi sát sao nhất hiện nay, đặc biệt là ở phe Cộng hòa. Hôm thứ Bảy, Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ Doug Mastriano, một thượng nghị sĩ bang, cho vị trí thống đốc, dù các nhà lãnh đạo đảng lo ngại ông này quá cực đoan để có thể thu hút các cử tri trung dung tại cuộc bầu cử tháng 11. Trong khi đó đối với cuộc bầu cử sơ bộ cho vị trí Thượng nghị sĩ, ông Trump đã ủng hộ người dẫn chương trình Mehmet Oz. Tiến sĩ Oz và David McCormick, một cựu giám đốc điều hành quỹ phòng hộ, đã chi hàng chục triệu đô la để chứng minh xem ai ủng hộ Trump nhất, nhưng cuối cùng điều đó lại giúp ứng viên cực hữu Kathy Barnette giành được sự ủng hộ tăng vọt trong cuộc thăm dò.

Trong khi đó, vòng sơ bộ của đảng Dân chủ phải đến cuối tuần qua mới thực sự kịch tính, khi người dẫn đầu cuộc đua sơ bộ cho vị trí Thượng nghị sĩ, John Fetterman, bỗng biến mất khỏi các chiến dịch. Hôm Chủ nhật ông thông báo đã bị đột quỵ nhưng đang hồi phục, và tuyên bố chiến dịch của ông “không chậm lại một chút nào.”

Ukraine tìm cách bảo vệ di sản văn hoá

Các di tích lịch sử thường trở thành nạn nhân của chiến tranh. Theo chính phủ Ukraine, ít nhất 242 hiện vật văn hóa, bao gồm tượng, tác phẩm điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, đã bị hư hại hoặc bị phá hủy kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai.

Cho đến nay các tình nguyện viên đã cố gắng bảo vệ các di sản tốt nhất có thể. Để giúp họ, Cục Bảo vệ Di sản Văn hóa của Kyiv và các tổ chức văn hóa khác đã ủy quyền cho Balbek Bureau, một công ty kiến ​​trúc, đưa ra phương án bảo vệ các di tích. Sau khi nghiên cứu các ví dụ lịch sử, chẳng hạn như bức tường xây quanh “David” của Michelangelo trong thế chiến thứ hai, nhóm đã đưa ra một hệ thống mô-đun bao gồm giàn giáo, bao cát và ván ép chống cháy. Hệ thống này sẽ cho phép các tình nguyện viên đo lường các di tích và xây dựng các mô-đun xung quanh chúng mà không làm hỏng vật thể hoặc lãng phí vật liệu. Balbek Bureau tuyên bố hệ thống sẽ bảo vệ các vật thể văn hóa khỏi các vụ nổ, mảnh pháo, đạn và lửa. Nếu may mắn, nhiều phần lịch sử của Ukraine có thể sẽ tồn tại qua được chiến tranh.

Mỹ: mở lại nhà máy, cho nhập cảng để giải quyết khan hiếm sữa

Bình Phương
16 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240716121.jpg

Bà Alexis Adam (trái) ở Victor, Idaho, biếu bà Mollie Wetzel một hộp sữa bột trẻ em hôm 16 tháng Năm sau khi biết bà Wetzel đã không mua được sữa cho con do khan hiếm sữa bột. Ảnh Natalie Behring/Getty Images. 

Dưới áp lực của các bậc cha mẹ và các chính trị gia, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố hai biện pháp làm giảm tình trạng khan hiếm sữa bột cho trẻ em trên toàn quốc, gồm mở lại nhà máy sản xuất sữa bột lớn nhất nước và tăng nhập khẩu từ nước ngoài.

Hãng tin AP dẫn nguồn từ Tổng giám đốc Robert Califf của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hôm thứ Hai cho biết FDA đang hợp lý hóa quy trình xét duyệt để các nhà sản xuất nước ngoài được xuất cảng sản phẩm vào Mỹ dễ dàng hơn.

Ông Califf nói Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cho các công ty có thể cung cấp các lô hàng lớn nhất và nhanh chóng trình bày tài liệu chứng minh rằng sữa bột cho trẻ em của họ là an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn dinh dưỡng của Hoa Kỳ. Chính sách này được coi như một biện pháp tạm thời kéo dài sáu tháng.

Các nhà quản lý cho biết họ cũng đã đạt được thỏa thuận cho phép hãng Abbott Nutrition khởi động lại nhà máy có trụ sở tại Sturgis, Michigan, đã đóng cửa từ tháng Hai do các vấn đề ô nhiễm. Công ty Abbott phải sửa đổi quy trình an toàn trước khi tiếp tục sản xuất.

Cả hai biện pháp này đều không có tác dụng ngay lập tức trong việc giải quyết nạn khan hiếm sữa bột cho trẻ em đang khiến nhiều bậc cha mẹ phải tìm kiếm hết sức vất vả.

Sau khi được FDA chấp thuận, Abbott cho biết sẽ mất từ ​​tám đến mười tuần thì sản phẩm mới bắt đầu đưa đến cửa hàng. Còn việc nhập khẩu cũng phải mất vài tuần thì mới có sản phẩm bày bán. Sữa bột cho trẻ em của Úc, Tân Tây Lan và Anh được cho là đáp ứng được các tiêu chuẩn dinh dưỡng cần thiết để được nhập vào Hoa Kỳ.

Nhiều bác sĩ nhi khoa cho biết sữa công thức dành cho trẻ em sản xuất ở Canada và Châu Âu có phẩm chất tương đương với ở Mỹ; nhưng theo truyền thống 98% nguồn cung sữa công thức cho trẻ em ở Mỹ được sản xuất trong nước. Các công ty tìm cách bán hàng vào Hoa Kỳ phải đối mặt với một số trở ngại lớn, bao gồm các tiêu chuẩn sản xuất và nghiên cứu khắt khe do FDA áp đặt.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý cho biết, theo dữ liệu quốc gia, hầu hết các cửa hàng ở Hoa Kỳ vẫn còn tồn kho khoảng 80% lượng sữa cho trẻ em. Họ cho rằng sở dĩ người ta thấy một số kệ trống trong những ngày gần đây có thể là do phụ huynh hoảng sợ mua trữ mà các cửa hàng không đưa hàng ra kịp. Hình ảnh những kệ sữa trống rỗng trong siêu thị đã khiến nhiều người tức giận và các đảng viên Cộng Hòa đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để chống lại đảng Dân Chủ và chính quyền Biden trước cuộc bầu cử tháng Mười Một.

Trong thực tế, sữa bột cho trẻ em bắt đầu thiếu hụt sau đợt tự nguyện thu hồi (recall) sản phẩm của hãng Abbott sau khi ghi nhận có bốn trẻ sơ sinh bị đau phải nhập viện điều trị được cho là do nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp sau khi uống sữa của hãng; hai trẻ đã bị tử vong. Sự thiếu hụt làm cho các nhà bán lẻ như CVS và Walgreens phải giới hạn số hộp sữa mà mỗi khách hàng được mua.

Bắc Hàn: Hơn một triệu ca nghi mắc Covid-19

16 tháng 5 2022

Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu mang khẩu trang trên truyền hình sau khi Bắc Hàn chính thức xác nhận đợt bùng phát dịch Covid đầu tiên

Nguồn hình ảnh, KCTV / AFP

Chụp lại hình ảnh, 

Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu mang khẩu trang trên truyền hình sau khi Bắc Hàn chính thức xác nhận đợt bùng phát dịch Covid đầu tiên

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã chỉ trích giới chức y tế và ra lệnh cho quân đội giúp phân phát thuốc giữa đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần đầu tiên.

Truyền thông nhà nước cho biết hơn một triệu người hiện đã bị bệnh vì điều mà Bình Nhưỡng gọi là "sốt".

Tin cho hay khoảng 50 người chết, nhưng không rõ có bao nhiêu trường hợp nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid.

Bắc Hàn chỉ có năng lực xét nghiệm hạn chế nên rất ít ca được xác nhận.

Người Bắc Hàn nhiều khả năng rất dễ bị ảnh hưởng bởi vi rút do thiếu chương trình tiêm chủng và hệ thống y tế kém. Phong tỏa trên toàn quốc đang có hiệu lực.

Truyền thông nhà nước cho biết ông Kim đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của bộ chính trị vào cuối tuần và ông cáo buộc các quan chức đã thất bại trong việc phân phối dự trữ thuốc quốc gia.

Ông ra lệnh yêu cầu "lực lượng hùng hậu" của quân y phải "ngay lập tức ổn định nguồn cung cấp thuốc cho Thành phố Bình Nhưỡng".

Bắc Hàn đã công bố các ca Covid được xác nhận đầu tiên vào tuần trước - mặc dù các chuyên gia tin rằng virus này có thể đã có mặt tại đây bấy lâu nay.

Ông Kim đã áp đặt các biện pháp kiểm soát virus "khẩn cấp tối đa", bao gồm phong tỏa và hạn chế tụ tập tại nơi làm việc.

Năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã đề nghị cung cấp cho Bắc Hàn hàng triệu liều vaccine AstraZeneca và vaccine do Trung Quốc sản xuất, nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã kiểm soát Covid bằng cách đóng cửa biên giới vào đầu tháng 1 năm 2020. 

Bắc Hàn đã công bố các ca Covid được xác nhận đầu tiên vào tuần trước

Giáo sư Hazel Smith thuộc Trường Đại học Phương Đông và Châu Phi (SOAS) ở London cho biết những đợt cách ly nghiêm ngặt đó chiến lược quan trọng của Bắc Hàn trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong quá khứ - chẳng hạn như đối với Sars hoặc Ebola.

Nay biện pháp này có kẽ hở và Bắc Hàn thiếu cơ sở hạ tầng về tổ chức và đang phải vật lộn với các nhu cầu thiết yếu như "có đủ chất khử trùng, điện và nước sinh hoạt", bà Smith với BBC.

"Một khi dịch bệnh bùng phát, họ sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị những người bị bệnh," Giáo sư Smith nói thêm.

Bắc Hàn có chung biên giới trên bộ với Hàn Quốc và Trung Quốc, cả hai nước đều đã phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát.

Trung Quốc hiện đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng Omicron với việc phong tỏa các thành phố lớn nhất của họ.

Hàn Quốc đã đề nghị gửi viện trợ không hạn chế cho Bắc Hàn nếu được yêu cầu, bao gồm vaccine, nhân viên y tế và thiết bị y tế.

Hôm thứ Bảy, ông Kim gọi sự bùng phát Covid-19 đang lan nhanh là một "thảm họa lớn".

Hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông cho biết: "Sự lây lan của dịch bệnh ác tính là sự hỗn loạn lớn nhất đối với đất nước chúng ta từ trước tới nay.

Cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, người ta đang lo ngại về sản xuất lương thực ở Bắc Hàn.

Có các mối lo ngại đại dịch Covid có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lương thực tại Bắc Hàn

Bắc Hàn đã phải chịu một nạn đói ghê gớm trong những năm 1990, và ngày nay Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng 11 triệu trong số 25 triệu người Bắc Hàn đang bị thiếu dinh dưỡng. 

Các nhà phân tích cho rằng nếu nhà nông không thể ra đồng thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Có sẵn sự trợ giúp, nếu Bắc Hàn chấp nhận

Cả Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó đều đề nghị trợ giúp Bắc Hàn, về vaccine, nhưng giới chức nước này đều từ chối.

Việc Kim Jong-un đề cập đến Trung Quốc có thể cho thấy sự đảo ngược thái độ.

Hiện tại, không có dấu hiệu là thậm chí khi Bắc Hàn rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế thì quốc gia này sẽ thay đổi các tiếp cận đối với các mối quan hệ toàn cầu.

Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo Bắc Hàn có thể sớm tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân khác - điều mà giới quan sát cho rằng là cách để Bắc Hàn làm xao lãng dân chúng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có thể sử dụng cách đối phó với Covid như một biện pháp để tập hợp quần chúng và biện minh cho những khó khăn tiếp theo.

Và điều này sẽ đồng nghĩa có thêm sự chịu đựng và cô lập.

"Họ thật sự chỉ có một lựa chọn. Họ phải tìm cách mang về vaccine và nhanh chóng tiêm chủng cho người dân," Peter Hotez, một chuyên gia vaccine tại khoa Y tế nhiệt đới Quốc gia Mỹ (US National School of Tropical Medicine), Đại học Y khoa Baylor (Baylor College of Medicine).

"Thế giới sẵn lòng giúp đỡ Bắc Hàn, nhưng họ phải sẵn lòng chào đón sự trợ giúp đó."

Thổ Nhĩ Kỳ 'không chấp nhận Phần Lan, Thụy Điển vào Nato'

17 tháng 5 2022

Map of Sweden and Finland with 1,340km (830 mile) border highlighter

Để Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập Nato, tất cả 30 thành viên hiện tại phải đồng ý theo nguyên tắc đồng thuận của toàn bộ các thành viên.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato từ 1952, đã tuyên bố không chấp nhận đơn của hai quốc gia.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng ông sẽ không đồng ý lá đơn của các quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan đang che chở những người mà họ cho là có liên quan đến các nhóm mà họ cho là khủng bố, cụ thể là nhóm chiến binh Đảng Công nhân Kurd (PKK) và những người ủng hộ Fethullah Gulen.

Thụy Điển đã đình chỉ việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ ba năm trước, sau khi Ankara can thiệp quân sự vào Syria. Và theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, cả Phần Lan và Thụy Điển đã từ chối hàng chục yêu cầu dẫn độ các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là khủng bố.

Cả hai nước nói họ muốn cử phái đoàn tới Ankara để tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đón tiếp.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin

Tổng thống Erdogan dường như quyết tâm mặc cả cho lá phiếu của mình.

Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết ông tin tưởng rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ tham gia Nato, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chụp lại video, 

Giải đáp các câu hỏi về chủ đề Phần Lan và Thụy Điển có ý định gia nhập Nato

Vấn đề này có khả năng chi phối các cuộc thảo luận giữa ông Blinken và ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington vào thứ Tư.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã mô tả là "không thể chấp nhận được" sự ủng hộ của Thụy Điển và Phần Lan dành cho PKK, một nhóm phiến quân người Kurd bị Hoa Kỳ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ định là tổ chức "khủng bố".

PKK (Đảng Công nhân Kurd) đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984.

Phản ứng của Putin

Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn trấn an thế giới, khi vừa tuyên bố hôm 16/5 rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Nato sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với Nga.

Nhưng ông nói rằng "việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào các nước này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi."

"Đối với việc mở rộng Nato, bao gồm cả việc thông qua các thành viên mới của liên minh là Phần Lan, Thụy Điển - Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này," ông Putin nói trong khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow hôm thứ Hai.

"Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét những mối đe dọa nào sẽ được tạo ra cho chúng tôi."

Thụy Điển và Phần Lan đã xác nhận họ sẽ nộp đơn xin gia nhập Nato.

Nato có 30 thành viên hiện nay, và chỉ cần một thành viên phủ quyết thì đơn xin gia nhập sẽ bị bác bỏ, theo nguyên tắc phải đồng thuận 100%.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nato, đã tuyên bố họ không hài lòng trước đơn của Thụy Điển và Phần Lan.

Có đánh giá cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn hòa hoãn với Nga, đồng thời muốn mặc cả với Hoa Kỳ về lá đơn của hai nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét