Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ tư 04 tháng 5 năm 2022

Võ Thái hà tổng hợp

Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo giữa lúc Hàn Quốc sắp có tân tổng thống 

Reuters 

Truyền hình Hàn Quốc loan tin Triều Tiên phóng tên lửa hôm 4/5/2022.

Truyền hình Hàn Quốc loan tin Triều Tiên phóng tên lửa hôm 4/5/2022. 

Triều Tiên vừa bắn tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía đông hôm 4/5, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, khoảng một tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phát triển lực lượng hạt nhân “với tốc độ nhanh nhất có thể”, theo Reuters.

Cuộc thử nghiệm vũ khí này được biết là cuộc thứ 14 của Triều Tiên trong năm nay diễn ra vài ngày trước khi tổng thống mới của Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol, nhậm chức vào ngày 10/5.

Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết họ đã phát hiện vụ phóng vào khoảng giữa trưa tại khu vực Sunan của thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, nơi có sân bay quốc tế.

Tên lửa đã bay khoảng 470 km (292 dặm) đến độ cao tối đa 780 km (485 dặm), JCS cho biết.

“Một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của không chỉ bán đảo Triều Tiên mà còn cả cộng đồng quốc tế”, JCS cho biết trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi Triều Tiên dừng ngay các hành động như vậy.

Văn phòng của cả tổng thống sắp mãn nhiệm và sắp nhậm chức của Hàn Quốc đều lên án mạnh mẽ vụ phóng này, với nhóm của ông Yoon quyết sẽ đáp trả nghiêm khắc các hành động đó và đưa ra “các biện pháp răn đe kiên quyết hơn”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng báo cáo về một vụ phóng tên lửa đạn đạo nghi do Triều Tiên thực hiện.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki định lượng tầm bắn của tên lửa này là 500 km (311 dặm) và độ cao tối đa của nó là 800 km (497 dặm). Ông cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn đang phân tích dữ liệu để xác định loại của nó.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói với các phóng viên rằng: “Hành động gần đây của Triều Tiên, bao gồm các vụ phóng tên lửa thường xuyên, là không thể dung thứ, vì nó gây ra mối đe dọa đối với an ninh và an toàn của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Mỹ muốn Hội đồng Bảo an biểu quyết chế tài Triều Tiên 

Reuters 

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên 

Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc biểu quyết trong tháng này để trừng phạt Triều Tiên thêm vì tái tục các vụ phóng phi đạn đạn đạo, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield, tuyên bố ngày 3/5.

Tháng trước, Mỹ truyền tay một bản thảo nghị quyết sơ khởi trong hội đồng gồm 15 thành viên đề nghị cấm thuốc lá và giảm phân nửa lượng dầu xuất khẩu sang Triều Tiên cũng như đưa vào danh sách đen nhóm tin tặc Lazarus.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu phản đối gia tăng chế tài đối với việc Bình Nhưỡng trong tháng 3 phóng một phi đạn đạn đạo liên lục địa, vụ phóng thử đầu tiên từ năm 2017 tới nay.

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần 9 phiếu thuận để thông qua và không có phủ quyết bởi Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh hay Mỹ.

“Chúng tôi có kế hoạch xúc tiến nghị quyết đó trong tháng này,” đại sứ Linda Thomas-Greenfield cho biết.

Mỹ là chủ tịch của Hội đồng Bảo an trong tháng 5.

Triều Tiên bị các chế tài của Liên hiệp quốc từ năm 2006. Nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tăng cường chế tài Bình Nhưỡng để cắt nguồn tài trợ cho các chương trình võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên.

Nhưng Triều Tiên đã ‘né’ thành công một số chế tài của Liên hiệp quốc, theo các nhà giám sát độc lập, những người báo cáo hồi tháng 2 rằng các cuộc tấn công tin tặc trong lĩnh vực trao đổi tiền ảo đã mang về cho Bình Nhưỡng hàng trăm triệu đô la.

Thủ tướng Campuchia kêu gọi chính quyền Myanmar cho phái viên ASEAN tiếp cận bà Suu Kyi 

03/5/2022 

Reuters 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. 

Thủ tướng Campuchia vừa hối thúc tướng lãnh cấp cao nhất của Myanmar cho phép đặc phái viên Đông Nam Á tiếp cận nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, theo Reuters.

Thủ tướng Hun Sen, chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói trong một cuộc gọi qua video nói với ông Min Aung Hlaing rằng điều quan trọng là đặc phái viên phải gặp tất cả các bên liên quan ở Myanmar, bao gồm cả bà Suu Kyi, người trong những tháng gần đây đã bị kết tội tham nhũng và xúi giục.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi ông Min Aung Hlaing lãnh đạo cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân cử của bà Suu Kyi cách đây 15 tháng.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia nói về lời kêu gọi của ông Hun Sen: “Thủ tướng nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc đặc phái viên có thể gặp gỡ tất cả các bên liên quan ở Myanmar ... nhằm tạo môi trường thuận lợi để bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị toàn diện”.

Ông Min Aung Hlaing đáp lại “cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp với các bên liên quan”, tuyên bố cho biết, và chính quyền Myanmar đang tạo điều kiện cho việc phân phối viện trợ nhân đạo.

Người phát ngôn của nhà cầm quân Myanmar không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

ASEAN đã cấm các tướng lĩnh của Myanmar tham dự các cuộc họp quan trọng, bao gồm hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Hoa Kỳ, cho đến khi quân đội của họ chấm dứt các hành động thù địch, cho phép đối thoại và tiếp cận nhân đạo.

Lời kêu gọi trên của Hun Sen đưa ra sau chuyến đi đến Myanmar vào tháng 3 của đặc phái viên Prak Sokhonn, ngoại trưởng của ông Hun Sen.

Sau chuyến đi, ông Prak Sokhonn cho biết ông đã tìm cách tiếp cận với bà Suu Kyi, nhưng bị từ chối.

Fed chuẩn bị tăng mạnh lãi suất

Lần gần nhất Cục Dự trữ Liên bang tăng nửa điểm phần trăm lãi suất, Bill Clinton vẫn còn trong Nhà Trắng trong khi bong bóng chứng khoán dotcom vẫn chưa vỡ. Vào thứ Tư, Fed sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm lãi suất, gấp đôi mức tăng bình thường. Nhiều khả năng nó sẽ mở đầu cho một loạt đợt tăng tiếp theo.

Đồng thời, Fed có thể sẽ thông báo bắt đầu chương trình bán số trái phiếu họ đã mua vào trong thời kỳ đại dịch nhằm chống đỡ cho nền kinh tế. Triển vọng về một chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh đến thị trường, với chỉ số S&P 500 của các công ty lớn của Mỹ giảm gần 15% trong năm nay. Khó khăn kinh tế của Mỹ có thể chỉ mới bắt đầu.

Châu Âu xem xét cấm nhập dầu Nga

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Liên minh châu Âu được cho là đã mua hơn 47 tỷ euro (49 tỷ USD) dầu và khí đốt từ Nga. Vào thứ Tư này, khối sẽ tìm cách giảm nhập khẩu trong tương lai khi đại sứ các nước EU họp thảo luận về gói trừng phạt mới, trong đó có thể bao gồm lệnh cấm nhập dầu Nga.

Lệnh cấm trở nên khả thi hơn sau khi có cái gật đầu từ Đức, nước đã giảm nhập khẩu dầu Nga từ 35% tại thời điểm chiến tranh bắt đầu xuống còn 12%. Nhưng không phải ai cũng vui: Hungary và Slovakia, hai nước phụ thuộc nặng nề vào dầu của Nga, phản đối gay gắt. Lệnh cấm được cho là sẽ cấp miễn trừ cho họ, và có thể sẽ mất vài tháng trước khi thực sự đi vào hiệu lực. Hơn nữa, khí đốt Nga, vốn chiếm tới 40% nguồn cung của EU trong năm 2021, xem ra sẽ không bị đụng tới. Nhưng chỉ lệnh cấm dầu là đủ ảnh hưởng đến người dân châu Âu. Bộ trưởng tài chính Đức Robert Habeck đã nói lệnh cấm sẽ “gây ra một cái giá đắt” cho người châu Âu – dù hầu hết họ sẵn sàng gánh chịu.

Về tình hình tâm lý chung của người Nga

Thoạt nhìn, cuộc sống ở thủ đô Moscow của Nga dường như không thay đổi gì, bất chấp cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt và cô lập đi kèm. Nhưng tâm lý chung lại không sáng sủa như thế. Dù truyền thông nhà nước tuyên bố có hơn 81% người Nga ủng hộ cuộc chiến, thực tế mọi chuyện lại phức tạp hơn.

Thăm dò dư luận đang cho thấy người dân bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền và tâm lý sợ hãi. Một nhóm các nhà xã hội học độc lập cho biết có tới 90% người dân từ chối tham gia các cuộc thăm dò chính trị; với 21% thừa nhận sợ tham gia khảo sát. Nhiều người — có lẽ thậm chí là hầu hết — ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Vladimir Putin, nhưng không rõ tỉ lệ là bao nhiêu. Nghiên cứu độc lập của Trường Kinh tế London đưa ra tỷ lệ ủng hộ chiến tranh vào khoảng 53%. Nhưng nhiều trong số những người ủng hộ, theo nghiên cứu này, ủng hộ đường lối của chính phủ vì làm ngược lại là nguy hiểm và không thoải mái về mặt tâm lý. Đó là hậu quả của hàng thập niên cai trị độc tài của Putin.

Vụ IPO lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ

Vào thứ Tư, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ (LIC), một công ty nhà nước 66 năm tuổi, sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua cổ phần. LIC có khoảng 300 triệu khách hàng: do đó chỉ 3,5% cổ phần của nó là đủ để làm nên vụ IPO giá trị nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ. Chính phủ, vốn cần tiền sau đại dịch và đang thúc đẩy tư nhân hóa, dự kiến sẽ thu về 2,7 tỷ đô la. Ngoài ra nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi nhờ tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan. Một số nhà kinh tế đã gọi cuộc lên sàn này là một “vụ bê bối,” với cáo buộc chính phủ bán cổ phần với “chiết khấu sâu.” Những sự kiện gần đây cũng không ủng hộ cho lắm. Trong đợt IPO lớn nhất trước đó của Ấn Độ vào tháng 11, giá cổ phiếu của công ty fintech Paytm đã sụp đổ ngay sau khi niêm yết.

Bộ trưởng Không quân Mỹ: TQ đang nghiên cứu và thiết kế hệ thống nhằm đánh bại Mỹ

Bộ trưởng Lực lượng Không quân và Vũ trụ Frank Kendall nhận định, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới và đang không ngừng xây dựng quân đội để theo đuổi mục tiêu đó.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/kendall_AFA_crop.jpg

Bộ trưởng Lực lượng Không quân và Vũ trụ Frank Kendall (Ảnh minh họa: Getty Images) 

Ông Frank Kendall nhấn mạnh: “Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc trên mặt đất. Họ có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu.” “Để làm được điều này, về cơ bản họ phải thay thế nước Mỹ.”

Nhận xét của ông Kendall được đưa ra trong cuộc đối thoại ngày 2/5 về tương lai của sức mạnh hàng không và vũ trụ Mỹ với Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington. Tại đây, ông Kendall lưu ý, trong khi Nga hiện đang chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý của quốc tế, thì ĐCSTQ vẫn là mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực.

Ông bày tỏ: “Tôi lo ngại về Trung Quốc hơn là về Nga.”

Ông Kendall giải thích, quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa lực lượng của mình với mục đích rõ ràng là đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương, đồng thời giành được cả quyền bá chủ trong khu vực cũng như khả năng theo đuổi các hoạt động ảnh hưởng toàn cầu.

Ông cho hay, ĐCSTQ đang tập trung nguồn lực vào việc phát triển “khả năng biến đổi” và các lực lượng tên lửa mới, từ đó mang đến cho họ sức mạnh để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, ngăn chặn hiệu quả sự can thiệp của các nước khác vào các kế hoạch xâm chiếm Đài Loan của Trung Quốc.

Ông Kendall cho rằng Hoa Kỳ nên tin vào lời của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình khi ông tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Đại Lục, và không loại trừ việc sử dụng vũ lực.

“Tôi đã có lần phạm sai lầm trong Chiến tranh Lạnh khi không tin những gì Liên Xô đang nói,” ông Kendall tiếp tục. “Hóa ra những gì họ nói chính là điều họ dự định. Tôi nghĩ tình huống tương tự đang diễn ra với Trung Quốc ngay lúc này.”

“Tôi không nghĩ rằng họ quan tâm đến việc mở rộng lãnh thổ rộng lớn, mà quan tâm đến việc đạt được nhiều ảnh hưởng nhất có thể, để từ đó đặt ra các quy tắc cho nền kinh tế,” ông Kendall nói thêm.

Ông Kendall cũng từng phát biểu về vấn đề này tại một phiên điều trần ngày 3/5 của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện liên quan đến tình hình của Lực lượng Không quân và Vũ trụ. Tại sự kiện, ông cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức chiến đấu của Mỹ và đầu tư vào các hệ thống có khả năng phá hoại lực lượng này.

“Họ đang nghiên cứu cách chúng ta chiến đấu… và thiết kế các hệ thống nhằm đánh bại chúng ta.”

Bộ trưởng Không quân cũng nhìn nhận, cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc hồi tháng 7 rất đáng chú ý, bởi khả năng của vũ khí siêu thanh chiến lược này trong việc né tránh hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Cuối cùng, ông Kendall cùng với Tướng quân không gian John Raymond và Tướng không quân Charles Brown đã trình bày một tuyên bố chung trước Ủy ban, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung chiến lược của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc.

Tuyên bố nêu rõ:

“… Thách thức lớn nhất đối với khả năng thực hiện sứ mệnh của Bộ Không quân là chương trình hiện đại hóa quân sự sâu rộng và lâu dài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

“Ngoài việc phát triển khả năng tấn công trong không gian, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tích hợp khả năng không gian vào các hoạt động quân sự của mình để nhắm mục tiêu vào các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ… Cuộc thử nghiệm năm 2021 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tên lửa mang theo vũ khí siêu thanh đã tạo nên một thách thức mới đối với sự ổn định và răn đe chiến lược.”

Ông Kendall kết luận, hiện ông đang tập trung vào việc phát triển khả năng phục hồi giữa các hệ thống của Hoa Kỳ, vì quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào một số lượng nhỏ tài sản có giá trị cao. Theo đó, Bộ Không quân sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt tập trung vào việc tạo ra các hệ thống vũ trụ linh hoạt hơn và tăng khả năng sống sót của lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.

Minh Ngọc

Thủ tướng Ấn Độ công du Paris thắt chặt quan hệ quốc phòng với Pháp

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại trung tâm hội nghị La Nuvola ở Roma, Ý, ngày 30/10/2021. REUTERS - POOL 

Sau Đức và Đan Mạch, hôm nay, 04/05/2022, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Paris, chặng chót của chuyến công du châu Âu trong ba ngày. Quan hệ quốc phòng và đẩy mạnh hợp tác trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương là những chủ đề trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo Pháp - Ấn hôm nay.  

Từ New Delhi, thông tín viênAntoine Guinart cho biết thêm thông tin :   

« Thủ tướng Narendra Modi là vị lãnh đạo chính phủ đầu tiên hội đàm với Emmanuel Macron sau khi ông vừa tái đắc cử tổng thống tháng trước.  

Trước khi rời Đan Mạch tới Pháp, thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố cuộc gặp này sẽ là « dịp để đưa ra chuẩn mực cho giai đoạn sắp tới của quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Ấn » 

Ông Modi cũng gợi lại các mối liên hệ chặt chẽ giữa Pháp và Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng trước tiên là hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng. Pháp vẫn là nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ, đã bán cho nước này 36 chiến đấu cơ hồi năm 2016. Nhưng chuyến thăm Paris của ông Narendra Modi có phần nào bị mất vui, do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp Naval hôm qua (03/05) thông báo sẽ rút khỏi cuộc đấu thầu cho dự án đóng 6 tầu ngầm quy ước cho hải quân Ấn Độ.  

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực chủ chốt mà Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đang cố gắng bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình.»

Belarus tập trận đột xuất khiến Ukraina lo ngại

Các bệ phóng tên lửa khai hỏa trong cuộc tập trận chung giữa Belarus và Nga tại trường bắn Brestsky, Belarus. 04/02/2022. AP 

Thụy My 

Belarus, nước láng giềng đồng minh của Nga, hôm nay, 04/05/2022, đã bất ngờ tiến hành một cuộc tập trận « để kiểm tra khả năng phản ứng của quân đội » , theo bộ Quốc Phòng nước này.  

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Belarus nói rằng các đơn vị quân đội sẽ tập luyện khả năng « đặt vào tình trạng cảnh báo, tiến về những khu vực đã xác định trước và thực tập tác chiến ». Cũng theo thông cáo trên, mục đích cuộc trắc nghiệm này là « đánh giá việc chuẩn bị và khả năng phản ứng nhanh chóng trước một cuộc khủng hoảng », và đây là một cuộc tập trận « đột xuất ».

Bộ Quốc Phòng Belarus còn đăng hình ảnh các đoàn xe, trong đó có những chiếc xe tăng, đang chạy trên đường. Theo AFP, cuộc tập trận này được Kiev theo dõi chặt chẽ, do họ đã nhiều lần tuyên bố nghi ngờ Belarus muốn gửi quân sang Ukraina để hỗ trợ cho cuộc xâm lăng của Nga. 

Belarus, được đồng minh Alexandre Loukachenko của Vladimir Putin lãnh đạo với bàn tay sắt từ gần 30 năm qua, được dùng làm hậu cứ, và nơi tiếp vận cho lực lượng Nga tấn công Ukraina. Tuy vậy, sự tham gia gián tiếp vào cuộc xâm lăng Ukraina của Belarus không được sự đồng thuận trong nước. Nhiều vụ phá hoại đã xảy ra từ hai tháng qua, nhất là trong ngành đường sắt, nhiều nghi can đã bị bắt. 

Hồi năm 2020, các phong trào phản kháng lịch sử đã làm rung chuyển đất nước Belarus sau khi ông Loukachenko tái đắc cử, trong một cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận, khiến ông phải cầu viện Putin để đàn áp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét