Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Học giả phơi bày Trung Quốc phóng đại Dự án 62 tỷ đô ở Pakistan



25/11/2018 



Cảnh sát Pakistan đứng gác vào tháng 10/2018, trong buổi lễ ra mắt một đoạn đường sắt do Trung Quốc tài trợ ở Lahore. (Ảnh: AFP/Getty)

Lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng của một chương trình đầu tư do Bắc Kinh tài trợ đã bị đánh giá quá cao, trong khi tình trạng thiếu minh bạch của Trung Quốc đối với dự án này đã làm gia tăng căng thẳng với Ấn Độ, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết nhận định của một nhà nghiên cứu địa chính trị hàng đầu tại Trung Quốc.
Dự án 62 tỷ USD Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) được thiết kế để kết nối khu vực phía tây của Tân Cương với cảng Gwadar ở Pakistan thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và trung tâm thương mại. Dự kiến hoàn thành vào năm 2030, công trình này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho Trung Quốc một tuyến giao thương quan trọng đối với Trung Đông và châu Phi.
Trong khi CPEC đã được ca tụng là dự án hàng đầu trong chương trình “Vành đai – Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắm cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng tại hơn 80 quốc gia, Yang Shu, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu ở tỉnh Cam Túc, cho biết tác động tiêu cực của Hành lang CPEC phần lớn đã bị đánh giá quá thấp.
“Việc giới truyền thông trong nước đưa tin ồ ạt về ‘Sáng kiến Vành đai – Con đường’, và một số nhận xét vô trách nhiệm của các học giả đã tạo ra sự nghi ngờ [về ý định chiến lược của Bắc Kinh] ở Ấn Độ”, ông nói trong một bản đánh giá về 5 năm đầu tiên của Dự án Vành đai – Con đường.




Tranh minh họa nỗi lo của Ấn Độ khi quốc gia láng giềng Pakistan bắt tay hợp tác với Trung Quốc (Ảnh: Youtube)

Ông Yang đề cập đến đề xuất rằng CPEC sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một tuyến đường bộ mới từ vùng Vịnh Ba Tư giàu năng lượng đến Tân Cương, và đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Tuyến đường này được quảng cáo rằng nó có thể sẽ còn quan trọng hơn trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông, khi căng thẳng trong khu vực đang gia tăng giữa Mỹ, Trung và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
“Trong tình huống nào Mỹ sẽ phong tỏa Biển Đông? Chỉ khi Trung Quốc và Mỹ lâm vào chiến tranh”, ông Yang nói. “Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ không làm điều đó, họ vẫn có thể phong tỏa các làn đường vận chuyển ở Ấn Độ Dương.”



Hải quân Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump tăng cường hiện diện ở Biển Đông để phản đối sự bành trướng của Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Những bình luận của vị học giả Trung Quốc được đưa ra khi Dự án Vành đai – Con đường của Bắc Kinh ngày càng thu hút sự hoài nghi cả ở trong và ngoài nước. Theo SCMP, nhiều người ở Trung Quốc phàn nàn rằng Vành đai – Con đường là một sự lãng phí tiền bạc, trong khi các nước bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên trường thế giới và đưa ra cảnh báo rằng Dự án này có thể khiến quốc gia nhận vốn rơi vào khủng hoảng nợ.
Mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần nói rằng CPEC là một dự án “hai bên cùng có lợi” đối với Trung Quốc và Pakistan, thực tế cho thấy nợ quốc gia của Pakistan ước tính khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, và khoảng một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc.



Bức họa châm biếm Hành lang CPEC tựa như con ngựa thành Troy của Trung Quốc nhằm xâm nhập Pakistan (Ảnh: globalvillagespace.com)
Ông Yang, người đã tham gia vào kế hoạch Vành đai – Con đường kể từ khi nó thành lập, cũng đặt câu hỏi về tính thực tiễn của việc xây dựng đường sắt và đường ống ở địa hình khó khăn như vậy, và nghi ngờ tác động của Dự án đối với tình hình an ninh năng lượng tổng thể của Trung Quốc, đặc biệt vì Tân Cương là nơi có trữ lượng khí đốt và than đá lớn nhất của Trung Quốc.
“Nếu bạn xem xét tất cả chi phí, thì chi phí của các dự án đường ống sẽ cao một cách nguy hiểm”, ông nói. “Dựa trên kinh nghiệm [của các dự án tương tự trên toàn thế giới], một khi một đường ống dẫn vượt ra ngoài 4,000km, thì chi phí của việc sử dụng nó để vận chuyển năng lượng còn cao hơn so với vận chuyển bằng đường biển, do đó lợi ích [kinh tế] của cảng Gwadar là không tồn tại.”



Quân đội Trung Quốc (bên trái) đối mặt với quân đội Ấn tại Doklam (Ảnh: Goldenarcher)

Ông Yang nói rằng vì không có lời giải thích hợp lý nào của Bắc Kinh, chưa kể những tuyên bố phóng đại của những người lạc quan và giới tuyên truyền, thì cũng “hợp lý” khi Ấn Độ hoài nghi về ý định của Trung Quốc về việc xây dựng Hành lang ở nước láng giềng Pakistan. Căng thẳng giữa Trung-Ấn đạt đỉnh điểm vào năm ngoái khi quân đội hai nước mặt đối mặt suốt hai tháng trên cao nguyên Doklam.
Trong bài phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ trích kín đáo về CPEC, cho rằng các dự án kết nối lớn phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia mà họ vượt qua hoặc tiến gần đến. Ấn Độ là nước duy nhất trong số tám thành viên của SCO từ chối tiếp nhận đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, theo SCMP.

Mai Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét