15 tín đồ H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị phạt hơn 38 năm tù
27/05/2022
Xô xát giữa cơ quan chức năng và tín đồ, gia đình ông Dương Văn Mình ngày 12/12/2022. Photo do một tín đồ cung cấp cho VOA.
Giới hữu trách ở tỉnh Tuyên Quang vừa xử phạt 15 tín đồ H’mong theo đạo Dương Văn Mình với tổng cộng hơn 38 năm tù giam và 285 triệu đồng tiền phạt với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm an toàn ở nơi đông người”, những cáo buộc mà gia đình bác bỏ.
Hôm 24/5, một tòa án ở huyện Hàm Yên tuyên phạt ông Dương Văn Tu 4 năm tù, ông Dương Văn Lành 3 năm 9 tháng tù, và ông Lý Xuân Anh 3 năm 6 tháng tù, ngoài ra mỗi ông bị phạt thêm 95 triệu đồng với cáo buộc theo Điều 295 Bộ Luật Hình sự “vi phạm an toàn ở nơi đông người” vì cho rằng những người này không đi khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 sau khi đưa ông Dương Văn Mình đến bệnh viện để cấp cứu và đưa thi thể ông Mình về nhà vào ngày 11/12/2021, theo gia đình của các bị cáo.
Trước đó, từ ngày 18-20/5, một nhóm 12 tín hữu khác mỗi người bị tuyên phạt từ 2 đến 4 năm tù với cáo buộc “chống người thi hàng công vụ” theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự khi họ ngăn cản không cho cơ quan chức năng xét nghiệm COVID-19 đối với thi thể ông Mình và phản đối việc đưa các nữ tín đồ tại tư gia của nhà sáng lập đạo đi xét nghiệm. Trong số 12 người này có ông Lý Văn Dũng, người công khai yêu cầu chính quyền ngưng bạo lực ngày 12/12/2021, bị tuyên phạt 4 năm tù giam.
Một thân nhân, yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn, nói với VOA rằng ngày xét xử không được niêm yết công khai và nhiều thân nhân không được thông báo lịch xử, và họ chỉ được dự thính từ loa phát thanh truyền ra sân sau của tòa án trong các phiên xử này, nhưng chất lượng âm thanh rất kém.
Các phiên tòa này diễn ra giữa lúc chính quyền Việt Nam bị tố cáo “đàn áp tôn giáo và sắc tộc thiểu số”. Các bị cáo này là tín đồ theo đạo Dương Văn Mình bị nhà nước xem là “tà đạo” hay cho là tôn giáo “bất hợp pháp” và cần bị “xóa bỏ” từ năm 1989.
Thân nhân này đồng thời là một tín đồ đạo Dương Văn Mình, nói với VOA:
“Án quá nặng. Xử như vậy là hoàn toàn không đúng. Phạt như vậy là quá oan”.
Được hỏi các bị cáo có luật sư bào chữa hay không, một thân nhân khác, cũng yêu cầu không nêu danh tính, nói:
“Có. Nhưng do chính quyền tự sắp xếp.
“Công an, Viện Kiểm sát, và Tòa án Nhân dân không cho phép những luật sư mà gia đình đã thuê vào tiếp xúc [bị cáo] vì họ [chính quyền] nói rằng bị cáo từ chối gặp luật sư mà gia đình đã thuê”.
Người này cho biết thêm:
“Họ lấy cái việc truy vết COVID-19, F0, F1... nhằm ngăn cản đám tang của ông Dương Văn Mình, với mục đích là đàn áp tôn giáo”.
Trước đó, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho VOA biết, ông được người nhà của một số bị cáo trong vụ án này thuê để tham gia bào chữa tại phiên tòa, nhưng phía chính quyền nói rằng các bị cáo không có nhu cầu gặp luật sư.
VOA đã liên lạc chính quyền huyện Hàm Yên và chính quyền tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu phản ứng của họ đối với cáo buộc từ phía gia đình, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Dương Văn Mình, nhà sáng lập đạo có hơn 10 ngàn tín đồ, đa phần là người H’mong từ năm 1989, qua đời ngày 11/12 sau căn bệnh ung thư. Khi thi thể của ông được đưa từ bệnh viện về nhà, chính quyền địa phương ở tỉnh Tuyên Quang ập đến nói rằng “để chia buồn cùng gia đình”, và sau đó cưỡng chế tất cả người nhà, hàng xóm và cả cái xác của ông phải làm xét nghiệm COVID-19.
Sau đó, theo các tín đồ, chính quyền đã tạm giam 46 người, trong đó có nhiều người bị đánh đập, và cuối cùng có 15 người bị khởi tố.
Đại biểu Quốc hội: Chính quyền thực tế áp dụng “nguyên tắc suy đoán có tội” nhiều hơn
27/5/2022
Hình minh hoạ: Những người tham gia biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu ra toà ở Bình Thuận hôm 23/7/2018.
AFP
Một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trên thực tế "nguyên tắc suy đoán có tội" lại được ngành tư pháp Việt Nam áp dụng nhiều hơn là “nguyên tắc suy đoán vô tội” - vốn đã được ghi trong Điều 31 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh có phát biểu như vừa nêu trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng ngày 25/5, đồng thời cho rằng cần áp dụng một cách thống nhất nguyên tắc "người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."
Bình luận thực trạng hiện nay, ông Hà Huy Sơn thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội- người tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị, nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do:
“Nguyên tắc suy đoán vô tội của luật Việt Nam, trong pháp luật hình sự, quy định nội hàm không được rõ ràng lắm.
Cụ thể, trong giai đoạn điều tra thì hiểu nguyên tắc vô tội là người chưa bị kết án bởi một bản án có hiệu lực của pháp luật thì coi như là người chưa có tội.
Nhưng nhiều trường hợp khi khởi tố vụ án khởi tố bị can thì nhiều người bị bắt tạm giam, tức là họ mất quyền công dân rồi.
Người bị tạm giam thì không thể nói là người bình thường như người chưa có tội được.
Đó là vấn đề mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật và trong thực tế.
Pháp luật cần quy định rõ cái nội hàm của suy đoán vô tội trong các giai đoạn của tố tụng. Quy định trong pháp luật hiện nay (về nguyên tắc suy đoán vô tội- PV) rất chung chung.”
Bình luận với chúng tôi qua tin nhắn, luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định
“Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã minh thị công nhận nguyên tắc này (suy đoán vô tội-PV). Đồng thời, qua quá trình tu chính bộ luật, ngày càng có nhiều quy định bảo đảm nguyên tắc này được bổ sung vào bộ luật, ví dụ như quyền được giữ quyền im lặng trong quá trình điều tra...
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng, giữa những quy định ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn tiến bộ của luật pháp quốc tế với thực tiễn thực thi những quy định này vẫn còn khoảng cách nhất định.”
Theo ông, khoảng cách này thể hiện ở quy định rằng cơ quan công an điều tra ra quyết định tạm giam người bị khởi tố và chỉ cần phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Ông nói đây là một hạn chế so với luật tố tụng của nhiều quốc gia khác vì quyết định tạm giam một công dân nên là việc của toà án.
Luật sư Mạnh chỉ ra thực tế thủ tục xét xử ở phiên tòa hình sự hiện nay thì không chỉ công tố viên mà nhiều thẩm phán có cách xét hỏi như đang chứng minh tội phạm, trong khi các thẩm phán cần phải giữ vai trò trung lập và chỉ thể hiện quan điểm xét xử của mình thông qua bản án được tuyên.
Từng tham gia bào chữa cho một số nhà hoạt động nhân quyền cũng nói, luật sư Mạnh nói ông và đồng nghiệp đã từng chứng kiến tận mắt điều tra viên quát tháo người bị khởi tố, không công bố các quyền của họ theo quy định của pháp luật, hoặc điều tra viên tự ý ghi lời khai theo ý mình...
Luật sư Đặng Đình Mạnh đề nghị các nhà lập pháp tiếp tục sửa đổi các quy định về hình sự, trong khi các điều tra viên cần được tăng cường trang bị kiến thức đầy đủ về nội hàm của nguyên tắc này nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội được thực thi đúng đắn.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông vào cuối tuần này
27/5/2022
Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 2/1/2017 cho thấy máy bay chiến đấu J - 15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
AFP
Cơ quan An toàn Hàng hải của Trung Quốc hôm 26/5 thông báo nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận ngoài khơi đảo Hải Nam vào ngày 28/5 và yêu cầu các tàu thuyền không được đi vào vùng tập trận trong phạm vi 100 mét vuông.
Cuộc tập trận được thực hiện ở khoảng cách dưới 25 km cách bờ biển đảo Hải Nam.
Cuộc tập trận diễn ra vào lúc có nhiều chỉ trích từ Mỹ và các nước Phương Tây đối với hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển có nhiều tranh chấp này, đặc biệt là đối với Đài Loan, nơi Trung Quốc luôn cho là một phần lãnh thổ cần được thống nhất với đại lục.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 26/5 nói rằng: “Bắc Kinh đang tham gia và hoạt động là có lời lẽ gây hấn bao gồm cho máy bay chiến đấu bay gần Đài Loan gần như mỗi ngày”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi có các nỗ lực nhằm đối trọng lại với ý định nhằm thay đổi trật tự quốc tế của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Châu Á hồi đầu tuần đã nói rằng Mỹ sẽ có can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tìm cách chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Hà Nội ngập mênh mông sau mưa, lãnh đạo CSVN giật mình sau giấc mơ túc cầu
Quốc Thành
30 tháng 5, 2022
Hà Nội ngập suốt nhiều cây số sau trận mưa 29 Tháng Năm.
Sau trận thắng Thái Lan trong trận chung kết giải SEA Games 31 – một giải thể thao nhỏ nằm trong khu vực Đông Nam Á, lãnh đạo Hà Nội ngợi ca chiến thắng này như một thành tích bay vào vũ trụ của đất nước cộng sản. Báo chí trong suốt nhiều ngày tâng bốc lên đến tận mây xanh thành tích này. Ông bầu Đức (Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai), người được coi là khai sinh nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đã phải khóc và thốt lên rằng hôm nay “vượt qua Thái Lan là giấc mơ cả đời của ông”.
Đang mơ màng trong chiến thắng thì chỉ vài ngày sau, Hà Nội hứng một trận mưa chưa từng có và đã biến thủ đô trở thành một biển nước mênh mông khiến dân tình bàng hoàng. Nước ngập khắp nơi đến mức hàng triệu xe máy đều đành nằm dưới làn nước và chờ để mang đi phục hồi. Một Facebooker ở Hà Nội, đăng tấm ảnh đường phố chỉ có nước và nước, đã viết trên trang của mình “Mọi phấn đấu của một quốc gia không chỉ là bóng đá, mà còn là những vấn đề phát triển tiện nghi, đời sống và an sinh xã hội. Một trận mưa ngập lụt như vậy, có thể giúp cho lãnh đạo Việt Nam bừng tỉnh”.
Tác giả Hà Thương, viết trên tờ Realtimes.vn, đặt câu hỏi là “Điều đáng ngạc nhiên là càng ở những khu đô thị mới thì tình trạng ngập lụt lại càng diễn ra thường xuyên. Ngay cả những khu vực nằm ven hồ điều hòa, khi mưa xuống, đường phố cũng “thành sông”.
Nói trong sự bất lực, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, rằng Hà Nội “cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ”. Nhưng vấn đề ông Liên gợi ý, đó là vấn nạn của những câu chuyện đam mê hình ảnh phát triển khiến Hà Nội bị băm nát, sửa đổi vô tội vạ không khác gì Sài Gòn. Nhắc về chuyên trồng và giữ cây xanh để thành phố để có thể điều tiết được lượng nước, người ta vẫn không quên rằng năm 2015, Hà Nội đã đốn 6.700 cây xanh cho “phát triển”, và chuyện này trở thành một hiện tượng phản đối của cả nước. Giờ thì đã muộn.
Hà Nội biến thành sông (MXH)
Việc phát triển Hà Nội như Seoul hay Singapore gì đó, trong những lời huyênh hoang của chính quyền CSVN, cũng dẫn đến việc cho phép lấp hàng trăm ao hồ, lớn nhỏ quanh Hà Nội, khiến không còn thoát nước. Trên tờ VNExpress, KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến Trúc Sư Hà Nội khẳng định rằng chuyện ao hồ bị “bức tử” không hề hiếm gặp. Lấp hồ tự nhiên, xoá đi một lá phổi xanh để phân lô bán nền rồi xây lên những toà cao tầng tưởng là thông minh nhưng thực chất là đang tự hại mình, phá vỡ quy hoạch. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều tuyến đường Hà Nội luôn rơi vào tình trạng ngập sâu sau mỗi đợt mưa”.
Chạy chữa cho các việc đề án “cải tạo” ấu trĩ đô thị, ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chống chế: “Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được”. Rồi khi được báo chí hỏi về giải pháp, ông Hà nói qua loa “về lâu dài cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, như xây các bể ngầm chứa nước lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập. Thành phố cũng có thể tận dụng các nơi rộng lớn như cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước”. Thật đơn giản như đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Suốt những ngày này, báo chí Nhà nước đầy dẫy những bài kêu rên về tình trạng ngập và đỗ lỗi cho biến đổi khí hậu. Không thấy ai chịu trách nhiệm sẽ thay đổi cho đời sống người dân. Nhiều dự án bay bổng được nêu ra với những con số yêu cầu chi ngân sách khổng lồ nhưng không có lời hứa nào cụ thể.
Trong khi đó, Thái Lan vào cuối Tháng Năm này cũng có những trận lớn và gây ngập lụt, nhưng đó là đề tài tranh cãi của các ứng cử viên tranh cử chức thị trưởng Bangkok, với những lời hứa giải quyết tình hình – mỗi ứng cử viên đều đưa ra những giải pháp cụ thể. Người Thái không ăn mừng bóng đá bằng cách tuyên bố là hàng “đỉnh nhất thế giới” như Việt Nam. Khác Việt Nam, họ không dành trọn cả đời để xây dựng bóng đá nhằm vượt qua ai, mà chỉ làm sao cho đất nước phát triển và giải quyết vấn đề một cách cụ thể đời sống an sinh của nhân dân.
Năm 2021, GDP của Thái là $543,65 tỷ. Còn Việt Nam là $352 tỷ. Rõ là Người Thái chọn sống vào nhìn vào sự phát triển, chứ không chọn nhìn vào tỷ số bóng đá.
Giám đốc Intel: Tập đoàn sẽ mở rộng kinh doanh, đầu tư gấp nhiều lần ở Việt Nam
27/5/2022
Giám đốc điều hành CEO, ông Gelsinger, tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam hôm 27/5/2022.
Tập đoàn công nghệ Mỹ Intel sẽ mở rộng kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam gấp nhiều lần, giám đốc điều hành của tập đoàn nói với thủ tướng Việt Nam hôm 27/5, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật.
Ông Patrick Gelsinger, giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip bán dẫn hùng mạnh hàng đầu thế giới, có buổi tiếp kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội, trong đó, ông Gelsinger nhận xét rằng chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt, giúp Intel Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19, bản tin của Báo Điện tử Chính phủ cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với giám đốc điều hành của Intel rằng ông đánh giá cao hoạt động đầu tư và sự phát triển mạnh mẽ, liên tục của hãng ở Việt Nam. Ông Chính cũng đề nghị Intel hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái số, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đầu tư, xây dựng trung tâm nghiên cứu để phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Vị giám đốc của Intel khẳng định trên nền tảng thành công đã đạt được, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam với số vốn gấp nhiều lần trong giai đoạn mới, theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ.
Theo tìm hiểu của VOA, Intel - có trụ sở ở bang California - đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 15 năm, và đầu tư ít nhất 1,5 tỷ đô la vào nước này trong giai đoạn năm 2006 đến tháng 1/2021.
Việc kinh doanh, đầu tư trong thời gian tới sẽ nhắm vào công nghệ cao, thân thiện môi trường, Giám đốc Patrick Gelsinger nói với thủ tướng Việt Nam, và vị giám đốc nói thêm rằng hãng cũng hướng đến tăng cường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam, đạt được những thành công lớn hơn nữa, có lợi cho cả hai bên, nhất là góp phần vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đầu tư tại Việt Nam.
Nhận xét về Việt Nam trên bình diện rộng, ông Gelsinger cho rằng đất nước này là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nền kinh tế năng động, thị trường đầy tiềm năng, người dân cần cù, sáng tạo, và chính phủ nước chủ nhà luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, bản tin của Báo Điện tử Chính phủ viết.
Vẫn trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết rằng trong buổi tiếp kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, vị giám đốc của Intel cảm ơn và mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có những chính sách tạo điều kiện cho Intel và các doanh nghiệp công nghệ cao làm ăn, kinh doanh hiệu quả.
Liên quan đến đề nghị này, Thủ tướng Chính giao các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho Intel, triển khai nhanh chóng các thủ tục theo quy định của pháp luật, Báo Điện tử Chính phủ tường thuật.
Trung Quốc đang tung lượng lớn tiền giả vào Việt Nam?
30/5/2022
Định Tường
Bên rao bán khẳng định tiền giả giống tiền thật từ 97% trở lên… Cứ 1 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 10 – 15 triệu tiền giả (tùy nơi).
Thông tin từ một số tiệm vàng tên tuổi ở Sài Gòn cho biết họ nhận được khuyến cáo rằng trên thị trường hiện mới xuất hiện một số loại tiền giả có mệnh giá lớn 500.000 đồng và 200.000 đồng.
Đặc điểm để nhận dạng tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng là tiền này in vần seri: DA, FC, PK, YF. Đối với tiền giả Polymer mệnh giá 200.000 đồng thường in vần seri: EP, HW, HZ, IA, IW, JP, NM, OG, QQ, TQ, UI, YU, YX, ZW. Ngoài ra, các đối tượng in tiền giả vẫn in tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và thường vần seri là PL.
Tiền giả sẽ không làm giả được hình bóng chìm, hoặc có nhưng không nhìn thấy khi soi ngược nguồn sáng, chỉ nhìn thấy hình ảnh mờ nhạt trên hai mặt dưới ánh sáng thường.
Tiền giả sẽ có hình định vị không khớp khít, mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật, mảng ký tự siêu nhỏ là những dải mực nhòe; cửa sổ lớn và cửa sổ nhỏ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy theo hình cửa sổ và phủ lớp nylon trên toàn bộ hai mặt tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím thì nền giấy phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Với tiền giả Polymer mệnh giá 50.000 đồng không nhìn thấy chữ “NH” nổi rõ như tiền thật, có làm giả dây bảo hiểm nhưng mờ nhạt, không nhìn được các ký tự là các số 50.000 trên dây.
Riêng seri PK của mệnh giá 500.000 đồng có làm giả nét in nổi tại vị trí cụm số mệnh giá nhỏ ở góc trên, bên trái, mặt sau tờ tiền bằng cách dùng vật sắc nhọn làm thủng, biến dạng nền giấy từ mặt trước ra mặt sau; khi soi dưới đèn cực tím, nhìn thấy cụm số in làm giả dập nổi phát quang nhưng cường độ yếu.
Nhân viên tại phòng giao dịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Phú Mỹ Hưng cho biết, tiền polymer thật có độ đàn hồi và độ bền cao. Tiền dễ dàng trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị vo tròn, hay nắm thành cục. Tiền cũng rất khó bị xé rách, phai màu, biến dạng…
Từ trước đến nay, tiền giả phát hiện được trong quá trình giao dịch tại quầy thường được in trên nilon nên không có độ đàn hồi, độ bền kém, dễ biến dạng, mất màu khi kéo giãn… “Điều đáng lo là tờ tiền giả mà đối tượng mua hàng mới đây tại một cửa hàng ở quận 7 có độ đàn hồi như tiền thật. Người bán hàng rất khó để nhận nhận biết” – nhân viên này nhận xét.
Một nguồn tin cho hay là nhiều khả năng tiền giả này nằm trong hoạt động của các đường dây cho vay nặng lãi do người Trung Quốc cầm đầu tại Việt Nam.
Hoạt động của những đối tượng này khá bài bản khi thông qua mạng xã hội, những website quảng cáo về tài chính để quảng bá cho việc vay nhanh, vay nóng. Với những ‘app” (ứng dụng trên điện thoại di động smartphone) được các đối tượng thiết kế đơn giản, bất kỳ người dân nào có nhu cầu, thông thạo máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh đều có thể đăng nhập vào để làm thủ tục vay mượn tiền.
Không cần phải gặp trực tiếp để làm thủ tục, những ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, và thế chấp bằng những tài sản có giá trị thấp rồi đăng nhập vào ‘app’ vay tiền do các đối tượng này lập ra.
Một thủ tục tưởng chừng đơn giản nhưng không thể bỏ qua của người vay tiền, đó chính là phải gửi lại điện thoại hoặc để cho các đối tượng sao lưu danh bạ điện thoại làm tin.
Sau khi hồ sơ được thẩm định xong, người có nhu cầu dễ dàng vay được từ 2 đến 30 triệu đồng mà không phải gặp trực tiếp ký giấy tờ vay nợ. Từ danh bạ điện thoại của người vay, các đối tượng sẽ dùng để tạo sức ép buộc con nợ phải trả lãi và tiền vay đúng hẹn. Sau khoảng 3 đến 5 ngày, các con nợ phải trả tiền lãi hoặc tiền gốc, nếu không số tiền lãi sẽ nhanh chóng “đẻ” ra lên tới 2.190%/năm.
Quá trình thu hồi tiền cho vay, các đối tượng sẽ căn cứ vào số tiền đã giải ngân từ trước để lên phương án đòi nợ.
Đối với những con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện vào danh bạ điện thoại để khủng bố bạn bè, người thân của con nợ.
Nếu con nợ chây ỳ trả tiền, chúng sẽ dùng biện pháp mạnh như cắt ghép hình ảnh của con nợ, người thân vào những hình ảnh mang tính đồi trụy, xuyên tạc, hòng ép con nợ phải trả tiền. Hành vi của các đối tượng đã gây hoang mang, bức xúc cho những người thân hoặc không liên quan gì đến việc vay nợ trên.
Hiện tại một đường dây cho vay nặng lãi như trên do người Trung Quốc điều hành tại Việt Nam đã bị khởi tố điều tra. Ghi nhận ban đầu trung bình một tháng các đối tượng khai nhận cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Đến thời điểm hạ tuần tháng 5-2022, dòng tiền lưu chuyển ổ nhóm trên cho vay “tín dụng đen” lên tới hàng ngàn tỷ đồng với sơ bộ xác định có tới gần 1 triệu tài khoản đã đăng nhập vào 3 app cho vay tiền để giao dịch vay nợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét