FB Thọ Nguyễn
18-11-2018
Suốt mấy tuần qua, giá xăng dầu ở Đức tăng vọt, không phải
vì dầu thô đắt, mà vì các con sông đều cạn đến sát đáy, mọi xà lan chở xăng dầu
bó tay. Mùa hè qua châu Âu khô nóng, hạn hán nhất kể từ khi con người biết thống
kê thời tiết. Mùa đông đã đến mà mưa vẫn quá ít. Chuyển bằng xe bồn làm cho mỗi
lít xăng tăng thêm 12 cents, mỗi lít dầu sưởi tăng 18 cents. (May mà tiều phu
đã thôi sưởi dầu từ 2014).
Hàng triệu con chim từ Bắc Âu bay về phương nam tránh rét, từ
hai năm nay đã dừng lại ở Đức và Trung Âu. Chúng không cần phải bay về Địa
Trung Hải nữa. Nhìn hình ảnh những con cò thẩn thơ trên cồn cát sông Rhein, dưới
nắng ấm mùa đông, tôi thấy đằng sau sự thơ mộng đó là bóng dáng của thiên nhiên
đang bị hủy diệt.
Sông Rhein năm nay
khô cạn chưa từng thấy
Rồi niềm vui nhỏ đến từ một bài báo. Hãng Lufthansa phải bảo
dưỡng một máy bay Airbus A-380 tại sân bay Munich. Nhưng xưởng bảo dưỡng ở đó
bé quá, phần đuôi của chiếc A380 phải thò ra ngoài. Người ta tính lấy bạt nylon
che cửa cho khỏi lạnh. Để tiết kiệm sưởi cho tòa xưởng khổng lồ này, mái của nó
được thiết kế bằng kính cách nhiệt để tận dụng năng lượng mặt trời. Tất cả các
cửa và cửa kính cũng vậy, có joăng cao su kín bưng. Tiếc ánh sáng mặt trời và
nhiệt lượng sưởi bị mất qua tấm bạt đó, người ta nghĩ ra một sáng kiến. Hai
cánh cửa lùa bằng kính cách nhiệt, mỗi bên khoét một lỗ bán nguyệt, có joăng
cao su khít với cái eo thon thả của nàng A-380 được chế tạo ngay trong vòng mấy
ngày. Chưa biết giá thành của bộ cửa này có đắt hơn tiền thất thoát sưởi qua tấm
bạt trong những ngày máy bay ở đó hay không, nhưng ai cũng bảo: Quan trọng là
tiết kiệm từng KW sưởi, và từ nay Munich có giường mát-xa cho các nàng chân dài
A-380.
Hai cánh cửa lùa cách
nhiệt có joăng cao su được chế tạo để bảo đảm không tiêu hao năng lượng sưởi
trong những ngày nàng A-380 chân dài vào đây mát xa.
Người ta đã ý thức được rằng: Mỗi việc làm của con người đều
tiêu tốn tài nguyên. Nhưng không thể không sống, không phát triển. Vấn đề chính
là phải tiết kiệm tối đa tài nguyên. Nếu không nhân loại sẽ bị tiêu diệt bởi nạn
tàn phá môi trường, trước khi xóa được các tai họa khác như độc tài, phát xít
hay chiến tranh.
Tiết kiệm tài nguyên ngày nay đã trở thành vấn đề đạo đức. Mỗi
người phải tự coi lãng phí tài nguyên là ăn cắp sự sống của thế hệ sau. Người
có đạo đức không bao giờ cho phép so bì với kẻ cắp. Khí quyển, đại dương, khí hậu
là của cả nhân loại, không biên giới. Vì vậy chớ nhìn sang kẻ khác mà nghĩ rằng,
nó lãng phí sao mình lại tiết kiệm.
Hôm rồi, lão Gauland, chủ tịch đảng cực hữu AfD của Đức chỉ
sang nước Mỹ mà nói rằng:
– Mỹ chiếm 17% tiêu thụ năng lượng toàn cầu mà còn rút ra khỏi
thỏa thuận Paris thì Đức với 2% nhằm nhè gì mà vừa mới từ bỏ hạt nhân xong giờ
lại định bỏ cả điện than”.
Trump thì bảo: Trung Quốc tiêu thụ tới 22% năng lượng toàn cầu
sao méo ai chửi nó!
Cái trò kẻ cắp này chỉ kẻ cắp khác để so bì, chỉ tăng tốc cỗ
xe đang lao trên con đường “Xuống hố cả nút”.
Tháng 9.2014 tạp chí National Geographic có công bố một chuỗi
hình ảnh mô phỏng: Nếu băng ở hai cực tan hết thì thế giới sẽ ra sao “What the
World Would Look Like if All the Ice Melted” (1).
Khi đó mực nước biển sẽ tăng 216 Feets = 71m. Có nghĩa là
toàn bộ Đồng bằng Nam Bộ, trong đó có Sài Gòn biến mất, hòa cùng với Biển Hồ của
Campuchia. Toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ chỉ còn sống bằng ngư nghiệp. Từ thủ đô mới
Phú Thọ, chính phủ Việt Nam lên quy hoạch xây cảng nước sâu Hà Nội để đón tàu
biển vạn tấn từ cảng Bắc Kinh sang. Tàu cập bến, các cháu thiếu nhi Trung Quốc
hát vang “Việt nam Trung Hoa biển liền biển, sông thi cạn nông”. Còn Thượng Hải,
Hồng Kông, Mã Cao, Thẩm Quyến sẽ thành các vỉa san hô và cơ sở nuôi rong biển.
Khi đó nước Mỹ mất toàn bộ bán đảo Florida. Các thành phố lớn
New York, Washington, Boston, Los Angeles, San Francisco, Seattle đều sủi tăm.
An ủi cho bà con Việt kiều ở Sacramento là thành phố biến thành đảo, trở thành
thủ phủ của California.
Ở Châu Âu thì các nước Hà-Lan, Bỉ và 3 nước Pribaltic bị xóa
sổ. Các nước có bờ biển đều bé đi. Bác nào ở Berlin thì nên đổi xe BMW lấy vài
cái thuyền thúng. Nga và Ukraine trở lại yêu nhau vì Crime chỉ còn là vài cồn
cát.
Xem video YouTube:
Với sự phá hoại như hiện nay, người ta tính rằng chỉ 5000
năm nữa, con người sẽ làm tan được hết băng ở Bắc cực và Nam cực. 5000 năm,
nghe yên tâm quá.
Nhưng đó là với mức phá hoại hiện nay, khi mà bình quân tiêu
thụ năng lượng quy ra dầu lửa/năm của một người Mỹ là 6,8 tấn, một người Đức là
3,9 tấn, một người Trung Quốc là 2,1 tấn, một người Ấn Độ 0,5 tấn, một người Việt
0,7 tấn (2).
Giả sử cả Trump và Merkel đều bắt dân mình phải giữ mức tiêu
thụ đó trong tương lai xa, trong khi một người Trung Quốc chỉ cần tiến tới tiêu
thụ như một người Đức, một người Ấn sẽ tiêu thụ như một người Trung Quốc, một tỷ
người châu Phi cũng sẽ tiêu thụ năng lượng ngang một tỷ người Hoa thì tốc độ
phá hoại sẽ tăng vọt.
Tiều phu chắc chỉ gần 2000 năm nữa là con người hoàn thành
nhiệm vụ đưa mực nước biển dâng lên 71m. (Phép tính này chỉ mô phỏng vì dầu lửa
sẽ hết trong vòng vài chục năm nữa. Dù loài người sẽ dùng các dạng năng lượng
khác, mức tiêu thụ sẽ quy theo công thức 1 lít dầu tạo ra 9,8kWh điện).
Trước đó rất lâu, khi nước biển chỉ mới dâng lên 3-4 m, thì
tranh chấp Biển Đông coi như được hóa giải. Cả Paracels và Spratley đều sẽ bị
xóa tên trong tương lai không xa, nếu nguyên tắc suy bì của kẻ cắp cứ ngự trị.
Thằng cha nào đùn cho con cháu đòi lại hai quần đảo này quả
là khôn hơn rận và đểu hơn Tào Tháo.
Cò phương bắc bay về
miền nam tránh rét, nay thường dừng lại ở các vùng ven sông hồ của Đức, vì mùa
đông ở đây đã ấm lên.
Bản đồ mô phỏng châu
Á khi băng tan hết, mực nước dâng lên 71m. Sài Gòn, Phnom Penh, Bangkok,
Rangoon, Hongkong, Bắc Kinh, Thượng Hải đều chìm nghỉm. Nguồn: National
Geographic 2014
Florida biến mất. Các
thành phố lớn New York, Washington DC, Boston, New Orleans, Houston, San
Francisco, LA v.v… cũng chìm hết. Nguồn: National Geographic 2014
—————–
(1) https://www.nationalgeographic.com/magazine/2013/09/rising-seas-ice-melt-new-shoreline-maps/
(2) https://de.wikipedia.org/wiki/Liste_der_Staaten_mit_dem_h%C3%B6chsten_Energieverbrauch
(2) https://de.wikipedia.org/wiki/Liste_der_Staaten_mit_dem_h%C3%B6chsten_Energieverbrauch
Môi trường
Những thủ phạm
FB Thọ Nguyễn
23-11-2018
Tiếp theo phần 1
Vốn chỉ là thợ điện tử nên tôi không dám coi các bài viết của
mình là công trình khoa học. Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi cảm nhận qua cuộc sống
hoặc đọc được ở nơi khác. Mong các bạn bỏ qua các lỗi nhỏ kiểu như nhầm cò với
sếu.Dù sao thì việc loài chim không còn phải về Bắc Phi tránh mùa đông là một
thảm họa sinh thái không thể chối cãi.
Ở nhiều nước châu Âu, kẻ nào phủ nhận tội ác của Đức Quốc xã
gây ra cho người Do Thái sẽ bị truy tố (1). Nếu coi tàn phá thiên nhiên là tội
ác, thì cũng phải khởi tố những kẻ phủ nhân biến đổi khí hậu. Đáng tiếc là con
người tham lam vẫn tìm cách làm ngơ vấn đề này để tiếp tục hưởng thụ. Hơn nữa,
vẫn còn 3% các nhà khoa học coi hiện tượng trái đất nóng lên là quá trình tự
nhiên. Trong khoa học, số đông không thể là chân lý. Cứ cho là 3% này có lý, dựa
theo những giả thiết về thời kỳ băng hà hay kỷ Jura. Nhưng cái chết của loài
người đâu chỉ tại băng tan. Trước khi chết đuối, con cháu chúng ta sẽ chết vì ô
nhiễm không khí, vì kim loại nặng trong nước nguồn, vì bụi siêu nhỏ, vì nạn túi
ny-lon hủy hoại các đại dương, vì nạn a-xit hóa nước biển, vì các đập thủy điện
đang làm chết các dòng sông, vì đa dạng sinh học bị thu hẹp….
Nhìn những khuôn mặt sáng sủa đang khoái khẩu món óc khỉ hay
thịt chồn, nhìn các đại gia đang hạnh phúc mơ về sự hồi dương bởi chén rượu sừng
tê, tôi chắc họ không nghĩ tới đa dạng sinh học. Họ chỉ cần biết rằng, bất cứ động
vật, sinh vật gì thiên nhiên đã tạo ra, đều cần thiết cho sự cân bằng sinh
thái, dù là một côn trùng hôi hám hay một cây cỏ dại. Nước Úc mỗi năm mất hàng
trăm triệu đô-la để ngăn chặn thỏ rừng vì không có loài thú nào ăn thịt thỏ.
Ngược lại, nguy cơ loài ong bị chết dẫn đến mất mùa diện rộng đang ám sảnh các
nhà nông học. Vậy mà họ đã nhậu đến con hổ, con sư tử, con tế giác cuối cùng của
Việt Nam. Hậu quả nhường lại cho con cháu.
Tàn phá thiên nhiên không chỉ do những kẻ phủ nhận biến đổi
khí hậu, do những kẻ thích nội thất đồ sộ bằng gỗ lim, hay những kẻ khoái nhậu
thú hoang dã gây ra. Hàng tỷ con người vô ý thức, từ người nông dân nghiện thuốc
trừ sâu, khoái phân hóa học, từ người nuôi thủy sản nghiện thuốc kháng sinh hoặc
những bà nội trợ nghiện túi ny-lon đi chợ, … tất cả đang nỗ lực đưa loài người
đến chỗ chết.
Nhưng sự phá hoại lớn nhất lại là chính sách phát triển kinh
tế xã hội, được hoach định bởi những kẻ hay nói về bảo vệ thiên nhiên. Nhiều nước,
tuy đã ký vào các công ước Kyoto 1997 hay thoả thuận Paris 2015, tức là bày tỏ
quyết tâm chống biến đổi khí hậu, vẫn đưa ra đường lối kinh tế chống lại các thỏa
thuận đó. Tuần trước tạp chí Nature Communication vừa công bố một nghiên cứu
nêu rõ nhiều nước đang thi hành các mục tiêu kinh tế mà hậu quả là nhiệt độ thế
giới năm 2100, sẽ tăng lên 5,1°C, so với mục tiêu 2°C hoặc 1.5°C đã được cam kết
tại Paris (2). Bản đồ mô phỏng mục tiêu nhiệt độ của từng nước, từ mầu sáng đến
đỏ đậm (xem ảnh 1) cho thấy:
1- Các nước xứ lạnh tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các nước
nhiệt đới (phần vì sưởi mùa đông).
2- Các nước càng giàu có càng tiêu thụ nhiều hơn. Châu Phi
chậm phát triển hầu như không đốt nóng trái đất.
3- Trung Quốc, Nga, Canada, vùng Trung Á và các xuất khẩu dầu
mỏ (có cả Venezuela) đang ở mức hâm nóng quả đất thêm 5,1°C.
4- Nước Mỹ, nhờ chính sách sử dụng năng lượng xanh từ thời
Obama, nhờ giảm công nghiệp chế tạo nên đã xuống mức 4°C. Các nước Tây Âu, Nhật
Bản đi sớm hơn về bảo vệ môi trường nên đã đạt khoảng 3°C, tuy còn xa mục tiêu
2°C.
5- Điều đáng nói nhất là Việt Nam, dù mật độ công nghiệp chỉ
bằng 1 góc Trung Quốc, nhưng cũng nằm trong nhóm top “Nung khí quyển” với
5,1°C. Canada hay Nga lạnh buốt xương, có lý do để lấp liếm. Trung Quốc chẳng cần
phải xấu hổ: Tao sản xuất cho cả thế giới, ai làm gì được tao?
Việt Nam vừa nghèo, vừa ít công nghiệp, lý giải thế nào cho
sự phá hoại khủng của mình?
Để giải thích sự vô lý này, tiều phu tìm cách so sánh chính
sách kinh tế/môi trường của Việt Nam và Đức, cả hai đều là quê hương. Số liệu từ
bài trước cho thấy: Một người Đức hiện đang tiêu thụ số năng lượng quy ra dầu
là 3,6 tấn trong năm, trong khi một người Việt chỉ có 0,7. Nhưng trong 3,6 tấn
của Đức có tới 50-55 % là năng lượng không gây khói, kể cả điện hạt nhân. Đến
năm 2020, hết hạt nhân thì tỷ lệ năng lượng tái tạo phải nâng lên tương ứng.
Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện của Đức có hiệu suất và tiêu chuẩn khí thải
cao hơn nhiều các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam. Dân chúng ở Việt Nam, bất kể gần
nhà máy nhiệt điện nào, cũng khổ sở vì khói, đó là chưa kể bụi than và nạn tro
xỉ. Nhìn những hình ảnh ống khói Formosa hay Vĩnh Tân, đọc nỗi khổ của người
dân địa phương, có người tuy ghét Karl-Marx, vẫn trích câu nói của ông để tỏ
lòng: “Chỉ có loài thú mới quay mặt đi trước nỗi đau của đồng loại“.
Đó chỉ là nhà máy điện, chưa kể hàng ngàn loại nhà máy cơ
khí, xi măng, nhà máy đường,… toàn công nghệ China, làm gì có tiêu chuẩn khí thải
nào.
Nước Đức có khoảng 45 triệu xe hơi, trong khi quê choa chỉ
có khoảng 1,5 triệu chiếc, nhưng 45 triệu xe máy. Với chất lượng xe thấp tè và
cứ đi 300 m lại dừng, lại tắc, lại rồ ga, đứng ở đèn đỏ cứ phải vê ga, với lối
sống ngày ra đường chục lần, đi mua bao thuốc cũng xe máy thì chắc chắn một cái
xe máy Việt tống khí thải nhiều hơn một cái xe ô con Đức, còn chiếc xe ô-tô con
ở VN sẽ thải nhiều hơn chiếc xe loại sang của Đức.
Những cột điện vừa phi dê vừa búi tó ở khắp nơi chỉ là bề nổi
của mạng điện duy nhât có ở Việt Nam. Kích thước dây, cách đấu nối, các loại biến
áp, đang gây tổn hao từ 10%-15% điện năng cho các máy lạnh. Thế là khói nhà máy
điện vốn đã đen lại phải đen hơn 15% nữa. Đó là chưa kể đa số các căn nhà ở Việt
Nam không xây cho máy điều hòa. Tường con kiến, cửa sổ 1 lớp, không kín joăng,
đang gây thất thoát khí lạnh kinh khủng. Trong khi đó ở Đức, chính phủ khuyến
khích, hỗ trợ kinh phí để dân làm nhà cách nhiệt, làm cửa kính 3 lớp, lắp lò sưởi
tái thu nhiệt để tiết kiệm hơi ấm. Trong khi Đức khuyến khích mọi nhà lắp pin mặt
trời để bổ sung cho lưới điện quốc gia từ hơn 20 năm nay thì ở Việt Nam, EVN vẫn
gây khó dễ trong việc mua lại điện của dân.
Còn rất nhiều ví dụ nói lên sự khác biệt giữa hai xã hội, một
nước mà đảng xanh là chính đảng lớn thứ hai, đang chi phối chính sách quốc gia
và một nước mà đi biểu tình bảo vệ cây xanh bị côn đồ hành hung. Vì vậy mà nước
Đức đi từ chỗ có màu đỏ đặc như Trung Quốc, đang chuyển sang mầu vàng nhạt trên
bản đồ. Còn Việt nam, từ chỗ sáng sủa như các nước Châu Phi chưa phát triển,
nay chuyển sang mầu đỏ đậm. Đau ở chỗ: Nước Đức khi xả khí thải ở mức 5,1°C đã
là một cường quốc công nghiệp. Việt Nam dù chơi đến 6°C thì vẫn là một nước
đang phát triển.
Khí thải không chỉ đến từ công nghiệp hay xe cộ, mà còn từ
nông nghiệp, từ rác thải…. Đọc các bài báo về những núi rác thải khổng lồ, bốc
mùi xa hàng chục cây số, về những dự án xử lý rác mà mục tiêu chính là xử lý tiền,
chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự phẫn nộ của người dân ở Yên Phong, Bắc
Ninh hay ở Nam Sơn, Hà Nội.
Ở đâu tạo ra khí thải thì ở đó cũng phải có đủ rừng để hóa
giải. Về mặt này châu Âu, Bắc Mỹ đã thấm và họ trồng rừng rất nhiều, thậm chí
quá nhiều như miền tây nước Mỹ. Ở ta thì ngược lại. Khi làm phụ đề phim „Việt
Nam, mảnh đẹp dễ vỡ“ (3) tôi đã sốc khi nhìn bức ảnh về diện tích rừng Việt Nam
trước chiến tranh 1945 và hiện nay. Sốc, không phải vì bom B52, Napalm hay chất
độc Da cam. Mọi tác hại của chúng đều đó có thể tưởng tượng ra. Sốc vì thấy rừng
ở Miền Bắc, tuy không bị chiến tranh hủy diệt, lại bị tàn phá nặng hơn cả rừng
Trường Sơn (xem ảnh 2). Đó là “nhà nước và nhân dân cùng làm“, không bị ai xúi
giục cả.
Hai bản đồ l từ bộ phim Đức “Việt Nam, vẻ đẹp dễ vỡ” cho thấy
rừng Việt Nam trước 1945 và hiện nay. Điều đáng nói là miền Bắc không bị chiến
tranh hủy diệt, nhưng rừng Việt Bắc và Tây Bắc bị phá gần hết.
(3) Phim có phụ đề tiếng Việt https://www.youtube.com/watch?v=l3KNH38OX9Y
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét