Nguyễn Minh Quang
30 tháng 4 năm 2022
Phần dẫn nhập
Tân Châu và Châu Đốc - 2 trong 21 trạm thủy học chánh ở hạ lưu vực sông Mekong [1] – là cửa ngỏ để sông Mekong chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL). Đây là 2 trạm thủy học quan trọng của ĐBSCL, vì thế mực nước ở 2 trạm nầy được người Pháp đo đạc hàng ngày kể từ thập niên 1920s và sau đó được Ủy Ban Mekong chọn làm trạm thủy học chánh trong hệ thống trạm thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong kể từ cuối thập niên 1950s (Hình 1). Để cho đỡ rườm rà, bài viết nầy chỉ dùng mực nước kể từ năm 1979 đến nay được lấy từ trang web của Ủy hội Sông Mekong [2]; tuy nhiên, thời gian nầy cũng đủ dài để bao gồm những thay đổi quan trọng trong lưu vực, nhất là việc xây cất các đập thủy điện trong hạ lưu vực ở Việt Nam và Lào và thượng lưu vực ở Trung Hoa.
Trước năm 2002, mực nước trong mùa mưa tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc thường dao động ở cao độ từ +4,0 đến +5,0 m. Kể từ năm 2003, cao độ của mực nước sông Mekong trong mùa mưa hạ thấp dần và chỉ lên đến +2,63 m ở Tân Châu và +2,46 m ở Châu Đốc trong năm 2021. Trong mùa khô, mực nước tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc thường dao động ở cao độ +0,6 đến +0,8 m; nhưng kể từ năm 2001, cao độ của mực nước sông Mekong tại 2 trạm nầy hạ xuống +0,29 m rồi tiếp tục giảm đến -0,37 m ở Tân Châu và -0,43 m ở Châu Đốc trong năm 2021. Đây là một hiện tượng khác thường mà bài viết nầy sẽ cố gắng để tìm một giải thích hợp lý.
Hình 1. Hệ thống trạm thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong [1]
Ảnh hưởng của chuỗi đập thủy điện Vân Nam ở Trung Hoa
Trong những năm gần đây, nhất là sau nghiên cứu của Eyes on Earth [3] và phân tích của Trung tâm Stimson [4], một số người đã “lên án” chuỗi đập thủy điện Vân Nam ở Trung Hoa vì cho nó là nguyên nhân của những ảnh hưởng tiêu cực ở hạ lưu vực Mekong, kể cả gây ra hạn mặn ở ĐBSCL [5,6]. Họ lên án thủy điện, có lẽ vì không nắm được nguyên tắc của thủy điện: trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô; do đó, một đập thủy điện làm giảm lưu lượng/mực nước sông trong mùa mưa và làm tăng lưu lượng/mực nước sông trong mùa khô ở hạ lưu. Ảnh hưởng nầy giảm dần khi đi về phía hạ lưu và có thể bị chi phối bởi điều kiện thủy học ở hạ lưu.
Hình 2. Mực nước hàng ngày trong sông Mekong tại Chiang Saen, Thái Lan từ năm 1979 đến 2021.
Ảnh hưởng của chuỗi đập thủy điện Vân Nam ở Trung Hoa có thể được nhận thấy rõ rệt ở trạm thủy học Chiang Sean, Thái Lan, cửa ngỏ vào hạ lưu vực sông Mekong. Mực nước cao nhất trong mùa mưa tại trạm nầy giảm từ +10,38 m trong năm 2002 xuống +6,57 m trong năm 2021; trong khi mực nước thấp nhất trong mùa khô tăng từ +0,88 m trong năm 2004 đến +1,88 m trong năm 2021 (Hình 2). Đây là một thí dụ điển hình về ảnh hưởng thủy học của các đập thủy điện đối với mực nước sông ở hạ lưu.
Ảnh hưởng của các đập thủy điện ở Lào và Việt Nam
Hình 3. Mực nước hàng ngày trong sông Mekong tại Kratie, Cambodia từ năm 1999 đến 2021.
Ảnh hưởng của các đập thủy điện ở Trung Hoa, Lào và Việt Nam được đánh giá bằng cách cứu xét mực nước sông Mekong tại trạm thủy học Kratie ở Cambodia (Hình 3). Mực nước tại trạm nầy cho thấy ảnh hưởng lẫn lộn của các đập thủy điện ở thượng lưu và điều kiện thủy học ở hạ lưu. Mặc dầu mực nước cao nhất trong mùa mưa, nói chung, có khuynh hướng giảm từ +22,86 m trong năm 2002 xuống +18,51 m trong năm 2021; nhưng lại gần bằng hay vượt quá +22,86 m trong năm 2011 (22,88 m), 2013 (22,69 m), 2014 (22,79 m) và 2019 (22,73m). Mực nước thấp nhất trong mùa khô tại trạm nầy không bi ảnh hưởng bởi các đập thủy điện ở thượng lưu vì chúng không tăng mà vẫn giữ ở khoảng +7 m. Mực nước thấp nhất trong những năm 2014, 2017, 2018 và 2019 cao hơn là do lưu lượng trong những năm nầy cao hơn trung bình.
Mực nước hàng ngày trong sông Mekong tại trạm thủy học Neak Luong, Cambodia (Hình 4) cũng giống như mực nước tại trạm thủy học Kratie. Mực nước cao nhất trong mùa mưa giảm từ +8,12 m trong năm 2000 xuống +5,48 m trong năm 2021; nhưng lại gần bằng +8,12 m trong năm 2011 (+8,06 m), 2013 (+7,65 m), 2014 (+7,25 m) và 2019 (+9,96 m). Cũng giống như trạm Kratie, mực nước thấp nhất trong mùa khô tại trạm nầy cũng không bị ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng lưu; ngoại trừ những năm 2014, 2017, 2018 và 2019, mực nước thấp nhất trong mùa khô cao hơn mực nước các năm khác vì lưu lượng trong các năm nầy cao hơn lưu lượng trung bình.
Hình 4. Mực nước hàng ngày trong sông Mekong tại Neak Luong, Cambodia từ năm 1999 đến 2021.
Mực nước sông Mekong ở trạm thủy học Tân Châu và Châu Đốc
Mực nước cao nhất trong sông Mekong trong mùa mưa tại 2 trạm thủy học Tân Châu và Châu Đốc không giống như mực nước cao nhất tại trạm Kratie và Neak Luong, chúng có khuynh hướng giảm rõ rệt kể từ năm 2000. Mực nước giảm từ +5,06 m (Tân Châu) và +4,89 m (Châu Đốc) trong năm 2000 xuống +2,63 m (Tân Châu) và +2,51 m (Châu Đốc) trong năm 2021; ngoại trừ các năm 2011 (+2,77 m ở Tân Châu và +2,24 m ở Châu Đốc), 2013 (+4,33 m ở Tân Châu và +3,72 m ở Châu Đốc), 2014 (+3,71 m ở Tân Châu và +2,95 m ở Châu Đốc) và 2019 (+3,46 m ở Tân Châu và +3,14 m ở Châu Đốc).
Mực nước thấp nhất trong sông Mekong trong mùa khô tại 2 trạm thủy học Tân Châu và Châu Đốc cũng không giống như mực nước thấp nhất ở trạm Kratie và Neak Luong mà giảm đều đặn từ năm 2000 (+0,74 m ở Tân Châu và +0,73 m ở Châu Đốc) đến năm 2005 (-0,23 m ở Tân Châu và -0,26 m ở Châu Đốc) và xuống đến mức thấp nhất trong năm 2021 (-0,37 m ở Tân Châu và -0,43 m ở Châu Đốc). Đây là một hiện tượng thủy học, mà cho đến nay, chưa có một giải thích thỏa đáng. Theo Phúc trình Lụt Mekong Hàng năm từ 2015 đến 2018 [7-10], lưu lượng trung bình hàng năm của sông Mekong tại Tân Châu và Châu Đốc từ năm 1980 đến 2014 là 539 km3, trong khi lưu lượng trong năm 2015 là 236 km3, 2016 là 292 km3, 2017 là 420 km3, và 2018 là 465 km3. Lưu lượng trong những năm 2015-2018 đều thấp hơn lưu lượng trung bình từ 1980-2014 có thể giải thích một phần vì sao mực nước thấp nhất trong mùa khô tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc giảm đều đặn kể từ năm 2001.
Đáy sông Mekong sâu hơn do khai thác cát
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào được công bố về chiều sâu của sông Mekong ở ĐBSCL. Chỉ có một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ [11] cho biết rằng sông Tiền (dài 250 km) và sông Hậu (dài 200 km) ngày càng sâu thêm, trong khoảng 20 gần đây, 2 sông nầy sâu thêm từ 5 đến 7 m.
Bài báo kèm theo bản đồ cho thấy trước năm 2008, sông Tiền có chiều sâu từ 3 m đến 10 m; đến năm 2016, chiều sâu nầy tăng lên 8 m đến 14 m, và có nơi sâu hơn 14 m như ở cầu Mỹ Thuận. Chiều sâu của sông Hậu trước năm 2008 thay đổi từ 3 m đến 8 m; đến năm 2016, chiều sâu nầy tăng lên 7 đến 17 m. Thay đổi độ sâu của sông chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng làm cho mực nước tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc hạ thấp từ năm 2001.
Vị trí trên sông Tiền và Hậu có chiều sâu sâu hơn trước. [Nguồn: Chi cục Đường thủy Nội địa phía Nam/Tấn Đạt]
Phần kết luận
Trước năm 2001, mực nước cao nhất trong sông Mekong tại 2 trạm thủy học Tân Châu và Châu Đốc – cửa ngỏ vào ĐBSCL – thường vượt quá +4,0 m. Nhưng kể từ năm 2001, nó thường thấp hơn +4,0 m và ở mức +2,63 m ở Tân Châu và 2,46 m ở Châu Đốc trong năm 2021. Mực nước thấp nhất ở 2 trạm nầy thường dao động ở cao độ +0,6 đến +0,8 m. Nhưng kể từ năm 2001, mực nước thấp nhất tại 2 trạm nầy giảm xuống +0,29 m trong năm 2001 rồi tiếp tục giảm đến -0,37 m ở Tân Châu và -0,43 m ở Châu Đốc trong năm 2021.
Qua việc phân tích mực nước hàng ngày của sông Mekong tại các trạm thủy học Chiang Saen ở Thái Lan – cửa ngỏ vào hạ lưu vực sông Mekong, Kratie và Neak Luong ở Cambodia, và Tân Châu và Châu Đốc ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng lưu đối với mực nước thấp nhất giảm dần rồi biến mất, rõ nhất ở Chiang Saen (tăng từ +0,88 m trong năm 2004 đến +1,78 m trong năm 2021) và không còn ở Kratie và Neak Luong (mực nước không thay đổi).
Cho đến nay, vẫn chưa có một giải thích thỏa đáng cho việc hạ thấp của mực nước trong sông Mekong tại Tân Châu và Châu Đốc kể từ năm 2001. Có điều chắc chắn là nó không chịu ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng lưu. Theo một số dữ kiện hạn chế của Ủy hội Sông Mekong tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc, lưu lượng ở 2 trạm nầy đều thấp hơn lưu lượng trung bình hàng năm từ năm 1980 đến 2014 có thể giải thích một phần. Nhưng chiều sâu của sông sâu hơn đáng kể do việc khai thác cát chắc chắn là một trong những yếu tố góp phần làm hạ thấp mực nước trong sông Mekong tại 2 trạm nầy kể từ năm 2001.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.
Tài liệu Tham khảo
[1] Mekong River Commission and Ministry of Water Resources of China. October 2016. Technical Report - Joint Observation and Evaluation of the Emergemcy Water Supplement from China to the Mekong River. Mekong River Commission, Vientiane, Lao PDR. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Final-Report-of-JOE.pdf
[2] Mekong River Commission. 1979-2020. Mekong River Monitoring. Mekong River Commission. https://www.mrcmekong.org/
[3] Alan Basist and Claude Williams. April 10, 2020. Monitoring the quantity of water flowing through the upper Mekong basin under natural (unimpeded) conditions. LMI Sustainable Infrastructure Partnership, Bangkok April 2020. https://www.pactworld.org/Monitoring%20the%20quantity%20of%20water%20flowing%20through%20the%20Upper%20Mekong%20basin%20under%20natural%20%28unimpeded%29%20conditions
[4] Brian Eyler and Courtney Weatherby. April 13, 2020. “New Evidence – Hoa China Turned Off the Tap on the Mekong River.” Stimson. https://www.stimson.org/2020/new-evidence-how-china-turned-off-the-mekong-tap/
[5] Ngô Thế Vinh. 23 tháng 3 năm 2020. “Vũ khí giải cứu Mekong: Chất xám và tiếng nói.” Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/vu-khi-giai-cuu-mekong-chat-xam-va-tieng-noi/
[6] Nguyen Tuan Khoa. 4 tháng 4 năm 2021. “Bênh vực tộc ác thủy điện Vân Nam cũng là một tội ác.” Bauxite Việt Nam. https://boxitvn.blogspot.com/2021/04/benh-vuc-toi-ac-thuy-ien-van-nam-cung.html
[7] Mekong River Commission. February 2018. Annual Mekong Flood Report 2015. Mekong River Commission. Vientiane, Lao PDR. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/AMFR-2015.pdf
[8] Mekong River Commission. February 2018. Annual Mekong Flood Report 2016. Mekong River Commission. Vientiane, Lao PDR. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/AMFR-2016.pdf
[9] Mekong River Commission. September 2019. Annual Mekong Flood Report 2017. Mekong River Commission. Vientiane, Lao PDR. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Annual-Mekong-Flood-Report-2017.pdf
[10] Mekong River Commission. June 2020. Annual Mekong Hydrology, Flood, and Drought Report 2018. Mekong River Commission. Vientiane, Lao PDR. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/amhr_2018.pdf
[11] Vân Trường. 16 tháng 8 năm 2016. “Vì sao sông Tiền, sông Hậu sâu bất thường?” Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/vi-sao-song-tien-song-hau-sau-bat-thuong-1155532.htm
https://mekong-cuulong.blogspot.com/2022/05
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét