Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Vạc dầu châu Á: Biển Đông và hồi kết của một Thái Bình Dương ổn định Chương I (2)

THẾ LƯỠNG NAN CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN


Thế nhưng có thể kiểm soát một cách hữu hiệu xung đột ở biển Đông hay không? Nói cho cùng, đến lúc này luận cứ của tôi giả định rằng các cuộc chiến tranh lớn sẽ không xảy, thay vào đó, các quốc gia sẽ tranh giành nhau từng vị trí một trên biển cả, cùng với đó là những tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau về các nguồn tài nguyên trên biển, thậm chí các quốc gia cũng có thể đồng ý thông qua đàm phán để chia sẻ một cách công bằng các nguồn tài nguyên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc, bất chấp xu hướng hiện tại, xâm lược Đài Loan? Điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam và Trung Quốc – hai quốc gia từng đối đầu nhau từ rất lâu rồi - xảy ra chiến tranh như năm 1979, lần này là với những thứ vũ khí hiện đại hơn? Vì không chỉ có một mình Trung Quốc hiện đại hoá quân đội của mình, các nước ở Đông Nam Á nói chung cũng làm như vậy. Ngân sách quốc phòng của các nước này đã tăng thêm một phần ba trong vòng một thập kỷ, trong khi ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu lại giảm. Tính từ năm 2000, nhập khẩu vũ khí của Indonesia, Singapore, và Malaysia gia tăng lần lượt là 84%, 146% và 722%. Chi tiêu này chủ yếu là cho các hệ thống vũ khí trên không và trên biển như tàu chiến, tàu ngầm hay các hệ thống tên lửa hiện đại. Việt Nam gần đây đã bỏ ra 2 tỷ USD để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến của Nga và 1 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu cũng của Nga. Malaysia xây dựng xong căn cứ tàu ngầm trên đảo Borneo, thậm chí Trung Quốc cũng đang phát triển một căn cứ ngầm có sức chứa lên tới 20 tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam. Trong khi Hoa Kỳ đang bị phân tâm bởi các cuộc chiến trên bộ ở khu vực Đại Trung Đông (Great Middle East), sức mạnh quân sự đang dần dịch chuyển từ châu Âu sang châu Á, nơi mà các tổ hợp công nghiệp liên kết giữa dân sự-quốc phòng mang tính chất hậu công nghiệp đang được xây dựng, tập trung vào sức mạnh hải quân.
Địa chính trị ở biển Đông khá đơn giản, ít nhất là ở một khía cạnh. Thế giới hiện nay không phải là thế giới của các liên minh đế quốc phức tạp, đa cực và luôn dịch chuyển như châu Âu thời trước Thế chiến I. Chỉ có một cường quốc, gọi là bản địa, có khả năng đe doạ ở vùng biển này: Trung Quốc, với những tấm bản đồ của mình, thể hiện tham vọng kiểm soát toàn bộ biển Đông như Hoa Kỳ đã làm với biển Ca-ri-bê trước đây. [Nhưng, nỗi ám ảnh về lãnh thổ của Trung Quốc không phải là vô lý nếu xét tới vị trí địa lý và lịch sử của quốc gia này trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX – cắt].

Toàn bộ vùng biên giới phía bắc của biển Đông được hình thành bởi lục địa Trung Quốc. Thực sự thì vùng bờ biển phía đông của Trung Quốc, từ biên giới Việt Nam ở phía tây cho tới eo biển Đài Loan ở phía đông, là một trong những trung tâm kinh tế và dân cư quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Đông và đại đô thị Quảng Châu, tiếp giáp với Hồng Kông. Tiếp đó là đảo Hải Nam, đặc khu kinh tế lớn nhất Trung Quốc, và cũng nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ giàu tài nguyên thiên nhiên, có khả năng ngăn chặn Việt Nam tiếp cận với khu vực biển Đông nằm ngoài Vịnh Bắc Bộ.

Một tấm bản đồ của Trung Quốc cho thấy toàn bộ một nửa vùng bờ biển của nước này là hướng về phía Biển Đông, ở phía nam và một nửa còn lại hướng về phía biển Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông ở phía đông. Vì vậy, Trung Quốc luôn nhìn về vùng biển ở phía nam, được hình thành theo chiều kim đồng hồ, bởi Đài Loan, Philippines, đảo Borneo phân chia giữa Malaysia và Indonesia, bán đảo Malay phân chia giữa Malaysia và Thái Lan, và vùng bờ biển dài, trông giống như con rắn của Việt Nam – tất cả đều là những quốc gia yếu hơn Trung Quốc. Tương tự như ở Caribê, các quốc đảo nhỏ bị Hoa Kỳ bao quanh, biển Đông cũng sẽ trở thành một đấu trường cho quá trình triển khai sức mạnh của một quốc gia khổng lồ, bao bọc một phần rất lớn khu vực này. Biển Đông cung cấp không gian lý tưởng cho quá trình bành trướng của Trung Quốc, vì hầu hết lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc là từ Trung Đông, sẽ phải đi vào biển Đông, qua các eo biển của Indonesia. Là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và vùng biển Tây Thái Bình Dương, biển Đông đóng vai trò là cửa ngõ giúp Trung Quốc tiếp cận với toàn bộ vành đai Hồi giáo, từ sa mạc Sahara cho tới quần đảo Indonesia; tương tự như Caribê trong việc giúp cho vùng bờ đông Hoa Kỳ tiếp cận với Thái Bình Dương, qua việc xây dựng kênh đào Panama, kênh đào này cũng chẳng khác gì eo biển Malacca. Cướp biển và khủng bố đang đe doạ cửa ngõ này, việc này có liên hệ tới những quốc gia yếu kém như Philippines hay Indonesia với một dân số khổng lồ theo đạo Hồi. Địa lý quyết định sự hiện diện mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc ở biển Đông, và đó là điều dể hiểu. Kiểm soát hữu hiệu biển Đông sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trên con đường trở thành cường quốc hải quân trên hai đại dương: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc phải tập trung vào vấn đề Đài Loan và bán đảo Triều Tiên chỉ là do những đe doạ an ninh mang tính nhất thời, nhưng biển Đông lại có vai trò quan trọng, là chìa khoá cho tương lai địa chiến lược của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có những lý do sâu xa hơn thúc đẩy Trung Quốc tiến ra biển Đông cũng như hướng ra chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương: sự “tan rã” từng phần của Trung Quốc bởi các nước phương tây trong lịch sử gần đây, sau hàng ngàn năm nước này được coi như là một cường quốc và một nền văn minh tầm cỡ thế giới. Không nên bỏ qua những sự kiện đã diễn ra Trung Quốc trong suốt 150 năm qua. Nếu bạn không có hiểu biết thật sự sâu sắc về kinh nghiệm lịch sử này của Trung Quốc, bạn sẽ không thể hiểu được một cách toàn diện những điều đang thúc đẩy Trung Quốc hành động ở biển Đông.

Trong thế kỷ XIX, khi triều đại nhà Thanh trở thành “con bệnh” của Đông Á, Trung Quốc đã để mất hầu hết các nước phên dậu ở phía nam bao gồm Nepal hay Miến Điện về tay Đế quốc Anh; Đông Dương vào tay Pháp; Đài Loan, Triều Tiên và quần đảo Sakhalin vào tay Nhật Bản; Mông Cổ, Amuria và Ussuria vào tay Nga. Đến thế kỷ XX thì Đế quốc Nhật xâm lược bán đảo Sơn Đông và vùng Mãn Châu, nằm ngay ở trung tâm của Trung Quốc. Điều này, cộng thêm với các hiệp ước ô nhục mà Trung Quốc ký với nước ngoài, cho phép các quốc gia phương Tây kiểm soát nhiều thành phố khác nhau ở Trung Quốc – hay còn được gọi là các Hiệp ước Cảng (Treaty Ports). Năm 1938, một nhà sử học ở đại học Yale, Jonathan D. Spence, đã viết trong tác phẩm Nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại (The Search for Modern China) rằng chính những biến cố như trên, cùng cuộc nội chiến xảy ra sau đó giữa Đảng Cộng sản và Quốc Dân đảng theo chủ nghĩa quốc gia, khiến cho “lãnh thổ Trung Quốc, vốn là một đế quốc thống nhất dưới triều đại nhà Thanh đã bị chia ra thành 10 mảnh khác nhau”. Có một nỗi sợ âm ỉ rằng “Trung Quốc sẽ bị phân liệt, và sẽ không còn tồn tại như một quốc gia, và lịch sử hơn 4.000 năm rốt cục cũng sẽ chấm dứt.” Một nỗi sợ hãi đi kèm là Trung Quốc sẽ quay trở lại với tình trạng của thời kỳ Chiến quốc, thế kỷ III TCN; hay là thời kỳ mà “chính quyền và các liên minh thay đổi liên tục, trở thành đặc điểm điển hình trong lịch sử Trung Quốc” từ thế kỷ III đến thế kỷ VI, và lặp lại một lần nữa từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII. Trung Quốc, đã vượt qua những cơn ác mộng đó, đã đạt được đỉnh cao về sức mạnh trên bộ và ổn định lãnh thổ chưa từng có, kể từ triều đại nhà Minh thế kỷ XVI và triều đại nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII, hiện tại đang cố gắng vươn ra biển để bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình tới Trung Đông và đảm bảo quyền lợi kinh tế của một dân tộc đông người. Sự thôi thúc phải mở rộng không gian chiến lược của Trung Quốc là tuyên bố nói rằng nước này sẽ không bao giờ để cho nước ngoài chiếm thế thượng phong, như họ đã phải chịu đựng suốt hai thế kỷ trước.


Đề tìm cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Đông Nam Á, chúng ta phải xem xét cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam đôi lúc vẫn được người ta so sánh với cuộc phiêu lưu thất bại tới Sicily của người Athens cuối thế kỷ V TCN, được mô tả trong cuốn sách thứ 7 của Thycidides Cuộc chiến tranh Peloponnesia (Peloponnesia War). Mười bốn năm là thời gian kể từ khi người Athens xâm nhập Silicy lần đầu tiên cho tới thảm hoạ cuối cùng của họ tại đó: tương tự như khoảng thời gian kể từ khi chính quyền John F. Kennedy đưa quân vào Việt Nam cho tới tuyên bố rút quân của Tổng thống Gerald Ford. Hoa Kỳ đã bị đồng minh ở Việt Nam của mình lôi kéo vào cuộc chiến nằm cách nửa vòng trái đất, [vì đồng minh bị lực lượng cộng sản tấn công – cắt], hệt như Athens bị lôi vào các cuộc chiến giữa đồng minh của mình và đối thủ của họ ở Sicily, vốn trung thành với Syracuse, kẻ thủ của Athens, mà Syracuse lại cũng là đồng minh của Sparta. Ban đầu chính quyền Kennedy đưa tới Việt Nam Lực lượng Đặc biệt có giới hạn, cam kết này sau đó đã gia tăng dưới thời Lyndon Johnson và lên đến nửa triệu quân chính quy. Điều này cũng tương tự như việc Athens bắt đầu can thiệp vào Sicily ban đầu với 20 chiến thuyền nhằm hỗ trợ cho liên minh chống Syracuse, nhưng sau đó đã nhanh chóng gia tăng tới 100 tàu chiến, rất nhiều tàu vận tải cũng như 5.000 lính hoplites (lính trang bị nặng với khiên và giáo dài – ND), vì thế có thể cho rằng toàn bộ danh tiếng của đế quốc hàng hải Athens sẽ phụ thuộc vào chiến thắng quân sự tại hòn đảo Sicily xa xôi. Athens tiếp tục đổ thêm quân. Cuộc phiêu lưu quân sự tại Sicily kết thúc với việc 40.000 lính Athens tử trận, 6.000 người sống sót bị bắt làm việc ở các mỏ đá của Syracuse hay bị bán làm nô lệ. Quá trình can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam kết thúc với việc quân đội miển Bắc Việt Nam chiếm được miền Nam, và người Mỹ cuối cùng tháo chạy bằng trực thăng từ mái nhà của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

Toàn bộ quốc gia gần như bị tê liệt bởi sự bi quan và giới tinh hoa liên tục đỗ lỗi cho nhau về thất bại tại Sicily, và cũng cần phải mất một khoảng thời gian trước khi Athens có thể hồi phục và lại tích cực tham gia vào thế đối đầu lưỡng cực với Sparta. Sau cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ cũng trải qua hàng loạt khủng hoảng về niềm tin theo, đã lưỡng lự khi Liên Xô và đồng minh đe doạ các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như lật đổ hàng loạt chế độ tại Nicaragua, Angola, Ethiopia, và Afghanistan. Hiện nay, số phận của Việt Nam lại một lần nữa giao nhau với số phận của Hoa Kỳ. Một lần nữa người Việt Nam lại yêu cầu người Mỹ giúp đỡ. Lần này cái cớ được đưa ra khá tế nhị và lặng lẽ, và cũng không yêu cầu các đơn vị bộ binh. Lần này họ không yêu cầu nước Mỹ tham gia đánh nhau: họ chỉ muốn Mỹ duy trì cân bằng quyền lực. Việt Nam muốn Hoa Kỳ hiện diện mạnh mẽ hơn về mặt hải quân và không quân ở biển Đông trong những thập kỷ tới. Việt Nam với số phận của mình, [dù là một quốc gia nửa phụ thuộc vào Trung Quốc hay một quốc gia cố gắng kháng cự mạnh mẽ bá quyền của Trung Quốc – cắt] cho chúng ta thấy ví dụ rõ ràng về một thế giới nhiều rủi ro một khi Hoa Kỳ yếu đi; hay nếu như Hoa Kỳ trở lại thời kỳ chủ nghĩa bán-biệt lập hoặc hướng sự chú ý của mình tới một nơi nào khác.

Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, chúng ta biết như thế. Nhưng khả năng suy giảm của Hoa Kỳ, hay ít nhất là khả năng rút một phần các lực lượng quân sự ở các nơi khác trên thế giới về nước, cũng nên được xem xét. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà hồi phục sau khủng hoảng kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái. Trong khi đó, giá thành của các hệ thống vũ khí cho không quân và hải quân lại đang ngày càng trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn. Giá của một tàu sân bay lớp Gerald R. Ford là 12 tỷ USD, chưa kể máy bay hay các thiết bị khác. Giá của một khu trục hạm lớp Zumwalt mới nhất là gần 4 tỷ USD. Máy bay chiến đấu F-22 Raptor cũng có giá 200 triệu USD một chiếc, còn F-35 là 135 triệu USD. Bên cạnh yếu tố chi phí cho quá trình triển lực lượng trên toàn thế giới – đặc biệt là ở Đông Á – công chúng Hoa Kỳ cũng như một số giới tinh hoa chính trị và đối ngoại có ảnh hưởng ở Washington đã cảm thấy thực sự mệt mỏi về vai trò toàn cầu mang tính đế quốc chủ nghĩa, theo sau những chi phí quá lớn về mặt nhân lực, uy tín ngoại giao và tiền bạc cho các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Chiến tranh Iraq, một cuộc phiêu liêu quân sự xa xôi giống như ở Việt Nam, dù không kết thúc một cách ô nhục hay cái giá phải trả về nhân mạng như thế, nhưng vẫn có thể so sánh với cuộc chiến ở Sicily của Athens. Liệu Hoa Kỳ có đánh mất sự tự tin của mình ở châu Á, như đã từng xảy ra sau cuộc chiến Việt Nam, hay như Athens sau cuộc phiêu lưu thất bại ở Sicily hay không?

Theo sau chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, đối thủ chính, đã giữ cho Hoa Kỳ tiếp tục tham dự vào công việc của thế giới. Nhưng, hiện nay, các mối đe doạ mơ hồ hơn. Ví dụ, sức mạnh nguy hiểm nhất ở biển Đông, Trung Quốc. Trong khi thế kỷ ô nhục (century of humiliation) dưới bàn tay của phương Tây “là giai đoạn bị acid đục thủng trên những trang sách giáo khoa của học sinh hiện nay”, như nhà sử học Piers Brendon, thuộc Đại học Cambridge, viết, “người Trung Quốc không hẳn là tù nhân của lịch sử, họ có những lý do quan trọng về mặt kinh tế để tìm kiếm sự đồng hành cùng có lợi với Hoa Kỳ”. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Lập luận phản bác hay nhất chống lại Brendon được John Mearsheimer đưa ra trong tác phẩm Bi kịch của chính trị đại cường (The Tragedy of Great Power Politics). Ông giải thích rằng vì hệ thống quốc tế là vô chính phủ, không có người chịu trách nhiệm – không có người canh gác cho thế giới – để đảm bảo luật lệ được thực thi, thực sự không có nhiều cường quốc đúng nghĩa: mục đích của mỗi cường quốc – dù dân chủ hay không, thì các đặc trưng nội tại của chúng không có nhiều khác biệt – “là để tối đa hoá phần của mình trong hệ thống quyền lực quốc tế,” và vì thế “các quốc gia đặc biệt hùng mạnh sẽ theo đuổi bá quyền khu vực”. Hàm ý ở đây là Trung Quốc sẽ theo đuổi bá quyền khu vực như là một xu hướng tất yếu, bất chấp việc hệ thống chính trị của quốc gia này có trở nên cởi mở hơn hay không. Một nền kinh tế phát triển chậm lại của Trung Quốc sẽ chỉ làm cho quốc gia này trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn mà thôi.

Trên thực tế, cả Brendon và Mearsheimer đều có thể đúng. Trung Quốc dường như vừa mong muốn “cùng chung sống” với Hoa Kỳ, lại vừa muốn làm bá chủ khu vực. Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng một lực lượng hải quân viễn dương, cùng với không quân và tên lửa đi kèm. Các vũ khí thiết bị này sẽ tập trung chủ yếu ở biển Đông, nếu kiểm soát được khu vực sẽ giúp Trung Quốc khẳng định được bá quyền. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ làm việc không ngừng nghỉ nhằm theo đuổi các mối quan hệ kinh tế và chính trị tốt đẹp với Washington. Washington, đến lượt mình, sẽ chống lại các bước đi của Bắc Kinh nhằm thống trị khu vực, thậm chí ngay cả khi Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề khác nhau. Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông hay bán đảo Triều Tiên, sẽ là vũ đài trung tâm cho mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn này. Con đường trở thành bá chủ bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc – vì sự bất định xung quanh tương lai của Triều Tiên – là khó khăn và hoàn toàn không rõ ràng nếu so sánh với biển Đông, nơi mà Trung Quốc chỉ phải đối mặt với một khối các quốc gia tương đối yếu và bị chia rẻ, trong đó mạnh nhất là Việt Nam. Vì thế biển Đông, hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, một lần nữa lại là ví dụ cho cái giá của sự suy giảm sức mạnh của Hoa Kỳ, hay thậm chí là việc rút một phần lực lượng của Mỹ khỏi các căn cứ quân sự. Biển Đông cho thấy rõ Hoa Kỳ có thể cung cấp cái gì cho thế giới khi nó đang gặp rủi ro, đồng thời cũng cho thấy điều tồi tệ nào có thể xảy ra với thế giới, xét về phương diện không quân và hải quân, khi thế giới trở nên thực sự đa cực.

Bời vì Hoa Kỳ đang thống trị Tây bán cầu, và cũng có dư sức mạnh để cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu, cho nên Hoa Kỳ không chỉ gìn giữ hoà bình (mặc dù đâu đó vẫn xuất hiện các cuộc chiến tranh nhỏ) mà còn bảo vệ các tài sản chung mang tính toàn cầu, ở đây là các tuyền đường hàng hải tạo điều kiện cho thương mại quốc tế. Nếu không có các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ, toàn cầu hoá như chúng ta biết hiện nay là bất khả thi. Sự kiện là Nga vẫn đang mắc kẹt trong những nỗ lực nhằm xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ở Đông và Trung Âu; sự kiện là Trung Đông cho tới nay ít nhất là đã tránh được những cuộc thảm sát theo kiểu Holocaust; sự kiện là Ấn Độ và Pakistan đã không xảy ra chiến tranh tổng lực trong hàng thập kỷ, và cũng chưa bao giờ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình; sự kiện là Bắc Triều Tiên gần như đe doạ tấn công tổng lực Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng chưa bao giờ dám thực sự làm như vậy; tất cả phần lớn đều là do chiếc ô an ninh toàn cầu của Hoa Kỳ. Những quốc gia nhỏ và dễ bị tổn thương như Israel hay Grudia có thể tồn tại được là do các hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ. Chính nhờ các lực lượng không quân và hải quân được triển khai trên khắp thế giới mà nền ngoại giao Hoa Kỳ mới có sức mạnh như hiện nay và sử dụng sức mạnh này để ủng hộ dân chủ cũng như những xã hội tự do hơn trên toàn thế giới. Quá trình cắt giảm sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ sẽ làm cho thế giới – đặc biệt là biển Đông – trở thành khác hẳn hiện nay.

Hoa Kỳ đang cố gắng buộc Trung Quốc phải trung thực: bằng việc hạn chế thái độ quá khích của Trung Quốc dựa vào những tấm bản đồ của họ, buộc giới ngoại giao và hải quân của Trung Quốc phải hành động một cách phù hợp về mặt pháp lý. Điều này không có nghĩa là các hành động của Hoa Kỳ là hoàn toàn trong sạch và Trung Quốc là côn đồ. Ví dụ, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động do thám Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nhưng họ sẽ khó chấp nhận nếu bị một cường quốc đối thủ nào đó như thế gần vùng biển của mình. Không phải những giá trị dân chủ của Hoa Kỳ, mà sức mạnh nhằm đối đầu với Trung Quốc mới mang lại nhiều lợi ích hơn cho các quốc gia ở biển Đông. Chính sự cân bằng quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giữ cho Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore được tự do. Và bên trong môi trường tự do đó, chủ nghĩa khu vực, dưới vỏ bọc là ASEAN, có thể trỗi dậy như là một quyền lực riêng. Dù sao, quyền tự do đó không phải là do tạo hoá ban cho. Vì cuộc đối đầu có phần gay gắt vẫn đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – mà thế bế tắc đã tạo ra một loạt các vấn đề phức tạp, từ chiến tranh mạng cho tới chiến tranh thương mại, từ cải cách tiền tệ cho tới theo dõi tiềm lực quân sự của nhau – có khả năng đang dần nghiêng về phía Bắc Kinh do sự phát triển kinh tế quá nhanh chóng của nước này (thậm chí ngay cả khi tăng trưởng đã suy giảm), cùng với là lợi là Trung Quốc nằm ở trung tâm của Đông Á và Tây Thái Bình Dương.

Andrew F. Krepinevich, giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessment - CSBA) ở Washington, tin rằng các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang dần dần bị “Phần Lan hoá” bởi Trung Quốc, có nghĩa rằng các nước này sẽ duy trì được độc lập trên danh nghĩa, nhưng cuối cùng vẫn sẽ đi theo các quy tắc đối ngoại do Bắc Kinh thiết lập. Ông chỉ ra rằng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) coi mạng lưới chiến tranh của Hoa Kỳ - “dựa chủ yếu vào các vệ tinh và mạng Internet để định vị mục tiêu, phối hợp tấn công, dẫn hướng cho các loại bom thông minh và nhiều nhiệm vụ khác” – như là gót chân Achilles của Hoa Kỳ. Người Trung Quốc, cũng theo Andrew, năm 2007 đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, và cũng được cho là đã sử dụng laser để làm mù tạm thời các vệ tinh của Hoa Kỳ, cũng như đã tiến hành tấn công trên không gian mạng vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong suốt nhiều năm qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có nhiều loại tên lửa đối hạm, tên lửa đạn đạo và các vũ khí chống xâm nhập/chống tiếp cận khác, có khả năng được sử dụng nhằm kiềm chế các căn cứ quân sự tiền phương của Hoa Kỳ ở châu Á. Theo Mark Helprin, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Claremont ở California (Claremont Institute), “Trung Quốc đang sở hữu khả năng tốt nhất của mình” trong việc dùng các vệ tinh thông thường cũng như nhiều loại vệ tinh nhỏ hơn, hay mạng lưới các hệ thống định vị tín hiệu theo thời gian thực trên không, trên bộ cũng như dưới mặt biển để định hướng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn” có thể tấn công các tàu sân bay của Hoa Kỳ. Mục tiêu không phải là gây chiến, mà là để sắp xếp lại lực lượng sao cho, Đài Loan và thậm chí là cả khu vực Tây Thái Bình Dương, ngày càng không còn tin rằng lực lượng quân sự Hoa Kỳ có đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mất tín nhiệm sẽ làm cho các liên minh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương suy yếu. Thực vậy, quá trình Phần Lan hoá Đông Nam Á có thể là mảng tối trong thế giới đa cực về mặt quân sự.

Đa cực về quân sự thực sự sẽ có lợi cho quốc gia có vị thế địa chính trị trung tâm ở khu vực mà ta đang nói tới: cụ thể là Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Nếu vị thế quân sự là tương đương nhau, thì địa lý và dân số sẽ tạo ra lợi thế. Nói cách khác, một châu Á đa cực xét về mặt quân sự sẽ là một châu Á bị Trung Quốc thống trị. Và sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á sẽ khác hoàn toàn với sự thống trị của Hoa Kỳ. Vì Trung Quốc không nằm cách khu vực này nửa vòng trái đất, mà trên thực tế là người tổ chức về kinh tế, dân số và địa lý của cả khu vực, sự thống trị của Trung Quốc đương nhiên là sẽ có tính áp đảo hơn hẳn. Đó là còn chưa nói tới chế độ [chuyên chế -cắt] của Trung Quốc, mặc dù không khắc nghiệt như nhiều chính thể độc tài khác – và có trình độ hơn hẳn đa số các chính thể độc tài - nhưng vẫn không thể mềm mỏng như mô hình cai trị của Hoa Kỳ, đến lượt nó mô hình này phần nào quyết định phong cách đế quốc của nước Mỹ.

Nhưng, không được nhầm lẫn giữa hệ thống đa cực quân sự với cân bằng quyền lực. Vì cân bằng quyền lực ở châu Á đòi hỏi sự vượt trội về quân sự của Hoa Kỳ nhằm bù đắp cho các ưu thế về mặt địa lý, dân số và kinh tế của Trung Quốc. Điều này cũng không nhất thiết có nghĩa là ưu thế quân sự của Hoa Kỳ đang suy giảm nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây. Trên thực tế, uy thế quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á có thể chống đỡ được quá trình suy giảm này, ngay cả khi có sự cắt giảm ngân sách trong tương lai, một khi các lợi thế rõ ràng của Hoa Kỳ so với quân đội Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng vẫn được duy trì. Chính yếu tố này sẽ giúp duy trì cân bằng quyền lực.

Hệ thống đa cực hoạt động ổn thoả về mặt ngoại giao và kinh tế. Rõ ràng là vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á cuối cùng sẽ dựa nhiều vào sự sẵn sàng tham gia vào các mối quan hệ thương mại tự do mới hay tham gia “hoàn toàn” vào các thể chế kinh tế đa phương ở khu vực, vì Đông Á là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới. Chỉ khi tự thâm nhập sâu hơn vào nền thương mại khu vực thì Hoa Kỳ mới có đủ lợi ích để tiếp tục bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Tây Thái Bình Dương. Thế nhưng hệ thống đa cực hoàn toàn trong tất cả lĩnh vực sẽ biến Biển Đông thành Caribê của Trung Quốc và đến lượt nó đặt Trung Quốc vào vị thế kẻ thống trị ở cả Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong hệ thống thương mại Á-Âu, chủ yếu là hàng hải, việc Trung Quốc là người dẫn đầu có thể được chấp nhận, với điều kiện là hải quân Hoa Kỳ vẫn hiện diện trong vai trò cân bằng cán cân quyền lực.


Kết luận toàn diện nhất về khung cảnh địa chính trị mới ở châu Á không phải đến từ Washington hay Bắc Kinh, mà là từ Canberra. Trong một bài viết dài 71 trang nhan đề Chuyển dịch quyền lực: Tương lai của Australia giữa Washington và Bắc Kinh (Power Shift: Australia’s Future between Washington and Beijing), Giáo sư Hugh White, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia (Australian National University) và là một cựu nhân viên phân tích tình báo của chính phủ, đã mô tả đất nước ông như là một cường quốc muốn giữ “nguyên trạng”: một quốc gia đang hết sức muốn châu Á giữ nguyên hiện trạng, với việc Trung Quốc đang tiếp tục tăng trưởng, để Australia có thể buôn bán ngày càng nhiều hơn với nước này, và nước Mỹ vẫn tiếp tục là “siêu cường mạnh nhất ở châu Á,” trở thành “người bảo vệ cuối cùng” của Australia. Nhưng như White nói, vấn đề ở đây là hai việc trên không thể xảy ra cùng một lúc. Châu Á không thể tiếp tục thay đổi về mặt kinh tế mà không thay đổi về mặt chính trị và chiến lược. Cụ thể, nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế như dự báo (cho dù với một tốc độ thấp hơn nhiều), thì quốc gia này sẽ thay thế Hoa Kỳ để trở thành quốc gia thịnh vượng nhất (không phải theo thu nhập bình quân đầu người), và theo lẽ tự nhiên, sẽ không hài lòng với sự thống trị về mặt quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á.

Giáo sư White nhận xét rằng, cái được cho là đã tạo ra hàng thập kỷ tràn đầy hạnh phúc ở châu Á - những thứ mà chúng ta cho là hiển nhiên - thực chất là một “phần của chiến lược ngoại giao tuyệt vời” mà Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger là kiến trúc sư. Nixon và Kissinger tới Bắc Kinh vào năm 1972 để ký thoả thuận với lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, theo đó “Nước Mỹ sẽ thôi công nhận chính phủ dân quốc ở Đài Loan là chính phủ đại diện cho toàn Trung Quốc…Đổi lại, Trung Quốc chấm dứt cạnh tranh với Hoa Kỳ ở châu Á và ngừng ủng hộ những cuộc nổi dậy của cộng sản ở khu vực [ít nhất với một mức độ tương đương nhau]”. Trung Quốc cũng được Hoa Kỳ bảo vệ trong cuộc đấu tranh chống lại Liên Xô, cũng như bảo đảm chống lại nước Nhật đang trỗi dậy về kinh tế. Điều này đã giúp cho Trung Quốc trong một vài năm sau đó có đủ môi trường an ninh để tự do hoá nền kinh tế, tạo ra lợi ích to lớn cho toàn thể khu vực. Hoà bình đã nằm trong tầm tay, và hiện nay các quốc gia ở Đông Nam Á – những quốc gia “bị bỏ mặc” trước đây – sẽ bùng nổ về mặt kinh tế.

Việc Trung Quốc, dưới thời Đặng Tiểu Bình, từ bỏ mô hình kinh tế Marxist vào năm 1979 đã tạo điều kiện cho quốc gia này hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tuy có trễ hơn phương Tây gần một thế kỷ. Một khi đã làm như thế, dân số khổng lồ của Trung Quốc đảm bảo cho đất nước trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, làm cho môi trường an ninh ở châu Á hiện nay hoàn toàn khác so với một môi trường có phần hoà bình mà Nixon và Kissinger đã tạo dựng.

Vậy, hiện nay Trung Quốc muốn gì? White thừa nhận rằng Trung Quốc có thể mong muốn một đế quốc kiểu mới tại châu Á, tương tự như những thứ mà Hoa Kỳ đã gây dựng ở Tây Bán Cầu, như Washington đã từng đảm bảo được sự thống trị của mình ở Caribê (Trung Quốc tin rằng họ phải thống trị ở biển Đông). Đế quốc kiểu mới này ở Tây Bán Cầu, theo lời White, có nghĩa là các lân bang của Hoa Kỳ sẽ “không ít thì nhiều có thể tự điều hành quốc gia của họ”, thậm chí Washington còn khẳng định rằng các quan điểm của mình đã “hoàn toàn được thừa nhận” và đã đi trước “tất cả các quốc gia khác ở bên ngoài Tây Bán Cầu”. Rắc rối của mô hình này là Nhật Bản, nước này sẽ không chấp nhận bá quyền của Trung Quốc, dù là bá quyền mềm mỏng đến đâu. Còn lại là mô hình “Cân bằng quyền lực ở châu Âu” (Concert of Europe) thế kỷ XIX, trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ hay có lẽ thêm một hoặc hai quốc gia khác sẽ là đóng vai trò cân bằng lẫn nhau tại châu Á. Nhưng, hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có chấp nhân mô hình này hay không vì Washington liên kết sự ổn định và thịnh vượng của châu Á với uy thế của chính mình. White cho rằng trước một Trung Quốc đang ngóc đầu dậy, từ đây trở đi sự thống trị của Hoa Kỳ có thể đồng nghĩa với một châu Á bất ổn. Sự thống trị của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên khái niệm cho rằng vì Trung Quốc là nhà nước toàn trị, nên quốc gia này sẽ hành động một cách “không thể chấp nhận được ở bên ngoài.” Nhưng White cho rằng lập luận đó có thể không đúng.

Nói cách khác, trong tương lai, Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc mới chính là vấn đề. Chúng ta, đặc biệt là giới trí thức và phóng viên, dường như đang quan tâm một cách thái quá về bản chất nội tại của chế độ ở Trung Quốc. Nhưng chế độ đó có thể dễ dàng hành động một cách cứng rắn ở trong nước, nhưng đồng thời vẫn rất có trách nhiệm ở nước ngoài – một lý do nữa giải thích vì sao sự trỗi dậy của châu Á có thể xa lạ với những người theo chủ nghĩa văn thuộc mọi thành phần. Như tôi đã nói, mục tiêu của Hoa Kỳ phải là cân bằng, chứ không phải thống trị. Trong mọi trường hợp, bởi vì trong vòng bốn thập kỷ tới, châu Á sẽ có thể trở nên kém an ninh hơn bốn thập kỷ trước đây, White cho rằng Australia có thể sẽ phải “chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và xây dựng một lực lượng quân sự có năng lực hơn”. Điều tương tự cũng đúng đối với tất cả các quốc gia ở châu Á. Biển cả sẽ đầy các loại vũ khí.


Sức mạnh hải quân được sử dụng vào việc gì? Trong nửa đầu thế kỷ XXI, Biển Đông có thể trả lời cho công chúng Hoa Kỳ câu hỏi này. Trong một thời gian dài hải quân Hoa Kỳ đã tìm cách giải thích các nhiệm vụ của mình cho công chúng: tại sao hải quân lại chi hàng trăm tỷ USD để mua hàng trăm tàu chiến mà người dân bình thường chưa bao giờ thấy – trừ khi họ sống gần căn cứ quân sự - hay thậm chí chỉ được đọc trên các tờ báo. Trong thập kỷ trước, có rất nhiều bài báo viết về lục quân tham gia vào những cuộc chiến tranh như ở Afghanistan hay Iraq. Những thử thách hay khổ cực mà lục quân phải chịu đựng ám ảnh giới truyền thông: lực lượng thuỷ quân lục chiến cũng vậy, vốn được xây dựng để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ đường biển, nay đã trở thành một lực lượng tham gia vào các cuộc chiến tranh trên bộ tại Trung Đông. Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi khi hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq kết thúc, và quá trình trỗi dậy liên tục của Trung Quốc làm cho môi trường an ninh Đông Á trở thành khác trước và ít ổn định hơn. Và bởi vì châu Á chủ yếu là không gian hàng hải, điều này sẽ giúp cho hải quân Hoa Kỳ tìm được các sứ mệnh hấp dẫn mà lực lượng này dường như còn thiếu. Nhưng câu hỏi là, liệu sứ mệnh ấy có xuất hiện đúng lúc nhằm giúp các quốc gia ở Biển Đông – trung tâm hàng hải của Đông Á – không bị Phần Lan hoá hay không? John Morgan, phó Đô đốc hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, lo ngại rằng nước Mỹ, với các khoản cắt giảm về mặt ngân sách quốc phòng sắp tới, sẽ vướng phải “sai lầm lớn về mặt hàng hải.” Đó chính là việc lực lượng hải quân Hoa Kỳ bị cắt giảm đúng vào thời điểm lịch sử, khi mà thế giới đang cần sức mạnh hải quân đó cân bằng quyền lực, giúp các quốc gia như Đài Loan hay Việt Nam được tự do. Việc giúp Việt Nam phòng thủ về mặt quân sự không được công chúng ưa thích, đặc biệt khi nhắc tới lịch sử của Hoa Kỳ với Việt Nam trong thế kỷ XX. Nhưng chính tự do sẽ là thứ mà một quốc gia như Việt Nam sẽ đưa lên thành biểu tượng, và điều này là quan trọng cho tương lai của chính nước Mỹ. Một lần nữa, không chỉ có các giá trị của chúng ta mới quan trọng, mà quan trọng là sức mạnh quân sự có khả năng hỗ trợ cho các giá trị ấy.

Đúng là, trong các vấn đề quốc tế, đằng sau mọi vấn đề về đạo đức chính là vấn đề quyền lực. Can thiệp nhân đạo ở Balkans vào những năm 1990 xảy ra là do chính quyền Serbia không phải là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, khác với chính quyền Nga, trong cùng thời điểm đó đã vi phạm tội ác quy mô lớn như thế ở Chechnya và phương Tây đã không có bất kỳ phản ứng nào; cũng như phương Tây đã không làm gì để chống lại các vụ thanh trừng sắc tộc ở Caucasus do khu vực đó thuộc ảnh hưởng của Nga. Ở Tây Thái Bình dương trong những thập kỷ tới, đạo đức trong trường hợp này có nghĩa là từ bỏ một số giá trị tốt đẹp nhất của chúng ta để đổi lấy ổn định. Chúng ta sẽ phải làm như thế nào để chừa chỗ cho một nước Trung Quốc bán chuyên chế, trong khi năng lực quân sự của nó tăng lên? (nếu nước này không bị sụp đổ về xã hội và kinh tế ngay từ bên trong thì lực lượng quân sự của họ sẽ tiếp tục bành trướng). Vì tự thân cân bằng quyền lực còn là công cụ duy trì dự do tốt hơn cả các giá trị tự do của phương Tây. Đó cũng sẽ là một bài học của biển Đông trong thế kỷ XXI – điều mà những người theo chủ nghĩa nhân văn không bao giờ muốn chấp nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét