Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Thời sự Việt Nam

Lạng Sơn: Một người chết, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập do mưa lớn

RFA
10/5/2022

Lạng Sơn: Một người chết, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập do mưa lớn

Nhiều tuyến đường bị ngập nặng, giao thông chia cắt do sạt lở tại các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Bắc Kạn 

Mưa lớn kết hợp lũ từ tỉnh Lạng Sơn đổ về trong đêm 9/5 khiến nhiều khu vực tại Lạng Sơn và nhiều xã vùng cao của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Kạn bị ngập nặng. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 10/5.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Cấm Sơn tỉnh Bắc Giang- Nông Văn Phụng được truyền thông dẫn lời cho rằng đợt mưa này rất lớn, ngang với trận mưa lũ kỷ lục xảy ra tại huyện Lục Ngạn năm 2008.

Tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Kạn, mưa, lũ khiến hàng trăm hectare vải thiều, lúa ngô, cây nguyên liệu thuốc là đã bị ngập úng. Nhiều cột điện hạ thế bị lũ làm gãy, đổ khiến một số thôn bị mất điện. Nước chảy siết làm nhiều tuyến đường huyện, tỉnh, liên xã bị ngập cục bộ, các phương tiện giao thông không thể qua lại.

Riêng tại Bắc Kạn, mưa lớn đã làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá, ngập lụt, gây ách tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến đường tại các địa phương của tỉnh.

Đặc biệt, đợt mưa lũ kỷ lục trong đêm 9/5 và sáng 10/5 đã khiến một người tại thôn Khau Bao xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn bị chết do sạt lở đất.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho truyền thông địa phương hay mưa lũ cũng khiến 8 căn nhà sụp đổ, hàng trăm căn bị ảnh hưởng do sạt lở ngập đất.

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Lạng Sơn cũng bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 10/5 đến 11/5, Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.

Từ đêm 11/5, mưa dông ở khu vực Bắc Bộ có thể gia tăng. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng.

Thêm một thứ trưởng Việt Nam bị ‘kỷ luật cảnh cáo’ 

10/5/2022 

VOA Tiếng Việt 

Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, vừa bị kỷ luật cảnh cáo theo quyết định mới công bố của Thủ tướng Việt Nam vì vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện.

Trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Võ Thành Thống vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào ngày 9/5, nhưng thời gian thi hành kỷ luật được tính từ ngày 19/1/2022.

Thứ trưởng Bộ KHĐT là một trong số hàng loạt lãnh đạo nằm trong Ban cán sự đảng UBND TP.Cần Thơ bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND TP và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, thực hiện dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào tháng 1/2022.

Những vi phạm trên được cho là đã “gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố”.

Cùng nhận quyết định kỷ luật với ông Võ Thành Thống hồi đầu năm nay gồm có ông Lê Văn Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP và cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 – 2020; ông Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND TP, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Chánh Văn phòng UBND TP; bà Lê Dương Cẩm Thúy, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ và một số cán bộ quản lý dự án các công trình y tế, thuộc Sở Y tế TP.Cần Thơ.

Ông Võ Thành Thống, 59 tuổi, quê ở xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông có trình độ chuyên môn tiến sĩ kinh tế.

Trước khi được bầu làm chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Thống từng giữ các chức vụ Hiệu trưởng Cao đẳng kinh tế Cần Thơ, Giám đốc Sở Tài chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2004-2011, Bí thư quận uỷ Ninh Kiều.

Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 21/5/2019.

Trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống là người đã thực hiện vụ kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm về đất đai tại thành phố này. Với 24 cán bộ bị kỷ luật đồng loạt, đây là vụ kỷ luật được xem “mạnh tay” lần đầu tiên diễn ra tại Cần Thơ liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai.

Quyết định dừng triển lãm tranh 'Điện Biên Phủ' gây tranh cãi ở Việt Nam 

09/5/2022 

VOA Tiếng Việt 

Họa sỹ Mai Duy Minh bên bức tranh "Điện Biên Phủ", tác phẩm chính trong triển lãm hội họa bị ngừng ngay trước giờ khai mạc hôm 7/5 tại Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội.

Họa sỹ Mai Duy Minh bên bức tranh "Điện Biên Phủ", tác phẩm chính trong triển lãm hội họa bị ngừng ngay trước giờ khai mạc hôm 7/5 tại Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội. 

Một triển lãm hội họa về Điện Biên Phủ đã bị giới chức thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng ngay trước giờ khai mạc để thẩm định một trong các tác phẩm trưng bày được cho là vẽ cờ “quá rách” và anh bộ đội “không đẹp”, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Theo truyền thông trong nước, triển lãm mang tên “Điện Biên Phủ” dự kiến trưng bày tranh của họa sỹ Mai Duy Minh đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép nhưng ngay sát giờ khai mạc ngày 7/5 bị hoãn lại do có ý kiến từ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vì muốn lập hội đồng duyệt lại.

Sở VHTTDL Hà Nội được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng một số bức tranh dự kiến được trưng bày tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh dấu sự thất bại của quân đội Pháp ở Việt Nam, “dễ gây hiểu nhầm” và phải đợi sở thẩm định lại “trong một thời gian gần nhất có thể.”

Theo VTC News, nội dung văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không nêu rõ các tác phẩm có sai sót gì mà chỉ yêu cầu đơn vị phê duyệt là Sở VHTTDL Hà Nội phải rà soát lại.

Còn theo Tuổi Trẻ, lý do triển lãm phải tạm hoãn được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở VHTTDL Hà Nội từng tham gia duyệt triển lãm này – cho biết là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm vẽ “lá cờ bị rách quá” và vẽ “anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu.”

Nhân vật trung tâm trong bức ảnh, mà họa sỹ Mai Duy Minh mất 10 năm để sáng tác, là một anh bộ đội gầy gò, đứng trên đống đổ nát của chiến trường và vẫy một lá cờ bị rách.

Nhận định về việc vẽ “anh bộ đội không đúng về giải phẫu,” ông Bảo nói rằng trên thế giới có một trường phái như vậy. Còn việc vẽ là cờ bị rách, ông Bảo nói rằng đó là một trường phái hiện thực khách quan.

Tuy nhiên nhà phê bình mỹ thuật này cũng cho rằng “cờ trong trận chiến ác liệt như thế thì nó phải rách nhưng đây lại rách quá, đáng lẽ vẽ rách ít thôi,” theo Tuổi Trẻ.

Theo VTC, hình ảnh người lính Điện Biên trong khoảnh khắc chiến thắng được họa sỹ Mai Duy Minh khắc họa không có thân hình vạm vỡ, quân dung tươi tỉnh và trang phục chỉnh tề như các tác phẩm mỹ thuật quen thuộc trước đây và nhiều ý kiến cho rằng bức tranh này chính là nguyên nhân khiến triển lãm bị tạm dừng.

Việc tạm hoãn vô thời hạn triển lãm hội họa “Điện Biên Phủ” của họa sỹ Mai Duy Minh đã khiến nhiều người thất vọng và gây ra những tranh cãi trong cả công chúng lẫn giới họa sỹ và phê bình nghệ thuật.

Trong khi có những người ủng hộ thì nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Trung của Viện Mỹ thuật-Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói với VietnamPlus của TTXVN rằng ông tiếc nuối về quyết định hoãn ngay trước giờ khai mạc triển lãm của người họa sỹ mà ông đánh giá là “gương mặt sáng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, tâm huyết với đề tài lịch sử.” Theo ông Trung, trận chiến Điện Biên Phủ là một chiến thắng “máu trộn bùn non” – như trong lời thơ của Tố Hữu – nên không thể mô tả tưng bừng, hân hoan mà thiếu đi màu sắc hiện thực khắc nghiệt.

Còn theo nhận định của ông Lê Trọng Nghĩa, giảng viên mỹ thuật tại Đại học Bình Định, “trong tâm thức rất nhiều người thì lá cờ không được rách.” Ông viết trong một đăng tải trên Facebook rằng: “Chấp nhận một sự rách của lá cờ quả là làm khó các quan chức kiểm duyệt. Đã vậy, vẽ khuôn mặt anh lính xấu đến dị dợm thì có thể chấp nhận được không? Quả là một thách thức với thói quen nhận thức lịch sử và nghệ thuật ở Việt Nam.”

Trước đó họa sỹ Mai Duy Minh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng anh muốn cố gắng đem đến cảm nhận chân thực nhất về một sự kiện lịch sử trong tác phẩm của mình. Theo anh cho biết, tác phẩm kể với người xem một hiện thực rằng "dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh rất nhiều để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.”

Thu Anh Nguyen, một người dùng Facebook, viết rằng: “Tiếc cho vị họa sĩ, bỏ nhiều công sức vào tác phẩm, thế nhưng ông lại quên mất một điều quan trọng đó là vẽ ở xứ thiên đường cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt định hướng XHCN…” Trong khi đó một người dùng Facebook khác có tên Dang Dzung cho rằng: “Vô hình chung triển lãm lại được các FBker đưa lên miễn phí – ấy cũng là thành công.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét