Việt Nam xếp gần cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022
RFA
03/5/2022
Người dân đứng xem báo Hà Nội Mới ở Hà Nội hôm 21/4/2020 /AFP
Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 do Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố ngày 3/5 xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với thứ hạng này, Việt Nam có tăng một bậc so với chỉ số năm ngoái.
Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170.
Trong thông cáo báo chí phát đi nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, RSF nhận định rằng tình trạng phân cực trong lĩnh vực truyền thông tăng gấp hai lần do thực trạng hỗn loạn thông tin. Thực tế phân cực tạo nên chia rẽ trong chính các nước cũng như phân cực giữa các quốc gia ở cấp độ quốc tế.
Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 của RSF nêu rõ những tác động tệ hại của không gian thông tin mạng toàn cầu hóa và không theo qui định dẫn đến khuyến khích đưa tin giả và tuyên truyền.
Thông cáo cho biết tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, các chỉ số được dựa trên căn bản khảo sát định lượng về những vụ vi phạm , lạm dụng quyền tự do báo chí đối với các phóng viên và giới truyền thông; song song đó là căn cứ chất lượng dựa trên đánh giá của hằng trăm chuyên gia về tự do báo chí theo bảng câu hỏi được RSF đưa ra. Bảng với 123 câu hỏi được cập nhật nhằm có được đánh giá tốt hơn về những thách thức mới gồm những thách thức liên quan đến số hóa truyền thông.
Truyền thông Việt Nam vẫn bị cho là chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Giới phóng viên và các bloggers độc lập thường bị bỏ tù khiến Việt Nam thuộc nhóm bỏ tù nhà báo nhiều nhất đứng hàng thứ ba thế giới.
Thống kê của RSF cho thấy có chừng 40 nhà báo đang bị giam cầm tại những nhà tù vốn tiếng là ngược đãi tù nhân ở Việt Nam. Trong số những người đang bị cầm tù có những người thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhóm Báo Sạch và bà Phạm Đoan Trang.
Theo bảng xếp hạng năm 2022 về Chỉ số Tự do Báo chí của RSF, Việt Nam đứng trên Trung Quốc, Myanmar và Bắc Hàn.
Công ty Nhật Bản ký hợp đồng xuất khẩu khí hoá lỏng với tập đoàn Việt Nam
03/5/2022
Logo của công ty Jera ở văn phòng công ty tại Tokyo, Nhật Bản hôm 14/7/2017 /Reuters
Công ty Jera của Nhật Bản vừa ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Sovico của Việt Nam để xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) cho các dự án nhiệt điện khí ở Việt Nam. Lễ ký được thực hiện dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 1/5 vừa qua tại Hà Nội. Báo chí Nhật Bản loan tin.
Theo thông báo của Jera hôm 3/5, hai bên cũng dự định sẽ lập liên doanh xây dựng nhà máy nhiệt điện khí tại Việt Nam.
Hồi tháng ba vừa qua, Jera cũng thiết lập một chi nhánh của Jera tại Việt Nam là Jera Energy Vietnam Co. Công ty này có trách nhiệm phát triển các dự án điện khí tại Việt Nam.
Jera là công ty sản xuất nhiệt điện lớn nhất của Nhật Bản và là nhà nhập khẩu khí hoá lỏng lớn nhất thế giới.
Jera đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999 với nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2-2.
Sovico của Việt Nam là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tài chính, hàng không, chuyển đổi số, năng lượng và phát triển đô thị.
Công an Việt Nam phủ nhận bắt ca sĩ đường phố người Nga vì phản đối Putin
Ca sĩ người Nga Propisnov Alexander hát trên đường phố Đà Lạt
Facebook/RFA edided
Báo chí Nhà nước Việt Nam hôm 3/5/2022 đồng loạt lên bài phủ nhận việc công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ ông Propisnov Alexander, một ca sĩ đường phố người Nga vì biểu ngữ phản đối chiến tranh và phản đối Tổng thống Nga Putin.
Trước đó, vào ngày 2/5, mạng Facebook ở Việt Nam lan truyền hình ảnh và thông tin ca sĩ người Nga đang hát trên đường phố Đà Lạt với một tấm biển phản đối Nga xâm lược Ukraine thì bị công an bắt đi.
Báo Lâm Đồng dẫn lời Công an Thành phố Đà Lạt cho biết, qua công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương, Công an thành phố phát hiện thị thực và hộ chiếu của ông Propisnov Alexander đã hết hạn.
Trong khi đó, ông này vẫn tới lưu trú tại các cơ sở trên địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua nên vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại được quy định tại Nghị định số 144 năm 2021 của Chính phủ, vì vậy cơ quan chức năng đã mời ông lên làm việc.
Cũng theo tờ báo này, ông Propisnov Alexander đã nhận thức được bản thân vi phạm về quy định thị thực và chấp hành di chuyển xuống thành phố Hồ Chí Minh để hoàn tất các thủ tục gia hạn hộ chiếu, thị thực theo quy định.
Công an Đà Lạt cũng phủ nhận việc cơ quan chức năng bắt ca sĩ đường phố người Nga tại Quảng trường Lâm Viên do ông này căng biểu ngữ phản đối Nga xâm chiếm Ukraine.
Hình ảnh lan truyền trên mạng Internet cho thấy, ông này đang cầm đàn guitar bên bờ hồ và bên cạnh là tờ giấy A4 với nội dung bằng tiếng Anh "Chấm dứt chiến tranh. Dừng Putin lại", và "Người Nga không phải là Putin".
Ông Alexander qua ứng dụng nhắn tin cho RFA biết, hiện nay ông vẫn ổn:
"Họ bắt giữ tôi trong hai giờ bởi vì tôi phải đợi thị thực mới ở Sài Gòn, tôi tuân thủ theo quy định của Việt Nam nên đã đi Sài Gòn. Việc chỉ có vậy thôi."
Khi được hỏi là công an có đề cập gì đến biểu ngữ phản đối chiến tranh của ông, thì ca sĩ người Nga cho hay, "Họ nói rằng họ không hoan nghênh hoạt động chính trị của những người ngước ngoài".
Việt Nam là quốc gia toàn trị do chỉ duy nhất một đảng Cộng sản lãnh đạo, thường ít dung thứ đối với các hoạt động chính trị khác biệt với Đảng Cộng sản kể cả ôn hòa.
Trung Quốc vượt Việt Nam, trở thành nước xuất khẩu gỗ hàng đầu vào Mỹ
Công nhân đánh bóng đồ gỗ tại một xưởng đồ gỗ ở Hà Nội
Reuters
Sau khoảng một năm đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu nhiều đồ gỗ vào thị trường Mỹ nhất, Việt Nam mới đây đã bị Trung Quốc thay thế vị trí số một này, theo thống kê của Furniture Today.
Số liệu thống kê của Furniture Today cho thấy, năm 2021, Trung Quốc xuất khoảng 9,117 tỷ đô la đồ gỗ vào thị trường Mỹ tăng hơn 24% so với năm trước đó. Việt Nam xuất 9,1 tỷ đô la, tăng 23% so với năm 2020.
Cả Trung Quốc và Việt Nam mỗi nước đều nắm khoảng 31% thị phần gỗ thế giới.
Đại dịch COVID-19 năm 2021 được cho là có tác động đến ngôi vị của Việt Nam và Trung Quốc trong xuất khẩu gỗ vào Mỹ.
Trang tin Furniture Today trích lời ông Terry McNew - Tổng giám đốc Klaussner Home Furnishings nhận định việc Việt Nam phải phong toả trong tháng 8 và 9 năm ngoái đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gỗ vào Mỹ. Tuy nhiên, năm nay đến lượt Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng khi nhiều thành phố của nước này cũng bị phong toả vì đại dịch và Chính phủ Trung Quốc tiếp tục chính sách Không COVID.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét