Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Tết thời bao cấp






Thời bao cấp đã lùi xa hơn 30 năm nhưng với nhiều người từng sống trong giai đoạn đó, đây là cả một miền ký ức không thể nào quên, đặc biệt là những ngày cận Tết Nguyên Đán.
“Tôi nhớ, vào 26 tháng Chạp, không khí mua sắm rất náo nhiệt, tại khu vực quầy bán bánh chưng, có người đàn ông mặc bộ quần áo công nhân màu xanh bạc phếch, đi chiếc xe đạp cũ chở theo cành đào nhỏ. Bác dựng xe bên cột điện, vào bên trong đổi tem phiếu. Hơn tiếng sau, bác hớt hải chạy ra, mặt tái nhợt dáo dác tìm xung quanh.
Vừa tìm bác vừa đưa tay quệt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm. Thấy vậy, vài người hỏi thăm thì biết người công nhân bị trộm rạch túi, lấy hết toàn bộ số tem phiếu thực phẩm. Ngày đó, trên mâm cỗ Tết của mỗi gia đình có được miếng thịt, miếng giò thái mỏng như chiếc lá là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Mất tem phiếu đồng nghĩa với việc các con bác công nhân mất Tết. Trong lúc cùng cực, bác ấy đã bật khóc vì tủi thân" - ông Vĩ chậm rãi nói tiếp.
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề như vậy vì thế ngày Tết được coi là sự kiện trọng đại trong năm. Từ già trẻ, trai gái đều háo hức mong chờ Tết đến để được ăn đồ ngon. Nhiều năm qua đi nhưng đến giờ ông Hùng Vĩ vẫn nhớ như in cảm giác mong đợi Tết khi còn là cậu bé.
"Tết vui nhất là những ngày chuẩn bị mua sắm. Dù phải xếp hàng từ sáng sớm, chen chúc nhau chỉ để mua được hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh gói bánh chưng, vài lạng thịt, miếng bóng bì, ít mì chính, măng khô... Nhưng từng đó thôi cũng đủ khiến mọi người thêm rạo rực, háo hức. Trẻ con thì mong chờ được manh áo mới, được ăn chiếc kẹo đường, bánh quy gai mà cả năm mới được thưởng thức.
Giờ đây, cuộc sống hiện đại, Tết đến nhà nào cũng có “mâm cao cỗ đầy”, vật chất dư thừa, cảm giác sung sướng, mong chờ Tết như vậy cũng mai một dần..." - ông Nguyễn Hùng Vĩ trải lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét